Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

PHÁT TÂM

    Đại Sư Tỉnh Am có tên là Thật Hiền khuyên mọi người tu học cần phải phát tâm. Ngài nói : “ Cửa yếu vào đạo lấy sự phát tâm đứng đầu, việc cấp thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm bước trước. Nguyện có lập thì chúng sanh mới độ nổi, tâm có phát thì đạo mới tựu thành. Nếu tâm rộng lớn không phát, nguyện kiên cố không lập, thì dù trải qua trăm kiếp ngàn đời, vẫn cứ quanh quẩn trong vòng sanh tử luân hồi mãi mãi. Dù có gia công tu hành, cũng chỉ nhọc công vô ích, đắng cay vẫn hoàn đắng cay. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói : “ Quên mất tâm Bồ đề mà tu hành các thiện pháp, gọi là hành động của ma ” . Quên mất mà còn như thế, huống nữa là chưa phát ? cho nên biết rằng, muốn học đạo Như Lai trước hết phải phát nguyện bồ đề. Không thể hoãn đãi được.
       Nhưng tâm nguyện người tu có nhiều tướng trạng khác nhau, nếu không phân tích trình bày, biết đâu mà hướng tới ? Nay vì đại chúng, xin nói tóm lược về tâm nguyện. Tướng trạng tâm nguyện có tám loại: Đó là Tà, Chánh, Chân, Ngụy, Đại, Tiểu, Thiên, Viên.
        Những người tu trong đời, sau khi vào chùa tu chẳng xét tâm mình, chỉ chuyên lo ngoại vụ. Hoặc cầu sướng thân, hoặc ham nổi danh, hoặc ưa thích dục lạc thế gian. Hoặc cầu mong quả vui mai hậu. Phát tâm như thế, đích thị là tà.
      Danh lợi không ham, quả vui chẳng thiết, chỉ mong giải thoát, đạt đạo Bồ đề. Phát tâm như thế được gọi là chánh.
     Niệm niệm liên tục, ngước lên thì cầu Phật đạo, cúi xuống thì độ chúng sanh. Nghe Phật đạo cao siêu, không sanh sầu lo thối chí, thấy chúng sanh khó độ không sanh mõi mệt sờn lòng. Như trèo lên núi cao muôn trượng quyết lên thấu tận đỉnh. Phát tâm như thế gọi là chân.
    Có tội không sám hối, có lỗi không dứt trừ. Ngoài sạch trong dơ, trước siêng sau nhác. Tâm tuy tốt đấy nhưng phần lớn bị danh lợi giao xen, pháp tuy hay đấy, nhưng oan uổng bị vọng nghiệp nhuốm bẩn. Phát tâm như thế đích thị là ngụy.
     Cõi chúng sanh hết, nguyện ta mới hết, đạo bồ đề thành, nguyện ta mới thành. Phát tâm như thế được gọi là đại.
    Xem ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia. Chỉ mong tự độ, không muốn độ người. Phát tâm như thế đích thị là tiểu.
    Ngoài tâm nếu thấy có chúng sanh cần độ, có phật đạo mong thành, công phu không xã, thấy biết không tan. Phát tâm như thế đích thị là thiên.
   Nếu biết tự tánh là chúng sanh, nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo, nên nguyện tu hành. Không thấy pháp nào ngoài tâm riêng có. Đem tâm hư không phát nguyện hư không, tu hạnh hư không, chứng quả hư không. Cũng không có tướng hư không, có thể chứng đắc. Phát tâm như thế được gọi là viên.
      Biết được tám tướng khác nhau trên đây của tâm là biết cứu xét. Biết cứu xét là biết lấy bỏ. Biết lấy bỏ là biết phát tâm. Cứu xét như thế nào ? Cứu xét tâm mình phát ra so với tám tướng nói trên, là chánh, là tà, là chân, là ngụy, là đại, là tiểu, là thiên hay là viên.  Lấy chánh, lấy chân, lấy đại, lấy viên. Phát tâm như thế mới gọi là chân chính phát tâm bồ đề.

      Tâm bồ đề này là pháp lành hàng đầu trong các pháp lành. Phát khởi được tâm ấy hẳn phái có nhân duyên. Nhân duyên phát khởi tóm lược có mười. 1- là nhớ ơn nặng của Phật. 2- Nhớ nghĩ công ơn cha mẹ. 3- Nhớ nghĩ công ơn sư trưởng. 4- Nhớ nghĩ công ơn thí chủ. 5- Nhớ nghĩ công ơn chúng sanh. 6- Nhớ nghỉ khổ đau sanh tử. 7- Tôn trọng tánh linh của mình. 8- Là sám hối nghiệp chướng đã gây. 9- Là nguyện cầu vãng sanh tịnh độ. 10 là làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài.

PHÁT TÂM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét