Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

PHÁP SÁM HỐI


       Là một con người phàm phu ở đời, không ai là không mắt phải sự sai lầm, không có ai tự hào là hoàn toàn trong sạch. Vậy muốn được trong sạch cần phải sám hối.
       Người ta nói : “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài ”, Vậy ở trong bụi tất phải lấm bụi. Bụi đời đã lâu đời lâu kiếp phủ lên thân chúng ta, vào trong tâm thức của chúng ta. Chúng nó làm cho ta mờ tâm mờ trí không thấy được đâu là nẽo chánh đường tà, nó làm cho chúng ta đục lòng, không thấy được chơn tâm sáng suốt
     Nếu chúng ta muốn sống mãi trong cảnh bụi nhơ, muốn đắm mình trong tội lỗi, thì không nói làm gì. Nhưng chúng ta đã muốn được trong sạch,  được an lạc thanh thoát, muốn trút bỏ tội lỗi cho lòng được nhẹ nhỏm, thư thới, thì tất nhiên chúng ta phải tìm phương pháp để trừ hết những bụi bặm, tẩy trừ cho hết những tội lỗi. Trong đạo Phật, phương pháp tẩy trừ ấy gọi là Sám hối.
   Chữ “ Sám ”  nguyên gốc tiếng Phạn gọi là Samma Trung Hoa dịch là Hối quá.  Ghép giữa tiếng Phạn và Trung Hoa Việt Nam đọc là Sám Hối. Kinh nói : “ Sám giả sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối kỳ hậu quá ”. Nghĩa là Sám là ăn năn lỗi trước, còn Hối là chừa bỏ lỗi sau. Nếu dùng một chữ Sám hay một chữ Hối thì chưa đủ ý nghĩa. Nên các Tổ xưa ghép hai chữ lại thành danh từ “ Sám hối”, Tiếng Việt gọi là “ ăn năn chừa lỗi ”.
         Từ sám hối hơi giống giống như từ “xin lỗi ” ở thế gian. Nghĩa sám hối có chiều sâu và thực tế hơn từ xin lỗi. Sám hối trong đạo Phật bao hàm các tội từ kiếp trước cho đến hiện tại và vị lai. Sám hối trong đạo Phật thể hiện trọn vẹn ba nghiệp, thân khẩu ý, còn  xin lỗi chỉ thể hiện khẩu nghiệp còn thân và ý có thể chưa thể  hiện hết. Có lúc người ta miệng nói xin lỗi nhưng tâm chưa chắc họ thay đổi. Sám hối trong đạo Phật có tính cách thiêng liêng chứng tri cho việc cải hối ăn năn của hành giả thông qua các danh hiệu chư Phật Bồ tác hoặc có sự chứng minh của chư tôn đức tăng. Nó mang tính tích cực và có khả năng hóa giải nhiều tội chướng nghiệp chướng v.v. Còn xin lỗi nó mang tính cách biểu trưng cho những sự việc làm gây tổn hại về tâm lý vật lý của đối phương trong hiện. Nó chỉ giải quyết những sự bất hòa hay sự lỡ lầm trong giai đoạn hiện tại nào đó chứ nó không bao quát rộng rãi và sâu xa như phương pháp sám hối trong đạo Phật
         Sám hối là một pháp tu tập trong đạo Phật. Sám hối có nhiều cách và tựu trung trong hai việc là sự sám hối và lý sám hối. Sám hối có nhiều cách cao thấp tùy theo trình độ căn cơ mà ứng dụng cho mình trong việc tu tập.
        Các cách sám hối:   Sám hối chưa toàn thiện:, và sám hối toàn thiện:
    a/ Sám hối chưa toàn:  Là sám hối theo ngoài thế gian và ngoại đạo. Người thế gian mỗi khi phạm phải sai lầm, họ cũng sám hối bằng cách dùng lễ vật, như trầu rượu, heo gà  tiền bạc v.v.. để tạ tội, xin lỗi. Có khi người ta dùng hình thức “ đoái công chuộc tội ”, như khi phạm phải luật pháp nhà nước hay quân đội chẳng hạn. Hình thức này cũng có cái hay nhưng chưa hoàn hảo và còn thô thiển. Nó chỉ áp dụng để đối phó bên ngoài, chứ trong  trường hợp những tội lỗi xảy ra trong nội tâm của chúng ta, những tội ấy rất vi tế sâu xa, thì khó có thể mà áp dụng được hình thức trên.
       Trong ngoại đạo, người ta cũng dùng nhiều hình thức chuộc tội : như có đạo dùng máu thú vật, máu người để xin rửa tội với thần linh, có đạo chủ trương dùng nước để rửa tội, như xuống sông trầm mình dưới nước . .người ta cho là linh thiêng hết tội, có đạo lại đem phẩm vật để xin Thánh thần xả tội, có đạo chủ trương khổ hạnh, chịu nóng chịu rét, nằm gai nếm mật để được giải thoát tội.
      Những cách chuộc tội như thế đều sai lầm chưa toàn thiện.  Tội lỗi thuộc về tâm lý, không có hình tướng. Vậy thì làm sao có thể lấy vật chất như nước, máu huyết, phẩm vật hay xác thân con người để làm cho sạch tội được.
       b/ Sám hối toàn thiện :
      Phật dạy : Tội lỗi do tâm con người tạo ra, không ai có quyền thưởng phạt được. Kẻ gieo giống xấu thì hưởng quả xấu, người trồng giống tốt thì nhận quả lành. Tội lỗi đã từ tâm tạo, thì cũng phải từ tâm mà sám. Vậy chúng ta muốn hết tội, thì phải y theo những pháp sám hối chân chính của đạo Phật mà thực hành. Trong đạo Phật có nhiều cách sám hối, bao gồm hai loại sự sám và lý sám.
        Sau đây là các cách sám hối mà các kinh luật đã đề cập.
     1/ Chúng pháp sám hối : Phải lập đàn tràng và thỉnh chứng minh của chư Tăng thanh tịnh, nên gọi là tác pháp. Đối trước chư tăng (4 người, 10 người hay 20 người ) tùy theo trường hợp phạm tội nặng hay nhẹ. Hành giả phải thành thật nói lên hết sự sai quấy lầm lỗi của mình đã gây ra, nhờ chư tăng chứng minh cho lời khai thành thật của mình và nguyện từ nay về sau không tái phạm nữa. Một lòng thành kính sám hối như vậy, khi giới thể được thanh tịnh, tức là hết tội. .
     2/ Đối thủ sám hối : Khi đã phạm lỗi lầm nào đó, hành giả đến gặp một vị Thầy, đối trước vị thầy đó xin sám hối tội đã lỡ lầm gây ra, tội này có tính cách nhẹ mới được, chứ tội lớn không thể dùng phương pháp đối thủ được.
     3/  Tâm niệm sám hối : Khi phạm những tội nhỏ nhẹ, hành giả chỉ tâm niệm trong lòng xét rằng điều đó trái với oai nghi, trái với đạo hạnh của một hành giả tu tập, nguyện từ nay về sau không tái phạm. Ví dụ hôm nay là ngày ăn chay mà mình đã phát nguyện hằng tháng như vậy, nhưng không để ý quên mất, hoặc gặp vị thầy của mình hoặc chư tăng chúng ta không tỏ ra chào hỏi cung kính đón tiếp v.v  Sau đó nghĩ lại oai nghi của mình chưa hoàn chỉnh, ăn năng sám hối trong lòng nguyện từ nay về sau không như vậy nữa. Đó là pháp tâm niệm sám hối.
     4/ Chế giáo sám hối : Là phương pháp dùng cho trường hợp phạm giới. Khi hành giả vi phạm phải điều giới cấm đã phát nguyện thọ, nay bị phá vỡ cần phải sám hối để đem lại sự thanh tịnh, thì dựa theo các phương pháp sám hối quy định trong luật tạng mà sám hối gọi là chế giáo sám hối.
     5/ Hóa giáo sám hối :  Là sám hối về các hành vi ác chung chung, là sám hối về bất thiện nghiệp, áp dụng chung cho cả xuất gia và tại gia.
        Hóa giáo sám hối có nhiều loại. Đó là các phương pháp sám hối được kinh hoặc luận đề cập đến với mục đích giúp hành giả dần dần tiêu trừ các pháp chướng đạo, bao gồm tụng kinh, bái sám, quán tưởng v.v..   Như sám - 3 chướng phiền não là : Phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng. 4 chướng là cộng thêm Kiến chướng.  5 chướng là Nghiệp, phiễn não, chúng sanh, pháp và chuyển hậu thế chướng.
      Trong hai cách này, chế giáo sám là sám hối theo Luật tạng, còn hóa giáo sám là sám hối theo kinh luận.
   - Sám hối theo luật là sám hối tội phá giới.
  -  Sám hối theo kinh luật là sám hối hành vi phạm nghiệp đạo.
     Về mặt từ nguyên sám hối có nghĩa là thuyết tội, tức nói lên sự lỗi lầm của mình, việc làm phi pháp của mình. Trong luật tạng gọi là phát lộ.
       Bốn loại sám hối :
  1/ Tác pháp sám hối; Là phương pháp sám hối vận dụng cả thân miệng ý. Thực hành pháp sám này, thì thân phải lễ lạy, miệng phải tụng đọc, ý phải tư duy. Hải lập đàn tràng có sự chứng minh của chư tăng.
     2/ Thủ tướng sám hối : tức lễ lạy sám hối trước tượng Phật Bồ tát chừng nào thấy hảo tướng xuất hiện, như thấy hào quang phóng ra, hoặc Phật Bồ tát đưa tay xoa đầu v.v thì lúc đó tội mới được gọi là tiêu trừ.
    3/ Vô sanh sám hối: Là quán hết thảy các pháp vốn không thật có, tội từ tâm khởi, tâm ấy vốn đã không nên tánh tội không có, tánh tội không nên tội cũng không. Cách sám này áp dụng cho những vị có trình độ cao, trình độ thấp chứ lầm tưởng áp dụng thì rất nguy hiểm.
     4/ Hồng danh sám hối : Pháp sám này do Ngài Bất Động Pháp sư đời Tống Trung Hoa biên soạn. Ngài rút ra 53 danh hiệu Phật trong kinh “ Ngũ thập Tam Phật ” , và rút ra 35 hiệu Phật trong kinh “ Quán Dược Vương, Dược Thượng ” Với Pháp Thân Phật A Di Đà, sau thêm vào kệ Phổ Hiền đại nguyện, thành nghi sám hối này, tổng cộng 108 lạy, để ám chỉ trừ 108 phiền não.
     Cách sám này đối trước tượng Phật, Bồ tát lễ lạy bày tỏ lỗi lầm của mình từ xưa đến nay. Như Thủy sám, Lương Hoàng sám, Ngũ Bách Danh, Hồng Danh, Mục Liên Sám Pháp, Tam Thiên Phật Danh, Vạn Phật Danh v.v . .Mỗi lần xưng danh một vị Phật lạy một lạy, tùy sự phát nguyện lạy nhiều hay ít tùy sức khỏe và thời gian. Lạy nhiều hay ít không đặt nặng vấn đề điều cần nhất là sự nhất tâm và thành kính của hành giả.
    Sự sám hối và lý sám hối :  Sự sám hối là nói tất cả nghi thức sám hối của chế giáo cũng như hóa giáo, tức là sám hối có biểu hiện hình thức bên ngoài. Lý sám hối cao hơn một bậc, là dùng trí quán chiếu thật tướng của các pháp mà diệt trừ tội. Sự sám hối tương đương với với tác pháp sám hối và thủ tướng sám. Lý sám hối tương đương với vô sanh sám.
      Sau khi làm lễ sám hối xong. Cần phải phát triển hạnh lành cho nhiều, để đem công đức hồi hướng tiêu trừ tội cũ,
      Những tội lỗi của chúng ta từ xưa đến nay rất nhiều, có thể nói là vô số. Sự sống của chúng ta nối tiếp liên tục từ đời nọ đến đời kia, như một xâu chuỗi dài vô tận. Rồi cứ mỗi đời từ sanh đến tử, từ tử đến sanh, chúng ta cứ tạo thêm tội mãi. Từ cái tệ này bắt qua cái dở khác, từ cái lỗi nhỏ  đi tới cái lỗi lớn, cái đà ấy tăng dần mãi tạo thành một sức mạnh gọi là nghiệp lực, dắt dẫn chúng ta đi vào con đường khổ não, mê lầm, tức dòng sanh tử chúng ta đang thọ vậy.
      Trong kinh nói : “ Nếu tội lỗi của chúng sanh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết ”. Thật thế, tội lỗi của chúng sanh chất chồng muôn vạn kiếp, và truyền nối qua thời gian, bởi di truyền, phong tục, thói quen v.v Những tội lỗi ấy là những tánh xấu tiềm ẩn trong tâm chúng ta, như tham, sân, si, mạn v.v rất sâu sắc, khó dứt khó trừ. Trong kinh gọi chúng là “ câu sanh vô minh” hay “ Bổn hửu chủng tử ”, nghĩa là những hạt giống ấy đã có từ lâu. Những hạt giống này lại làm duyên sanh ra những tội lỗi khác, trong kinh luận gọi là “ Phân biệt phiền não ” hay “ thỉ khởi chủng tử ” nghĩa là hạt giống mới nhiễm do ảnh hưởng thời đại, tập quán, phong tục chi phối. “Phân biệt phiền não” thì có thể dễ trừ, nhưng “ câu sanh vô minh” thì rất khó trừ.
           Cho nên chúng ta không nên sám hối lấy lệ, lấy có được ! Chúng ta phải làm sao cho :
       a/ Những tánh xấu kia yếu bớt dần dần, do sức mạnh của lòng thành khẩn và chí cương quyết.
      b/Rồi dứt tuyệt chúng, mà nếu không có phương pháp thích hợp, thì chẳng khác gì lấy đá đè cỏ, nó bị đè tạm thời, nhưng khi dời đá đi nó mọc trở lại. Phương pháp thích hợp trong sự sám hối là : Phát tiển hạnh lành, để tiêu trừ tội cũ.
      Phát triển hạnh lành:   Trong mỗi chúng ta không phải toàn chứa đựng những tánh xấu xa. Nếu tánh xấu đã có từ muôn thuở, thì tánh tốt cũng có từ vô thỉ. Chúng ta mỗi người ai cũng đều có Phật tánh là cái mầm muôn hạnh lành, cái mầm ấy đã bị chôn vùi dưới bao lớp dục vọng thì chúng ta phải tạo điều kiện, cho cái mầm phật tánh trổ lá, lên hoa kết trái Bồ đề. Điều kiện làm cho mầm Bồ đề phát triển là những hạnh lành như Từ bi, Hỷ xả, Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn v.v.. Nếu chúng ta phát triển những tánh tốt ấy, tất nhiên những tánh xấu không có đất để mọc lên nữa.
    Sám hối có tác dụng tích cực như là một phương pháp tu tập xét trên bình diện tâm linh. Sám hối có tác dụng chữa trị thuộc lãnh vực tâm lý.
   Về mặt tâm linh, sám hối đóng vai trò như một pháp môn tu tập giúp hành giả đạt được những bước tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.
     Ích lợi đầu tiên ở trong lãnh vực tu tập là khôi phục giới thể thanh tịnh cho người phạm giới. Nếu phạm các điều khoảng giới mà không phát lồ sám hối trước tăng, tức là sám hối theo chế giáo nghi, thì giới thể bị ô nhiễm. Kinh nói giới có thanh tịnh thì mới phát sinh thiền định, có thiền định mới có trí tuệ. Giới thể này là năng lực phòng phi chỉ ác được phát sanh trong quá trình cầu thọ giới, nó có chức năng ngăn không cho các pháp hữu lậu xâm nhập vào tâm. Chỉ có sám hối mới có khả năng khiến cho giới thể đã bị ô nhiễm trở lại thanh tịnh.
       Lợi ích thứ hai trong lãnh vực tâm linh là tiêu trừ nghiệp. Xét hành vi phạm giới có hai yếu tố, đó là phạm giới đối với tăng- tức là đi ngược lại những giao ước sống chung của tăng và phạm nghiệp đạo. Yếu tố phạm giới thì trên đã nói, nó chỉ giới hạn ở hàng ngũ xuất gia- Yếu tố phạm nghiệp đạo thì bao quát cả tăng lẫn tục. Sám hối theo chế giáo nghi thì giới thể được thanh tịnh trở lại, nhưng nghiệp đạo đã phạm thì vẫn không mất, bởi vì chế giáo căn cứ trên tướng - Chỉ có sám hối theo hóa giáo nghi thì nghiệp đạo mới tiêu trừ, do hóa giáo thuộc phạm trù tánh. Vì vậy thực hành các phương pháp sám hối theo kinh luận như tụng kinh bái sám, quán tưởng sẽ giúp hành giả dần dần tịnh hóa nghiệp của mình.
     Ngoài ra các phương pháp sám hối mà đức Phật nói trong kinh còn là thời khóa tu tập để tăng cường giới định huệ v.v. Trong khi tu tập pháp sám hối thân thể lễ bái, miệng tụng đọc tương đương với (tác pháp sám hối ) Tâm ý chuyên chú vào đối tượng như Phật, Bồ Tát, đó là tương đương với định (Thủ tướng sám hối ), nếu hành giả dùng tâm ý quán chiếu thật tánh của các pháp để diệt trừ vô minh thì sám hối ấy tương đương với tuệ ( vô sanh sám hối). Sám hối vì thế trở thành trợ duyên cho ba môn giới định tuệ tăng trưởng.
     Về mặt tâm lý, sám hối theo luật tạng có công năng như một biện pháp chửa trị, nuôi dưỡng một tâm hồn thanh cao.
      Với đạo Phật, người sám hối là người đang cần sự giúp đỡ của tăng chứ không phải thú nhận tội lỗi để chịu tội hay được tha thứ (xá tội ).
      Thông thường trong các tôn giáo khác, khi nói đến sám hối thì mọi người đều nghỉ ngay đến ý niệm “ tội ” như là hành vi không vân lời đối với đấng tối cao như chúa, Thượng đế. . .thế nhưng “ tội ” trong đạo Phật không phải như vậy . Với Do Thái giáo, tội là sự bỏ qua không vâng lời theo ý muốn của Thượng đế, với Cơ Đốc giáo, tội nói chung là những gì đã tách con người ra khỏi Thượng đế, trong đó tội Tổ tông là trường hợp điển hình, ngoài ra không tin chúa Jesus cũng  được xem là một tội nặng. Với Hồi Giáo, tội chủ yếu là sự làm trái ý Thượng đế. Nói chung trong các tôn giáo nhất thần thì tội là vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vị thần linh được tin tưởng.
      Phật giáo không quan niệm có một đấng toàn năng với quyền uy tuyệt đối và một chiều như là đấng “ sáng tạo ” để ban phước giáng tội cho con người, cho nên không có khái niệm “ tội ” như là hành vi trái phạm đối với vị ấy. Chữ “tội ” mà chúng ta đang đề cập đến ở trong phần sám hối này, theo quan niệm của phật giáo, chỉ có nghĩa là những hành vi xấu ác, tánh xấu ác này là dựa trên tính chất căn bản của nghiệp được tạo. Chữ “tội ” theo nghĩa tiếng phạn là “ cái bị rơi ”. Như thế, người phạm tội là người không theo kịp mọi người, bị rơi từ chổ cao xuống chổ thấp do phạm phải các điều xấu ác.  Đối với những người “ bị rơi ” như thế, tức là những người yếu đuối, sự giúp đỡ từ những người “ không bị rơi ” là điều rất cần thiết, cho nên họ phát lộ lỗi lầm của mình trước tăng ( những người không bị rơi ) để cầu xin năng lực nâng đỡ. Thông qua năng lực nâng đỡ từ những lời giáo giới cuat tăng và sự thánh thiện phát ra (  khái niệm từ lực của những vị có giới đức tạo thành một lực trường có khả năng ảnh hưởng đến những người khác, giống như khái niệm từ trường trong vật lý học ). Từ bản thân tăng thiện pháp ( ý chí làm lành lãnh dữ ) ở trong con người lầm lỗi ấy sẽ tăng thêm. Đây chính là một ý nghĩa rất quan trọng mang tính chửa trị tâm lý của việc sám hối.
      Lại nữa, xét về tâm lý người phạm tội luôn luôn mang cảm giác bứt rứt, hối hận, gọi là cảm giác tội lỗi, khiến cho tâm họ không được yên ổn ( đây chính là lý do mà luật nói những người phạm giới nặng mà không phát lồ sám hối thì nhập định không được ). Hơn nữa, những cảm giác xấu ấy nếu trãi qua lâu ngày mà không được giải tỏa sẽ chuyển thành trạng thái mặc cảm dưới dạng vô thức và tiếp tục ảnh hưởng đến tâm thái của người phạm tội. Theo phân tâm học thì chính mặc cảm vô thức này góp phần đưa đến những cảm xúc và hành  xử có tính cách bất bình thường cần được chửa trị. Trong chừng mực nào đó, sám hối là cách giải tỏa cái tâm lý đang bị dồn nén ấy ( phát lộ hay thuyết tội ). Cũng như một người khi có điều muốn nói mà chưa nói ra được, do vì e ngại hoặc không có đối tượng để tỏ bày thì trong lòng cứ thấy bồn chồn, tâm trạng cứ như  “ ngồi trên lửa ”,
      Cuối cùng sám hối là dùng hai tâm sở thiện  tàm và quý để đối trị hai tâm sở bất thiện vô tàm và vô quý (tàm quý nghĩa là hổ và thẹn ), tức lợi dụng tâm lý xấu hổ để khống chế những hành vi xấu ác, đưa hành giả đến chổ toàn thiện.
      Kết luận : Đến đây, hẳn chúng ta thắc mắc một điều: Liệu sám hối rồi tội có hết không ? Để trả lời nghi vấn này chúng ta phải dựa vào tam tạng  giáo điển. Nếu xét về yếu tố phạm giới, các bộ luật đều khẳng định sám hối như pháp thì giới thể trở lại thanh tịnh như củ. Riêng yếu tố phạm nghiệp đạo thì rõ ràng là không đơn giản. Các kinh thường nói sám hối thì nghiệp được tiêu trừ, thế nhưng không phải sám hối là nghiệp mất hết, không còn phải chịu quả báo. Ngài Long Thọ khẳng định trong Thập Trụ Bà Sa luận rằng :
     “ Ta không nói sám hối thì nghiệp tội diệt hết, không còn quả báo, ta chỉ nói sám hối thì tội giảm nhẹ, thời gian lãnh thọ ngắn hơn ”.
      Nói tóm lại, sám hối là một phương pháp gột rửa tâm có vai trò rất quan trọng trong đạo Phật. Nhìn từ khía cạnh chế giáo, sám hối mang tính cưỡng bức và thuộc tác trì môn, mục đích của nó đem lại sự thanh tịnh và hòa hợp trong tăng theo tinh thần quy ước của giới luật. Người phạm giới sau khi sám hối đúng theo luật thì giới thể trở lại thanh tịnh như củ. Tất nhiên với những tội luật cho sám hối. Lại nữa, bên cạnh yếu tố phạm giới còn có yếu tố phạm nghiệp đạo thì không thể sám hối theo luật mà hết được, phải sám hối theo kinh hoặc luận. Nhìn từ phương diện kinh luận, tức khía cạnh hóa giáo, sám hối mang tính tự nguyện và dựa trên tính chất căn bản của nghiệp đạo, mục đích của nó là tiêu trừ nghiệp, giúp hành giả thăng tiến trên con đường giải thoát .
       Nếu thực hành sám hối đúng pháp thì đem lại những kết quả như sau :
    - Làm phát triển tánh thành thật.
    - Trau dồi đức tánh cương quyết trong sự diệt trừ tánh xấu.
    - Dứt được tội,  sanh phước.
    - Mau thẳng đến chổ giải thoát an vui.
       Nhờ  pháp sám hối của Đạo Phật, mà con người có thể cải hóa lòng mình tốt đẹp hơn. Nhờ pháp sám hối, con người có thể làm cho đời sống cá nhân được hạnh phúc, và đời sống xã hội được hòa bình an lạc.

      Vậy ai là người muốn hết tội lỗi, ai là người muốn giải thoát sanh tử luân hồi, ai là người yêu chuộng chân lý, thì hãy cùng nhau nghiên cứu và thực hành các pháp sám hối của đạo Phật cho kỷ, để trước là cải thiện đời sống cá nhân, sau là đời sống của giống hữu tình được bớt đau khổ, và an vui./.

PHÁP SÁM HỐI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét