Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

NGHĨ VỀ TU TÂM


   Nói đến TU là người ta nghĩ đến đạo. Đạo có nhiều thứ đạo, mỗi đạo tu mỗi cách. Phần đông các đạo thuộc về nhất thần giáo và đa thần giáo, sự tu học của tín đồ nặng về đấng giáo chủ của họ. Tức là mọi sự hênh xui được mất họ đều quy do đấng giáo chủ của họ quyết định. Sự sống của họ do sự quyết định của chúa, sự chết của họ là sự trở về với chúa cũng do chúa quyết định. Ngược lại tu theo Phật, sự sống cũng như sự chết đều do con người quyết định. Đi lên hay đi xuống thăng hay trầm đều do con người chọn lấy Phật không thể làm khác đi được.
     Ý nghĩa chữ tu trong đạo Phật, tu là sửa. Sửa sai thành đúng, sửa xấu thành tốt, sửa cong thành thẳng, sửa phàm thành thánh v.v . Chữ tu trong đạo Phật có ba phương diện: Tu thân, tu tâm, tu hoàn cảnh, tức là sửa thân cho trang nghiêm sạch sẽ, không bịnh hoạn, sửa tâm không tham sân ác độc tật đố, sửa hoàn cảnh sống trong sạch thông thoáng trang nhã. Sửa ba thứ thân, tâm, hoàn cảnh gọi là tu.
    Khi có người rũ nhau đi chùa tu tập, người ta thường nói: Tu đâu cho bằng tu nhà thờ cha kính mẹ hơn là đi tu. Hay thứ nhất tu thị nhị tu gia thứ ba mới tu chùa. Những người chưa hiểu giáo lý Phật, họ lại nói tụng kinh niệm Phật làm chi, chủ yếu là tu tâm, đâu phải đợi đến chùa mới tu. Tu là tu tâm thôi ! Chay lạt làm chi cho phiền phức, nên tu tâm thì tốt hơn ! v.v  Lại có người còn bảo : Lạy chi cái tượng xi măng ấy mà lạy hoài, cứ tu tâm có phải hơn không ?
     Đúng vậy- Trong đạo Phật chủ yếu là tu tâm, nhưng khi hỏi thế nào là tu tâm thì kẻ nói thế này, người nói thế kia, xem ra chưa một ai kiến giải được gì về khái niệm tu tâm . Một khái niệm dường như rất đơn giản mà lại khó giải thích cho tường tận.
     Thật ra tu tâm khó vô cùng, chính đức Phật cũng phải trãi qua ba a tăng kỳ kiếp tu tâm mới vượt được vị phàm phu thành bậc chánh đẳng chánh giác.
      Tại sao tu tâm lại khó như vậy ? Khó có lẽ vì chúng ta chưa chịu khó tìm hiểu về tâm một cách cơ bản và chưa biết phải bắt đầu tu tâm từ đâu và như thế nào.
      Muốn hiểu về tâm một cách cơ bản ta nên đọc các kinh Viên Giác, Niết Bàn, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Pháp Cú v.v. Chúng ta có thể tạm hiểu về tâm qua các nghĩa sau :
    Tâm là chứa nhóm các tập khí chủng tử và sau đó cho các chủng tử phát khởi hiện hạnh.
   Tâm là sự nhận xét đối tượng và khởi lên sự phán đoán phân biệt.
   Tâm là những chủng tử tập khí sanh diệt tương tục, không gián đoạn.
    Trong kinh thường nói tâm địa. Tâm như mặt đất, chứa nhóm tiềm tàng mọi chủng tử. Tập khí chủng tử là những thứ mà chúng ta đã và đang không ngừng huân tập, cày xới gieo trồng trên mãnh đất tâm thức của chúng ta. Đó là những  tâm lý  mừng, giận, thương ghét, buồn vui, kiêu căng, thù hận v.v  24 giờ trong mỗi ngày hầu như tất cả thời gian liên tục những ý niệm thiện ác luôn luôn sanh rồi diệt, diệt rồi sanh trong tâm ta, luân lưu ràng buộc chúng ta. Chúng luôn luôn thôi thúc chúng ta hành động, tạo tác để rồi cảm thấy bất an trong hiện tại, đồng thời gây nhân khổ vui ở mai sau.
    Đức Phật dạy rằng những ý niệm tập khí chủng tử sanh diệt ấy là vọng tâm, là vô minh che lấp chân tính vốn có sẳn ở mỗi con người, như mây đen làm che khuất mặt trời vậy.
     Biết đại khái như vậy về tâm rồi, việc tìm hiểu thế nào là tu tâm có thể dễ dàng hơn. Tu tâm là khóa trình tự mình từng bước gạn lọc, điều phục, tiêu trừ dần vọng niệm, tập khí xấu để trở nên an định, sáng suốt thuần thiện, như một ly nước đục trở thanh trong suốt là nhờ lắng hết mọi cấu bẫn tạp chất, hay như một tấm gương sáng vì được lau hết lớp bụi.
     Nhưng nói thì dễ mà làm rất khó. Thật vậy, tu tâm là cả một việc thiên nan vạn nan, bởi vì tâm là một con ngựa bất kham chẳng dễ gì khuất phục được. Như vậy thì làm sao mà tu tâm ?  Tu tâm sẽ là không tưởng nếu không huấn luyện thân, khuất phục nó không buông lung theo bản năng. Tu thân tức là tu giới ..  .
    Vậy rõ ràng, muốn thành tựu tu tâm trước hết phải tu thân, tức tu giới. Hàng Phật tử tại gia có 5 giới, 8 giới, 10 giới, 49 giới. Giới sẽ giúp ta huấn luyện thân. Những ai tu giới tốt tức đã đi đúng hướng trên lộ trình tu tâm, vì từ giới sanh định, từ định phát huệ . ..
   Như vậy thì việc tụng kinh niệm phật, đi chùa, ăn chay, tập tỉnh tọa có phải là giữ giới , tu tâm không ? Đó là những phương pháp điều phục thân, điều phục tâm, đó cũng chính là giới là định vậy.
    Khi tụng kinh, niệm Phật lạy phật hành giả tập trung tân ý, duyên theo câu Hồng Danh Phật, và lời kinh tiếng kệ, tâm ý không chạy rông được, tâm dần dần được vắng lặng, tập nghiệp, ác niệm không có điều kiện phát sanh, Đó là giữ giới, là tu tâm. Đến chùa là nơi thanh tịnh, gặp được thầy hiền bạn tốt, sống trong môi trường trong lành ấy, lòng chúng ta trở nên trong sáng, niệm lành niệm tốt dễ huân tập hơn. Đó là giữ giới tu tâm. Lạy Phật là chúng ta trãi lòng tỏ ý biết ơn đấng Từ tôn, dẹp bỏ trong ta ý niệm kiêu căng, ngã mạn, tỏ sự sám hối, ngăn không cho thân tâm làm điều tội lỗi. Ăn chay là để nuôi dưỡng tâm từ bi huân tập thiện nghiệp . . ..Đó chính là giữ giới tu tâm. Tỉnh tọa thiền quán cũng không ngoài mục đích trên.
     Ngoài ra, người tu tâm là người không ngừng cải tạo tưới tẩm tâm địa của mình trở nên một mãnh đất thuần lương bằng cách gieo trồng thiện nghiệp tạo lập phước điền, như ở thế gian người ta thường nói : Tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành v.v.. Tuy nhiên tất cả mọi thiện pháp ấy phải được soi đường bởi Bát Chánh Đạo, mới có thể tránh được những sai lầm.
    Ngày nay con người thọ hưởng nhiều tiện nghi vật chất từ những thành tựu của văn minh khoa học, thế nhưng nổi khổ niềm đau không giảm mà vẫn không hề vơi mà trái lại tăng lên gấp bội lần, mỗi ngày một nhiều hơn. Trong kinh nói : Tâm bình là thế giới bình, nếu nhân loại trên thế giới chỉ cần  1/2 dân số nhân loại có “ tâm bình ”  thì thế giới này sẽ yên lắm rồi.
     Loài người đang phải gánh chịu vô vàn thảm họa từ môi trường, đến thiên nhiên, chiến tranh, xã hội . . .tất cả thảm họa đó đều phát xuất từ tâm của con người. Chính vì thế, một sự phản tỉnh tu tâm của lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta ai cũng đồng ý rằng tu tâm là một đại sự, đồng thời là một đại nguyện của mọi người. Với quan điểm của đạo Phật muốn cho đại sự ấy được thành tựu, thì việc phát nguyện thọ tam quy trì ngũ giới một cách nghiêm túc, trọn vẹn chính là điều kiện tiên quyết. Đó là hành trang không thể thiếu cho những ai dốc chí hướng thượng./.
     Trích từ ( bài của : Ngô Hiệu- Thăng Bình ) Nội san Hương Sen 22 PL 2555)           

NGHĨ VỀ TU TÂM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét