Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

LÒNG BAO DUNG CỦA CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM


          Vào thời bao cấp tại trường quê miến núi thuộc địa phận Quảng Nam, cuộc sống giáo viên và học sinh rất vất vã, việc học rất cần như cơm ăn áo mặc. Một chuyện đáng thương và đầy sự thán phục được xảy ra trong một lớp học 11B do cô giáo tên H... làm chủ nhiệm . Đó là một sự việc một học sinh bị mất tiền ngay trong lớp học, khiến cô chủ nhiệm H phải chọn tình thế xử lý tìm ra nhân sự cắp tiền để trả lại cho em học sinh bị mất thật thông minh và đầy nhân hậu.
       Cô giáo H kể rằng : Sau buổi trưa nọ, khi đi dạy buổi mai về cơm nước xong định nghỉ một chút, vừa nằm chưa nóng lưng thì bổng có em học sinh chạy đến mời cô đến trường gấp để giải quyết một việc mất tiền trong lớp do thầy giám thị gọi. Cô ta vội vã thay đồ và cùng đi với em học sinh đến trường. Cô đến trường gặp thầy giám thị cho biết câu chuyện mất tiền, cô vào lớp 11B và gọi em bị mất tiền tên Long kể lại câu chuyện. Em Long thuật lại sự việc, chị em đưa em 120 ngàn đồng để mua cho chị một chiếc xe đạp, em Long định học xong rồi về mua. Trước khi học em Long đem khoe số tiền mua xe với các bạn. Học được một tiết ra chơi rồi trở lại lớp thì số tiền mua xe đã mất. 120 ngàn đồng ở thời điểm ấy rất là lớn, chiếc xe đạp là một gia sản lớn của nhiều gia đình nông thôn ở nơi vùng quê xa này.
     Khi cô giáo chủ nhiệm vào lớp, thì cả lớp nhao lên “ yêu cầu cô lục soát từng bạn ”. Trước sự yêu cầu và phản ứng của lớp học, cô giáo chưa biết làm gì đây. Thế rồi cô lên bục giảng đứng nhìn một lượt khắp cả lớp. Mắt cô nhìn từng đôi mắt của lũ học trò. Nhưng khi mắt cô vừa lướt nhìn qua đứa học trò tên là Luận, nó nhớn nhác nhìn cô rồi lại cúi đầu ngay xuống lẫn tránh, giác quan thứ sáu mách bảo cô đây chính là đứa ăn cắp tiền, và cô lướt thêm một vòng để kiểm chứng. Đôi mắt ấy lại một lần nữa nhìn lên mắt cô giáo nhưng ánh mắt lạ lắm. Nó như van xin cầu khẩn.
     Một luồng khí lạnh chạy ngang cơ thể cô ta, cô rùng mình, tay nổi da gà. Rồi đột nhiên một luồng ý tưởng lạ chợt đến thúc giục cô tự quyết định ngay mà mấy giây trước cô chưa hề nghỉ đến. Cô vội đi nhanh về nhà lấy hết số tiền trong tủ, lẩm nhẩm đếm, may làm sao vừa đủ số tiền em Long đã mất, và cô trở lại lớp, cô đưa hết cho em Long và cô nói : “ Em Long mất 120 ngàn đồng, nay cô trả cho em,  như vậy xem như em đã tìm lại được tiền. Từ nay không bàn luận gì nữa. Còn em nào đã lỡ cắp tiền của bạn, nay là tiền của cô giáo mình. Cô giáo từ ở xa đem đứa con nhỏ đến đây, lao động vất vã nhọc nhằn để giúp các em thành người có ý nghĩa cho cuộc sống, lẽ nào em lại đánh cắp hai tháng lương lao động đầy mồ hôi chất xám của cô mình. Nên cô tin chắc em sẽ trả lại. Cô sẽ bảo vệ danh dự cho em.”
    Em Long khóc không chịu nhận tiền, nhưng cô giáo buộc phải cầm lấy. Cô giáo bước ra khỏi lớp trước sự phản ứng giận dữ của lũ học trò và nổi bàng hoàng của thầy giám thị. Nhưng cô là cô giáo chủ nhiệm nên cô có quyết tối cao trong câu chuyện này.
     Sau cái vụ việc mất tiền. Một ngày trôi qua rồi lại một ngày. . . trôi qua thật chậm, thật nặng nề. Cô giáo không còn một đồng dính túi vì cái nghĩa cử của mình. Đành lòng ngày ngày nấu cơm ăn với rau luộc hái ngoài rừng, có lúc cô cảm nghỉ mình xử sự đúng, nhưng đôi khi cô cũng cảm thấy nuối tiếc, vì sao mình lại anh hùng hão thế ? Nếu kẻ cắp không đem tiền trả lại thì coi như mất toi hai tháng lương tiền đâu nuôi thằng cu tý lúc này ? Cô ta đâm ra ngẫn ngẫn ngơ ngơ như kẻ mất sổ gạo. Một tuần trôi qua trong sự im lìm.
      Sau hơn 10 ngày xãy ra biến cố ấy, cô ta gần như tuyệt vọng vì chẳng có ma nào đến thú nhận và trả tiền. Rồi một đêm trời mưa giông, mưa như trút kèm theo giông. Cô giáo ôm con vào lòng trong nổi buồn da diết, bụng làm thì dạ chịu không dám phàn nàn cùng ai, sợ cha mẹ biết thì khen hay chê ? chồng mà biết được thì không khỏi trách móc, lòng lo bối rối như tơ vò.
    Nhưng trong nổi buồn ấy hình ảnh người cha đã hiện ra rõ nét. Giọng ông  văng vẳng bên tai: “ Đừng bao giờ vì quyền lợi cá nhân mà làm thương tổn linh hồn kẻ khác. Đừng bao giờ đánh kẻ cùng đường. Nếu khi con đang đứng trên bục giảng bài mà thoáng thấy một học sinh đi trể thập thò bối rối ở hành lang, con hãy gọi vào, vì nó là kẻ đang thật sự muốn học. Khi học trò làm điều sai thì hãy sửa cho nó và cho cả chính mình, vì nếu nó đã giỏi như con thì nó tìm con để học làm gì ? Đừng bắt chước những người thầy vô cảm xua đuổi học trò ra khỏi lớp mà không cần biết nó sẽ đi về đâu con nhé ! ”.
    Trong khi hồi tưởng lại lời dạy của cha, thì bên ngoài nhà có tiếng khua cửa, cô cứ tưởng là tiếng động của con mèo con chó ở làng xóm, nên cô đánh tiếng đuổi đi. Một lúc sau lại vang lên tiếng gỏ cửa, rồi có tiếng thì thầm gọi tên cô giáo, tiếng được tiếng mất, cô ta vùng dậy gọi to: “ Ai thế ? ”
     Có tiếng trả lời : “ Dạ em là Luận đây cô ”.
     Cô ra mở cửa, bóng thằng con trai chạy xộc vào và quỳ gối dưới chân cô giáo khóc sướt mướt. “ Cô ơi ! em là kẻ ăn cắp, Em hiểu cô đã nhận ngay điều ấy khi mắt cô nhìn mắt em, nhưng cô đã ra sức bảo vệ em. Nếu hôm ấy cô theo lời yêu cầu của các bạn, rà soát từng học sinh một thì sẽ tìm thấy tiền em giấu trong người, chắc chắn em sẽ bỏ xứ ra đi. Lẽ ra em trả ngay tiền cho cô ngay đêm đầu tiên để cô khỏi lo âu nhưng em sợ các bạn đang rình theo giỏi để tố cáo em trước cả trường. Em không ngủ bao đêm nay vì em biết em là kẻ xấu. Em rất cần tiền nhưng không có khả năng kiếm nó. Bạn Long đã khoe tiền nên khêu gợi lòng tham của em. Một phút thiếu suy nghỉ em đã phạm lỗi. Nhưng cô đã hiện ra như một bà tiên trong truyện cổ tích để cứu em thoát khỏi nổi ô nhục của một thanh niên có học. Đêm nay cô cho em gửi lại số tiền này và em xin thề với cô mãi mãi không bao giờ làm kẻ ăn cắp.
     Cô giáo nhận lại số tiền từ tay học trò mà nước mắt rơi. Cô ta mừng vì đã có tiền để mua sửa cho con, mừng vì mình đã không vô tình tiếp tay xô đẩy học trò mình xuống vực thẳm.
     Ba mươi năm trôi qua, cô giáo rời xa ngôi trường ấy trở về xứ Huế làm một nghề khác, nghề dạy ẩm thực du lịch, chưa có một dịp nào gặp lại học trò xưa ở xứ Quảng nên hầu như mọi học trò chẳng biết cô ở đâu nơi thành phố này.
     Thế rồi, một hôm trong buổi sáng trời mưa, có một người đàn ông bận áo mưa bì bõm từ cổng đi vào, cô ta bước ra hiên để hỏi khách lạ tìm ai. Một giọng nói Quảng Nam khàn khàn cất lên : “ Xin hỏi đây có phải nhà cô giáo H không ? ”
          Vâng ! thưa đúng ạ, xin mời bác vào nhà. Xin lỗi bác là phụ huynh của em nào ?  Cô giáo nghĩ rằng người đàn ông này là phụ huynh của sinh viên đến thăm mình để nói lời cảm ơn đã dạy dỗ con họ như bao lần vẫn tiếp trong đời làm nhà giáo của mình .
      Người đàn ông bước vào hiên, lấy cái mũ và áo ra rồi quỳ xuống ngay trước mặt, nắm chặt bàn tay cô giáo, nói trong cơn xúc động. “ cô ơi, em đây, em là thằng Luận ngày xưa đây ”.  Qua một phút bối rối, cô giáo kéo người khách đứng dậy và cũng nói với giọng nghẹn ngào : “  Cô nhận ra em rồi, mà sao em lại ở Huế hôm nay ? và làm sao em biết nhà cô mà đến  ?
     Anh học trò Luận theo cô giáo vào trong nhà. Cô giáo đi pha trà mời ngồi, cô giáo hồi tưởng lại em Luận ngày xưa với ngày hôm nay nét mặt không thay đổi mấy, nhưng dáng dấp già hơn, đầu tóc lấm tấm muối tiêu. Nó là đứa học trò đầu đời của cô khi vừa tốt nghiệp Đại Học Sư phạm những năm 1976 rời Huế đi dạy học tại ngôi trường cấp ba miền núi. Hơn 30 năm trôi qua những dĩ vãng chìm lắng trong tâm trí, mà sao hôm nay nó lại lù lù hiện ra trước mặt mình thế nhĩ ? Ngắm  mặt nó cũng đôi mắt như xưa nhưng mất hẳn nét nhớn nhác van lơn hôm nào. Luận kể cô nghe, giờ đây cậu là một kỷ sư trưởng của một nhà máy có tên tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh. Đã có vợ con và đạt nhiều thành đạt cao quý trong nghề nghiệp.
     Luận nói rằng, nếu ngày ấy bị phát hiện là kẻ ăn cắp thì chắc chắn hôm nay nó chỉ là kẻ du thủ du thực sống ngoài vòng pháp luật mà thôi. Nó luôn nghỉ về cô giáo của mình và mong ước một ngày nào đó tìm lại thăm cô. Nhân chuyến đi Huế nên Luận đã có ý định đi tìm đến thăm. Nó tìm được nhà cô là đã có lần nghe cô kể nhà cô ở phố Âm hồn. Cái tên kinh dị ấy do năm 1884 kinh đô Huế đã thất thủ, và đã biết bao người Huế chết oan nơi đây, nên những người còn sống sót, để tưởng niệm xây miểu âm hồn thờ cúng và gọi tên đường để nhắc nhở nổi đau thương của một thời đất nước. Do đó mà Luận đã lần theo tìm ra nhà cô giáo. Phải chăng đây chính là món quà quý nhất mà người học trò năm xưa đã hiến tặng cho cô giáo hôm nay đã giả từ mái trường trở về sống đời ẩn dật hơn 30 năm trôi qua./.

   Lời bàn : Những tội lỗi, sai lầm của con người gây ra, phần đông do hoàn cảnh tạo, cũng có phần do thiếu giáo dục mà ra. Để đối trị tội lỗi có hai cách : Một là pháp trị , hai là đức trị. Pháp trị là dùng biện pháp, như tra khảo, đánh đập,tù đày, kiểm điểm, kiểm thảo vv.. ở đời người ta thường dùng. Nhưng dùng pháp trị thì phần đông tốn sức, thời gian và tiền của mà sự khắc phục không cao, nhiều lúc gây tác dụng ngược lại. Còn dùng đức trị, tức dùng đạo đức để trị, thì không tốn kém thời gian, sức lực và tiền của mà kết quả nâng cao và dứt điểm, có lợi về lâu dài hơn.
      Qua câu chuyện trên, cô giáo là một người Phật tử ảnh hưởng sự giáo dục của người cha cũng là người thầy giáo có tâm đạo đã huấn luyện con mình từ nhỏ, nên cô có được sự giáo dục một cách nhân đức. Nhờ đó cô đã cứu được cuộc đời học trò mình ra khỏi con đường tội lỗi để trở thành người có ích cho xã hội và gia đình. Đó là món quà vô giá mà cô không ngờ đã hơn 30 năm trôi qua mà nay cô nhận được.
      Đây để minh chứng cho phương pháp tu tập trong nhà Phật là lòng từ bi và hỷ xả người đời họ không hiểu cho rằng đạo Phật dạy con người cái nhu nhược yếu hèn và yếm thế. Nơi đây câu chuyện được thực hiện bởi lòng từ bi và hỷ xả, chúng ta không thấy nhu nhược, yếu hèn yếm thế, mà là một sức mạnh, một sự dũng cảm, một sự tích cực nếu không phải là Phật tử ít ai có thể làm được như cô giáo H.
         Câu chuyện được  ghi lại từ Tạp chí VHPG số 118  -15-11-201

                Dựa theo lời kể của Cô giáo Hoàng Thị Như Huy.  

LÒNG BAO DUNG CỦA CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét