Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

NHỮNG NGỘ NHẬN CỦA NGƯỜI ĐỜI ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO


Trước kia, có thời gian người ta nhận định tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng là liều thuốc phiện làm say mê lòng người. Họ cho rằng Phật giáo là mê tín, là dị đoan, là tiêu cực, yếm thế, những ngưòi tu là người chán đời, thất tình, thất nghiệp, tránh trốn trách nhiệm .v v. Đặc biệc, thành phần trí thức thường lấy tư tưởng này để chụp mũ Phật giáo.
          Tại sao hàng trí thức lại là thành phần chính chụp mũ Phật giáo ? Bởi vì, mới vừa cắp sách đến trường, họ đã bị nhồi sọ những tư tưởng này. Họ chỉ biết Phật giáo qua những vần thơ hủ bại, những vỡ diển điên cuồng với ý không tốt, chứ họ nào được giới thiệu, vị thiền sư nhà Lý có công chính đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, sau đó dời đô về Thăng Long, vị Phật Hoàng nhà Trần đầy mưu lược yêu nước thương dân, thành lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hay ngọn lửa bất diệt giữa lòng thành phố  Sài Gòn đã góp phần đánh đuổi chế độ độc tài họ Ngô. Do nhãn quan của họ chỉ chằm chằm vào đốt mía sâu, không nhìn thấy cả đám mía tốt, nên họ đã thành kiến với Phật giáo trong lòng họ càng ngày càng sâu .
          Vậy chúng ta phải làm gì để thành phần trí thức có cái nhìn mới về Phật giáo ? xoá đi những tư tưởng bị cài đặt ? bị nhồi sọ ? .
    Thứ nhất: Chúng ta chứng minh cho được Phật giáo không phải là thuốc phiện, không phải là mê tín dị đoan, không xấu xa như họ tưởng. Một tôn giáo muốn thành lập phải có đầy đủ ba điều kiện: 1-/ Giáo chủ, là người chủ trương, người sáng lập. 2- Giáo thuyết, là giáo lý, là những quy định, quy tắc, điều lệ do vị giáo chủ đó đề xuất (tư tưởng của vị giáo chủ ). 3- Tín chúng, tức tín đồ, là những người thực hành những tư tưởng đó. Cũng vậy các đảng phái thành lập cũng không ngoài ba điều kiện này. Nếu ai đó nói Phật giáo là mê tín dị đoan thì đồng nghĩa với những đảng phái, tư tưởng hiện có trên thế gian này cũng như vậy nốt.
   Thứ hai : Nổ lực hoằng dương phương pháp giải thoát của Phật đà, thực hành tinh thần con đường Bồ tát , thiết lập tịnh độ tại nhân gian.
   Thứ ba :  Xây dựng tăng thân gương mẫu, sống phạm hạnh, thiểu dục tri túc, nhằm xoá bỏ những thành kiến trong tâm lý của họ.
    Người đời hiểu lầm Phật giáo, có người cố ý, có người vô tình có mấy trường hợp như sau :
1-         Thành phần kỳ thị Phật giáo : Có hai hạng, 1/ Hạng thứ nhất cố ý, 2/ Hạng thứ hai bị dụ dỗ nghe theo. Hạng thứ nhất trong lòng họ chất chứa thành kiến, cho nên cố ý huỷ báng, chê trách. Hạng thứ hai: người ta nói sao mình nghe theo vậy, đúng cũng ừ, sai cũng gật. Hạng thứ nhất không phân biệt trắng đen, cho nên cố tình gáng cho Phật giáo những từ như lạc hậu, mê tín, tiêu cực, chán đời, trốn trách nhiệm v.v để nhằm biểu thị tư tưởng của họ đang theo là tiến bộ. Còn hạng thứ hai là những người không có lập trường, người khác nói sao thì nghe vậy. Mọi người không lạ gì khi người ta cho Phật giáo là mê tín, lạc hậu. Song nếu hỏi Phật giáo lạc hậu chổ nào ? mê tín ra sao ? Thì họ không nói được. Bởi vì vốn dĩ họ có hiểu gì về Phật giáo đâu.
         Cái mà người ta hay lầm tưởng Phật giáo cùng với các tôn giáo khác trên phương diện thờ phụng như các tôn giáo đa thần và nhất thần. Xét ra Thần là Thần, Phật là Phật không có vấn đề giống nhau. Phật dạy con người hãy tin tưởng vào sức mạnh của chính mình, hết thảy chúng sanh đều có đầy đủ bản tánh Phật, bất kỳ ai, nếu thật tâm tu hành đều có khả năng thành Phật
2-Thành phần hiểu sai Phật pháp : Hạng người nầy, phần lớn không có tâm phản đối Phật giáo, nhưng không có nhận thức rõ về Phật giáo, cho rằng Phật giáo là hình thức tín ngưỡng, lễ bái thần linh, cúng bái ma quỷ của Phật giáo, điều này đưa đến rất nhiều sự hiểu lầm cho người đời. Đặc biệc có những người, trộn lẫn thần với Phật, qua những hình thức bà đồng ông cốt nào đó, không dính liếu gì đến Phật giáo, cũng đều xem là sản phẩm của Phật giáo. Đây là sự hiểu lầm không thể chấp nhận được, phần đông những người không hiểu giáo lý Phật họ xem thần đạo và Phật giáo là một.
3-Thành phần bỡ ngỡ với Phật giáo : Trong xã hội có một số người, do bôn ba với kế mưu sinh, suốt ngày bị tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghĩ chiếm hết thời gian, trong đầu họ hầu như chẳng có chút ấn tượng nào về tôn giáo. Trong kinh nói: làm người được là khó: “ thân người khó được, 6 căn khó đủ, Phật pháp khó nghe, chúng tăng khó gặp, lòng tin khó sanh, trung quốc khó gặp ” là vậy.  Phật giáo đã lưu truyền trên 2500 năm, phong trào Phật giáo được xuất hiện từ Nam chí Bắc, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến văn hoá, chính trị của đất nước trong mọi thời đại. Ấy thế, ngày nay vẫn còn nhiều người hết sức bỡ ngỡ khi nói đến Phật giáo. Điều này không chỉ buồn cho Phật giáo mà càng buồn cho nền văn hoá dân tộc một đất nước.
4- Thành phần tự xưng đệ tử Phật mà chẳng biết Phật pháp là gì.  Hạng người này mặc chiếc áo Phật giáo, tự xưng Phật tử. Họ cũng đốt hương niệm Phật, song xin xăm bói quẻ. Họ thấy những người dân  chất phát, hiền lành không có cơ hội tiếp cận với văn hoá, do đó thừa lúc đục nước thả câu. Trên bàn thờ có cả Phật, Bồ Tát, Tiên cô tiên cậu. Phương pháp thực tập gồm cả vận khí đạo dẫn và niệm chú. Loại pháp môn tổng hợp này, nếu ai không hiểu Phật pháp thì cho là Phật giáo, do đó không thể kêu oan cho Phật giáo được.
5- Thành phần không phải đệ tử Phật muốn hiểu Phật pháp mà không có cơ duyên : Hạng người này tương đối nhiều trong xã hội. Phần lớn họ là thành phần trí thức, đã có ý thức về sự rộng lớn cao sâu của giáo nghĩa Phật giáo, giáo nghĩa ấy nó có mối quan hệ mật thiết với nền văn hoá nước nhà. Họ rất muốn tìm hiểu, am tường một chút đại ý của Phật pháp, nhưng chẳng có duyên phần. 1- Họ không có cơ hội diện kiến với những vị thiện tri thức lãnh đạo Phật giáo. 2- Họ tìm không được  những cuốn sách phù hợp với sự tìm hiểu, song nhất thời cũng không biết đâu là đầu mối. Vì không có cơ hội tìm hiểu Phật giáo, nên không thể phát sinh tín ngưỡng.
          Do vì những lý do trên, mà phần đông người ta hiểu lầm Phật giáo và bỡ ngỡ với Phật giáo rất nhiều. Vậy chúng ta làm cách nào để thành phần trí thức nhận thức được chính xác về Phật giáo ?
  Phật pháp cao sâu, viên dung, rộng lớn tinh vi, điều này được nhiều học giả trên thế giới công nhận, ngay cả những người không cùng tín ngưỡng Phật giáo, họ cũng đều thừa nhận lý luận chính xác và vĩ đại của Phật giáo. Nhưng vì do Phật giáo quá vi diệu, nên khó lãnh hội, do quá cao sâu nên không dễ gì hiểu thấu. Ba tạng 12 bộ kinh, bao la như biển lớn, tên gọi cũng nhiều, nghĩa lại cao sâu. Điều này đối với người mới biết đạo, nếu không có người giảng giải, mà muốn tìm hiểu hàm ý trong đó, quả thật khó hơn lên trời.
Trong kinh điển Phật giáo có nhiều loại, có loại chuyên giới thiệu về tịnh độ, có loại chuyên giới thiệu về thiền, về Mật chú, về nhân quả, khuyên về làm lành lánh dữ, nhân quả v.v lại thêm từ ngữ Hán và Ba ly khiến người tìm hiểu càng khó đến gần với Phật giáo một cách trọn vẹn, họ bỡ ngỡ như đứng trước chân núi cao không biết hướng về đâu ?
  Phần đông khi không hiểu chổ thâm sâu của đạo Phật, người ta cho rằng Phật giáo tiêu cực tránh đời, không tạo ra của cải vật chất. Vì vậy tôn giáo là Phật giáo không có cống hiền gì cho quốc gia xã hội !  Luận điệu này mới nghe qua cứ ngỡ như thật, song người ta không biết đệ tử Phật gồm có hai thành phần, thành phần tại gia và thành phần xuất gia. Thành phần xuất gia có nhiệm vụ giữ ngôi nhà đạo đức, còn thành phần tại gia, làm các công việc như, sĩ nông, công, thương, v.v để duy trì kinh tế và phát triển xã hội. Như vậy tín ngưỡng Phật giáo chẳng trở ngại công ăn việc làm, ngược lại còn giúp cho nghề nghiệp của họ phát triển. Còn nếu nói hàng xuất gia không làm ra của cải vật chất thì không có cống hiến cho xã hội. Vậy trong xã hội ngoài những người trực tiếp làm cày cấy, làm thợ v.v.. còn một số bộ phận không trực tiếp làm ra của cải vật chất như giáo viên, bác sĩ, kỷ sư . . . họ không trồng lúa, may vá thì không lẽ họ là những người ăn không ngồi rồi, không đóng góp gì cho xã hội ư ?  Như thế nên biết đệ tử xuất gia, tuyệt chẳng phải là những người ăn không ngồi rồi, không có lợi ích gì cho nhân quần xã hội ?  Các vị xuất gia có trách nhiệm hộ quốc an dân, bằng cách đem lời dạy đạo đức của Phật khuyến hoá mọi người bỏ ác hành thiện, khiến cho quốc thái dân an há không phải là vô tích sự sao ?  Luật pháp trong xã hội chỉ hạn cục ở chổ ngăn chặn con người khi đã phạm tội mà thôi, còn đạo đức nhà phật có khả năng cảm hoá con người ngăn chận những tội lỗi chưa phát sanh.
                   Đệ tử Phật phải có trách nhiệm với xã hội, gia đình và tự thân. Đối với đất nước phải trung thành, đối với cha mẹ , ông bà thân quyến phải hiếu thảo, đối với bạn bè phải giữ chữ tín. Tuân giữ 5 giới cấm và các điều lệ trên, đều là nhân tố để trở thành một công dân tốt, sau đó tiến lên thực hành pháp xuất thế. Đức Phật dạy đệ tử luôn phải báo đáp tứ trọng ân. Tứ trọng ân là 4 ân lớn, là ân quốc gia, ân cha mẹ, ân chúng sanh, và ân Tam bảo, Phật pháp Tăng. Điều này nói lên Phật giáo không phải là tôn giáo dạy người quên ơn bỏ nghĩa, quên đất nước, cội nguồn và vứt bỏ tổ tiên giòng giống.
                   Năm nguyên tắc sống hạnh phúc và an lạc mà Phật đã dạy cho người đệ tử đầu tiên là ý thức được sự khổ đau của việc giết hại, xin học hạnh đại bi không sát sanh để bảo vệ sự sống. Ý thức về sự khổ đau do lường gạt, trộm cắp gây ra, xin nguyện không trộm cắp, gian xảo bóc lột, lừa đảo người khác. Ý thức được sự khổ đau khi gia đình mất hạnh phúc chung thuỷ, và những sự nguy hại về bệnh tật, nghèo đói, thất học của con cái v.v do tà dâm gây ra xin nguyện không tà dâm, sống cuộc đời trong sạch, nguyện giữ mình tinh khiết. Ý thức được sự khổ đau do lời nói không chân thật gây ra xin nguyện nói những lời chân thật và nhẹ nhàng, không gây tổn hại người khác trên lời ăn tiếng nói. Ý thức được sự khổ đau do rượu bia và các chất gây say nghiện gây ra xin nguyện không dùng những chất gây say nghiện.
                   Con người đau khổ xã hội bất ổn bất an là do con người không giữ được 5 điều, sát sanh, trộm cắp, nói đối, tà dâm và rượu chè cờ bạc. Năm điều quy chế của Phật đưa ra cho người Phật tử chính là những nhân tố góp phần ổn định trật tự xã hội một cách có hiệu quả mà không gây tác hại và tốn kém về người và của, mà làm cho gia đình, xã hội có được sự an lạc hạnh phúc thật sự.

                   Cho nên tiên sinh Tôn Tung Sơn nói “ chính trị có khả năng đối trị bên ngoài, tôn giáo có khả năng đối trị tâm người, Tôn giáo có khả năng hổ trợ cho chính trị, chính trị có trách nhiệm hộ trì tôn giáo ”.Nhà bác học thông thái Enstien nói: “ Khoa học không có tôn giáo khoa học què quặt. Tôn giáo không có khoa học tôn giáo mù quán ” Qua đây chúng ta thấy được, chính trị và tôn giáo là hai nền tảng vững chắc để ổn định và duy trì xã hội. Muốn được như thế thì, đòi  hỏi mục tiêu của chính trị và tôn giáo phải nhất trí với nhau, mới có khả năng đạt được lợi ích thiết thực. Hai lãnh vực cùng hổ trợ lẫn nhau để cùng thành tựu./.

NHỮNG NGỘ NHẬN CỦA NGƯỜI ĐỜI ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét