Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

ĐẠO LÝ CÚNG TẾ


ĐẠO LÝ  CÚNG TẾ

Người Việt có tập tục cúng tế trời đất, thần thánh, hay hiến cúng vong linh cha me, ông bà tổ tiên, diễn ra khá phổ biến trong mỗi vùng miền, mỗi địa phương, mỗi dòng tộc và trong gia đình. Về phương diện đạo lý đây là một nghĩa cử rất hay, mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện đức khiêm hạ và lòng biết ơn, nhớ ơn đối với muôn vàn ân đức giúp che chắn và đỡ đần cho con người tồn tại trên cuộc đời. Là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là nếp sống văn hóa của đời sống nhân loại.
Nhận xét cách thái đạo đức của loài người, Đức Phật đánh giá cao lối sống biết ơn và nhớ ơn, xem đây là loại châu báu ở đời. Đức Phật gọi những người biết ơn nhớ ơn là hạng người chân nhân. Còn đối với những người không biết ơn và nhớ ơn là người ác, không phải là chân nhân, là bất nhân. Người biết ơn nhớ ơn là thiện nhân, chân nhân, đạo Phật tán dương đạo lý tri ân và báo ân thể hiện qua việc cúng tế tự mà con người thực hiện trong cuộc đời.
 Có 5 loại hiến cúng: Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư thiên.   Đức Phật hoàn toàn tán đồng và đánh giá cao ý thức cúng tế của con người, tuy nhiên đức Phật cũng không tán  thành hình thức cúng tế, về các loại hình tế đàn. Đức Phật không tán thán các loại tế đàn, trâu bò bị giết, dê cừu bị giết, heo,gà vịt bị giết, các loại sinh vật khác bị giết hại. Các loại tế đàn này liên hệ đến sát sanh Đức Phật không tán thành.
Đức Phật tán thành tế đàn, trong ấy không có trâu bò bị giết, không có các sinh vật khác bị giết. Đức Phật tán thán tế đàn không có sát sanh, tế đàn như vậy mới cầu hạnh phúc cho gia đình, cho làng xóm xã hội.  Như vậy Đức Phật tán thành việc cúng tế theo nghi thức đơn  giản, tuyệt đối không sát hại các sinh vật, không cần đến các hình thức cầu kỳ tốn kém, chỉ đơn thuần giữ một tâm thức thanh tịnh ngưỡng vọng.
 Đức Phật không tán thành loại cúng tế sát hại các sanh linh vì đó là một việc làm mê lầm, một loại ác nghiệp, không những mang lại phiền toái khổ đau cho nhiều người và nhiều sinh vật ngay trong hiện tại, mà còn đưa đến khổ báo trong tương lai nữa.
Tế đàn không tốn kém mà đưa đến quả báo lớn như là: Tế đàn thực hiện bằng cách bố thí rộng rãi và cúng dường cho các bậc tu hành đức độ.
Tế đàn bằng cách góp phần xây dựng nơi chốn tu hành cho các bậc giới đức bốn phương.   Tế đàn bằng cách thực hiện quy y Tam bảo. Tế đàn bằng cách tuân giữ 5 giới cấm. Không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu. Tế đàn bằng cách thành tựu các giới hạnh, tu tập Tăng thượng giới.  Thực hành các Thiền sắc giới. Thực tập Tăng thượng tâm. Thành tựu trí tuệ, thực tập Tăng thượng trí tuệ, hướng đến giải thoát và giải thoát tri kiến.
Đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, đem lại cho không sợ hãi, cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù, đem cho không hại vô lượng chúng sanh. Làm cho chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không bị hại. Đây là nguồn công đức, là nguồn thiện lành dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý hạnh phúc an lạc. Đệ tử đoạn tận lấy của không cho, đoạn tận tà hạnh trong các dục, đoạn tận nói dối, đoạn tận uống rượu. Với các việc đoạn tận, sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu sẽ làm cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không bị hại. Đây là nguồn công đức, là nguồn nước thiện dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý hạnh phúc an lạc.
Như vậy người Phật tử giữ năm giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu thì đã thực thi việc cúng tế tốt đẹp, thi ân lớn cho cuộc đời tạo nên nhiều phúc đức cho mình và cho những người thân yêu của mình, cùng lúc san sẻ nhiều phúc lạc cho vô lượng chúng sanh./.
  ( Trích: VHPG- 1-3-2018 số 292 )

{]{


ĐẠO LÝ CÚNG TẾ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét