Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

NGỘ TÂM: CHÁNH TU & TRỢ TU


NGỘ TÂM:  CHÁNH TU & TRỢ TU

Người tu hành muôn ngộ được Bản tâm, hiểu thấu chơn lý phải trải qua bốn giai đoạn sau: Tín, Giải, Hành, Chứng.
Tín là tin, người tu cần phải có lòng tin vững chắc đối với Tam Bảo và đối với pháp môn mình tu.
 Tín có 4 thứ:  Mê tín, Chánh tín, Tự tín, và  Tịnh tín.
 Mê tín là tin theo một cách u mê, ai nói sao nghe vậy, không tư duy, không phân tích, không nhận ra đâu là chánh đâu là tà, đâu là chơn đâu là vọng. Những người mê tín là những người căn cơ bậc thấp, Hiểu giáo lý kém, không hiểu rõ lý đạo, không nắm vững cội nguồn, nên thường bị bạn xấu thầy tà lung lạc, tất dễ bị sai đường lạc bước.
   Chánh tín: Tức niềm tin có dựa trên cơ sở vững chắc, tin một cách chơn chánh đúng đắn. Có hai trường hợp để khởi lòng tin:
a/  Hiểu rồi mới tin: Tức là khi nghe một vấn đề gì, một sự việc gì thì dùng trí suy xét, xong rồi phải chứng nghiệm, có đầy đủ bằng chứng mới tin. Như một vị bác sĩ khi nghe bệnh nhân khai đau phổi thì chưa tin, mà phải soi kiến, thử đàm, tìm ra vi trùng mới quyết đoán được bệnh.
  b/ Tin rồi sẽ hiểu: Trường hợp này nghe qua  hơi lạ, nhưng cũng thật có, vì họ đã gieo trồng cội lành từ nhiều kiếp, đến kiếp này tự nhiên họ khởi lòng tin rồi mới bắt đầu tu tập và tìm hiểu rõ lý sâu mầu của Đạo pháp. Ví dụ như có nhiều đứa trẻ khi sanh ra, đến lúc biết ăn thì không ăn được thịt cá mà chỉ ăn chay lạc, lại có khi cũng nhờ bạn bè hoặc bậc thiện tri thức dắt dìu chỉ bày rồi khởi lòng tin.
 Tự tín: Là tự tin lấy mình, hiểu thông giáo lý, biết mình có tánh phật, tin mình có khả năng tu hành thành Phật. Người kia trượng phu thì ta đây cũng là trượng phu. Nhưng tự tin đây khác với tự cao tự đại, tự mãn. Tự tin là tin mình có khả năng đạt đến quả vị Phật rồi gia công tu tập. Còn tự cao tự đại là tự cho mình đã đủ, đã chứng đạt rồi không cần tu tập nữa, như có nhiều người nghĩ mình có trình độ, đọc qua vài câu thiền rồi tự cho mình đã ngộ, đã là thiền sư, nên họ huênh hoang tự đắc, đi chỉ người này, dạy người kia, rốt cuộc tham sân si vẫn còn đầy dẫy.
 Tịnh tín:  Là tin nơi mình có cõi tịnh độ. Động cũng nơi tâm và Tịnh cũng nơi tâm. Khi hết động rồi trở lại lặng yên đó là Tự tánh Di Đà, Duy tâm Tịnh độ. Nhờ lòng tin hiểu này mà không tìm cầu Phật bên ngoài, chỉ lo tinh tấn tu học, chánh báo thế nào thì y báo cũng thế đó.
 Giải: Là hiểu rõ sự lý, hiểu rõ một cách rõ ràng cùng tột chi tiết, hiểu Tánh và Tướng phân minh. Hiểu rõ  Sự để thực hành, rõ Lý để thông. Nếu hiểu Sự mà không rõ Lý thì bị chướng ngại trên đường tu, vì có nhiều mối nghi làm thối thất Đạo tâm. Còn nếu hiểu Lý suông mà không rõ Sự thì cũng như nói đói mà không ăn thì không làm sao no được. Cuối cùng cũng vẫn mãi lăn lộn trong sanh tư luân hồi không đến quả vị rốt ráo được.
 Hành: là thực hành và áp dụng, đem ngay cái lý mình đã hiểu, đã tin chắc ra thực hành, hạ thủ công phu ngày đêm miên mật, cho đến khi nào, kết quả thành công. Điểm này rất quan trọng trên đường tu tập, đòi hỏi một sự bền chí kiên nhẫn. Phương pháp phát nguyện cũng là một  phương pháp  trợ duyên thêm, tạo thêm động lực cho đường tu tập.
Chứng: Là kết quả cuối cùng, là đã đạt được mục đích, hoàn thành được sứ mệnh của chính mình. Người tu hành khi đã giác ngộ biết mình có Phật tánh nên muốn trở về, muốn thoát ra ngoài vòng tam giới, đặt mục đích vào chỗ cứu cánh rồi gia công tu trì cho đến ngày đạt được, tức là Đáo Bỉ Ngạn là đã chứng đắc vậy.
 Nhập tâm:  Bốn giai đoạn trên đây là căn bản chung cho mọi người, tại gia cũng như xuất gia. Nếu ai thực hành đúng thì được nhập tâm, tức là thể nhập chung hợp vào một khối, như Tánh với Tướng tuy hai, nhưng thể nhập về Bản Thể  chỉ duy nhất có một không hai, không ba.
 Ví như đứa trẻ lên hai bị lạc cha mẹ. Người khác đem về nuôi đến lớn lên không biết đường về, nhờ người chỉ đường tìm về gặp lại cha mẹ mừng rỡ vô cùng, rồi sum họp một nhà, không còn dám lơ lõng để bị đi lạc nữa. Người tu hành khi đã thể nhập vào tự tánh thanh tịnh là chỗ rốt ráo viên mãn thì tâm họ cũng tràn đầy niềm vui gọi là Thường Lạc không bao giờ hết được.
 Trong kinh Pháp Hoa nói: Khai, Thị, Ngộ và Nhập. Đối với việc học Đạo tu hành cũng vậy, trước tiên được thầy khai tâm cho bài học vỡ lòng về Chơn Tâm Tự tánh, kế đó chỉ cho thấy Bổn tâm chân thật của mình gọi là chỉ Tâm. Khi mình nhận ra thấy rõ được Bổn lai Diện mục rồi là Ngộ tâm, sau rốt, thâm nhập vào lòng, Tâm với mình là một, Tâm với Phật không hai, tức là nhập Tâm vậy.
 Ngộ Tâm: là nhận ra tâm của mình, thấy được bản thể của chính mình. Ngộ Tâm khác với Ngộ Đạo thế nào? Ngộ đạo là thông suốt pháp tu của mình,  là nhận thức ra được lý Đạo cao sâu mầu nhiệm rồi phát tâm, tinh tấn  tu trì công phu bái sám…Song nếu ngộ Đạo mà không ngộ Tâm, thì vẫn còn trong vòng tương đối, chưa giải thoát cứu cánh được. Vậy Ngộ Tâm ở đâu?  Tại sao phải Ngộ?
  Bấy lâu nay ta sống với cái mê mờ, cái giả vọng đã huân tập từ vô thủy kiếp nên không nhận ra tâm của mình. Nay Ngộ, là nhận ra  chính mình có cái Tâm Thể vắng lặng, không chạy theo giả vọng nữa. Cái Tâm thể vắng lặng có một không hai ấy nó không ở đâu xa, không ngoài cái vọng giả, mà ở chính ngay nơi cái huyễn giả đổi thay đó. Vì tâm Phật không lìa tâm chúng sanh mà có, hay nói cách khác, Tâm Phật và Tâm chúng sanh là một, phiền não tức Bồ đề. Sóng là nước, nước là sóng, bỏ nước tìm sóng thì không thể có.  Hình tướng có mê có ngộ, Thể chỉ có một mà thôi.
Tổ Đạt Ma nói:  Đem tâm cầu pháp bên ngoài là Mê, chẳng đem tâm cầu pháp bên ngoài là Ngộ.
 Là vì sao? Vì pháp là phương tiện bất định, đối với chơn pháp không ngoài tâm.
 Lại nói:  chẳng chấp văn tự là Giải thoát, chẳng nhiễm lục trần là hộ pháp, thoát khỏi sanh tử là xuất gia.
Văn tự chỉ là phương tiện, cũng như nương ngón tay mà thấy được mặt trăng, nếu cứ nhìn vào ngón tay thì không bao giờ thấy được mặt trăng.
 Lục trần là cảnh bên ngoài, nếu không theo nó thì bảo hộ được tâm mình, nên nói là hộ pháp.
Xuất gia có ba bậc:  xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia.
 Xuất thế tục gia: là tướng xuất gia.
 Xuất phiền não gia, xuất tam giới gia:  là tâm xuất gia.  Người thoát được sanh tử, ra khỏi tam giới mới là người có tâm xuất gia và mới hoàn hảo ý nghĩa xuất gia..
  Lại nói, chẳng thọ thân sau là đắc đạo. Chẳng khởi vọng tưởng là Niết bàn. Chẳng chọ thân sau là không còn trong vòng sanh. Chẳng khởi vọng tưởng là dứt phiền não. Đó là Niết bàn của hạng Tiểu thừa, lên đến hàng Viên Giác mới hết vô minh. Gọi là bậc Đại Trí Huệ. Đến chỗ dứt được tâm tưởng mới gọi là Đáo Bỉ Ngạn ( Tướng là nhân duyên sanh, có vọng tưởng khởi sanh thì tâm mới hiện tướng bên ngoài, tức là còn sanh diệt )

           CHÁNH TU VÀ TRỢ TU

Hỏi:  Như nói dứt vọng thì Chơn Tâm hiện tiền. Vậy ngoài phương pháp  dùng Vô tâm trị Vọng còn pháp nào trị được Ngã?
 Đáp:  Có pháp Chánh tu và  Trợ tu.
   Lấy vô tâm dứt vọng Tâm làm pháp Chánh tu
   Lấy hành động làm lành làm pháp trợ tu.
 Ví như tấm gương sáng bị bụi che lấp, nếu lấy sức lau chùi rất khó sạch các bẩn, dùng một ít thuốc chùi kiếng thì ánh sáng của gương liền hiện.
 Chơn tâm bị che lấp, muốn sạch bụi vô minh phiền não, trước phải dùng pháp vô tâm để hàng phục vọng tâm, sau làm các việc lành phụ trợ để cho chơn tâm mau sáng tỏ.
   Trong Luận Khởi Tín dạy:  Có người do lòng tin thành tựu mà phát tâm. Phát tâm đây có ba loại:
    Trực tâm: là pháp chánh niệm Chơn Như.
    Thâm tâm: là làm các việc lành.
    Đại Bi Tâm: là nhỗ sạch phiền não cho chúng sanh.
 Trực tâm là pháp chánh. Thâm tâm và Đại bi tâm là trợ pháp.

 TÂM:   Tam điểm như tinh tượng, Hoành câu tợ nguyệt tà
               Phi mao tùng thử đắc- Tác Phật dã do tha.
 Nghĩa: Ba điểm như sao sáng- Hình cong giống trăng tà
 Mang lông sừng do nó – Làm Phật cũng đó mà ra.
{]{
 Phật giáo là tôn giáo mà toàn bộ giáo lý chỉ nhằm khai mở trí tuệ con người, nhận chân sự thật khổ đau và con đường đưa đến sự đoạn tận khổ đau.  Cho nên có thể nói hạnh phúc là nếp sống vắng mặt sự khổ đau và bất cứ người Phật tử nào cũng trông chờ quá trình chuyển hóa tâm thức.
{]{

NGỘ TÂM: CHÁNH TU & TRỢ TU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét