Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ


Chúng sanh đa bịnh nhiều phiền não, căn cơ lợi độn khác nhau, vì thế đức Như lai nói ra có nhiều pháp môn để thích hợp cho mọi căn cơ. Cả thảy có 84.000 pháp môn để đối trị phiền não của chúng sanh. Trên thực tế đường về không hai lối, phương tiện có nhiều môn.
     Người phát tâm học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật, thì tuỳ theo khả năng của mình mà chọn lựa một pháp môn, không nên tham nhiều pháp môn, hãy nổ lực am tường và chuyên sâu vào một pháp môn. Khi đã chọn cho mình một pháp môn, sau đó phân định thời gian sao cho thích hợp với hoàn cảnh, công việc của mình làm thời khoá tu tập. Ngày nào cũng công phu tu tập đều đặn như vậy, một thời gian tự nhiên sẽ cảm nhận được sự thanh thoát và tự tại trong cuộc sống hằng ngày. Đó là đã đạt được một phần chứng đắc trên bước đường tu tập. Nhiều pháp môn tu ta thường nghe và thường gặp như:
 Tham thiền :  Nói đến thiền là người ta nghỉ ngay đến đạo Phật. Đức Phật đạt được sự chứng ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác là từ việc tham thiền nhập định ma ra. Thiền là cơ bản, là cốt lõi của các pháp môn tu trong đạo Phật. Thiền có nhiều loại ta cần phải biết lựa chọn , để thích hợp với căn cơ và sức lực của mình. Như  Đại thừa thiền, tối thượng thiền, tiểu thừa thiền, tổ sư thiền. Trong thiền tổ sư lại có  thiền công án và thiền thoại đầu . Đó là các loại thiền nằm trong Phật giáo dành cho các căn cơ từ cao đến thấp. Nhưng tu thiền  cần phải có vị thầy tu thiền đắc pháp thiền để ta nương tựa tu tập, nếu không có ta dễ bị lạc thiền. Ngoài thiền Phật ra còn có ngoại đạo thiền và phàm phu thiền. Nếu người tu thiền không có sự chỉ dẫn sẽ bị lạc vào con đường thiền phàm phu và ngoại đạo khó có con đường đi ra. Cho nên tu thiền cần phải thận trọng, trước hết chọn pháp tu để thích hợp với căn cơ và sức lực của mình, thứ hai phải có vị thầy hướng dẫn bên mình, thứ ba giữ giới thanh tịnh, thứ tư phải có trí tuệ để quán sát chánh tà, chơn nguỵ, thứ năm phải có môi trường thích hợp, thanh tịnh không ồn ào náo nhiệt. v.v những điều kiện tất yếu này giúp cho việc tu thiền mau tiến bộ và không bị sai lạc và thối lui.
Tu Mật : là pháp môn chuyên trì thần chú, pháp tu đòi hỏi tam mật tương ưng, nghĩa là miệng trì niệm chân ngôn, tay bắt ấn, ý khởi quán vi diệu. Pháp môn trì chú này cả ba phương diện thân, miệng, ý đều có quy luật nhất định. Mỗi khi trì chú dùng tay bắt ấn là thân mật, miệng đọc chú, từng câu từng chữ rõ ràng, tuyệt không thiếu sót, là khẩu mật. Mỗi câu chú đều có chư Phật, Bồ Tát làm đối tượng, trong tâm phải quán chủng tử tự của thánh hiệu Phật hoặc Bồ Tát ( lấy mỗi mẫu tự của thánh hiệu Phật, Bồ Tát thay thế cho bản thể của chư vị, gọi là chủng tử tự) là ý mật. Nếu tam mật được tương ưng như thế, tự nhiên những vọng niệm trong tâm thức hành giả sẽ vắng bặt. Muốn tu trì theo mật tông, cần phải có vị thầy mô phạm dùng thân khẩu truyền thọ, mới có hiệu lực, bằng không tất cả chỉ nói bằng miệng chứ không thể thực hành, do đó khó đạt đến quả vị giải thoát.
Niệm Phật : Niệm Phật là pháp môn của tông tịnh độ, pháp môn này phổ cập ba căn, thâu nhiếp lợi độn, là pháp dễ thực hành trong các môn dễ hành. Phương pháp tu trì chỉ cần nhất tâm trì niệm sáu chữ hồng danh Phật hiệu A Di Đà, quả thật phương pháp tu đơn giản dễ phổ biến cho mọi người cùng thực tập. Là pháp tu dễ tu dễ đạt ít rớt không nguy hiểm, một đời thành công. Vì lý do đó nên rất được nhiều người thực tập tu có nhiều kết quả lúc hiện tiền.
       Đề mục tu niệm danh hiệu Phật là một trong 40 đề mục tu thiền quán trong pháp môn tu thiền của Phật giáo nguyên thuỷ. Niệm Phật là một trong pháp tu lục niệm. Lục niệm là : niệm Phật, niệm Pháp, Niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, và niệm thiên . Lại  pháp tu niệm Phật gồm có bốn pháp : 1- Trì danh niệm Phật, 2-Quán tượng niệm Phật, 3-Quán tướng niệm Phật và 4- thật tướng niệm Phật. Trong pháp quán tướng niệm Phật lại có 16 pháp quán. Nhưng chỉ có pháp trì danh niệm Phật là dễ hành nhất, các pháp kia khó hành. Tuy là pháp dễ hành nhưng khi thành công rồi các pháp kia đã có đủ trong pháp này.
      Trong tất cả pháp môn, nếu tìm ra pháp môn thông cả ba căn, thâu nhiếp cả lợi căn và độn căn, thích hợp với căn tính chúng sanh trong thời mạt pháp này, duy chỉ có pháp môn tịnh độ trì danh niệm Phật là đáp ứng được.
      Vì sao pháp môn niệm Phật là pháp môn thông cả ba căn, thâu nhiếp cả lợi căn và độn căn. Vì các pháp môn khác, lúc bước  vào cần phải am tường giáo lý một cách rõ ràng thâm sâu, theo pháp tu hành, khi công phu thâm hậu, đoạn trừ phiền não, chứng đắc chân lý mới có thể thành tựu. Nếu không thông giáo lý, thực hành một cách mù quáng, thì sẽ điên cuồng rối loạn, cho dù thâm hiểu giáo lý, tinh tấn không giải đãi, nhưng vẫn còn chút phiền não chưa đoạn tận cũng vẫn không thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Những pháp môn này, gọi là nương vào sức của mình để tu tập gọi là pháp tự lực.
      Trong khi đó, pháp môn niệm Phật, bất luận người thông minh, lợi căn hay độn căn, lanh lợi hay ngu dốt, chỉ cần có thể trì danh niệm Phật, cầu sanh tịnh độ. Cho dù không thông hiểu giáo lý, chưa có khả năng đoạn sạch phiền não nghiệp chướng, chỉ cần tín nguyện thâm sâu tha thiết, đến lúc lâm chung, nương vào sự gia trì của Đức Phật tiếp dẫn mình về Tây phương. Cho nên pháp môn tịnh độ là pháp môn vừa tự lực vừa tha lực. Pháp môn tự lực cũng giống như người đi du lịch, đi bằng bộ, không đi xe, tàu gì cả, tất nhiên đi rất chậm. Còn pháp môn niệm Phật nương vào tha lực của Phật và tự lực của mình, ví như người đi du lịch, đi bằng xe, bằng tàu thì mau đến đích.
      Đức Phật A Di Đà phát ra 48 nguyện độ chúng sanh, trong đó phải kể đến nguyện thứ 18, 19, 20. Ngài phát nguyện : “ Nếu tôi thành Phật, chúng sanh trong 10 phương, chí tâm tin ưa, muốn sanh về nước tôi, cho đến 10 niệm, nếu không được sanh, thề không lấy ngôi chánh giác”.
      “ Nếu tôi thành Phật, chúng sanh trong 10 phương, phát tâm Bồ đề, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, muốn sanh về nước tôi, cho đến lúc sắp mạng chung, tôi và thánh chúng không hiện ra trước người ấy vây quanh tiếp dẫn, thề không lấy ngôi chánh giác ”.
      “ Nếu tôi thành Phật, chúng sanh trong 10 phương, nghe danh hiệu tôi, nhớ nghĩ đến nước tôi, gieo trồng nhiều công đức, chí tâm hồi hướng, muốn sanh về nước tôi, nếu không được sanh, thề không lấy ngôi chánh giác ”.
          Thế giới Tây phương Cực lạc, đất nước thanh bình an lạc, khí hậu ôn hoà dễ chịu, vạn vật xinh đẹp, cung điện trang nghiêm, ngày đêm sáu thời có nhạc trời có mưa hoa, các âm thanh vi diệu, tiếng pháp luôn luôn tuyên lưu..... là một thế giới thanh tịnh vi diệu. Chúng sanh ở cõi này về  tinh thần vật chất đều không khổ, thân tướng đoan nghiêm, thọ mạng lâu dài, đầy đủ lục thông, luôn ở trong chánh định, trí tuệ biện tài, đắc vô sanh pháp nhẫn. Đạo tâm không thối, không bị đoạ vào đường xấu ác. Đây chính là lý do mà thế giới này gọi là Cực lạc, cũng gọi là Tịnh độ./.
      Tông phái tịnh độ lấy việc vãnh sanh Tịnh độ làm mục đích. Tịnh độ là cõi nước được trang nghiêm bằng các công đức thanh tịnh. Tịnh độ tông còn gọi là liên tông, vì người tu tịnh độ lấy ý nghĩa vãng sanh Tây phương  đều hoá sanh trong hoa sen, nên nước Cực lạc cũng gọi là Liên bang. Tông này đặc biệt lấy việc xưng  niệm thánh hiệu Phật làm pháp tu, chủ yếu nương vào tha lực của bản nguyện đức Phật A Di Đà, cầu nguyện được sanh về Tịnh độ Cực lạc ở Tây Phương.

    Hành giả tu Tịnh độ gọi là liên hữu, đạo tràng tu tịnh nghiệp gọi là Liên xã, pháp tu gọi là Liên tông./.

PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét