Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

QUY Y TAM BẢO


          Mở đề: Kiếp người chẳng khác nào con thuyền đang linh đinh ngoài biển cả, ai không khát khao tìm một chổ nương tựa, một hướng đi để con thuyền đời đỡ chòng chành và chóng vượt khỏi trùng dương nguy hiểm ? Chổ nương tựa vững chắc nhất không đâu bằng ngôi Tam Bảo. Hướng đi nhanh chóng và an lạc chỉ có Đạo Phật.
          Người đã nhận đạo Phật làm một hướng đi, bước đầu tiên phải quy y Tam Bảo. Quy y là nấc thang đầu tiên của cây thang giải thoát, là cửa ngõ đi vào nhà giác ngộ. Vì thế ai đã hướng về với Đạo Phật mà thiếu quy y khác nào kẻ vào nhà mà không từ nơi cửa. Quy y có tính cách hệ trọng  như vậy, nên chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của nó .
          Định nghĩa : Kiếp sống của con người mong manh yếu ớt khác nào cánh bèo đang bị gió giập sóng dồi ngoài bể cả. Nếu không có nơi vững chắc để nương tựa, e một ngày kia phải tàn rữa và chìm lỉm dưới đáy biển. Vậy nên phải quy y, nghĩa là đem thân mạng nương gởi nơi ngôi Tam Bảo. Tam Bảo là quả đất lành muôn hoa cỏ thiện đều từ nơi đó mà sanh . Tam Bảo là con thuyền cứu vớt chúng sanh đang đắm chìm trong biển luân hồi, đưa đến bờ giải thoát. Do đó, người phát tâm tu theo Đạo Phật phải thành kính đem gởi cả thân mạng này về ngôi Tam Bảo
          Tam Bảo là ba ngôi quý báu: Phật quý báu, Pháp quý báu, Tăng quý báu . Tại sao Phật, Pháp ,Tăng là quý báu ?- Phàm vật gì khó tìm gặp, mà khi gặp được, có công dụng giúp người giải khổ, ấy là vật quý báu. Như vàng, bạc, ngọc ngà rất khó được. Nhưng một khi được là nó giải quyết được mọi vấn đề, nghèo khổ, đói rách ... cho con người. Tam Bảo cũng thế. Dễ gì gặp Phật ra đời, dễ gì thấu đạt pháp giải thoát, dễ gì gặp một vị sư chơn chánh ? Nhưng một phen gặp được Tam Bảo, chắc chắn giải thoát được mọi khổ  não, và tạo cho con người một cảnh giới an tịnh chơn thật. Vì thế, Phật, Pháp ,Tăng gọi là quý báu. Tam Bảo có công dụng vô biên, nên phải giải thích riêng từng phần . Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và từ bi vô hạn, lúc nào cũng chực hướng dẫn chúng sanh đến chổ giác ngộ như Ngài, nên người đời gọi Phật là đấng tự giác,giác tha viên mãn, là ông cha lành của tất cả chúng sanh, vị Đạo sư của mười pháp giới .
          Pháp là những phương pháp tu hành do đức Phật dạy. Người thực hành theo những phương pháp ấy sẽ diệt sạch mọi phiền não, mê mờ, đến nơi an vui giải thoát . Nói một cách khác, Pháp là những phương thuốc trị bịnh chúng sanh. Chúng sanh là những bệnh nhân nằm rên siết trên giường bệnh, Pháp của Phật là diệu dược, nếu ai biết chọn uống thì lành được bệnh ngay, Pháp ấy đã rất nhiều nhưng đều nằm trọn trong ba tạng Kinh, Luật, Luận.
          Tăng là một số đệ tử Phật, ly khai gia đình, hiến trọn đời mình cho đạo pháp. Những vị hằng ở chung nhau để tu hành, để học hỏi và luôn luôn giữ theo giới luật của Phật, bằng hoà thuận thân mến nhau. Các ngài thay đức phật hoằng truyền chánh pháp, cứu độ chúng sanh .
          Nói chung, quy y Phật là hướng thẳng đời mình theo đấng giác ngộ học theo gương từ bi của Ngài, thương yêu cứu vớt tất cả chúng sanh và cuối cùng thoát khỏi vòng mê muội của một phàm phu. Quy y pháp là y theo giáo pháp Phật dạy tu hành lần lần dứt sạch các phiền não, giải thoát mọi khổ đau. Người bệnh nhờ thuốc trị được lành, chúng sanh đau khổ nhờ giáo pháp cứu được an vui. Quy y Tăng là theo sự hướng dẫn của những vị sư chân chính mà tu tập. Vì các ngài đã dày công nghiên cứu và thực hành giáo pháp Phật dạy, tuỳ theo căn cơ trình độ mỗi người, các ngài cho những pháp môn thích hợp để trên đường tu khỏi phải lầm lạc.
          Tóm lại, quy y Phật là mong được sáng suốt, quy y pháp là mong được hết khổ, quy y Tăng là nhờ sự hướng dẫn đúng lối giải thoát.
       Quy y Tam Bảo chẳng những có thế, mà còn chia ra sự, lý khác nhau .
          Sự Quy y Tam Bảo : Quy y Phật là quỳ dưới chân Phật phát nguyện trọn đời y cứ nơi Ngài, cầu mong Ngài hướng dẫn dắt dìu đến chổ giác ngộ, nếu Phật còn tại thế. Trường hợp Phật đã nhập Niết bàn, quy y Phật là đến chùa quỳ trước Phật đài chí thành tưởng niệm như Phật hiện ngự trên đài sen, phát nguyện trọn đời theo gương sáng của Ngài. Phật sẽ chứng minh tấm lòng thành kính của đời tu hành không lui sụt .
      Quy y pháp là y cứ theo kinh luật, luận của Phật mà đọc tụng tu trì. Những quyển kinh luật ấy ghi chép lời vàng ngọc mà Phật đã dạy. Học hỏi tu tập theo dần dần sẽ đủ sức ngự trị tâm mình, diệt tận phiền não.
       Quy y Tăng là chọn lựa những vị sư đầy đủ đức hạnh có khả năng hướng dẫn ta trên con đường giải thoát, thỉnh cầu những vị đại diện chư Tăng truyền trao quy giới cho ta. Từ đó về sau tôn kính những vị ấy là thầy, chẳng riêng gì mấy vị ấy, mà tất cả những vị sư chân chính đều là bậc thầy của ta cả. Vị nào có khả năng hướng dẫn, đức hạnh gương mẫu đều là người đáng cho ta nương theo học hỏi .
        Lý quy y Tam Bảo : Lý quy y Tam Bảo là trở về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng sẳn có trong mỗi chúng ta .
        Kinh chép : “ Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh ”. Phật tánh là gì ?  Tức là trí giác sáng suốt của mỗi người. Mặc dù chúng sanh sẳn có trí giác, nhưng đã lâu bị si mê phiền não che lấp không hiển lộ ra được, như mây mù che mặt nguyệt, như bụi phủ dày đặc trên mặt gương. Giờ đây quy y Phật là tự diệt trừ phiền não, phá si mê để trí giác hiện bày, như vạch mây mù cho thấy ánh sáng của trăng, lau sạch bụi để lộ mặt gương.
       Muôn vật ở giữa đời nầy thiên hình vạn trạng, nhưng đều cùng chung một bản thể. Như nhìn vào tiệm vàng thấy bao nhiêu món đồ trang sức bằng vàng hình thức khác nhau, nhưng chung quy vẫn là một chất, chất vàng. Đã đồng một chất vàng thì gía trị bình đẳng như nhau, nếu đồng cân lượng. Hình thức vàng : Vòng, dây chuyền, xuyến, cà rá v.v..luôn luôn thay đổi, nhưng chất vàng không bao giờ thay đổi. Hình thể sự vật là biến thiên, bản thể của nó là chân thật. Hình thể có lớn nhỏ, tốt xấu khác nhau, nhưng bản thể thì bình đẳng. Bản thể ấy gọi là pháp tánh. Người lóng tâm an tịnh để khế hợp pháp tánh, gọi là quy y pháp .
    Bản tâm của mỗi người vẫn bình đẳng thanh tịnh nhưng vì vọng thức quay cuồng nên thành ô nhiểm. Như nước tánh vẫn là trong, vì sóng gió cuồng loạn nên trở thành ngầu đục. Giờ đây chúng ta chận đứng vọng thức để tâm trở lại thanh tịnh, đó là quy y Tăng .
       Tóm lại, lý quy y Phật là phát huy trí giác sẳn có của mình, lý quy y Pháp là nhận chân bản thể của các pháp, lý quy Tăng là dứt vọng để tâm được thanh tịnh .
Giáo lý nhà Phật lúc nào cũng giữ tánh cách trung đạo và viên dung. Người quy y Tam Bảo không phải hoàn toàn ỷ lại nơi Phật, Pháp, Tăng bên ngoài, mà phải trực nhận Phật, Pháp, Tăng nơi sẳn có của mình, mà vẫn kính trọng tôn sùng Tam Bảo bên ngoài. Biết viên dung cả hai mới gọi là chân chính quy y. Tuy nhiên, lý bao giờ cũng tuỳ ở sự mà hiển, nên phải đặt sự trước, lý sau. Như đứa học trò trước phải nhờ ông thầy chỉ dạy sau đó mới hiểu biết, đành rằng nó sẳn trí khôn, Do đó, sự là vấn đề quan trọng cần hiểu đủ mọi mặ của nó.
        Nghi thức quy y : Sự, lý quy y đã hiểu rõ, nên biết qua nghi thức quy y là buổi lễ quan trọng trên đường tu tập của mình, vì đó là bước đầu đi đến giải thoát. Vì thế, trước khi quy y, những vị phát tâm quy y phải y phục chỉnh tề, sắm khay lễ thỉnh chư tăng đến trai đường, đảnh lễ thưa bạch cầu xin chư Tăng dũ lòng từ bi truyền trao quy giới cho mình. Đừng lầm tưởng quy y là một phương tiện để chư Tăng thâu nhiều đệ tử, khởi tâm khinh mạn thì tổn đức .
       Sống trong cuộc đời nhiểm ô nầy, có ai dám tự cho mình là hoàn toàn trong sạch, vì trước khi thọ lãnh quy giới, mỗi người phải ba phen sám hối cho ba nghiệp được thanh tịnh. Ngày quy y là ngày bắt đầu bước chân lên đường giải thoát, như một bộ hành bắt đầu leo núi, trước phải gở bỏ những thứ cồng kềnh vô ích đang mang nặng trong mình, sau mới tiến lên đến đỉnh núi, người quy y cũng thế, trước phải gạt bỏ những tội lỗi xấu xa đã mang sẳn trong mình từ vô lượng kiếp, để thâu nhận pháp thanh tịnh, quý báu của phật, thì mới tiến đến chổ giải thoát được .
      Đến phút quy y, người xin quy y phải quỳ thẳng trang nghiêm theo lời hướng dẫn của chư Tăng chí thành phát nguyện :
       Đệ tử  xin suốt đời quy y Phật .
       Đệ tử xin suốt đời quy y Pháp
       Đệ tử xin suốt đời quy y Tăng
       Ba phen phát nguyện rõ ràng trước Tam Bảo, như thế là đã thành pháp Tam Quy.Người thật tâm quy y Tam Bảo là đã gieo nhân giải thoát, quyết định sẽ gặt được kết quả tốt là thoát ly ba đường ác : Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Vì thế,  người quy y nên giữ vững lòng tin của mình không bao giờ lui sụt.  Để bảo tồn lý tưởng cao cả của mình trên đường tu giải thoát, người quy y lại phải tự phát nguyện:
    Đệ tử quy y Phật rồi xin nguyện trọn đời không quy y thiên, thần,quỉ vật
    Đệ tử quy y Phấp rồi, xin nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo .
    Đệ tử quy y Tăng rồi xin nguyện trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng .
      Tại sao phải nguyện như vậy ? Nguyện như vậy phải chăng là bắt buộc chủ quan ?. Không, người phát nguyện như thế là nói lên một sức mạnh quyết tiến. Vì trước kia đã chọn lựa kỷ càng chỉ có Tam Bảo mới đáng cho mình ký thác cả thân mạng, chỉ có Tam Bảo mới đưa mình đến chổ giải thoát cứu kính, cho nên nguyện trọn đời mình hướng theo Tam Bảo. Như một bộ hành đi từ Sài Gòn đến Huế, quyết định thẳng theo quốc lộ I, chớ không đi đường nào khác. Nếu ông quyết định đi Huế, mà khi ra khỏi Sài Gòn gặp đường nào cũng đi, chắc ông khó đến Huế được, nếu có đến cũng phải tốn công gấp ba, gấp bảy lần đi thẳng. Người quy y cũng thế, đã phát nguyện quy y Tam Bảo, mà gặp đạo nào cũng theo, gặp đảng nào cũng thích, chắc chắn người ấy không khi nào được giải thoát.
      Người quyết tâm xuống bể mò ngọc, đồng thời gặp ngọc, pha lê, sò, hến, sỏi ...quyết định người ấy chỉ lấy ngọc chớ không lượm thứ kia. Nếu kẻ tìm ngọc mà không chịu lấy ngọc lại lượm pha lê, sò, hến ... thì ôi còn gì si mê bằng. Được ngọc là thoả mãn sự mong ước của người tìm ngọc và đem lại bao nhiêu sự lợi ích vui sướng cho họ. Cũng thế, quy y là đưa người ta đến chỗ an lành thật muôn vàng lợi ích.
          Lợi ích quy y Tam Bảo: Có lạc đường mới biết cái khổ bơ vơ và cảm nổi vui sướng khi được người chỉ lối. Có ý thức được sự đau khổ ở kiếp người mới vui mừng khi hướng về ngôi Tam Bảo. Giá trị Tam Bảo là giới thiệu một con đường thẳng tắp, thênh thang chạy suốt tới thành trì an lạc.Đi đến hay không tuỳ chỗ tin tưởng và khả năng của mỗi người. Dù sao người hướng về Tam Bảo vẫn khỏi bơ vơ bở ngỡ, khỏi thấy con đường đời bít lối.
    Tam Bảo không những đem lại cho tâm hồn ta một sự an ổn vững chải đức tin tưởng kiên cố hiện tại mà còn mở cho ta thấy một tương lai rực rỡ. Ai không tin rằng đường đi về Sài Gòn sẽ đến Sài Gòn, đường đi về Huế sẽ đến Huế? Cũng vậy người quy y Tam Bảo là đi đường giác ngộ, giải thoát và thanh tịnh, ắt hẳn sẽ đến ba nơi ấy.
          Quyết nghi:  Có một số người tự cao tự đại bảo: “ Gía trị tôi như vầy mà đi phục lạy mấy ông thầy cầu xin quy y thì hèn hạ quá ai làm được. Thôi ở nhà đến trước bàn Phật phát nguyện quy y cũng xong. Hoặc có người bảo : “ Tôi ăn hiền ở lành cần chi quy y cho nhọc ”. Hoặc có người nói Phật tại tâm cần chi đến chùa ?  v.v...Nói thế là họ không nhận thấy sự quan trọng trong khi quy y. Giá có người định bụng hoặc nói thầm, mười giờ mai mình sẽ đi thăm ông A ở cuối xóm. Nhưng gần đến 10 giờ phải một trận mưa lớn, hoặc có khách đến nhà thăm. Thử hỏi người ấy có đi thăm ông A đúng giờ đã định không ? Chắc là không .Vì anh có hứa với ông A đâu mà sợ mà lo.  Ngược lại, nếu anh đã hứa rõ ràng trước với ông A thì dù mưa gió, khách khứa gì anh cũng phải đến. Nếu anh không đến sẽ bị lương tâm quở phạt nặng nề. Như vậy ai cũng phải công nhận lời hứa được người nghe, người chứng nhận, có một giá trị sâu đậm trong tâm hồn, khó mà quên được. Càng đông người nghe nhất là những người ấy đều là bậc đáng kính, lời hứa càng tăng giá trị lên bội phần, vì thế trong khi quy y, mỗi người tự hứa rõ ràng ba phen trước Tam Bảo, nhờ đó mà suốt đời không quên và không dám làm sai lạc. Nếu lỡ làm sai, họ hết sức hối hận lo chừa cải. Hơn nữa, lời hứa ấy ghi sâu vào tàng thức, đời đời sanh ra là họ sớm thức tỉnh, trở về con đường đạo. Cho nên quy y là một điều quan trọng không thể thiếu .
           Kết luận : Tóm lại quy y Tam Bảo là đem đời mình nương gởi nơi Phật, Pháp, Tăng. Không phải hoàn toàn ỷ lại Tam Bảo bên ngoài, mà cần phát huy Tam Bảo tự tâm mình nữa. Đã phát nguyện quy y là đủ điều kiện để thành một phật tử chân chính. Nhưng chỉ biết phát nguyện quy y mà không theo gương sáng của Phật, không y giáo pháp rèn luyện tâm tánh và không vân lời nhắc nhỡ của chư Tăng, là một khuyết điểm lớn lao. Bởi thế sau khi quy y, phật tử phải sống đúng theo đường lối của Tam Bảo, nhất định có ngày sẽ đạt được kết quả như nguyện .
      Các đạo quả tốt đẹp, từ quả vị hiền thánh, thanh văn ,duyên giác, Bồ Tát, cho đến Phật quả cao tột đều bước từ cấp quy y mà lên. Quy y được coi là nguồn phát nguyên của con sông từ thiện, là nền tảng của người đạo pháp. Vì thế người tu theo đạo phật nhất định trước phải quy y Tam Bảo .

é é é é é

QUY Y TAM BẢO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét