Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Vu Lan


          Suốt đời ai cũng cần phải có một chữ “tình” để tồn tại và vươn lên, có những thứ tình thoáng qua nhẹ nhàng và trôi mất, nhưng có một thứ tình mà đến tận cuối đời người mà vẫn thường ca tụng và nhắc nhớ mãi về sau. Đó là tình yêu cha mẹ
          Tình yêu thương  của cha mẹ bao la và bất diệt. Tình yêu ấy có ngay từ lúc lọt lòng mẹ, vừa cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã cảm nhận ân đức sâu dày của cha mẹ đã tác thành và yêu thương mình. Chúng ta ngưng khóc khi có bàn tay ấm áp của cha mẹ vỗ về an ủi. Cũng chính tình yêu thương đó đã làm nền tảng đạo đức xây dựng cho ta lớn lên thành người.
Tình cha ấm áp như vầng thái dương,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
 Đây là một ân huệ cao quý nhất mà cuộc đời đã trao tặng cho chúng ta,  hãy trân trọng, quý báu ngay còn sống bên cha mẹ. Rồi mai đây, một ngày nào đó, tôi cùng quý vị, mọi người ai cũng có lúc xa cha mẹ, thì có lẽ nào chúng ta không quan tâm và hiếu kính cha mẹ. Dù bạn có thành nhân chi mỹ, đứng trên danh lợi cao tột của xã hội mà cha mẹ không còn thì bạn sẽ cảm thấy cuộc đời nầy trống vắng và thiếu ý nghĩa. Dù bạn có được nhiều người ca ngợi tán dương nhưng cha mẹ không còn thì cuộc sống của bạn có phần thiếu thốn. Rồi ai cũng vậy, thế thì ngay bây giờ chúng ta hãy làm tròn bổn phận của người con hiếu thảo, để rồi một ngày nào đó vô thường đến phải xa cha mẹ chúng ta không cảm thấy ăn năn hối hận và bớt đi sự xót xa.
Hơn thế, sự báo hiếu không chỉ dừng lại trong đời này, mà cha mẹ ở trong vô lượng kiếp quá khứ nữa. Cho nên chỉ có con đường duy nhất là làm theo lời phật dạy, tu tập giải thoát ra khỏi luân hồi, chúng ta mới có cơ hội báo đáp được thâm ân của cha mẹ trong muôn một.
Vì thế có nhiều thứ hiếu trong cuộc sống hằng ngày mà ta đang và sẽ tiếp cận như : Hiếu dưỡng, hiếu kính, hiếu đạo, hiếu thuận, hiếu thảo, hiếu nghĩa, hiếu hoà, hiếu trung, hiếu để, hiếu học, hiếu khách. . . .
Nhân mùa Vu Lan chúc các người con làm tròn chữ hiếu, chúc các người cha người mẹ hiện còn sức khoẻ, nuôi con tốt dạy con ngoan. Cầu nguyện những người cha người mẹ đã quá vãng siêu sanh tịnh độ.
Công cha nghĩa mẹ rất cao dày, đã lo cho con từ trong bụng mẹ, cho nên ca dao VN có câu : “ Đặt con vô dạ mạ đi tu ”. Khi mang thai con vào lòng, người mẹ không còn ham chơi, vui đùa như khi còn trẻ, phải kiên cử đủ thứ, đi đứng nằm ngồi người mẹ phải nhẹ nhàng khoan thai . . Mọi hành động nói năn, ăn uống, suy nghĩ, vui buồn đều ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế thời gian mang thai người mẹ không những tu thân mà còn phải tu tâm. Không làm những việc nặng nhọc, không buồn lo đau khổ, mà phải sống vui vẻ lạc quan thì đứa con sinh ra mới khoẻ mạnh và ngoan hiền. Ca dao VN cũng có câu : “ Cơm sôi bớt lửa, người chửa bớt lời ”. Chứng tỏ rằng sự hạn chế về thân, về tâm của người mẹ trong khi mang thai rất cao độ mới bảo toàn được đứa bé. Cho nên Phật nói mẹ sinh ra thân ta được an toàn là một phước đức lắm vậy.
Ngày nay, người ta quan tâm thai dưỡng, mà ít quan tâm đến thai giáo như ngày xưa. Do những yếu tố chủ quan và khách quan tác động mà ngày nay có nhiều đứa trẻ béo phì, trầm cảm, hung hăng tiềm ẩn mầm mống bạo lực về tệ nạn.
Vì thế muốn có người con có hiếu, ngoan hiền cha mẹ phải biết tu thân, tề gia để làm gương cho con. Đồng thời cha mẹ hiền là bài học muôn đời cho con cháu. Hiền đức là cội gốc của phước lành, trong kinh nói :
Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu,
Điều cực ác chẳng gì bằng bất hiếu.
                    Kinh Nhẫn Nhục
Thờ cúng trời đất quỷ thần chẳng bằng hiếu thảo với cha mẹ,
Cha mẹ là hai vị thần sống cao tột vậy.
                    Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Trong lịch sử tôn giáo thế giới, chúng ta không thể tìm thấy một vị giáo chủ nào mà lại dạy đệ tử mình phải kính trọng cha mẹ ngang hàng với mình:
Gặp đời không có Phật, nếu biết kính phụng cha mẹ tức là thờ kính Phật vậy            ( Kinh Đại Tập )
Trong kinh Báo Ân Phật đã dạy thâm thiết nhất là hình ảnh của mẹ chín tháng cưu mang, ba năm nhủ bộ, nhường ráo nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt, thương mến nâng niu, trông nôm , dạy dỗ,. Được Đức Phật dạy trong kinh  qua 10 ân như sau :
1-                     Ân chín tháng 10 ngày mang thai nặng nhọc khổ sở.
2-                     Ân gần ngày sinh nở, mẹ lo lắng bồi hồi không yên
3-                     Ân khi sinh nở, đau đớn , khổ sở vạn trạng.
4-                     Ân sinh con rồi, lo nuôi con ăn đắng nhã ngọt.
5-                     Ân nằm chổ ướt nhường chổ khô con nằm,
6-                     Ân nuôi nấng, bú mớm,
7-                     Ân Tắm gội, gặt giũ,
8-                     Ân con đi xa lòng mẹ nhớ thương không nguôi
9-                     Ân vì con mà mẹ cam đành làm các việc ác,
10-        Ân mẹ trọn đời yêu thươn.g con
 Quan niệm về chữ hiếu của Trung quốc cũng đề cao công lao của người mẹ bằng chín chữ cù lao. Từ lúc mẹ đẻ ta ra cho đến khi khôn lớn, chứ không nói cặn kẻ như Đức Phật đã diễn tả trạng thái tâm lý, vật lý của người mẹ từ khi mang thai đến lúc sanh nở nuôi nấng con cho đến trọn đời, vì lo cho con mà lòng mẹ theo dõi con như bóng theo với hình.
 Trong kinh Thi Đức Khổng nói :  “ Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, súc ngã, trưởng ngã. dục ngã, cố ngã, phục ngã, xuất nhập phúc ngã.”
 ( Cha vậy sanh ta, mẹ vậy cho ta, bú , ẳm , nuôi, giữ, dạy, trông nom, săn sóc, ra vào nâng niu ta, người đời gọi chín chữ cù lao.
   Mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có chung một hạnh phúc đó là được đắm mình trong bầu trời thương yêu tuyệt vời của tình mẹ.
          Mẹ hiền là người suốt đời đã quên mình vì con, hy sinh tất cả cho con. Đó là bà mẹ đã chưa một lần đến trường để học chữ nhưng đã biết nuôi con, biết lo cho con lớn lên trở thành những người có học thức, có địa vị cao trong xã hội. Những người mẹ quê mùa không biết chữ nhưng giỏi nuôi con thành những người tài đức. Những người mẹ thức trắng thâu đêm để lo cho con khi con đau ốm, những người mẹ buôn tảo bán tầng, chịu thương chịu khó để nuôi cho con khôn lớn ăn học trưởng thành. Dù cực dù khổ mẹ vẫn không hề kêu ca, mẹ vẫn vui khi con khôn lớn nên người.
          Lại có những bà mẹ vừa có tài vừa có đức sanh thành dưỡng dục con cái trở nên những con người vĩ đại lưu danh hậu thế. Những người mẹ này họ chú trọng khi còn mang thai như mẫu thân của Đức Khổng Tử, bà Mạnh Mẫu sinh ngài Mạnh Tử.v. v.. Những bậc vĩ nhân như thế đều ảnh hưởng sự nuôi dưỡng của người mẹ.
          Nhân loại sung sướng và tự hào khi có những bậc hiền mẫu đã sinh ra những bậc vĩ nhân như vậy. Tình mẹ muôn đời bất diệt, lòng mẹ dành cho con muôn thuở vẫn vô biên, bất tận.
          Ngày xưa khoa học chưa phát triển, kinh tế eo hẹp, giao thông không thuận, ngành y tế chưa phát triển, mọi sinh hoạt đều hạn chế vấn đề nuôi con rất vất vã trăm bề. Ngày nay khoa học phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông mọi tiện nghi đều đầy đủ, do đó sự nuôi dưỡng con có phần bớt cơ cực vất vã hơn. Nhưng ngược lại chính những tiện nghi, tiện dụng của thời đại mới lại sản sinh ra những người mẹ thiếu bổn phận nuôi con, đánh mất đi cái thiêng chức làm mẹ. Nhiều người nữ có thai trước tuổi thành niên, trước hôn nhân, ngày càng nhiều phụ nữ đi nạo phá thai, nhiều người mẹ sau khi sinh nở đem con quăn bờ quăn bụi v.v.. Từ những phương pháp kế hoạch hoá gia đình, hạn chế sinh đẻ bằng những biện pháp của khoa học, y  học đã gia tăng cho người nữ nhiều chứng bịnh và tánh hư tật xấu vì trông chờ vào sự can thiệp của ngành y tế. Và cũng từ những biện pháp xử lý hạn chế sinh đẻ lại sinh ra những đứa con không lành mạnh về thể xác, ngày ngày có rất nhiều em bé ra đời với thân thể không tròn vẹn do ảnh hưởng phương pháp trừ phá thai.
          Chúng ta thấy lời dạy của Phật rất lợi ích cho cuộc sống bình thường của con người, nhưng con người không tin lại cho rằng những người tin Phật là mê tín. Đức Phật vì cái đau khổ của kiếp nhân sinh, mà Ngài thị hiện ra cõi đời nầy để chỉ cho chúng sanh biết được cái khổ và đề ra phương pháp diệt khổ, thế mà con người không tin. Thí như Đức Phật đưa ra năm giới cấm cho người tại gia hành trì, tức là sự bảo vệ hạnh phúc cho con người và đem lại an ninh trật tự cho xã hội. Phần đông các gia đình VN nói riêng toàn thế giới nói chung, đều mất hạnh phúc bắt nguồn từ hai giới tà dâm và rượu chè cờ bạc mà ra.
          Mong rằng những người nào đàn ông, hay đàn bà muốn có hạnh phúc cho gia đình mình, cho xã hội thì nên thực hành hai giới cấm phật đã dạy là tà dâm và rượu chè, cờ bạc. Hai giới này không những bảo vệ bản thân mình, hạnh phúc gia đình mình mà còn góp phần xây dựng an ninh trật tự xã hội một cách thiết thực. Hằng ngày không biết mấy vụ tai nạn giao thông, đánh lộn, cướp giựt xảy ra đều phát nguồn từ say rượu, cờ bạc và hút sách mà ra.
          Vậy muốn một có một gia đình hạnh phúc, một xã hội an vui trật tự, người tin Phật, người làm theo lời Phật dạy, thì cực lạc trần gian sẽ hiện tiền, và dâu hiền  rể hiếu, cháu ngoan không cầu mà có, của cải không lo mà dư, nhà nhà ban đêm ban ngày không then cài khoá chốt mà không mất của. Cha mẹ, vợ, chồng không thức trắng đêm mà chờ . . .
    Người con, người chồng đi uống rượu, đánh bạc chưa về. Vợ con chờ cơm bắt nguội mà chưa thấy người chồng, người cha về cùng ăn . ..  Những vụ đánh nhau vì ghen tuôn, những vụ ly dị càng ít đi. Những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ cũng ít đi v.v... Nếu mọi người biết tuân giữ hai giới tà dâm và rượu chè.
          Muốn làm tròn đạo nghĩa vợ chồng. con cái trong gia đình mọi người nên thực hành luân lý đạo đức. Nói đạo đức tức là thực hành giới đức, có giới mới phát sinh ra đức. Giới là sự ngăn ngừa hành vi sai quấy con người, giới bảo vệ sức khỏe và tinh thần con người được lành mạnh trong sáng. Giới không phải sự ràng buộc mà là sự tự do, vì sao thế ? Vì người không làm những việc xấu, không vi phạm pháp luật thì được mọi người kính trọng tin cậy, ngược lại người thiếu giới đức thì không ai tin cậy là người thiếu tự do. Mà người được trọng dụng tin cậy là người có khả năng báo hiếu đền ơn và làm việc lợi ích cho nhiều người. Người như thế là người có hiếu, người biết đền ơn nhớ ơn.           
 òòòò 
       Trong các tôn giáo trên thế giới chúng ta chưa thấy một giáo chủ nào mà khuyên dạy đệ tử mình một cách tỷ mĩ và khoa học như Đức Phật. Đức Phật được tôn xưng là bậc  “ nhất thiết trí ” là người có trí biết tất cả pháp, không có việc gì không biết, biết một cách rành rẻ sự việc như trái cam trên bàn tay, dù việc đó ở xa hàng bao nhiêu cây số, hay việc đã qua lâu rồi, hoặc việc sẽ đến thời gian trăm năm, ngàn năm đến. Đức Phật nói đã như vậy, sẽ như vậy không sai. Vì thế đạo Phật không những đi trước khoa học mà còn vượt trên khoa học, Vì sao thế, vì khoa học chỉ khảo sát trên hiện tượng giới, chứ không thể tìm hiểu được gì trong nguồn tâm thức của con người. Sau đây kinh Vu Lan, kinh Báo Ân sẽ cho ta thấy điều đó .
          Trong kinh Báo Ân Phật kể mười ân khó nhọc khi người mẹ mang thai, sinh nở cho đến nuôi con, lo cho con trọn đời. Trong đó Phật nói ân cưu mang đứa con trong bụng, từ khi bắt đầu cho đến sanh ra, Phật mô tả sự hình thành của một thai nhi trong 10 tháng, qua mười giai đoạn: Trong 10 tháng mang thai này Phật nói tâm lý của người mẹ thật khổ sở cùng cực mới sanh được ta.
1-                     Thai tháng thứ nhất như sương trên ngọn cỏ.
2-                     Thai tháng thứ nhì như váng sữa.
3-                     Thai tháng thứ ba như cục huyết đọng
4-                     Thai tháng thứ tư hơi thành hình
5-                     Thai tháng thứ năm mới có đầu và hai chân , hai tay,
6-                     Thai tháng thứ sáu mới có 6 giác quan:mắt,tai, mũi, lưỡi và ý mới khai tượng
7-                     Thai tháng thứ bảy gân cốt, lông da mới đủ,
8-                     Thai tháng thứ tám đủ lục phủ ngũ tạng
9-                     Thai tháng thứ chín mới thành đứa bé hấp thụ nguyên khí của mẹ mà sống.
10-                 Thai tháng thứ mười mới bắt đầu sanh.                  
Đến khi sanh nếu đứa bé sanh xuôi thì đỡ bị tổn thương người mẹ, còn đứa bé sanh ngược nó cào cấu tâm can, phá đạp thai bào làm cho người mẹ phải đau đớn vạn trạng. Cho nên sanh được thân nầy là may mắn phước đức lắm vậy.
          Các nước trên thế giới, nước nào cũng có công nhận công lao của người phụ nữ về vấn đề sinh đẻ, nuôi con. Nhưng chưa nước nào có một sự khuyên dạy kỷ càng như Phật phải biết ơn nhớ ân người mẹ như Phật dạy. Nếu mọi người biết ơn nhớ ơn người phụ nữ, thì giới đàn ông không coi thường giới nữ, để đến nổi xem giới nữ như một công cụ để người nam sai khiến, phục vụ. Từ cái thành kiến trọng nam kinh nữ mà người đàn ông xưa và nay họ dành quyền gia trưởng, người nữ phải thủ phận không dám kêu ca. Nhiều người nam bất tài vô dụng mà người nữ phải suốt đời trung thành phục vụ, dù bị đánh bị đày cũng cam lòng chịu không dám lên tiếng.
          Trong chế độ phong kiến ngày xưa, người nữ chỉ làm nhiệm vụ sinh đẻ và nuôi con, họ không biết gì về việc ngoài xã hội, không học không tham gia những việc gì trong xã hội. Tất cả quan chức từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở đều là nam giới cả. Thời đại ngày nay thì có thay đổi nhưng chưa cân bằng, số nữ giới tham gia ngoài xã hội trên bộ máy hành chính chưa có nhiều. Trên cả thế giới có khoảng chừng trên dưới 10 người nữ làm thủ tướng, con số còn khiêm tốn. Nhưng trong đạo Phật, Phật đã cho thành lập giáo đoàn ni giới có sự hoạt động ngang hàng với nam giới, có đầy đủ quyền và lợi như nam. Bên nam giới có hoà thượng nam, thì bên nữ cũng có hoà thượng nữ, bên nam có độ đệ tử thì bên ni giới cũng có quyền độ đệ tử. Bên nam đăng đàn thuyết pháp, làm chủ một tu viện, v.v thì bên ni cũng vậy. Bên nam có chứng đắc đến A La hán quả thì bên ni cũng có người chứng quả như bên nam giới. Để cho ta thấy vấn đề bình đẳng giới trong đạo Phật rất rõ ràng và công khai từ xưa đến nay. Với tinh thần bình đẳng này Đức Phật đã cứu khổ cho nữ giới ra khỏi cái thành trì kiên cố mà chưa có ai làm được.Thứ nữa đức Phật đưa ra năm giới cẩm, trong đó có giới dâm và tà dâm nó cũng đã cứu thoát cho người nữ ra khỏi cái khổ cái nạn của người đàn ông áp đặt cho đàn bà.
          Giới của Phật chế ra không phải là sự ràng buộc, mà là sự bảo vệ cá nhân mỗi người nam giới hay nữ giới. Bảo vệ không những cơ thể sức khoẻ mà cả tinh thần, trong đó có sự lợi ích cá nhân gia đình và xã hội nữa. Người đời không hiểu cho giới luật Phật là một sự kiềm chế không tự do, ngược lại khi chấp nhận giới luật Phật chế người đó là kẻ không những tự do mà vượt lên trên cái tự do bình thường mà con người quan niệm.

¯

Vu Lan Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét