Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

HIỂU VÀ BIẾT


HIỂU VÀ BIẾT

  Hiểu và Biết hai trạng thái tâm lý khác nhau. Hiểu là trạng thái bên trong Biết là sự nhìn thấy bên ngoài. Ví như ta thấy một người nào đó tên A tên B cao hay thấp, chỗ ở việc làm v.v... nhưng không ai có thể hiểu hết ý nghĩ tâm tư người ấy được. Có rất nhiều cặp vợ chồng sống chung nhau trọn đời nhưng họ không hiểu hết tâm ý của nhau, huống nữa là người sống xa cách nhau.
  Cũng vậy, đến với đạo trên con đường tu tập, hỏi ra ai cũng biết Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm… kinh Di Đà, kinh Phổ Môn v.v... nhưng hỏi về hiểu các đức Phật, Bồ tát và các thứ kinh thì mù tịt. Chính vì Biết mà không Hiểu nên mọi người tu tập đều thấy bất an không giải thoát. Chúng ta mới nói chứ chưa làm được, “ngôn dị hành nan” nói thì ai cũng nói được nhưng làm thì khó quá, bởi vì Biết chứ chưa Hiểu. Chính vì Biết mà chưa Hiểu nên nảy sinh ra nhiều chuyện đưa đến tranh cải và xúc chạm nhau.. Nếu Hiểu và Biết song hành thì mọi việc êm xuôi, chính lời Phật dạy nếu Hiểu và Biết thực hành đúng thì sự việc thành tích cực, nếu Biết mà Hiểu sai thực hành không đúng thì sự việc trở thành tiêu cực.
Ví như Phật nói mọi sự mọi vật đều vô thường, nhưng người hiểu biết theo chiều tiêu cực, họ nghĩ mọi việc đều vô thường nên họ khởi lòng tham muốn mong cầu. Vị chủ tịch đương nhiệm còn một năm nữa hết nhiệm kỳ, người phó chủ tịch cũng trông một năm nữa ghế chủ tịch mình sẽ được ngồi thế vào. Đứa con thấy cha mẹ già 70, 80 tuổi rồi, thế nào một ngày nào đó cha mẹ chết mình sẽ thừa kế gia tài này. Người đệ tử thấy Thầy mình tuổi trên 70 rồi, một ngày nào đó mình sẽ thừa kế ngôi vị trụ trì.
  Hai hạng người đều hiểu vô thường theo chiều tiêu cực và tích cực khác nhau. Người hiểu vô thường theo chiều tiêu cực, khởi tâm tham muốn dẫn đến sa đọa và đau khổ. Người hiểu vô thường theo chiều tích cực, khởi tâm dứt trừ mọi tham muốn đưa đến giải thoát và chấm dứt sanh tử khổ đau.
   Phật dạy: Quá khứ qua rồi không truy tìm, tương lai chưa đến không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại là chân thật. Đây là pháp quán trong lúc tu tập không cho tâm chạy theo vọng niệm giúp tâm mau vào chánh định. Nếu căn cứ trên tinh thần của pháp quán này mà không để tâm đến mọi việc đã qua và không dự định cho một chương trình sắp đến, thì làm việc gì cũng không thành công. Vì “ ôn cố tri tân” ôn cũ biết mới mọi việc mới dễ thành. Ví như ta nhìn thấy bông hoa đẹp chỉ nhìn thấy cái bông thôi, còn bao nhiêu người chung quanh ta chào hỏi ta, ta không cần thấy không cần nghe, thì mọi việc sẽ rắc rối đến với mình.  Người ta sẽ đánh giá là kẻ vô ân vô nghĩa, hôm trước nó như vậy mà hôm nay nó không thèm nhìn mình v.v..
Hay ta chỉ thưởng thức với ly cà phê buổi sáng, bên cạnh có người la cháy nhà cầu cứu giúp đỡ, ta chỉ biết ta đang hiện hữu với ly cà phê và đang cảm nhận vị ngọt vị đắng của chất liệu ly cà phê, còn tiếng kêu la cầu cứu kia ta không cần để tâm. Như vậy tinh thần tích cực trở thành tiêu cực, hạng người tu tập chỉ biết hiện tại mà không ôn tầm điều đã qua và tương lại không dự định sẽ là thành phần “thực dụng”, chỉ biết thưởng thức, tiêu thụ mà không biết sáng tạo và lao động sản xuất. nói theo kinh là hạng “Tiểu thừa” chỉ biết bản thân mình, vì mình chứ không muốn giúp một ai. Kinh Pháp Hoa nói hạng người thuộc hạt giống bị thúi mầm không còn phát triển được. Hạng người tích cực, là hạng người quên mình vì mọi người, lấy niềm đau của người làm niềm đau của mình, lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui của mình, không nài giản khổ, không quản ngại gian lao, miễn sao mọi người được bình an giải thoát.  Đấy là hạng người tích cực, không phải là kẻ ăn không ngồi rồi.

           BIẾT CHƯA HẲN LÀ HIỂU

   Thiền sư Ô Sào  ngồi trên nhánh cây, Bạch Cư Dị đi kinh lý ngang qua thấy vậy bèn quở: “hết chỗ ngồi hay sao mà ngồi nguy hiểm thế”. Thiền sư Ô Sào đáp: “chính chỗ ngồi của ông mới thật nguy hiểm đó”. Bạch Cư Dị hỏi: Tại sao chỗ ngồi của tôi lại nguy hiểm?   Thiền sư Ô Sào đáp: “ Thủy hỏa tương giao – thức tình không dừng, sao lại không nguy hiểm”. Bạch Cư Dị rất thông minh hiểu liền. Nước mạnh thì lửa phải tắt, Lửa mạnh thì nước phải bốc hơi.  Tính tình cũng vậy luôn luôn thay đổi. Chính sự thay đổi tính tình nên chỗ ngồi nơi quan trường rất nguy hiểm dễ mất mạng như chơi. Quá khứ cũng như hiện tại rất nhiều quan chức phải vào tù và mất mạng.  Bạch Cư Dị lại hỏi tiếp, Thế thì Đại ý của Phật pháp là gì?. Thiền sư đáp: “ Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh ký ý,  Thị chư Phật dạy”  nghĩa là bỏ ác, làm lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy. Bạch Cư Dị trề môi nói. “ câu đó con nít lên ba nó cũng thuộc”. Thiền sư trả lời: “ Đúng, con nít lên ba đều thuộc, nhưng ông già 80 làm chưa xong”. Bạch Cư Dị hiểu cảm thấy thua cuộc, tưởng rằng mình làm quan to chức lớn là có quyền  và sự hiểu biết của mình không ai bằng, không ngờ nói ra câu nào đều bị bẻ gảy câu đó. Thật là Biết chứ chưa Hiểu./.
{]{

HIỂU VÀ BIẾT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét