Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

ÁC MA


“Ác ma” là kẻ ác ý hay tâm lý xấu ác được nói trong kinh Phật như là một năng lượng đen tối xấu xa, đối lập với sự thật, đối lập với sự hiền thiện giác ngộ, đi ngược với đường hướng giải thoát an lạc, chúng tồn tại dựa trên tà kiến và dục vọng. Theo những gì mô tả thì ác ma có hai loại, ác ma bên ngoài và ác ma bên trong. Ác ma bên ngoài là kẻ ác ý hay một năng lượng xấu ác tồn tại ở bên ngoài con người. Ác ma bên trong tức là tâm lý xấu ác ( tham,sân, si) tiềm ẩn bên trong mỗi người. Do cùng tính chất là một dòng năng lượng xấu ác, ác ma bên ngoài có thể gặp gỡ hoà nhập với ác ma bên trong hay ngược lại. Khi cả hai cùng bắt nhịp và hoà nhập với nhau, thì năng lực xấu ác của chúng càng tăng lên gấp bội.
          Do bản chất mê lầm xấu ác của nó, sự hiện diện của ác ma là tai hoạ lớn cho con người. Nó đe doạ sự sống ổn định, quấy rầy tâm tư, làm cho con người trở nên mê loạn rơi vào tà đạo dẫn đến các kết cục khổ đau. Trong kinh Phật nói cho chúng ta biết ác ma rất tinh khôn trong việc đi tìm đồng minh của nó để làm hại người hiền lành. Nó biết rõ không thể nào xâm hại người khác nếu nó không bắt tay được với đồng minh của nó ở bên trong người ấy, tức là tâm lý xấu ác tiềm ẩn bên trong mỗi người. Vậy nó thường dùng các chiêu bài khác nhau để kích thích khiến cho kẻ đồng minh ở bên trong của nó vực dậy cùng bắt nhịp với nó. Khi nào nó làm được điều đó thì nó đắc thắng, nghĩa là khi nào nó khiến cho tâm tư người nào đó trở nên dao động mê loạn rơi vào tham dục hay sân hận thì bấy giờ nó có cơ hội chi phối và làm hại người ấy. Nhưng khi nào nó không làm lay động được tâm tư của người khác thì nó thất vọng bỏ đi.
          Ác ma thường dùng hia chiêu bài thuận và nghịch để quấy phá người tu học người hiền đức. Hai chiêu bài mà ác ma thường dùng để nhiểu hại người khác đó là dùng lời lẽ chọc tức, nói xấu khiến người khác nổi giận đi đến phẩn nộ mất hết tự chủ, hoặc dùng lời ngon tiếng ngọt tán thán ca ngợi khiến người ấy sinh tâm hoan hỷ thoả mãn mà rơi vào tự kiêu tự đại phóng dật. Đây là hai chiêu bài tấn công của ác ma, rất dễ khiến cho người khác trở nên mê loạn thay đổi tâm tánh, nghĩa là khiến cho người ấy rơi vào bực tức phẩn nộ, bất mãn hoặc rơi vào tham đắm tự mãn không giữ được tâm tỉnh táo sáng suốt. Khi người nào không nhận ra ý đồ xấu xa của ác ma mà rơi vào một trong hai trạng thái như là tự rơi vào cạm bẩy đen tối của ác ma, bị ác ma xâm nhập chinh phục phải làm theo ý ác ma muốn.
          Trái lại người nào giữ được tâm sáng suốt an tịnh không khởi tham lam hay sân hận trước các chiêu bài tấn công của ác ma thì ác ma không có cơ hội xâm nhập chinh phục, không rơi vào cạm bẩy của ác ma.
          Để đối trị với ý đồ đen tối mà ác ma xâm nhập và tổn hại. Đức Phật dạy hảy sống tỉnh thức, sống quán bất tịnh trên thân, nhàm chán bất khả lạc đối với tất cả thế gian, quán tánh vô thường đối với tất cả hành. Thứ đến nhằm đối trị với sức tấn công của ác ma, là phải thực tập tu hạnh từ bi hỷ xả để đối trị tâm giận dữ bất mãn trong trường hợp bị ác ma chỉ trích nói xấu và thực hành các phép quán bất tịnh, nhàm chán, bất lạc, vô thường vô ngã đối với tự thân và hết thảy mọi thứ trên thế gian nầy, nhằm đối trị chứng tham dục, tự mãn trong trường hợp được ác ma dùng lời ngon ngọt tán thán ca ngợi. Các pháp tu trên có tác dụng giữ cho tâm được thăng bằng, thanh tịnh, sáng suốt, không bị tham hay sân chi phối, nên được gọi là pháp môn “ làm cho ác ma không thấy đường đi lối về ” ( nghĩa là ác ma không tìm thấy dấu vết nhiểm ô của tâm thức tham hay sân, để có cơ hội xâm nhập nhiểu hại ).
          Nhìn chung, chúng ta khó nhận diện và chuyển hoá ác ma bên ngoài, nhưng mỗi người có thể nhận diện và hoá giải ác ma bên trong mình. Nghĩa là có thể nhận ra các tâm lý xấu ác, tham đắm hay sân giận dấy khởi đều do điều kiện thuận duyên hay nghịch cảnh đến từ bên ngoài và nổ lực hoá giải các tân lý xấu ác bằng các phương pháp thích hợp. Ác ma bên ngoài là đáng sợ nhưng không nguy hiểm bằng ác ma bên trong. Dù có nhiều ác ý và thủ thuật ác ma bên ngoài không làm gì được, nếu nó không tìm được kẻ đồng minh là ác ma bên trong cùng bắt nhịp với nó. Ác ma hiện hửu và lớn mạnh dựa vào tà kiến và dục vọng, nghĩa là một năng lựợng xấu ác do nhân duyên sinh cần có thức ăn là tà kiến và dục vọng làm duyên mới tồn tại và hành hoạt. Vì vậy nó không tìm được nguồn năng lượng duy trì thoả đáng, tham, sân, si thì nó không có khả năng tồn tại để gây nhiểu hại.  Nhờ học hỏi Phật pháp, người con Phật hiểu rõ nguyên lý sinh diệt này của hết thảy mọi sự kiện và hiện tượng nên không thắc mắc hay phản ứng trước các điều kiện thuận duyên hay nghịch cảnh do vô minh và dục vọng (ác ma) tạo nên, chỉ lo giữ tâm cho trong sáng sạch để thấy rõ bộ mặt thật của ác ma và để không tiếp tay cho ý đồ xấu ác của nó. Nhận diện các tâm lý xấu ác, tham,sân, si tiềm ẩn trong chính mình, để khắc phục và hoá giải chính là nhận ra bộ mặt không thân thiện của ác ma và ngăn chận được ý đồ xấu ác của nó.

                   ( Kinh Trung Bộ -Phẩm Hàng Ma ) VHPG số: 116-   11/2010.

ÁC MA Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét