Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

TẠI SAO PHẢI QUY Y TAM BẢO ?


      Đời sống chúng ta khác gì khách bộ hành đang lạc lõng giữa rừng đời đen tối, mãi xoay quanh trước muôn vạn nẽo đường, mà không tìm được lối ra. Bên tai vang dội những tiếng thét gầm rung rợn của đàn hổ lang ác thú. Trước mắt dàn trải khắp mặt đường những hầm hố, chông gai. Trong cuộc sống đầy kinh khủng hãi hùng này, ta chỉ khát khao tìm thấy một lối đi thẳng tắp, được một ngọn đuốc sáng cầm tay, và gặp người chỉ lối đưa đường, nếu được như nguyện, thì còn vinh hạnh nào hơn nữa .
       Đức Phật là một hướng Đạo sư đã nhọc nhằn khổ sở, phí bao nhiêu công lực mới sang phẳng, dọn sạch một con đường thênh thang thẳng tắp, đi từ đau khổ trầm luân đến nơi an vui giải thoát. Giáo lý của Ngài là những ngọn đuốc sáng phá tan màn hắc ám của đêm đen, khiến bọn hổ lang ác thú trông thấy đều lao mình vào bụi rậm. Chư Tăng là những người cầm đuốc soi đường để dắt dìu những ai đang khủng khiếp trong đêm đen, đang bồi hồi trước muôn vạn nẽo, trở về nơi xóm làng an lạc dưới ánh sáng trong ngần của mặt trời trí tuệ .
      Đã là người lạc lõng trong rừng đêm, ai mà chẳng reo mừng, khi tìm được lối đi, thấy ngọn đuốc sáng và gặp người dẫn đạo. Quyết định những ngày sống an lành sẽ trở về với họ, thôi rồi đâu còn hồi hộp lo âu với những đêm trường đầy kinh khủng. Chúng ta cũng thế, đã lạc lõng trong rừng si mê đen tối và đang bị bọn hổ lang tham lam, sân hận đe doạ, bổng gặp được Tam Bảo thì còn vui mừng nào hơn, nên quyết định quy y .
       Lại nữa chúng ta thấy mình đang đắm chìm trong vũng bùn tội lỗi, trông mong gặp người cứu vớt, và ước ao được những gáo nước trong để tẩy sạch bùn nhơ. Thì đây, Phật là người đã thoát khỏi vũng bùn trần khổ, Ngài sẳn sàng đưa tay cứu vớt chúng sanh. Giáo pháp là những tịnh thuỷ tẩy sạch tất cả cấu trần tội lỗi. Chư Tăng là người đang mang những tịnh thuỷ ấy ban bố cho chúng sanh. Vì mong dứt sạch tội lỗi, nên chúng ta phải quy y Tam Bảo .
       Đời sống chúng ta khác nào chiếc thuyền con bấp bênh trôi gạt giữa bể cả trần gian, bao cơn sóng dập, gió dồi, làm khuynh đảo cả tâm hồn. Đức Phật là ngọn hải đăng làm mục tiêu cho chúng ta nhắm hướng. Giáo pháp là cánh buồm bọc gió lôi con thuyền vượt qua những lượn sóng dữ. Chư Tăng là người cầm tay lái, lái con thuyền thẳng đến bờ an lạc, vì thế quy y Tam Bảo là một bảo đảm cho chiếc thuyền đời chúng ta về đến bến an tịnh
        Hơn thế nữa, quy y Tam Bảo là một sức mạnh vô biên đưa ta vượt mọi hiểm trở của hầm hố tội lỗi, thẳng đến bến bờ an lạc. Vì khi phát tâm quy y, ta tự hứa, tự nguyện dưới Phật đài, trước chư Tăng rằng : “ Con nguyện suốt đời tiến theo chiều giác ngộ, giải thoát mà đức Phật đã qua, con hứa tránh mọi điều tội lỗi, làm tất cả việc lành, để trọn nhân cách con người .
      Do những lời hứa nguyện này tạo thành một năng lực hùng dũng, khiến ta tinh tấn không dừng trên đường tự giác, giác tha. Ngày xưa, Trần Hưng Đạo kéo quân đi đánh giặc Mông Cổ, khi qua sông Hoá, Ngài chỉ con sông thề rằng : “ Nếu không giết được giặc, thề không về thấy sông này ”.
       Do lời thề giữa ba quân ấy, tạo thành một sức mạnh phi thường, khiến Ngài thắng được giặc, với tỷ số một chống mười. Chính Đức Thích Ca, Ngài cũng đã chỉ cội cây Bồ Đề mà thể rằng : “ Nếu ngồi dưới cội cây nầy, mà tìm không được Đạo, thì dù xương tan thịt nát, ta quyết không rời khỏi chổ ngồi nầy ”.
       Bởi chí khí quả cảm ấy, mà 49 ngày đêm, Ngài đắc đạo. Trần Hưng Đạo thề giữa ba quân, Đức Thích Ca thề với mình mà thành một nghị lực phi thường như vậy, huống chi chúng ta quỳ dưới Phật đài, đối trước chư Tăng ba lần phát nguyện, thì sức mạnh ấy còn gì sánh kịp .
       Thế mà, có một số người nghe đến quy y, đã mỉm cười chế nhạo. Họ bảo rằng: “ Tôi không cần nương nhờ ai cả, tôi đủ khả năng tiến đến giải thoát, vì còn nương nhờ là còn ỷ lại, đời tôi không có tội lỗi, chính tôi thấy thế ” . Vừa nghe qua câu ấy, chúng ta tưởng chừng như họ đã là bậc thánh nhân, tự coi mình là thánh nhân, ôi ! còn gì đáng thương hại bằng. Phàm ở đời những người tự thấy mình xấu, biết lỗi. . .là hạng người tiến bộ, ngược lại kẻ quấy không biết, lỗi không hay, một bề ngạo nghễ tự cao thì mong gì phục thiện, và những kẻ tự coi mình là hiền, là thánh ấy, ôm tâm ngã mạn to bằng quả địa cầu, thì trên đời nầy họ còn biết kính trọng ai ? Chúng ta là những kẻ cầu tiến luôn luôn biết phục thiện, sẳn sàng cải hối, thành kính học đòi gương thánh hiền, nên thành tâm hướng về Tam Bảo .
       Quy y Tam Bảo là nương tựa với Phật, Pháp ,Tăng. Không những Phật pháp , Tăng ở ngoài và chính ở tự tâm ta nữa. Mỗi khi làm quấy, nói sai, lòng ta thấy hổ thẹn, lương tâm bị dày vò cắn rứt cái biết khiển trách điều quấy, khen ngợi việc lành là tánh sáng suốt của ta, là Phật vậy. Trông thấy người đau khổ, ta nghe lòng nao nao thương xót, muốn cứu giúp họ, là tâm từ bi sẳn có của ta, nó chính là giáo pháp. Thấy cảnh thuận hoà êm ấm của gia đình người, lòng ta khởi mến chuộng, nghe những việc nhồi da xáo thịt, ta cảm thấy bất mãn, ấy là lòng thuận hoà sẳn có của ta, Nó là Tăng vậy. Chính ta trở về với tánh sáng suốt, với tâm từ bi, với lòng thuận hoà của ta tức là quy y Tam Bảo. Vì Phật là sáng suốt, Pháp là từ bi, Tăng là hoà thuận. Trở về với tánh sáng suốt ta sẽ sa thải bọn quỷ si mê. Trở về với tâm từ bi ta quyết thanh trừng bọn ma tham lam. Trở về với lòng thuận hoà, ta cố diệt trừ con yêu nóng giận, vì thế quy y Tam Bảo không có nghĩa là hoàn toàn ỷ lại, mà chính là phương pháp bỏ xấu về tốt, dứt khổ cầu vui rất tốt vậy .
        Tóm lại, chúng ta quy y Tam Bảo là quyết định một hướng đi, tạo cho mình một nghị lực hùng dũng, bỏ ác theo lành, quyết tiến thủ trên con đường từ phàm đến thánh. Quy y Tam Bảo là một ý chí quyết tiến không lùi, là gầy dựng một cuộc sống vững chãi, an tịnh giữa biển đời ba đào chuyển động. Con người sống mà không định hướng, không lối đi, thì khác nào cánh bèo linh đinh phiêu giạt giữa biển khơi, thật còn gì đau khổ bằng .

¯

TẠI SAO PHẢI QUY Y TAM BẢO ? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét