Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

HIẾU ĐẠO


      Tam Bảo  là Phật  Pháp Tăng. Phật là đấng Đạo sư trong Tam giới, Pháp là hoằng quy xuất thế gian.Tăng là đệ tử của Như Lai, thay thế Phật tuyên dương chánh pháp lợi ích quần sanh. Phật Pháp Tăng Tam Bảo là phước điền tốt của muôn loài, là cha lành của tứ sanh, có công năng thành tựu huệ mạng cho chúng ta. Huệ mạng hoàn toàn nương nhờ  sức huân tu trong ngôi Tam Bao mà thành, nếu không có sự huân tu trong ngôi Tam Bảo, thì chúng ta nhờ đâu mà được huệ mạng, cho đến chứng quả vô thượng Bồ Đề. Vì thế thâm ân trọng đức của Tam Bảo đối với chúng ta thật vĩ đại vô cùng không  gì để hình dung . Là Phật tử đối với Tam Bảo ơn sâu dường bể cả, phải khéo léo cung kính phụng dưỡng, hết lòng tôn trọng hiếu thuận không được trái nghịch mới có thể đền đáp thâm ân trong muôn một . Không như thế thì không xứng đáng gọi là người đệ tử trong Tam Bảo .
      Tóm lại cha mẹ có ân sanh thành dưỡng dục, sư tăng có ân giáo huấn dẫn dắt.Tam Bảo có ân cứu hộ, thế nên chúng ta cần phải mỗi mỗi hiếu thuận . Hiếu thuận với cha mẹ Sư Tăng Tam Bảo, là đồng với vâng giữ giới cấm của Như Lai, nên nói hiếu thuận là cương lãnh của giới pháp, đây là một giá trị đặt biệt, chúng ta cần phải thừa hưởng, nghiền ngẫm và quý trọng.
           Thông thường, người đời vì không hiểu giới pháp với hiếu thuận là dị danh mà đồng thể, nên thấy người xuất gia cắt ái từ thân, bỏ cha mẹ không nuôi dưỡng, cạo bỏ râu tóc, đêm thân giam hảm nơi thiền môn thanh tịnh, liền cho hành động ấy là bất hiếu và ngộ nhận rằng phật giáo là một tôn giáo  hoàn toàn không xem trọng hiếu đạo. Quan niệm ấy thật vô cùng sai lầm! phải biết giới pháp của Phật là hiếu đạo, bao dung tất cả, đâu được cho Phật pháp là quên đạo hiếu thuận, Phật pháp chẳng những không quên hiếu  đạo mà còn rất xem trọng hiếu đạo. Trong quyển Tây Quy Trực Chỉ có bài văn ngắn tựa là “Đại hiếu nhân bất nguyện nhập thai ”(người đại hiếu nguyện không vào thai mẹ )
      Vì sao? Vì thần thức  con người sau khi gá vào thai mẹ, chẳng những tự mình thọ khổ, mà cũng làm cho mẫu thân bị đại khổ, từ còn trong thai cho đến  ra ngoài thai, đến khi khôn lớn mẹ cũng chưa hết khổ vì con . Trong thai cũng chịu nhiều nổi khổ nên trong kinh gọi là thai ngục. Khi đủ tháng hài nhi lộn ngược đầu hướng xuống sản môn, hình chất dần dần to lớn, muốn ra cũng không biết làm sao ! con đường tự tử cũng chính giờ phút này, cái duyên giết mẹ cũng ở nơi đây. Lúc bà mụ lôi ra hài nhi bị thống khổ dường như xe cán, nên vừa ra khỏi thai không  trẻ nào chẳng cất tiếng khóc lớn : khổ a ! khổ a ! cho đến ra ngoài lòng mẹ cũng chịu nhiều thống khổ nóng lạnh, đói khát, đau ốm bệnh tật buồn vui…Hài nhi thống khổ đã đành mà người mẹ cũng chịu muôn vàn thống khổ, nổi lo nổi sợ khó dùng lời tả xiết, khổ về tinh thần lẩn thể xác, vừa sinh con xong thì hao mòn tinh huyết, sức lực kém suy, nổi khổ của người mẹ sinh một đứa con kể sao cho xiết. Xưa có thầy Sa di bảy tuổi tu hành đắc đạo, Ngài dùng túc mạng thông tự biết mình đời trước.Thầy than rằng “chỉ một thân ta làm khổ không biết bao nhiêu bà mẹ ”. Ngài đã trải qua năm lần vào thai mẹ, lần một vừa sanh thì chết, lần thứ hai được một tuổi rồi chết,  lần thứ ba mười tuổi đã qua đời, lần thứ tư sắp định kết hôn thì chết, đến lần thứ năm, lên bảy tuổi Ngài đi xuất gia. Trải qua năm bà mẹ đều nhớ con mà sầu khổ. Chao ôi chúng sanh trong vòng sanh tử luân hồi còn gì vui thú? Mỗi lần thọ sanh làm khổ lụy mẹ như thế, chỉ có con đường tu học chuyên tu đạt đạo quả viên thành mới không làm khổ lụy cho cha mẹ.
       Hiện nay khắp trên các nẻo đường biết bao lữ hành, kẻ qua người lại tấp nập như thoi đưa, tất cả những người ấy phần nhiều đều làm khổ lụy cha mẹ, có được mấy ai biết báo đáp ơn dưỡng dục sanh thành? Suy ngẫm cho kỷ, thác thai một đời làm lụy cha mẹ một đời, thác thai trăm nghìn muôn ức đời chẳng đáng buồn lắm hay sao? Thế nên đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai thương xót thế gian, dạy người nhứt tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Tịnh độ hóa sanh nơi hoa sen, tự mình tránh khỏi hoạn nạn về sanh khổ với cha mẹ vĩnh viễn không làm khổ lụy.
    Thế người tu theo phật chẳng phải là bậc đại hiếu trong đại hiếu hay sao?
     Nhưng mà đời nay, những kẻ không tin Phật trở lại phỉ báng Phật cho rằng người xuất gia là đại bất hiếu, ấy là họ cam lòng thường ở trong ngục thai và cũng làm khổ lụy cho mẫu thân!
     Ở đây những phật giáo đồ thuần chánh sẽ sanh nghi vấn như vậy: “ ý nghĩa giới pháp trong phật pháp nói rất rộng lớn còn hiếu thuận thông thường của thế tục nói đâu có thể cùng tột với ý nghĩa giới pháp của phật? Nên biết hiếu thuận trong phật pháp nói không phải là thứ hiếu thuận của thế tục, dù thực hành được cũng chỉ được tiểu quả nhơn thiên mà thôi. Ngược lại hiếu thuận của phật pháp rộng lớn như hư không, nếu thực hành được thì đắc quả vô thượng Bồ đề, nên kinh văn đây nói “ Hiếu thuận là pháp chí đạo”. Không phải là thứ hiếu thuận phục lao phục dưỡng thông thường. Trong Vu Lan Bồn Sớ thuyết minh:
               Khể thủ tam giới chủ
               Đại hiếu Thích Ca Tôn
               Lụy kiếp báo thâm ân
               Tích nhơn thành chánh giác
     dịch:  Cúi đầu đảnh lễ tam giới chủ
               Thích Ca Mâu Ni đại hiếu Tôn
                 Nhiều kiếp đáp đền ơn cha mẹ
                 Chứa nhóm nhơn lành thành chánh giác 
         Cực quả vô thượng phật đạo do báo đáp thâm ân của song thân mà thành thì đâu phải là hiếu thuận của thế gian mà so sánh kịp. Vì thế những ai bất hiếu với song thân tự nhiên phải bị khổ quả.Thế nên quả báo khổ vui của thế gian, xuất thế gian có thể nói đều do hiếu và bất hiếu chiêu cảm nên cũng tức là do trì giới hay không trì giới mà được vậy. 
Trên đã giải thích câu “ hiếu thuận chí đạo chí pháp ”( hiếu thuận là pháp chí đạo) chúng ta thấy rõ “ hiếu thuận ”cùng “giới pháp ” dị danh mà đồng thể, nên tiếp theo phật dạy:Hiếu danh vi giới” (Hiếu gọi là giới). Nhằm vào thời gian mà giảng, hiếu thuận trong phật pháp nói chẳng những ở đời hiện tại, bổn phận làm con phải biết hết lòng hầu hạ phụng dưỡng cúng dường cha mẹ cho là hiếu thuận và đền đáp được thâm ân của cha mẹ, mà phải tiến lên một bước nữa là làm sao khiến cha mẹ đối với ngôi Tam Bảo sanh tâm tin kính, từ trong Tam Bảo tu học để thâm tâm được giải thoát, đó mới là đại hiếu hạnh của phật pháp nói.Trên thế gian này phải suy tôn đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thật là bậc Đại Hiếu. Sau khi thành đạo Ngài chẳng những vì cha mẹ hiện đời thuyết pháp khiến được giải thoát mà còn đền đáp thâm ân của cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên đức, phật giáo hóa chúng sanh, Ngài dạy với cha mẹ hiện đời phải hiếu thuận như thế nào, rồi còn muốn chúng ta phải hiếu thuận với cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Kinh phạm võng này nói: “Nhứt thiết nam tử thị ngã phụ, nhứt thiết nữ nhơn thị ngã mẫu” ( tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhơn là mẹ của ta ) mà còn đến tất cả chúng sanh, không một chúng sanh nào chẳng phải là cha mẹ của chúng ta. Vì từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, chúng ta trôi lặn trong sanh tử, không có chúng sanh nào chẳng từng làm cha mẹ của chúng ta. Chẳng qua sau khi thay hình đổi dạng không phân biệt được là ai, chỉ trong thời hiện tại mới biết cha mẹ hiện đời là cha mẹ của mình, còn tất cả người khác không cho là cha mẹ mình. Vì không biết tấc cả chúng sanh đều là cha mẹ của mình, nên tâm lượng của chúng sanh đều nhỏ hẹp phi thường. Đức phật vì muốn mở rộng lòng dạ của chúng ta, Ngài nhiều lần đặc biệt khai thị rằng: “ Nhứt thiết chúng sanh giai thị phụ mẫu ” Như thế chúng ta đối với tấc cả chúng sanh nếu thực hành không sát sanh , không trộm cắp…tức là nghiêm trì tịnh giới, lại đối với mỗi mỗi chúng sanh đã xem là cha mẹ mình cần phải cung kính tôn trọng, không chút giải đãi, ấy chính là hiếu thuận, cho nên hiếu thuận chính là giới hạnh đầy đủ vậy. Vì thế  văn sau giảng mười đức phật giảng đến tâm hiếu thuận, tâm cung kính, tâm từ bi- Nhưng tâm cung kính và tâm từ bi là tâm hiếu thuận lưu lộ ra, tấc cả đều lấy tâm hiếu thuận làm cơ bổn, do đó càng thấy rõ hiếu thuận tức là giới pháp.Vì thế, bất luận hành giả xuất gia hay tại gia nếu không chân thật thực hành hiếu đạo tức không phải là chơn tâm học phật, cũng không được thọ dụng pháp vị trong phật pháp. Như thế là phật tử (nói riêng) và tất cả nhơn loại ( nói chung ). Thấy rõ hiếu đạo trong Phật pháp chẳng những không nên khinh thường bỏ qua, mà cần phải hết sức xem trọng.
         (Trích Kinh Phạm Võng  Giảng luận ).        

¯

HIẾU ĐẠO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét