Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU


HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU

 Thế nào được gọi là hạnh phúc, có nhiều định nghĩa về hạnh phúc, nên hạnh phúc có nhiều cách khác nhau, nhiều cảm nhận khác nhau. Nhưng có một định nghĩa hạnh phúc dễ hiểu là: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi  được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng, nó mang tính cách chịu tác động của lý trí”.
  Hạnh phúc có nhiều trạng thái khác nhau, hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đoàn thể, hạnh phúc quốc gia. Với người trên cương vị kinh tế, chính trị thì nhìn hạnh phúc của họ thì hướng về vật chất, còn nhà tâm lý thì  hướng hạnh phúc theo con đường đạo đức. Như Socrate khẳng định rằng: “Muốn có hạnh phúc phải sống đạo hạnh”  ông còn nói: “ Điều quan trọng không phải là sống, mà là sống thiện”.
  Karl Marx cũng từng nói: “Người hạnh phúc nhất là người đem hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Từ hạnh phúc cá nhân đến hạnh phúc quốc gia. Hạnh phúc quốc gia là tổng hạnh phúc  của tất cả công dân nước ấy gộp lại.
  Hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ ( 1776 ) và Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ( 1945 ) đều nêu rõ: “ Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc ”.
  Muốn có một nhà nước dân chủ, phải biết giáo dục mỗi công dân, dung hợp tự do và đạo đức, sống tương thân tương ái như trong một đoàn thể bền vững.  Sự giàu có thịnh vượn của một quốc gia, một xã hội, một tập thể, một gia đình, chưa hẳn là hạnh phúc. Mà là hạnh phúc khi mọi người cùng có ý thức cộng đồng, có sự trợ giúp và chia sẻ giữa người và người, mới là điều dễ mang lại hạnh phúc.  Một số ghi nhận chính về những nét đặc trưng trong đời sống con người có chỉ số cao là:
-  Không có sự phân biệt về địa vị trong xã hội, mọi người đều như nhau.
-  Lòng tin, mọi người thành thật với nhau, không đối trá lừa đảo.
-  Chính sách phúc lợi hào phóng: Mọi người đều hưởng chế độ y tế và giáo dục miễn phí, trợ cấp thất nghiệp và các chương trình hỗ trợ thất nghiệp.
Ở đời con người tuy không thiếu vật chất và phương tiện sống, nhưng họ vẫn khổ đau bất an,  mà khổ đau bất an là  không có hạnh phúc. Vậy làm thế nào để hết khổ đau?
  Khổ là gì?   Tại sao con người khổ?. Đạo Phật quan niệm: “đời là bể khổ”,  “ Sanh, lão, bệnh, tử cho đến ngũ ấm xí thạnh khổ ”. Nghĩa là con người dù no đủ vẫn khổ. Hạnh phúc thực sự theo quan điểm của Phật giáo là gì?  Đó là chấm dứt khổ đau ( Dukkha ) được giải thích như là Diệt đế trong Tứ Diệu đế, hay nói một cách rốt ráo, hạnh phúc thực sự là sự tự tại trong khổ đau, sầu muộn và sợ hãi. Chữ Khổ hay Dukkha nghĩa là không được thỏa mãn. Vì sao không được thỏa mãn? vì bản chất của ngũ uẩn  hay cuộc đời là vô thường, nhưng ước muốn của con người là thường, do vậy khổ. Khổ do không được toại ý, vốn thường trực chi phối đời sống con người, nên Phật dạy con người phải biết sống trong chánh niệm, nghĩa là “tỉnh thức”, tức hiểu rõ đời là vô thường.
  Nếp sống tỉnh thức, hay nói cách khác là nếp sống Trung đạo, giảm thiểu ái dục, không bị chi phối bởi tham sân si, luôn tích cực hành động phụng sự mà không bám víu vào ước muốn sở hữu. Vì thế, hạnh phúc không chỉ là những tiện nghi vật chất hay tiền tài danh vọng, những thứ ấy khêu gợi và kích thích lòng tham khiến con người đi vào đường khổ, đưa đến sợ hãi, lo âu sầu khổ.
   Vậy làm sao để đoạn trừ khổ đau, lo âu, sợ hãi sầu muộn? hay nói cách khác làm sao đạt được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống?  Phương pháp Phật dạy để đạt hạnh phúc chấm dứt khổ đau là phát triển Giới, Định và Tuệ.  Trong kinh Hạnh phúc người tại gia đức Phật dạy 4 điều cần phải làm để tạo cuộc sống hiện tại được hạnh phúc:
1/ Phải có nghề nghiệp giỏi, phải siêng năng và nhiệt thành trong nghề nghiệp của mình.
2/ Phải bảo về nguồn thu nhập của mình đừng bị thiên tai tổn hại, và trộm cắp lường gạt. Nguồn thu nhập phải hợp pháp.
3/ Tránh xa bạn ác, luôn cẩn thận và học hỏi với những người có đức hạnh và trí tuệ.
4/ Chi tiêu phải phù hợp với thu nhập của mình, không tiêu pha lãng phí tiền bạc trong các việc cờ bạc và tửu sắc.
   Để tạo đời sống tương lai được hạnh phúc, Đức Phật khuyên phải thực hiện 4 điều sau đây:
1/ Có niềm tin  trọn vẹn về giá trị đạo đức và tâm linh ( tức có đức tin Tam Bảo )
Tin Phật, Pháp, Tăng và luật Nhân quả.
2/ Thực hành 5 điều đạo đức: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không
nói dối, Không cờ bạc rượu chè.
3/ Bố thí và làm những công việc từ thiện
4/ Phát triển trí tuệ để thấy được bản chất vô thường của cuộc đời và giúp đoạn tận khổ đau.
  Như vậy, hạnh phúc theo quan niệm của đạo Phật thật đơn giản nhưng không dễ thực hiện  nếu không có quyết tâm tinh tấn, chuyên cần, mật hạnh và kiên định.
  Hạnh phúc của một người sẽ làm tỏa rộng ra cộng đồng và cuộc sống đáng yêu biết mấy, khi ta luôn tỉnh thức với những con người chung quanh ta cũng luôn luôn hướng thiện.
 ( Trích: VHPG số 292-  1-3-2018 của Nguyên Cẩn )
{]{

HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét