Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

NGÀY HẾT ĐƯỜNG XA


NGÀY HẾT ĐƯỜNG XA

 Ngày hết đường xa, còn gọi là “Nhật mộ đồ viễn”  có nghĩa là mặt trời đã xế chiều mà đường về nhà còn quá xa. Mặt trời đã xuống núi, hoàng hôn đã ló dạng thế mà đường về đến nhà còn quá xa vời vợi, trong lòng cảm thấy bồn chồn lo lắng nao nức.
  Cả cuộc đời người, dù 50, 60, hay 70,80 cũng ví như một ngày. Ví dụ thời gian sống không còn bao lâu nữa, mà việc vãng sanh chưa thấy có tin tức gì, hy vọng gì cả.  Cái chết không phân biệt kẻ già người trẻ, nam hay nữ, giàu hay nghèo, quyền lực hay thế cô, vì trên đường huỳnh tuyền không phân chia lão ấu. Ngoài nghĩa địa lắm kẻ đầu xanh, vô thường muốn đến là đến, không có một người nào có thể bảo đảm nhất định sống đến tuổi già. Mỗi người chúng ta dù già hay trẻ đều có tâm trạng “ Nhật mộ đồ viễn”. Thời gian không còn nhiều nữa, thế nhưng việc lớn sanh tử vẫn chưa giải quyết xong.
  Bạn hay tôi dù già hay trẻ, chúng ta không biết bao lâu chúng ta sẽ phải chết, cho nên ngay bây giờ phải sắp xếp xong tất cả mọi việc, trong tâm ngoài việc niệm Phật ra không nên vướng bận lo âu điều gì khác, được như vậy lúc lâm chung không bị chướng ngại. Nếu hiện nay vẫn còn nhiều việc lo toan, việc gì cũng không chịu buông, để đến lúc lâm chung cái tâm tham chấp, nào là của cải vật chất đồ dùng, nhà cửa, vợ chồng, con cháu, công việc v.v.. đều hiện ra làm sao mà vãng sanh Tây phương cho được.  Chẳng những không thể vãng sanh Tây phương mà một đời quyết chí niệm Phật, ăn chay, làm lành, bố thí cúng dường. Mọi thứ phước thiện hoàn toàn trở thành phước báo, chính phước báo này là cái dây neo không cho con thuyền vượt biển sanh tử luân hồi.
  Người niệm Phật hiện nay tuy có tinh tấn nhưng  chưa có trí tuệ, không có trí tuệ nên không biết cầu vãng sanh Tây phương, cho nên qua đời sau được hưởng phước báo. Do hưởng phước báo nên bị phước báo làm mê  mờ tâm tánh rồi tạo đủ thứ nghiệp ác, một khi tạo ác nghiệp chắc chắn phải đọa xuống địa ngục hoặc làm ngạ quỷ, súc sanh để chịu khổ. Cái khổ to lớn này đều do đời nay niệm Phật không biết cầu vãng sanh Tây phương mà chiêu cảm lấy.
  Hiện nay tuy vẫn còn khỏe mạnh, cũng phải nghỉ đến lúc sắp chết, những đồ dùng quý giá nên đem chia đều cho  con cháu hay người ngoài, vàng bạc đem hết ra cứu trợ cho những người đói thiếu, xong đem công đức hồi hướng vãng sanh. Nếu tâm thức còn hẹp chưa mở rộng, còn luyến tiếc khi cho người khác, thì nên đem những thứ đó cho con cháu. Trong người quyết định không lưu giữ một thứ gì khiến cho mình khởi tâm tham luyến.
  Trong tâm ngoài câu phật hiệu ra, không để một chút ý niệm nào khác, ngay cả cái thân này cũng không cần tính toán sau khi chết phải an trí như thế nào. Không bận tâm con cháu, nhà cửa và ngay cả thân mình, chỉ một lòng niệm phật cầu vãng sanh Tây phương mà thôi, mọi sự mọi vật đều buông hết, tự nhiên sẽ cảm đến  Phật, lúc lâm chung đích thân Phật sẽ đến đón rước ta về Tây phương.
  Nếu buông xả thì không bị phước báo làm mê mờ tâm tánh, không đọa vào tam đồ ác đạo, nếu được như thế thật là hân hạnh không gì bằng.  Hãy suy nghỉ về đại sự sanh tử của mình,  thời gian qua nhanh như tên bắn, vô thường sẽ đến với ta, đến khi chết chẳng có tin tức gì về việc vãng sanh Tây phương, vì thế cần phải suy nghĩ.
 Nếu hiện tại không nương tựa A Di Đà, không tập luyện khi chết không hề có chủ trương về đâu, như vậy vẫn phải tiếp tục luân hồi. Nếu như nghiệp ác nó dẫn xuống tam đồ, thì phải chịu đến ngàn vạn kiếp trong ác đạo. Hãy xem trong một thành phố, một làng xã, một ngày có bao nhiêu người chết, những người đã chết có mấy ai sanh lại được làm người? huống nữa sanh lên cõi trời hay sanh Tây phương. Lại trong những người tu hành nếu không cầu sanh Tây phương, có bao nhiêu người được liễu sanh thoát tử, đã chuẩn bị khi lâm chung chưa? Trong đời tu hành đã có  tiến bộ được bao nhiêu chưa? phiền não giảm bớt được phần nào chưa? Nghiệp chướng đã tiêu trừ hết chưa?
  Trong kinh nói:  Bảy Phật ra đời vẫn còn làm thân con kiến, tám vạn kiếp qua rồi vẫn chưa thoát khỏi thân bồ câu. Nghĩ đến việc này thật đáng sợ đến toát cả mồ hôi, dựng đứng cả chân lông, làm sao không nóng lòng, non ruột được.  Khi chết đến, cha mẹ, anh em, bạn bè không thể cứu được, không ai thay thế được. Quyền cao chức trọng, của cải đầy kho cũng không thay đổi được cái chết. Tất cả không ai cứu được, chỉ có A Di Đà mới có thể cứu bạn được, nhiếp thọ bạn, bảo vệ và thành tựu cho bạn được. Sanh tử sự đại không ai có thể giúp mình được, chỉ có nương nhờ Phật A Di Đà giúp ta vãng sanh thế giới Cực lạc.
  Khi đã thấy rõ điều này rồi, thì phải nhất tâm nhất ý, một lòng một dạ niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ. Thật sự  là không còn con đường nào khác để cho chúng ta lựa chọn. Không còn nơi nào nữa để cho chúng ta nương tựa. Muôn ngàn lần hãy trân quý khi lúc mắt ta còn sáng, chân ta còn bước đi được, tinh lực vẫn còn, thể lực đang khỏe mạnh. Gấp rút đem hết thân tâm nương tựa vào Phật A Di Đà, khẩn cầu Phật thương  xót, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, tha thiết liên tục niệm Phật, cầu nguyện với Phật A Di Đà không bỏ một giây một phút nào.
  Nếu không trân quý pháp môn này, không nương tựa một cách vững chắc, khó mà tránh sự sai lầm. Suốt ngày từ sáng đến tối, sống qua loa, ngày qua tháng lại năm tàn, chớp mắt đã thấy già, bệnh đến. Khi đã bệnh, miệng muốn niệm một câu Phật hiệu niệm cũng không xong, muốn lạy một lạy Phật cũng không được, muốn nghe một danh hiệu Phật cũng không vô, lúc này hối tiếc việc đã qua rồi.
  Nên phải thường xuyên suy nghỉ thời gian còn lại của đời mình không còn nhiều nữa, giống như ngọn đèn dầu trước gió tắt lúc nào không hay. Suy nghỉ như vậy mà tinh tấn, hãy mở rộng tâm ra nhìn thấu thế gian như một vỡ tuồng, vỡ kịch có gì thật đâu. Trên sân khấu đóng nhiều vai diễn, nhưng có vai nào thật đâu, toàn là giả tạm.  Cuộc đời con người cũng vậy, đang diễn kịch, đang đóng vai vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu, vai trò gia đình, các loại sự nghiệp…thế rồi một ngày nào đó mỗi người đi mỗi ngả, chia tay kẻ đông người tây, kẻ về chín suối sự nghiệp cũng thôi.  Nói cuộc đời trăm năm chứ có mấy ai sống trọn trăm năm. Nếu có sống trọn trăm năm, trong trăm năm ấy trải qua biết bao nhiêu buồn vui khổ lụy, biết bao nhiêu lần lên bờ xuống ruộng. Hơn thua, được mất lẫn lộn, buồn khổ lo lắng nhiều hơn an nhàn thảnh thơi. Đau buồn nhiều hơn hạnh phúc, người nghèo thiếu ăn thiếu ở đã khổ, mà người giàu không thiếu ăn thiếu ở lại càng khổ hơn.
   Muốn hết khổ thì phải nhất tâm niệm Phật, tâm niệm Phật thì tâm không có thời gian để nghỉ nhớ lo buồn, nên tâm an tịnh thì mình sẽ hết khổ, chỉ cần trong tâm có Phật thì sẽ biến mọi thứ xấu thành tốt, lo buồn thành an lạc. Niệm Phật không chỉ hóa giải được các thứ khổ hiện đời, mà còn có thể thoát ly cái khổ sanh tử luân hồi nữa, đến lúc lâm chung Phật A Di Đà đón về thế giới Cực lạc. Cho nên cần phải buông xả  để nhất tâm niệm Phật, không cần đời sau mới vãng sanh, mà ngay bây giờ vẫn hưởng niềm vui an lạc. Niệm Phật không những hóa giải buồn lo khổ lụy mà còn chữa trị những tật bệnh ngặt nghèo. Câu Phật hiệu là bảo vật như ý  không thể nghỉ bàn, dù cho ta có thành đạt mọi thứ lợi ích của thế gian lẫn xuất thế gian, nó không thể giải trừ mọi nguy nan trong cuộc đời được. Còn câu Phật hiệu có thể giải trừ bệnh tật buồn khổ và giải trừ sanh tử khổ đau luân hồi,hóa khổ thành vui, chuyển phàm thành thánh. Điều quan trọng là chúng ta phải có lòng tin chân thật. Đầy đủ ba món tư lương, Tín, Nguyện, Hạnh đầy đủ. Thì nơi đây là Tịnh độ ngày mai sẽ về Cực lạc./.                 
{]{

NGÀY HẾT ĐƯỜNG XA Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét