Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

VAI TRÒ NGƯỜI TRỤ TRÌ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI


            Vai trò người trụ trì trở thành trung tâm của mọi vận động Phật sự và chuyển tải nội dung Phật pháp vào xã hội. Ngôi chùa  cần được coi như là một cơ quan truyền bá Phật pháp chứ không phải chỉ thuần túy đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng như người ta thường nghĩ. Vị trụ trì có nhiều ưu thế, vì họ hoàn toàn chủ động trong sứ mệnh hoằng pháp. Một ngôi chùa có một vị trụ trì giỏi là niềm hạnh phúc cho tín đồ và tăng cường sức mạnh cho giáo hội.
                 Ngày xưa địa vị của trụ trì có giới hạn trong một phạm vi nào đó. Ngày nay mọi chuyện không đơn giản, con người thời đại đòi hỏi nhiều hơn, người trụ trì cần phải năng động và đa diện hơn, phải sáng tạo nhiều mô hình sinh hoạt, phải giải quyết nhiều chuyện thị phi. Người trụ trì có ba việc đừng làm là : 1/ Việc nhiều đừng sợ, 2/ Không có việc đừng bày ra việc, 3/ Đừng nói việc thị phi. ( Trụ trì hữu tam mạc : sự phồn mạc cụ, vô sự mạc tầm, thị phi mạc biện ).
                 Khi đất nước mở cửa giao lưu với thế giới, đỉnh cao là thời điểm gia nhập  WTO, tức tổ chức thương mại thế giới. Xã hội VN không còn bị cô lập và sống riêng được nữa. Kinh tế phát triển, văn hóa xã hội đa dạng . . .  chúng ta không thể bảo thủ nền kinh tế, chính trị, văn hóa độc lập được. Chúng ta phải tiếp nhận những truyền thống văn hóa của kẻ khác dù muốn hay không. Mọi giá trị văn hóa của ta đang bị thách thức, thậm chí một số lãnh vực bị đánh bậc ra khỏi gốc rễ của nó. Đất nước VN hôm nay đang bước vào thời kỳ đổi mới, hòa nhập với ba làng sóng: Kỷ nghệ hóa, tin học hóa và toàn cầu hóa.
                 Những tác động tích cực lẫn tiêu cực của sự hội nhập này đã quá rõ. Đời sống kinh tế khá hơn, có nhiều điều kiện thuận lợi để hưởng thụ hơn. . .nhưng xã hội cũng phức tạp hơn, tội phạm tăng hơn, tệ nạn xã hội khó kiểm soát hơn, đạo đức xuống cấp hơn, chất lượng sống không cao.
                 Những đặc điểm của thời hiện đại bao gồm nhiều mặt như:
 - Công nghệ giải trí : Thời hiện đại người ta được hưởng thụ tối đa, con người sẽ được thỏa mãn dễ dàng những thú vui, được kích thích những ham muốn tiềm ẩn bằng những phương tiện hiện đại, những trò chơi cảm giác mạnh, và những thứ xa xỉ khác . . con người bị cuốn hút bởi những ca nhạc kích động, phim ảnh bạo lực, đồi trụy, đam mê những chất kích thích gây nghiện và ảo giác. Họ ít quan tâm đến những hoạt động văn hóa đạo đức, môi trường văn hóa tinh thần bị xem nhẹ.
- Phương tiện thông tin : Thời hiện đại, thời gian và không gian không có ý nghĩa gì lắm. Mọi thông tin, hình ảnh, sự kiện.. . đều nhanh chóng loan truyền và tác động tức thời. Con người thời đại nhanh nhạy, nóng nảy, vội vàng và hời hợt.
  -Internet là một sản phẩm đem nhiều tiện ích cho con người thời đại, đồng thời cũng đem đến sự băng hoại các giá trị văn hóa đạo đức của xã hội. Nó làm cho con người mất dần khả năng tiếp xúc với thế giới sinh động chung quanh nó, làm cho con người lười biếng và bạc nhược.
- Điện thoại di động tạo nên một phép lạ, có thể truyền thông nói kết con người lại với nhau giữa hai cực của địa cầu trong vài giây, nhưng nó cũng làm cho con người trở nên ích kỷ, khép kín khó hiểu, hiểu lầm nhau.
    - Giá trị vật chất là tối thượng : Con người thời đại có nhu cầu thủ đắc mọi phương tiện hiện đại, có nhu cầu hưởng thụ và thỏa mãn mọi ước vọng mà kỷ thuật hiện đại có thể đáp ứng. Giải pháp là kiếm tiền. Giá trị đồng tiền được khẳn định bởi lý lẽ sống của toàn xã hội, có tiền là có mọi thứ.  Người ta lao vào công cuộc kiếm tiền như  điên dại, bất chấp đạo lý.
     Phật giáo thời hiện đại phải đối mặt với những thách thức và cơ hội của xã hội hiện đại. Vai trò của vị trù trì trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi lẽ: Một là, sự chuyên đổi cơ chế Giáo hội sẽ diễn ra rất chậm, và tùy thuộc vào sự thúc đẩy của tình hình thực tiển là những hoạt động, những yêu cầu của quần chúng phật tử và đơn vị cơ sở.  Ở đây chính là ngôi chùa và vị trụ trì. Hai là sự cảm nhận nhu cầu thực tiển ở nơi vị trụ trì rất cao, do sinh họat trực tiếp với người Phật tử và cộng đồng xã hội. Vị trụ trì có quyền hạn tối cao đối với một ngôi chùa, vì vậy có tính chủ động rất lớn, có thể chuyển đổi cơ chế sinh hoạt rất triệt để và kịp thời.
     Do đó, trụ trì  cần biết vai trò quan trọng của mình và bối cảnh xã hội, nhu cầu của tín đồ và sự vận động bánh xe chánh pháp thời hiện đại. Theo thống kê, vào năm 1900, tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới ngang bằng tín đồ Thiên chúa giáo, hơn hẳn tín đồ Hồi giáo. Nhưng nay ( sau 100 năm ), tín đồ Phật giáo trên dưới 400 triệu. Trong khi đó Thiên Chúa giáo 2.000.000.000. Hồi giáo 1.300.000.000. Ấn Độ giáo 830.000.000 . Phật giáo xuống hàng thứ tư. Thiên chúa giáo và Tin lành, Hồi giáo đều có một đội ngũ truyền giáo hùng mạnh mà không phải là các Linh mục, Mục sư. Họ là những tín đồ bình thường, nhưng được đào tạo chuyên môn để thực hiện vai trò truyền giáo rất hiệu quả. Trong khi đó Phật giáo chỉ đào tạo tu sỉ mà thôi.
  Mặc dù các tôn giáo thần quyền đều nói đến quyền uy của Thượng đế và chuyên thờ phụng các Đấng trên trời, nhưng tất cả những hoạt động của họ đều ở dưới đất và nhắm đến những nhu cầu của con người, và tâm lý của con người một cách hệ thống và khoa học. Vấn đề cạnh tranh, tranh thủ tín đồ của tôn giáo khác là một trong những sách lược quan trng của các tôn giáo bạn.
       Mặt khác, thời hiện đại vấn đề kinh tế và giá trị vật chất chi phối mối quan tâm của con người chiếm gần hết tâm trí của họ. Vì vậy, những giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức, ý nghĩa chân lý. . . muốn có chổ đứng trong lòng người cần phải quảng bá, đổi mới và phải có sức hấp dẫn để thu hút tín đồ, chứ không còn theo quan điểm “ hữu xạ tự nhiên hương ” nữa, nhất là tầng lớp trẻ.
      Như vậy, người trụ trì cần phải làm gì ?
      Thật khó để trả lời một cách toàn diện, nhưng những điều cần thiết nổi bật thì khá rõ. Người trụ trì cần được trang bị kiến thức chuyên môn về Phật học và phổ thông về thế học, nếu được kiến thức như một học giả thì càng tốt.  Công tác tổ chức quần chúng, Phật tử phải được quan tâm hàng đầu. Phật tử có tổ chức sẽ có sức mạnh để cùng thực hiện các Phật sự. Nhờ tổ chức mà tình cảm thầy trò được gắn bó, đạo hữu thương nhau, có chung một cảm xúc đạo lý và chí hướng giải thoát, nhất là tập hợp được tín đồ và tăng trưởng số lượng qua công tác tổ chức.
     Tổ chức lễ hội văn hóa, văn nghệ, thông qua các lễ vía, chuyển tải những đạo lý cao đẹp cho cộng đồng phật tử. Tổ chức một lễ hội có chất lượng, sẽ tạo ảnh hưởng mạnh lên cảm xúc của mọi người, nhất là đối với thanh thiếu niên cảm thấy vui khi đi dự lễ, tự hào về tôn giáo của mình.
          Giáo dục  và đào tạo người cư sỉ nòng cốt : Cần có đội ngũ cư sỉ có khả năng và tâm huyết cộng tác với vị trụ trì, họ sẽ mang những thông điệp của Phật giáo vào trong xã hội, đồng thời họ thực hiện vai trò xã hội trong tinh thần Phật giáo có hiệu quả hơn quý thầy nhiều.
          Thiết lập những mô hình tu học qua hình thức các đạo tràng để rèn luyện đời sống đạo, nhất là những phương pháp thực tập có lợi ích thiết thực cho sức khỏe, cho sự bình an tâm lý. Đó là những điều mà con người thời đại quan tâm.
          Nâng cấp cơ sở vật chất : cần phải có cơ sở phòng ốc, điện, nước. . . .để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đa dạng như hội họp, sinh hoạt vui chơi, không gian tu tập, thuyết pháp, văn nghệ . . .
          Học hỏi và cải cách phương pháp hoằng pháp: Cần tìm hiểu các tổ chức tôn giáo bạn, các đoàn thể xã hội và các chùa chiền những mô hình sinh hoạt phù hợp với tâm lý con người. Cần mạnh dạng cải cách những sinh hoạt xơ cứng, thiếu sinh lực, những tín ngưỡng mang màu sắc mê tín dị đoan.
          Tóm lại, làm người trụ trì thời hiện đại không đơn giản như thời xưa. Những điều dỡ, điều sai trước đây không có ảnh hưởng mấy, nhưng nay thì tác hại vô cùng. Một điều sai lầm sẽ lan tỏa rất nhanh và rất rộng, bởi mạng thông tin hiện đại. Một sự chậm chân, lạc hậu sẽ làm tụt hậu chương trình hoằng pháp rất xa, vì mọi tổ chức đoàn thể xã hội đều luôn tăng tốc, đến nổi đưa ra khẩu hiệu : Đổi mới hay là chết ? .
          Sức mạnh của đạo Phật ở nơi đạo lý Phật dạy và nơi sự hành trì của người Phật tử. Sức mạnh đó có thể không phát huy nổi nếu không có phương pháp tiếp cận thích hợp, không có tổ chức khoa học và đồng bộ thì vẻ đẹp cũng như tác dụng tích cực của đạo lý ấy không cao.
          Để có được sự ứng biến nhanh nhạy và sinh động vị trụ trì luôn đặt mình trong tư thế sẳn sàng, trong tinh thần trách nhiệm cao, luôn vì sự nghiệp chung, vì lý tưởng phụng sự đạo pháp và dân tộc của người trưởng tử Như Lai. /.

             ( Trích NS   Giác Ngộ số 153  tháng 12-2008 – Thích Viên Giác )

VAI TRÒ NGƯỜI TRỤ TRÌ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét