Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

NỀN TẢNG VIỆC TU TRÌ


                   Tam vô lậu học, là Giới, Định và Tuệ là nền tảng của việc học Phật. Thực hành tam học một cách tinh chuyên thì chắc chắn có khả năng đoạn trừ phiền não, sẽ siêu phàm nhập thánh.
                   1- Giới học : gọi là giới luật, tức là những nguyên tắc để hành giả tu thân và điều phục tâm. Những nguyên tắc đạo đức, nhằm giúp hành giả tịnh hoá thân tâm, dừng chỉ hành động, lời nói và ý nghỉ xấu ác, đồng thời có những việc làm, lời nói, ý nghĩ thiện lành.
                   Trong ba môn học Giới, Định, Tuệ được cô đọng và tóm tắc bằng một bài kệ :
                   Đừng làm các việc ác - Hãy làm các việc lành
                   Giữ tâm ý trong sạch   -  Ấy là lời Phật dạy.
          Bỏ ác làm lành, giữ tâm ý trong sạch tức là đoạn trừ phiền não. Thực tập trọn vẹn ba điều này gọi là tu Đạo.
                   Căn bản phiền não của con người là ba độc, tham, sân, si. Ba độc nầy lấy ý làm chủ, có bài kệ rằng :
                   Trong các pháp tâm làm chủ
                   Tâm dẫn đầu tạo đủ mọi duyên
                   Tâm nhơ tạo nghiệp chẳng hiền
                   Như xe lăng bánh khổ liền theo sau.
          Năm nguyên tắc đạo đức của Phật giáo là, không sát, không trộm, không dâm, không dối, không rượu chè. Năm nguyên tắc đạo đức này thuộc về phần ngăn ngừa điều xấu ác, muốn giải thoát chứng quả, cần phải nổ lực thực tập những điều lành. Làm lành có nghĩa là thay thế 10 điều xấu ác tham lam, sân giận, si mê, sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói lời thô ác, nói lưỡi đôi chìu, bằng những việc làm lành thiện, như quán từ bi, quán bất tịnh, quán nhân duyên, phóng sanh, bố thí, nói lời chân thật, lời nhu hoà , hỷ xả v.v
                    2- Định học : Định còn gọi là thiền định, dùng để điều phục tâm. Tu tập thiền định giúp cho tâm được an định, ngăn ngừa sự tán loạn của tinh thần. Quả khổ mà thân tâm của ta cảm thọ là do nghiệp và phiền não kết tập mà ra. Do đó, muốn giải trừ phiền não, việc trước hết là phải đoạn trừ nhân phiền não. Nguyên nhân sinh ra nhân khổ, chính là vọng tâm phát sinh trong ý thức. Vọng tâm của chúng ta, niệm đầu đã diệt niệm sau đã phát sinh liên tục không ngừng nghỉ. Vọng niệm là phiền não, được diển ra ngay trên ý niệm và hành vi của thân, miệng và ý là nghiệp. Do phiền não mà tạo nghiệp, vì có nghiệp nên phải chịu khổ, đây là điểm chính của vòng luân hồi sanh tử. Do đó hành giả học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật đà cần phải điều phục tâm mình. Giới là để ngăn ngừa những hành vi và lời nói xấu ác của thân và miệng, còn định để điều phục và đoạn trừ những vọng niệm trong tâm, cần phải nương giới tu định, nhân định mới phát huệ.
                    3- Huệ học : Tuệ còn gọi là trí tuệ, trí tuệ này chẳng phải thế trí biện thông của trí thế gian, mà là đại trí tuệ, trí tuệ vô lậu chứng đắc thông qua định lực. Trí tuệ phiên âm từ Bát nhã, chỉ tạm phiên âm như thế, chứ chữ trí tuệ không đủ sức chuyên chở hết hàm ý của từ Bát nhã.
                   Chân như Phật tính, mọi người ai cũng đều đầy đủ, song do vọng tưởng che lấp nên mình không thấy được nó, như vàng ở trong quặng, gương dính đầy bụi, vàng nằm trong quặng, bản chất nó không hao tổn, gương bị dính bụi, ánh sáng của nó vốn không mất. Nếu đãi bỏ đất cát, lau sạch bụi, bản chất thuần vàng và ánh sáng của thể gương liền hiển lộ ra. Cũng như thế, chân tâm của chúng ta bị vọng niệm che lấp từ vô lượng kiếp đến nay, song nếu dùng định lực lâu dài, quét trừ sạch vọng niệm, phiền não, hướng tâm về chánh niệm tỉnh giác, lâu ngày chầy tháng, vọng niệm sẽ rơi rụng, chân tâm liền hiển lộ, đây chính là chứng đắc được “Bát nhã”.
                   Ba lãnh vực Giới, Định, Tuệ là nền tảng của việc tu học Phật pháp. Tất cả giáo pháp như Bát chánh đạo, Tứ đế, 12 nhân duyên, Lục độ v.v của Phật thuyết đều hàm chứa trong đây. Cho nên hành giả học tập và thực hành Tam vô lậu học, là học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật đà, cũng chính là đang thực hành Lục độ Ba La Mật.
                   Lục độ : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn thuộc về Giới. Thiền định thuộc về Định học, còn Trí tuệ thuộc về Tuệ học ./.


NỀN TẢNG VIỆC TU TRÌ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét