Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

ĐIỀU KIỆN QUYẾT ĐỊNH TRƯỚC KHI TU TẬP


ĐIỀU KIỆN QUYẾT ĐỊNH TRƯỚC KHI TU TẬP

a/ Tin sâu nhân quả:  Bất luận người nào, nếu muốn dụng công tu tập trước cần phải tin sâu nhân quả. Nếu không tin nhân quả, thực hành càng bướng, không những tu hành chẳng thành công mà tam đồ cũng khó tránh. Cổ đức nói: “Muốn biết nhân đời trước hãy xem sự lãnh thọ đời nay, muốn biết quả đời sau hãy nhìn sự gây tạo hiện tại”. Lại nói: “Giả sử đã tạo nghiệp trăm ngàn kiếp  vẫn không mất, khi nhân duyên hội ngộ quả báo trở lại tự chịu ”. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “ Nhân địa không ngay, quả báo cong vạy”. Cho nên gieo nhân lành kết quả lành, gieo nhân ác kết quả ác, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu là đạo lý tất nhiên vậy.
  Chuyện vua Lưu Ly giết dòng họ Thích. Trước Đức Phật Thích Ca ra đời, trong thành Ca Tỳ La Vệ có một làng chài lưới, trong làng có một cái hồ to. Khi ấy trời hạn nước cạn bao nhiêu cá trong ao bị người làng bắt ăn hết, sau cùng còn lại một con cá rất to cũng bị dân làng bắt làm thịt luôn. Trong làng chỉ có một đứa bé lâu nay không ăn thịt cá, hôm ấy đến thấy con cá to, lấy cây gõ trên đầu nó ba cái rồi bỏ đi. Sau này khi Đức Thích Ca ra đời, Vua Ba Tư Nặc rất kính tin Phật pháp,nên cưới con gái dòng họ Thích làm vợ, sanh được một thái tử đặt tên là Tỳ Lưu Ly. Lúc thơ ấu, Lưu Ly ở bên ngoại tại thành Ca Tỳ La Vệ học, một hôm nhân giởn chơi trèo lên tòa của Phật ngồi, bị người họ Thích rầy mắng kéo lôi xuống, nên ôm lòng uất hận. Đến khi Lưu Ly lên làm vua, xuất đại binh đánh thành Ca Tỳ La Vệ, bắt hết dân cư trong thành giết sạch, chính khi ấy đức Thích Ca nhức đầu ba ngày. Các vị đệ tử lớn của Phật cầu xin Phật tìm cách giải cứu dòng họ Thích. Phật nói: “Định nghiệp khó chuyển”. Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông lấy bình bát đến thâu 500 người dòng họ Thích đem để trên không trung, khi giặc qua, Ngài đem xuống thả ra, không ngờ khi trút bát thấy tất cả  đều biến thành máu. Các đệ tử đến thưa hỏi Phật, Phật đem việc xưa dân trong làng ăn cá thuật lại. Con cá lớn ngày xưa là vua Lưu Ly hiện nay, quân đội của vua Lưu Ly đều là những con cá nhỏ ở trong hồ. Dân cư trong thành Ca Tỳ La Vệ bị giết đều là người ăn cá ngày xưa. Thân Phật chính là đứa bé gõ đầu cá ba cái ngày xưa, nên hiện nay bị quả báo nhức đầu ba ngày. Vì định nghiệp khó tránh nên 500 người dòng họ Thích tuy được tôn giả Mục Kiền Liên cứu thoát, cũng không bảo tồn được tánh mạng. Sau này Lưu Ly bị đọa địa ngục, oan oan tương báo không biết bao giờ hết được. Nhân quả thật đáng ghê sợ vậy.
  Chuyện Bách Trượng độ Hồ Ly: Bách Trượng nhân một hôm vào nhà giảng, giảng xong các thính giả ra hết, chỉ còn lại một ông già không lui đi. Ngài Bá Trượng hỏi: “Ông còn muốn hỏi gì? ”. Ông ấy thưa: “Con là Dã Hồ Tinh không phải là người, đời trước con vốn làm  Đường đầu ( Trí Thức ) ở đây, nhân có người học, hỏi con:  Bậc đại tu hành lại rơi vào luật nhân quả chăng?  Con đáp:  Không rơi vào luật nhân quả. Do đó, con  đọa lạc làm Dã hồ tinh đã 500 năm, không có cách nào thoát thân, mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho”. Ngài Bá Trượng bảo: “ Ngươi hỏi lại ta ”. Ông ấy bèn hỏi: “ Bạch Hòa thượng, Bậc đại tu hành lại rơi vào nhân quả chăng?”. Tổ Bá Trượng đáp: “ Không lầm nhân quả”. Ông già nghe câu này liền đại ngộ, ông lễ tạ thưa: “Nay nương lời đáp của Hòa thượng, khiến con siêu thoát thân Dã hồ, con ở hang sau núi, mong Hòa thượng lấy lễ tống táng theo nhà sư cho con”. Hôm sau Tổ Bá Trượng  lại hang sau núi,  lấy gậy bới ra có xác con chồn, bèn dùng lễ theo nhà sư mà an táng.
Qua hay câu chuyện xưa này càng thấy rõ nhân quả đáng sợ, tuy thành Phật vẫn khó khỏi quả báo nhức đầu, sự báo ứng một mảy may không sai lạc, định nghiệp thật khó tránh, chúng ta gắng cẩn thận, gắng dè dặt chớ có gây nhân.
b/ Nghiêm trì giới luật:  Dụng công tu hành trước nhất phải trì giới. Giới là cội gốc của Vô thượng Bồ đề, nhân giới sanh đinh, nhân định phát huệ, nếu không trì giới mà tu hành thì không thể được. Trong kinh Lăng Nghiêm dạy rõ bốn món thanh tịnh, dạy rằng: “ Không trì giới mà tu chánh định, không thể thoát khỏi trần lao, dù hiện tiền có nhiều trí tuệ, nhiều thiền định cũng rơi vào tà ma ngoại đạo”. Đó nên biết, trì giới là trọng yếu, người trì giới Long thiên ủng hộ, ma ngoại kính sợ. Người phá giới, bọn quỷ gọi là giặc lớn. nó quét dấu chân của người ấy. Ngày xưa tại nước Kế Tân, gần bên đất già lam, có một con độc long thường khi ra nhiễu hại dân chúng đại phương. Có 500 vị A La Hán nhóm họp một chỗ dùng sức thiền định đuổi nó đi, rốt cuộc không hiệu quả gì cả. Sau có một vị tăng không cần nhập định, chỉ đến gần con độc long nói một câu: “Hiền thiện ! hãy tránh xa chỗ này đi ”, con độc long liền đi mất. Các vị A La Hán hỏi vị Tăng ấy, Ông dùng thần thông gì để đuổi được con độc long?   Vị Tăng đáp: “ Tôi không dùng sức thiền định, chỉ cẩn thận đối với giới, gìn giữ giới khinh cũng như giới trọng”. Chúng ta tưởng tượng sức thiền định của 500 vị A La Hán mà không bằng một vị Tăng nghiêm trì giới luật.
   Hoặc có người bảo rằng: “Lục tổ nói, Tâm bình đâu cần trì giới, hạnh thẳng nào dùng tham thiền”. Tôi xin hỏi ông. Tâm ông đã bình, hạnh ông đã thẳng chưa? Giả sử có người con gái đẹp lõa thể đến ôm ông, ông có thể không động tâm  chăng? Có người vô lý mạ nhục đánh đập ông, ông có thể không sanh tâm sân hận chăng. Ông đã đạt được chỗ  không phân biệt oán thân, thương ghét, nhân ngã, phải quấy chưa? Cẩn thận khi làm được mới nói những lời to ấy, nếu làm không được mà nói chỉ là nói suông.
c/ Tín tâm kiên cố: Có ý dụng công tu tập trước cần phải có lòng tin bền chặt. Lòng tin là đầu của Đạo, là mẹ của các công đức. Bất luận làm việc gì không có lòng tin thì làm không xong. Chúng ta  cốt liễu thoát sanh tử, điều cần thiết phải có lòng tin bền chặt. Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ Như Lai, chỉ vì do vọng tưởng chấp trước không thể chứng được”. Phật dạy các thứ pháp môn để đối trị tâm bệnh của chúng sanh. Chúng ta nên tin lời Phật nói không hư dối, tin chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Sở dĩ chúng ta chưa được thành Phật, đều do chưa triệt để dụng công như pháp mà thôi. Ví như ta tin đậu nành  làm thành đậu hủ được, nếu ta không ra công xay nấu đậu hủ, thì đậu nành tự nó không thể biến thành đậu hủ được. Nếu chúng ta nấu đậu hủ mà không để thạch cao không đúng lượng, đậu hủ cũng không thể thành. Nếu ta nấu đúng pháp, đổ thạch cao đúng lượng quyết định sẽ thành đậu hủ. Người tu hành cũng như thế, không dụng công tu tập cố nhiên không thành Phật, dụng công không đúng pháp, Phật cũng không thể thành. Nếu người tu hành đúng pháp không lui không thối, quyết định người này sẽ thành Phật. Cho nên chúng ta cần phải tin chính mình xưa này là Phật, lại tin sâu y giáo pháp Phật dạy tu hành quyết định sẽ thành Phật. Vĩnh Gia thiền sư nói: “ Chứng thật tướng không nhân pháp, sát na diệt hết  nghiệp A tỳ, nếu dùng lời vọng dối chúng sanh, tự chuốc địa ngục trần sa kiếp”. Ngài Vĩnh Gia vì lòng từ bi, cốt định chắt lòng tin cho người đời sau, nên phát nguyện rộng lớn như vậy.
  d/ Quyết định pháp môn tu hành:  Lòng tin đã đủ, lại nên chọn một pháp môn để tu trì, cần phải không được sớm Tần chiều Sở. Bất luận niệm Phật cũng tốt, trì chú cũng tốt, tham thiền cũng tốt, điều cần thiết là nhận định một pháp môn thẳng đó tiến tu hằng không lui sụt. Ngày nay chưa thành công, ngày mai vẫn tiến hành như thế,  năm nay chưa thành công, năm tới vẫn tiến hành như thế, đời nay chưa thành công, đời sau vẫn tiến  hành như thế. Quy Sơn Lão Nhân nói: “ Đời đời nếu không lui sụt, quả Phật quyết định có ngày ”. Có số người làm mà không chú ý quyết định, ngày nay nghe vị thiện tri thức này nói niệm Phật hay, liền niệm Phật được vài ngày, ngày mai nghe vị thiện tri thức kia nói tham thiền hay lại tham thiền vài ngày. Sang Đông tìm Tây, suốt một đời kiếm tìm đến chết mà không được một chút kết quả rất uổng thay.
2- Phương pháp tu:   Pháp môn dụng công tuy nhiều mà chư Phật, Tổ sư đều cho tham thiền là vô thượng diệu môn. Trên hội Lăng Nghiêm Phật dạy  Bồ tát Văn Thù chọn môn viên thông, Ngài Văn Thù chọn môn nhĩ căn viên thông của Bồ Tát Quán Thế Âm là bậc nhất hơn cả. Chúng ta cần “Phản văn, văn tự tánh” (xoay cái nghe nghe tự tánh), chính là tham thiền. Trong thiền đường này nên giảng một pháp môn tham thiền.
  a/ Tọa thiền nên biết:  Bình thường nhật dụng đều là hành đạo, như vậy chỗ nào không phải là đạo tràng. Cần gì thiết lập thiền đường, cũng không phải tọa thiền mới là thiền. Nói thiền đường, nói tọa thiền chẳng qua vì chúng ta là chúng sanh trong thời mạt pháp, chướng sâu huệ cạn mà thiết lập.
   Tọa thiền cần hiểu rõ cách điều dưỡng thân tâm. Nếu không khéo điều, hại nhỏ là sanh bệnh, hại to là bị ma, thật đáng tiếc vậy. Trong thiền đường đi kinh hành, hoặc tọa thiền chỗ dụng ý chính là điều thân tâm, phương pháp điều thân tâm rất nhiều, nay chọn lọc những điều cần yếu lược nói.
  Khi ngồi kiết già phải theo thứ tự, giữ tự nhiên và ngồi ngay thẳng. Không được để ý ểnh lưng thẳng lên, nếu ểnh thẳng lưng hơi nóng xông lên tụ lại lâu ngày, con mắt sanh nhiều ghèn, miệng hôi, đầu nóng, không muốn ăn uống, quá lắm đến thổ huyết. Lại không được để lưng cong đầu cúi nhiều, nếu vậy dễ sanh hôn trầm. Như biết khi hôn trầm tới, mở mắt to ra, ểnh lưng một cái và động nhẹ nhẹ hai bên hông, hôn trầm tự nhiên tiêu diệt.
    Nếu dụng công cấp bách quá, khi nghe trong lòng bức rứt nên bỏ hết mọi việc và xả luôn cả dụng công, dừng nghỉ độ  năm mười phút, dần dần thư thái, nhiên hậu đề khởi dụng công. Nếu không như vậy, dồn chứa lâu ngày biến thành tánh nóng nảy dễ sân,  thậm chí phát cuồng bị ma.  Tọa thiền khi có chút thọ dụng ( thấy cảnh giới lạ ) cảnh giới phát hiện rất nhiều nói không thể hết, chỉ ta không chấp trước cảnh giới ấy thì nó không làm trở ngại ta được. Lời tục nói: “ Thấy quái ta không quái, quái tự mất”. Trông thấy yêu ma quỉ quái đến nhiễu hại ta, ta không cần quan tâm đến nó, cũng không sợ nó hại. Chính thấy đức Phật Thích Ca đến rờ đầu thọ ký, ta cũng không quan tâm đến, chẳng sanh vui mừng. Kinh Lăng Nghiêm nói: “ Không khởi tâm cho mình chứng thánh là cảnh giới lành, khởi tâm cho mình chứng thánh tức lạc quần tà ”.
 b/  Hạ thủ công phu:  Biết chủ và khách.  Khách và trần dụ vọng tưởng, chủ và hư không dụ tự tánh. Người chủ thì thường ở, không phải như khách hoặc đi hoặc đến, đó là dụ tự tánh thường trụ vốn không theo vọng tưởng chợt sanh chợt diệt. nên nói: “ Chỉ tự vô tâm với vạn vật, ngại gì vạn vật thường nhiễu loạn ”. Tính chất vi trần  tự diêu động vẫn không làm ngại được cái yên lặng của hư không. Dụ vọng tưởng tánh nó sanh diệt vẫn không làm ngại được tự tánh như như bất động. Nên nói: “ Một tâm không sanh muôn pháp chẳng lỗi lầm”.
  Trong đây chữ Khách so phần thô, chữ Trần so phần tế. Người mới phát tâm trước nhận rõ chủ và khách, tự không bị nó kéo lôi, tiến lên nhận rõ ràng không và trần, vọng tưởng không thể làm chướng ngại.  Nên nói: “ Biết được, không phải oán”. Người hay xét kỷ lãnh hội được chỗ này, sự dụng công tu hành rất chóng tiến.
-  c/ Tâm thiết tha vì sanh tử cùng phát tâm lâu dài:
     Tu hành rất cần tâm  thiết tha vì sanh tử và phát tâm lâu dài. Nếu đối với sự sanh tử không thiết tha thì nghi tình không phát, công phu khó đạt. Nếu không phát tâm lâu dài một nóng mười lạnh thì công phu cũng không thành phiến. Chỉ cần có tâm tha thiết lâu dài thì huệ tâm mới phát. Khi huệ tâm phát thì trần lao phiền não không dứt cũng tự trừ. Khi thời tiết nhân duyên đến tự nhiên nước tu thành ngòi.
   Câu chuyện về thiết tha cái chết ( sợ chết )  Đời nhà Thanh bên Trung Quốc năm Canh Tý, Liên quân tám nước vào kinh đô, vua Quang Tự và Từ Hy Thái Hậu phải bỏ thành chạy trốn giặc. Giữa đường gặp một đoạn phải  chạy bộ về Thiểm Tây, mỗi ngày chạy mấy mươi cây số, luôn mấy ngày không cơm. Trên đường gặp một ông già đem dâng cho vua Quang Tự một miếng khoai rừng, ăn xong vua hỏi người ấy: “ Thứ gì ăn ngon lắm vậy”. Chúng ta thử nghĩ, Hoàng đế ngày thường rất kiểu cách, rất oai phong, đâu từng đi bộ hơn mấy bước, chưa từng đói quá nữa bụng, chưa từng ăn hết một miếng khoai rừng. Đến lúc này, kiểu cách chẳng có, oai phong không còn, lội bộ cũng được, bụng đói cũng chịu, ăn rễ rau cũng ngon, vì sao mà ông bỏ hết được?  Vì Liên quân đuổi bắt ông,  ông nhất tâm chạy chết.  Đến sau được nghị hòa, ông ngự giá về kinh, kiểu cách lại khởi, oai phong lại hiện, đi bộ không nổi, bụng đói không được, cái gì không ngon thì nuốt không trôi. Sở dĩ như thế, tại khi này ông buông không hết, vì Liên quân không còn đuổi bắt ông. Ông không có tâm chạy chết. Giả sử ông thường đem cái tâm chạy chết ấy mà tu hành thì thế nào không thành công, đáng tiếc ông không có cái tâm lâu dài, gặp thuận cảnh thì thái độ củ lại bộc khởi.
  Người tu luôn luôn cảnh giác. Bọn quỷ vô thường luôn theo đuổi sanh mạng chúng ta. Quỷ vô thường ( quỷ chết )  là loại quỷ không mời mà đến, không bao giờ chị “nghị hòa”. Chúng ta cần phải phát tâm tha thiết lâu dài để giải thoát vòng sanh tử. Người tu cần phải khắc định ngày thành công, giống như người rơi xuống giếng sâu ngàn trượng, từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng muôn ngàn tư tưởng chỉ chăm một việc mong ra khỏi giếng, trọn không có niệm thứ hai. Người thực hành như vậy, trước sau cũng triệt ngộ.
   Dụng công: Cái thông bệnh của người sơ dụng tâm là vọng tưởng, tập khí không buông hết, vô minh, cao mạn, tật đố, chướng ngại, tham, sân,si, ái luyến, lười biếng,  ăn ngon, phải quấy, nhân ngã đầy bụng làm sao tương ưng với Đạo? Như có người đã từng là công tử hay ca sĩ mà tu học thì tập khí khó quên, một chút khổ nhọc chịu không nổi, một miếng không ngon nuốt chẳng vô, làm sao dụng công tu hành. Người này không tưởng nhớ đức Bổn Sư  Thích Ca  là hạng nào đi tu mà chịu khó khổ như vậy? Hoặc có người biết chút ít văn tự bèn tầm chương trích cú đem những lời nói cổ nhân ra phân tích rồi cho mình là hoàn toàn hiểu biết sanh đại ngã mạn, nhưng đến khi bệnh nặng thì rên xiết suốt ngày, hoặc đến lúc sắp lâm chung thì tay co chân rút, bình sanh chỗ hiểu biết không thực hành được một điểm, đến khi hấp hối an năng sao kịp.
   Hoặc có người có chút đạo tâm lại không hiểu rõ chỗ hạ thủ công phu. Có người sợ vọng tưởng cố trừ mà trừ không được, trọn ngày buồn rầu bực tức tự hận nghiệp chướng nặng  nề, nhân đó thối thất đạo tâm. Hoặc có người quyết cùng vọng tưởng chiến đấu, chăm bẳm chống tay xông hơi, ưởn ngực trừng mắt giống vẻ hầm hầm của tên gám sát, quyết cùng vọng tưởng một còn một mất, họ đâu biết như vậy, vọng tưởng đã đuỗi không được, trở lại mang bệnh thổ huyết,phát cuồng. Hoặc có người khởi tâm cầu ngộ, ngờ đâu cầu ngộ đạo mong thành Phật đều là đại vọng tưởng, cát không phải là cơm, cầu bao nhiêu năm quyết định cũng không ngộ. Hoặc có người chợt được yên tịnh một vài cây hương bèn sanh vui mừng, ấy chỉ là con rùa đen mù tìm bộng cây, ngẫu nhiên đụng nhằm chẳng phải là công phu thật, mà vui mừng sớm đã nhập vào tâm vậy. Hoặc có người trong chỗ yên tỉnh biết được thanh tịnh  rất thích trong chỗ động thì mất thanh tịnh, nhân đó tránh chỗ ồn náo tìm chỗ yên tịnh, ấy là đã sớm thành quyến thuộc của hai thứ ma vươn động tỉnh. Các người như vậy thật rất là nhiều. Kẻ sơ dụng tâm  không thấu rõ đường lối tu tập thật là khó. Có giác mà không chiếu thì tán loạn không thể “ đến nhà ”, có chiếu mà không giác lại ngồi chết chìm trong nước chết.
b/ Dụng công tuy nói khó, nhưng hiểu rõ đường lối lại rất dễ: Tị sao sơ dụng tâm là dễ? không có gì khó, buông hết liền được. Buông hết cái gì? Buông hết tất cả vô minh phiền não. Làm sao buông hết được? Chúng ta coi thân này như chết vậy. Ông thử chữi thây chết bao nhiêu câu nó cũng không phát giận, đánh mấy gậy nó cũng không chống cự. Lúc sống ưa phá vô minh bây giờ cũng không phá, lúc sống ưa danh lợi khi này cũng không màng, lúc sống nhiều thứ tập nhiễm khi này không có, cái gì cũng không phân biệt, cái gì cũng bỏ hết, chư vị đồng tham thiền. Chúng ta mang xác thân này một phen hơi thở ra không trở lại bèn thành thây chết, chúng ta sở dĩ buông không hết, chỉ do xem thân này là trọng, sanh nhân ngã phải quấy, thương ghét, thủ xả. Nếu nhận định thân này như thây chết, không quý trọng nó, không chấp nó là ngã thì cài gì buông không hết? Chỉ cần buông được hết, trong 24 giờ đi đứng nằm ngồi động tịnh rãnh rang, bận rộn, toàn thân trong ngoài chỉ là một niệm nghi, bình thản không dứt niệm nghi, không chen niệm nào khác. Một câu thoại đầu như ỷ  thiên trường kiếm, ma đến ma chết, Phật đến Phật chết, không sợ vọng tưởng thì có gì phá hại ta được? Có cái gì phân động phân tịnh, cái gì chấp hữu chấp không? Như quá thật sợ vọng tưởng, ấy là chồng thêm một lớp vọng tưởng. Biết mình thanh tịnh, thế là đã không thanh tịnh. Sợ rơi vào không, chính đã rớt trong có. Tưởng thành Phật, đã vào đường ma. Nên nói bửa củi gánh nước đâu không phải diệu đạo, cày ruộng cuốc đất đều là thiền cơ,  không phải trong khi ngồi kiết già mới gọi là dụng công tu hành,/,
Khi lúa chín, đầu bông lúa nặng trĩu nên cong oằn xuống, khi lúa chưa chín thì đầu ngọn đứng thẳng. ( kẻ hiểu đạo, tu hành thành thục, thì hạ thấp mình xuống, còn kẻ mới tu đạo, thì lúc nào cũng tự cao, không biết uốn mình).              
{]{

Làm việc đạo với cái tâm đời, tức là tâm danh lợi thì việc đạo biến thành việc đời. Còn làm việc đời với cái tâm đạo, tức cái tâm vì lợi ích cho đạo và của chúng sanh, thì việc đời cũng biến thành việc đạo.
            Chớ chê khinh điều thiện
            Cho rằng chưa đến mình
            Như nước nhỏ từng giọt
            Rồi bình cũng đầy tràn
            Người trí chứa đầy thiện
            Do chất chứa dần dần
                               { { {
            Chớ chê khinh điều ác
            Choa rằng chưa đến mình
            Như nước nhỏ từng giọt
            Rồi bình cũng đầy tràn
            Do chất chứa dàn dần./.
  Theo đạo Phật, dù là nghiệp nơi ý, nơi lời nói hay nơi thân, căn bản là ở chỗ dụng tâm, ở chỗ chúng ta tu tập tâm hằng ngày, khiến cho tâm ta trở thành thuần thiện, không nghĩ việc ác chỉ nghĩ điều lành. Một người biết tu tập tâm như vậy, tuy rằng chưa đạt đến đích giác ngộ và giải thoát như các bậc thánh, Phật hay A La Hán, nhưng có thể nói là đã trên con đường thẳng dẫn đến đích giác ngộ và giải thoát tối hậu rồi. Hơn nữa, trên bước đường dẫn tới mục đích tối hậu đó, con đường thiện nhất định sẽ không bị đọa vào cõi ác./                
{]{
Không có phước mà siêng tu thì khó mà chứng ngộ, muốn chứng ngộ phải vừa tu vừa độ.               
{]{
Cười là giọt nước mắt đau không lệ
Người ta cười vì trần thế quá đau thương
Nụ cười vẫn nở trên môi tím
Chon chặt niềm thu qua hận sầu.   
                  {]{
    Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật.
    Ngu nhân cầu Phật chẳng cầu tâm.
   Trí nhân điều tâm chẳng điều thân.
   Ngu nhân điều thân chẳng điều tâm
 Kinh Phật nói: “Tội từ tâm sanh lại từ tâm diệt”, thế nên biết, tất cả thiện ác đều do tâm mình, do đó nói tâm là căn bản.  Nếu người cầu giải thoát trước phải biết căn bản. Nếu chẳng đạt được lý này, luống uổng nhọc công từ nơi tướng bên ngoài mà cầu, thật không thể được. Kinh Thiền môn nói: “Từ nơi tướng bên ngoài mà cầu, dù trải qua nhiều kiếp trọn không thể thành. Từ giác quán bên trong mà tu, bằng khoản một niệm liền chứng Bồ đề.”      
{]{
Người học đạo cần yếu  phải nghĩ: “mình vì đại sự nhân duyên là việc giải thoát, thảy đều chẳng dám khinh người chưa học, kính người mình học  như Phật, chẳng đề cao đức của mình, chẳng đố kỵ điều hay của người, tự xét nét hạnh của  mình, chẳng dòm dò lỗi của người ”, thì ở tất cả chỗ đều không bị chướng ngại, tự nhiên được khoái lạc.
            Kệ rằng:
  Nhẫn nhục đạo thứ nhất
  Trước phải trừ ngã nhân
  Việc đến không thọ nhận
  Là thân chân Bồ đề.

ĐIỀU KIỆN QUYẾT ĐỊNH TRƯỚC KHI TU TẬP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét