Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

BA ĐIỀU KHIẾM KHUYẾT


          Ở đời từ người nghèo đến người giàu ai ai cũng vất vã từ thể xác đến tinh thần mới làm ra miếng ăn, cái mặc và chổ ở. Người nghèo thì lo toát mồ hôi mới có cái ăn đủ sống qua ngày, vất vã dành dụm mới có cái nhà để ở, tiết kiệm từng đồng mới có đủ cái mặc che thân. Ngược lại người giàu sang thì không phải lo vất vả như người nghèo, mà họ đủ cả ăn mặc ở dư thừa, nhưng họ cũng không tránh khỏi cái khổ lo sợ đau đáu trong lòng. Họ cũng phải tính toán, thức khuya dậy sớm, trăm mưu ngàn kế, phải đối phó với nhiều vấn đề trên thương trường làm ăn. Nếu sơ hở một chút thì sự nghiệp trở thành trắng tay. Việc làm ăn của người giàu càng khó khăn hơn việc tìm miếng ăn của người nghèo. Vì người càng giàu thì càng có nhiều đối thủ phải cạnh tranh, phải đối phó với nhiều việc nhiều hạng người công việc không đơn giản. Người nghèo không sợ thua lỗ, ít sự đối phó sự nguy hiểm không cao. Tóm lại ở đời nghèo cũng có cái khổ, người giàu cũng không thoát được khổ. Hoàn cảnh luôn luôn thay đổi từ cơ chế xã hội cho đến thời tiết bất thường, cho nên  lo sợ mất còn về của cải, về thân mạng, địa vị danh lợi của thế giới con người rất bấp bênh. Ngày hôm nay là tỷ phú không ngờ ngày mai là kẻ bần cùng. Hôm nay là một quan chức địa vị cao, ăn trên ngồi trước, có thể ngày mai là kẻ tù tội, là thường dân.  Điều này Phật đã nhắn nhủ nhắc nhỡ từ ngàn xưa : “ Quốc độ nguy thúy, sanh tử bì lao, tứ đại khổ không . . .” Thế giới nói chung, các quốc độ nói riêng luôn luôn ở trong tình trạng nguy ngập nào là gió mưa bão lụt, động đất sóng thần, núi lửa, mưa đá gió xoáy, hạn hán thiên tai, dịch bệnh. Về thời tiết luôn thay đổi. Về con người luôn luôn đấu tranh không ngừng gây khổ cho nhau. Cho nên mạng sống con người luôn đe dọa, vì thế Phật gọi là bì lao, là khổ không của thế giới con người là vậy.
         Ở đời vất vã cực nhọc mới có sự tồn tại, và thành công, thì thử hỏi vấn đề tu đạo của chúng ta cũng phải gia công tu tập, không thể dần dà nhởn nhơ bỏ trôi qua ngày tháng. Một ngày nóng mười ngày lạnh thì làm sao ta nắm chắc được sự thành công.
           Tại sao ta tu hành lâu năm mà không đạt được một hiệu quả nào ?  Đó là có ba lý do : 1/ Không gặp bậc minh sư   2/ Ta không lấy việc sanh tử làm tâm niệm hàng đầu 3/ Đối với danh lợi thế gian ta chưa thật sự buông bỏ.
 1 / Không gặp được minh sư chân chánh.
     Sở dĩ chúng ta tu không đạt được sự tiến bộ là do ta chưa gặp được minh sư dẫn dắt. Như vậy ở đời ô trược nầy, chánh tà lộn xộn ma Phật khó phân, thật giả xen nhau làm sao phân biệt, làm sao tìm ra minh sư ? Minh sư là thầy sáng suốt chơn chánh chỉ đường đưa lối cho ta đi đúng đích. Không có minh sư ta sẽ đi lạc đường, không có minh sư ta sẽ sa hầm sụp hố. Vậy trong sự tu tập cần phải có minh sư. Như vậy làm sao tìm minh sư trong đời mạt pháp ? Ta đang tu tập theo Phật thì ta căn cứ vào Phật và tổ là minh sư của sự tu tập. Căn cứ vào Phật cái điểm nào để tu ?
        Phật từ địa vị cao sang, con của vua sống cuộc đời đầy vinh hoa phú quý mà ngài từ giả ra đi không màng danh lợi thế gian. Sống đời độc thân, tài sản chỉ có ba y một bát. Thức ăn nuôi thân là thức ăn đi xin, ăn trong một ngày một bửa không cất chứa ngày mai. Ngủ thì ngủ dưới gốc cây, không mền không chiếu thực hiện suốt cả cuộc đời.  Còn tổ thì sao ?  Tổ Huệ Khả chặt một cánh tay, đứng trong mưa tuyết, tuyết đọng đến đầu gối để chờ tổ khai thị mà cầu pháp. Tổ Huệ Năng, gia đình vỏn vẹn một mẹ một con, nghèo khổ sống bằng nghề đón củi để nuôi mẹ, thế mà Ngài vẫn đi tu học được. Ở chùa được Ngũ tổ cho tu mà chưa được học, chỉ làm công quả dả gạo ở dưới nhà trù. Vì thân mình nhỏ bé không đủ sức để đẩy nổi cần chày đạp, nên phải cột thêm vào mình một cục đá mới đủ sức để chày đạp cất lên cất xuống. Cực khổ như thế mà làm tổ kế thừa.
      Ở đời vàng thau lẫn lộn, giả thật khó phân tìm ra minh sư thì rất khó, vì thế ta chỉ nương theo Phật, lấy Phật làm thầy chỉ đạo là tốt nhất, khỏi sợ phải lạc đường sụp hố. Muốn định vị sự thành công của một hành giả tu tập, ta không thể căn cứ vào người đó thành công trên các lãnh vực xây dựng và học vấn được. Chùa to Phật lớn, đồ chúng đông, bằng cấp cao thuyết giáo giỏi không liên quan đến việc sanh tử sự đại của con người. Mà ta chỉ căn cứ trên lãnh vực tu chứng của người đó, hành giả đó đã phá được vô minh phiền não chưa, đã tận trừ tham sân phiền não chưa đó là căn bản của người tu.
      Chổ thành công của người tu là chổ tận trừ được phiền não, đốn phá vô minh. Tự mình phá phiền não giúp người khác phá trừ phiền não mới là chổ thành công. Bằng cấp địa vị, danh lợi không phải là sự thành công của người tu. Làm vua, làm quan hay làm dân không quan trọng, làm chủ hay làm tớ không đặt thành vấn đề. Nhưng vấn đề là làm vua, làm quan, làm chủ hay làm tớ thật sự làm có được việc và thành công hay không là điều quan trọng. Tu ai cũng tu mà tu như thế nào phá được vô minh phiền não tận trừ nghiệp chướng thoát sanh liễu tử là điều quan trọng nhất của đời người tu.
           2/ Vì ta không lấy việc lớn sanh tử làm tâm niệm:
   Thế nào là sanh tử ?  Sanh tức là sanh ra, tử là chết.  Sống và chết là việc quan trọng nhất. Từ con người cho đến loài vật, ai cũng mưu cầu sự sống và sợ cái chết. Trong đạo Phật cho biết, chúng ta đây không phải chỉ sống có một lần này và chỉ có chết một lần thôi, mà đã từng sinh ra và đã từng chết trong nhiều đời nhiều kiếp qua rồi. Sự sống chết nó trôi lăn trong nhiều kiếp và đã trãi qua rất nhiều trạng thái khác nhau, lúc làm người khi làm thú, lúc là quỷ thần v.v rất cực khổ nên gọi là sự đại. Một cuộc đi xa không chấm dứt không ngừng nghỉ. Mỗi lần sinh là mỗi lần đau khổ, mỗi lần chết là mỗi lần khổ đau vất vã vô cùng. Sự sợ chết là một bản năng sinh tồn của loài có sinh mạng, một khi mất sinh mạng là một sự đau khổ vô cùng, mà tìm lại được một sinh mạng mới như cũ cũng rất khó. Vì thế nên gọi là việc lớn của đời người. Phật dùng đạo nhãn nhìn khắp chúng sanh không một chúng sanh nào thoát khỏi cái vòng sanh rồi chết, chết để rồi sanh. Chết đây sanh kia, làm người làm thú, ngạ quỷ, súc sanh vô định. Vì thế ai cũng sợ chết ! Cái chết không ai có thể biết được thần chết đến viếng mình lúc nào ?  có thể 20 năm sau, hoặc 5 năm sau cũng có thể hôm nay hoặc ngay mai hay một tiếng đồng hồ sau. Bất cứ lúc nào con người có thể bị tai nạn, như xe cộ động đất, sóng thần bệnh tật v.v gặp tai họa ngoài ý muốn. Thật là đáng sợ, vì chúng ta không có khả năng biết trước cái chết của mình nên  lúc chết bất ngờ tâm lý bàng hoàng lo sợ bất an . .  .Phật dạy “ mạng người trong hơi thở ” ý nói rằng thở ra không trở vào là đã qua đời khác. Không ai trong chúng ta dám tuyên bố sẽ luôn luôn thuận lợi những gì ta đang có. Cho nên chúng ta cần phải khéo léo vận dụng năm tháng còn sống mạnh khỏe, nắm chắc những khoảnh khắc thời gian quý báu đó mà dụng công tu tập, làm các việc phước thiện, nổ lực tu tập để lúc mạng chung tránh được sự hoảng hốt sợ hải như cua bị đưa vào chảo nước sôi.
       Giác ngộ rõ ràng về sự thật “ mạng người vô thường mau như nước dốc, ngày nay chẳng bảo đảm được ngày mai ” . Vì người nào thấu đáo được mạng người vô thường thì không còn tâm phóng túng tham lam nữa. Người nào đã thức tỉnh được sinh mạng vô thường là đã mở được cửa trí tuệ đi vào con đường vô sanh, bước trên lộ trình thoát ly sanh tử. Phật luôn nhắc ta “ Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc ? ” Nghĩa là một ngày đã qua, mạng sống theo đó mà giảm dần, như cá trong ao nước cạn dần, nào có vui chi, cần phải siêng năng tinh tấn tu hành, gấp như cứu lửa cháy đầu, cẩn trọng chớ có buông lung.
       Tiền tài sắc đẹp, địa vị học thức danh cao lợi lớn, phần nhiều không có liên quan gì đến việc sanh tử. Cho dù sang giàu như vương hầu quý tộc, học thức uyên bác như biển cả, địa vị cao như công khanh, dung mạo đẹp như Tây Thi, mà một khi đại nạn của đời người đến thì không ai tránh khỏi sự bấn loạn cả. Dù có giai nhân tài tử cũng không khỏi bạc mệnh, cũng không nên cho rằng tuổi còn trẻ, Diêm Vương đang còn ngủ chưa thức giấc nên chưa vội tìm đến. Mà sự thật cuộc đời cái chết nó bình đẳng không kiên chừa ai, phải biết rằng hằng ngày, từng giờ từng phút diễn ra trên trái đất loài người, những người nằm trong quan tài không nhất thiết là người già, mà là những người đi chưa đến điểm cuối cùng vẫn có nhiều người trẻ. Cho nên người xưa cảnh giác rằng : “ Chờ đợi già mới chịu tu, mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xuân ”. Giờ chết con người không ai đoán định được, trừ những vị tu hành có đạo lực biết trước giờ chết, phần đông con người đều là sống say chết ngủ. Cái chết đến với con người có thể trong thai mẹ, một vài tuần, một vài tháng, 5,3 tháng v.v hoặc ra khỏi thai cho đến 80, 90 tuổi rất bình đẳng không thể từ chối mà được. Sồng ngày nay không bảo đảm được ngày mai, cho nên cần phải gấp tu để dự trử tư lượng để lúc chết ra đi không lo sợ bấn loạn tâm cang như cua vào chảo nước sôi, thật là đau khổ không thể tả xiết.
     Nói tóm lại phần đông con người không thấy được lẽ vô thường cho nên không lo gấp rút tu tập, chỉ dần dà qua năm tháng, không thấy sanh tử là việc lớn nên không tha thiết tu tập. Tu một ngày nóng 10 ngày lạnh, nhởn nhơ trôi qua ngày tháng, không khác thuyền neo cọc đóng mà ra sức chèo, làm sao rời khỏi bến ? . . Các cổ đức dạy rằng : “ Việc lớn chưa sáng như đưa đám ma mẹ (lo, buồn ), việc lớn đã sáng cũng như đưa đám ma mẹ ( lo, buồn, chưa về đến chốn, như mới tìm ra con đường còn phải đi )
 3-Đối với danh lợi thế gian không buông bỏ được :
   Danh và lợi ở thế gian, người đời xem như núm ruột không bỏ được. Ở đời làm nên danh và lợi họ phải trải qua thời gian dài vất vã mới tạo nên , ít có người thành công trong thời gian ngắn. Ví như muốn ngồi cái ghế chủ tịch, họ phải đầu tư công sức, trí tuệ, thời gian, tiền bạc. Nào là ăn học từ cấp I, cấp II, cấp III, rồi đại học và các chuyên ngành, phải có bằng nầy bằng nọ và khóa trình công tác phục vụ cho xã hội. Phải có học vị có thành tích công trạng thì mới tạo nên cái danh rất là vất vã. Thế mà giữ cái ghế ngồi chủ tịch không đơn giản, vì có rất nhiều người muốn ngồi cái ghế đó, hơn nữa thời hạn cái ghế chỉ ngồi trong vòng thời gian năm năm thì hết. Tiền tài sự nghiệp cũng vậy, phải tốn công sức và thời gian mới có được, mà không phải ai làm cũng thành công, có người thành công lại có người thất bại. Mà thành công không phải luôn luôn mà là lúc được lúc thua, lúc huề vốn.
        Danh lợi thế gian rất là hư ảo bấp bênh, nó luôn luôn thay đổi khó lường, hoặc do chủ quan hoặc khách quan. Về chủ quan, lúc mình còn phước thì làm ăn nên ra, địa vị tăng tiến, lúc phước hết thì mọi sự hoàn tay không. Chủ quan phước còn thì trí tuệ và sức khỏe đầy đủ, phước hết thì trí tuệ lu mờ sức khỏe sa suốt, nào là bệnh tật hay tai nạn, lúc đó dù là địa vị cao cũng không giữ được, tiền muôn bạc vạn cũng không thay thế bệnh tật được. Về khách quan, xã hội luôn thay đổi, thị trường mỗi ngày một khác, thời tiết khí hậu biến động kinh tế theo đó mà lên xuống bất thường.  Sự vật luôn thay đổi vô thường mà tầm nhìn con người tưởng chừng như nó đứng yên mãi mãi, do đó một khi thay đổi sinh tâm hối tiếc sầu thương. Danh và lợi ràng buộc không buông bỏ được, danh và lợi che lấp chân tánh con người, dẫn dắt con người đi lạc đường, không đủ trí tuệ soi thấu cuộc đời. Duyên theo tình đời không cắt dứt được, không tháo gỡ được.
      Tóm lại, sở dĩ người tu lâu mà không có đạt hiệu quả, do ba điều khiếm khuyết là  :
      a/ Không gặp minh sư, thiện hữu trí thức, nên đi sai đường lạc lối, sa hầm sụp hố.
      b / Không lấy việc sinh tử là việc lớn, nên dần dà nhởn nhơ để ngày tháng trôi qua, không siêng năng tinh tấn .
      c/  Đối với danh lợi không buông bỏ được : Vì không thấu lẽ vô thường, do không soi thấu nên bị ràng buộc không buông bỏ , không cắt dứt.
       Rốt cuộc tu chỉ dậm chân tại chổ. Tổ Quy Sơn nói “ Chổ đi năm trước, tất bước không dời ”. Tu học đã lâu, nhưng cái tập khí ban đầu vẫn còn nguyên chưa thay đổi, nên gọi chổ đi năm trước tất bước không dời là vậy ./.

¯

BA ĐIỀU KHIẾM KHUYẾT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét