Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

NĂM PHÁP KHÓ TÌM ĐƯỢC Ở ĐỜI


          Thế nào là năm pháp khó  tìm được ở đời ? Đó là : 1-Tuổi thọ 2-Nhan sắc . 3- An lạc. 4- Tiếng tốt. 5 - Chư thiên ( chết sanh thiên ).
          Năm pháp này ở đời ai cũng hằng mong ước nguyện, nhưng khó có ai đủ cả 5 điều. Có kẻ được một được hai hoặc ba ít có ai đủ 5 điều nên gọi là khó được. Theo lời Phật dạy 5 pháp này không phải do cầu xin mà được, không phải do tán thán mà được. Mà phải thực hành con đường đưa đến tuổi thọ, nhan sắc, an lạc, tiếng tốt và sanh thiên.Chúng ta phải gieo nhân mới gặt được quả. Nếu chúng ta ước nguyện điều gì thì ta phải thực hành con đường đưa đến mong ước đó.
          Mong ước tuổi thọ đồng nghĩa với an lạc, mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, thuận vợ thuận chồng, trong ấm ngoài êm, trên thuận dưới hòa, con cháu thuận thảo, tất cả những sự tốt đẹp hạnh phúc. Những sự hưởng thụ trên cuộc sống đời này đều có từ trên cái thân của ta.. Ta có cái thân mới hưởng thụ được những hạnh phúc ấy.Cho nên sự sống là một sự cao quý nhất của con người.
          Trong Trung Bộ kinh có một thanh niên hỏi Phật rằng : Do nhân gì duyên gì, trên đời có người sống lâu, lại có người đoản mạng, có người khỏe mạnh, lại có người ốm đau ? Có người giàu sang có người hèn mọn v.v.
          Phật trả lời : Nầy thanh niên, Ở đây có người đàn ông hay đàn bà chuyên tâm làm việc sát sanh, tâm không từ bi, tàn nhẫn hảm hại, đả thương chúng sanh, tay luôn lấm máu không một chút thương tâm, không lòng từ bi với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú. Nếu được tái sanh làm người, người ấy phải bị trả quả báo đoản mạng, đau ốm, tai nạn v.v   Nhưng ở đây có người đàn ông hay đàn bà hay từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ dao bỏ kiếm, bỏ gậy gộc, biết hổ thẹn biết tàm quý, biết thương xót đến hạnh phúc tất cả các loài chúng sanh, có tâm từ bi, biết tha thứ mạng sống cho chúng sanh. .. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung sanh vào thiện thú thiên giới . Nếu tái sanh trong loài người, kẻ ấy được trường thọ, mạnh khỏe không tật bịnh tai ươn ..
           1/ Trường thọ: là sống lâu khỏe mạnh:
          Có 5 pháp làm gia tăng tuổi thọ : 1- Làm việc thích đáng. 2- Biết vừa phải trong việc thích đáng. 3- Ăn các đồ ăn tiêu hóa. 4- Du hành phải thời. 5- Biết sống phạm hạnh.
          Sống lâu đồng nghĩa với an vui khỏe mạnh các người thân trong gia đình đều hòa thuận. Nếu ta sống lâu mà nghèo đói, bệnh tật, con cháu hất hủi, gia đình không hạnh phúc thì thọ ấy không có ý nghĩa mà gọi là “ đa thọ đa nhục ” thì không có hạnh phúc.
          -Thế nào là làm việc thích đáng ? Là làm công  việc phải vừa với sức của mình, phải thích ứng với hoàn cảnh của mình, không trái với tâm nguyện của mình.
          -Thế nào biết vừa phải trong việc thích đáng ? Là làm việc phải có giờ giấc, có thời giờ nghỉ ngơi để dưỡng sức, không làm qúa sức. Ngày làm không đủ tranh thủ ban đêm.
          -Thế nào là ăn các đồ ăn tiêu hóa ? Là ăn uống đúng thời, không ăn uống những thứ có hại cho cơ thể. Nếu ăn thức ăn không lợi cho cơ thể gọi là “ Bịnh từ khẩu nhập, họa từ khẩu xuất” . Ăn uống không dinh dưỡng cho cơ thể là một tai họa, dẫn đến bịnh hoạn và chết sớm.
          -Thế nào là biết thời tiết ?  Khi đi phải biết thời tiết lạnh hay nóng, mưa hay bão, ban ngày hay bam đêm. Nếu đi trong thời tiết không tốt, thời gian không thích hợp ta không thể bảo quản được cơ thể của ta.
          -Thế nào là biết sống phạm hạnh ? Là phải biết điều độ trong vấn đề nam nữ, sắc dục. Con người có ba yếu tố để được sống lâu và mạnh khỏe là tinh, khí và thần. Tinh là thành phần giúp cho khí và thần được ổn định điều hòa. Nếu tinh yếu và thiếu hai phần còn lại sẽ mất cân bằng dễ sanh ra bệnh tật. Tinh giống như nhựa của cây, cây bị lấy nhựa nó sẽ khô dần rồi héo chết. Con người cũng vậy, không tiết chế vấn đề sắc dục thì nhiều bịnh sẽ sanh ra.
          Đó là năm yếu tố giúp tăng cường cho tuổi thọ của con người. Ngoài việc không sát sanh hại vật muốn sống an ổn mạnh khỏe, hạnh phúc trên thuận dưới hòa phải hực hiện 5 đều kiện trên thì mới bảo đảm được sự trường thọ.
          2/Nhan sắc hay dung nhan. Sắc đẹp của một người nam hay người nữ có được là một sự hạnh phúc hiếm có. Nhưng sắc đẹp phải tương xứng hài hòa mới được gọi là đẹp. Ví như cao quá, lùn quá, mập quá hoặc ốm quá. Dù là có khuôn mặt dễ coi, nước da trắng mịn thì không thể gọi là dung nhan được. Lại dung nhan của người nam khác, dung nhan của người nữ khác. Nam thì phải vạm vỡ, khỏe khoắn, cứng cáp. Trái lại dung nhan người nữ phải yểu điệu dịu dàng, thon gọn v.v
          Có người Bà la môn hỏi Phật , do nhân gì duyên gì mà có số người phụ nữ sắc đẹp ưu việt, ưa nhìn, tịnh tín với nhan sắc thù thắng, giàu sang, tài sản lớn, danh tiếng lớn, sở hữu lớn, uy tín lớn, ảnh hưởng lớn ?
          Phật đáp:  Nầy Bà la môn . Ở đây có hạng người nữ nhơn không phẫn nộ, không giận dữ, não hại không nhiều. Tuy bị nói nhiều không có lòng nổi giận, nổi nóng nổi sân, không biểu lộ sự sân hận, không bất mãn, không giận hờn không trả thù v.v người nầy bố thí cho Sa môn, bà la môn thức ăn đèn đuốc, tánh tình không keo kiệt, thấy người khác được lợi dưỡng, tâm không ganh tỵ, tâm cung kính, trân trọng khiêm hạ. Không tức tối, không bị trói buộc bởi ganh tỵ, tâm hoan hỷ . Người ấy  sau khi chết, sanh lại đây, dung mạo đẹp đẽ, uy tín lớn, tài sản lớn giàu sang . .
          3/  An ổn    Có bốn điều đưa đến an ổn :
          - Phương tiện đầy đủ : Tức là phải có nghề nghiệp ổn định, để làm ra của cải nuôi thân mình và gia đình.
          - Thủ hộ đầy đủ : Phải biết phòng hộ của cải làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mình, phải khéo giữ gìn không để, nước trôi lửa cháy, trộm cướp lấy mất v.v
          - Thiện tri thức đầy đủ : Ta có phương tiện như nhà cửa tài sản. địa vị đầy đủ mà ta không có thiện tri thức chỉ dẫn, cho ta đi đúng đường, xử dụng có hiệu quả. Nhiều lúc ta biến phước thành họa, biến công thành tội v.v
          - Chánh mạng đầy đủ : Của cải vật chất làm ra phải bằng chính nước mắt mồ hôi của mình một cách chân chánh, nuôi thân mạng bằng nghề chân chánh. Tiền của làm ra phải biết cân đối thu chi, không tiêu xài quá mức, không keo kiệt.Trong kinh Phật dạy của cải làm ra phân làm 4 loại: a/ Một phần để làm vốn b/ Một phần nuôi nấng gia đình c/ Một phần làm phước thiện d/ Một phần phòng ngừa khi bất trắc. Được như vậy gọi là cân đối thu chi.
          Nếu tiền bạc ta làm ra mà đem tiêu xài vào các việc không đem lại lợi ích cho gia đình, bản thân và xã hội thì sự yên ổn không có,  như đem tiền vui vào các việc như đánh bài, cá độ, vũ trường, ăn nhậu, đua xe, xì ke ma túy ... thì hiện tại không an ổn, sự sống không kéo dài.
4/ Tiếng tốt: Người muốn mình có tiếng tốt phải thực hành hạnh khiêm hạ, biết kính trên nhượng dưới, biết nhẫn chịu trong mọi hoàn cảnh, không nóng nảy, không gạnh tỵ với kẻ hơn mình
5/ Sinh thiên: Được sinh về cõi trời không phải cầu xin mà được, mà phải thực hành con đường đưa đến cánh giới chư thiên.
          Phật dạy muốn sanh vào cõi trời phải thực hành 10 điều thiện: Thân ba là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Khẩu có bốn là Không nói lời ác độc, không nói lưỡi đôi chìu, không nói thêu thùa thêm bớt, không nói lời sai sự thật. Ý không tham, sân, si. Thực hành đủ 10 thiện nghiệp nầy là con đường đưa đến cõi chư thiên.
          Trong kinh Thiên chủ nói rằng thực hành 7 cấm giới túc thì sanh được cõi trời. Thế nào là 7 pháp ?
   1/ Trọn đời hiếu kính cha mẹ . - 2- Trọn đời kính trọng các bậc trưởng thượng
    3- Trọn đời nói lời nhu hòa     . 3- Trọn đời không nói lời hai lưỡi.
   5- Trọn đời giữ tâm xa lìa cấu uế, xan tham, 6-Sống với tâm hoan hỷ, thí xả nhiệt tình.
   7- Trọn đời không phẩn nộ, không sân hận, tránh ác làm lành, tu nhân tích đức.
          Trên đây là các pháp giúp cho con người mơ ước đem lại sự thật như ý muốn. Mơ ước không có cơ sở thực hiện điều mình mơ ước nhiều lúc chỉ là mơ ước suông.


NĂM PHÁP KHÓ TÌM ĐƯỢC Ở ĐỜI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét