Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

MỤC ĐÍCH NGƯỜI TẠI GIA


          - Không một lý tưởng nào mà không có mục đích, và người theo lý tưởng đó phải hiểu được mục đích của mình để hướng đến.
          Vậy mục đích của người tại gia là thế nào?
          Đại cương mục đích của người tại gia “ HOÁ CẢI SỰ SINH HOẠT”, sinh hoạt bản thân, gia đình và xã hội. Những sự sinh hoạt của con người như thế nào mà phải hoá cải?
          Theo chánh pháp phật, người tại gia cần nhận chân sự thật đời người là khổ, khổ vì không nhận biết được mọi sự vật đều vô thường, nghĩa là tinh thần và vật chất luôn luôn thay đổi, đi mãi không bao giờ ngừng lại trong tích tắc. Mọi sự vật đã ở vào trạng thái vô thường đổi thay, thì không có bản ngã độc lập tự tồn. Nhưng thực tế không giờ phút nào con người sống được với lẽ vô thường, mà chỉ sống bằng bản ngã thường trực.
          Để phục vụ cho bản ngã, nên tham lam, giận dữ và si mê nổi lên. Nó là ba yếu tố căn bản của sanh, già, bệnh, chết, ân ái xa lìa, oán thù gặp gỡ, mong cầu không thoả mãn v.v... làm cho ta khổ.
          Theo nhận thức chung trước thực trạng khổ đau của con  người có hai khuynh hướng:
          1.Khuynh hướng thứ nhất, cho rằng: đời người khổ do thần linh quở phạt, do số mệnh đặt định hoặc do trời đất an bày ...
          2. Khuynh hướng thứ hai, cho rằng: do thiếu thốn về vật chất, vì con người phân chia nhau không đồng đều và thiếu văn minh khoa học....
          Theo phật pháp người tại gia hiểu được nguyên nhân thực trạng này không trao quyền cho thần linh, hay đổ lỗi cho vật chất văn minh.
          Người tại gia xác nhận rằng: khổ đau hay an vui của con người đều do con người tạo ra, khổ não của con người do hành động sai trái của con người mà có, cướp bóc, giết hại oán hận, trả thù ... nếu không phải con người thì ai nữa.
          Vậy những gì con người với con người đã gây ra, thì cũng chỉ con người mới diệt sạch. Hiểu được như thế tức tự mình xác nhận cuộc sống khổ đau là do hành vi tội lỗi.Tội lỗi con người tạo ra thì con người có thể bỏ đi, thay thế bằng hành động đạo đức chân thật mà loài người mong muốn.
          Nói gọn, hoá cải đời sống bằng cách loại bỏ nguyên nhân tạo ra khổ não. Đó là mục đích mà người tại gia đeo đuổi, làm cho đời sống con người được hạnh phúc an lạc. Đồng thời, chiều cao của mục đích, làm cho đời sống giác ngộ, giải thoát, tiến lên vô thượng giác.
d Y c

NGƯỜI  TẠI  GIA  HIỂU  ĐỨC  PHẬT

          Trong các tôn giáo, người tín đồ chỉ biết tin vào đấng giáo chủ, tuyệt đối không được tìm hiểu gì về đấng ấy, người tin đồ như vậy được gọi là thuần thành bậc nhất. Trái lại trong phật pháp, người tại gia phải hiểu rõ đức Phật, mới có thể bước theo dấu chân Ngài trên đường giác ngộ ý niệm làm tín đồ đức Phật, trước hết phải nhận chân rằng, Ngài là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Lời nói này có táo bạo quá đang không?- Không, đây là lời tuyên bố của Phật tại cội Bồ Đề sau giờ thành đạo: “Lạ thay hết thảy chúng sanh đều có khả năng giác ngộ ”, chúng ta cũng có khả năng đó, ta có thể phát huy đến chỗ tròn đầy như thật.
          Vậy, người tại gia phải hiểu đức Phật là bậc đạo sư, là cha lành của muôn loài. Ngài không phải là chúa tể sinh muôn loài vạn vật, và không bao giờ coi địa vị phật của mình loài người không thể đạt được. Hiểu đức Phật như vậy, là để tôn thờ Ngài cho đúng : làm gương mẫu tối cao, làm mục đích tối hậu trong việc tu học và phục vụ đạo của đời mình.

d Y c

MỤC ĐÍCH NGƯỜI TẠI GIA Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét