Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

CÁCH LOẠI SUY GIÁO PHÁP CỦA VUA BA TƯ NẶC.


          Ba Tư Nặc là vị vua xứ Câu Tát La ( Kosala). Ông sống cùng thời với đức Phật và có những hổ trợ tích cực đối với Đức Phật và Tăng đoàn. Tên tuổi của ông được nhắc đến nhiều trong kinh điển, và có một vài bài kinh không những đề cập đến ông như một người nhiệt tâm bảo hộ Tăng đoàn mà còn  cho thấy cách nhìn của ông về giáo pháp của Đức Phật. Điển hình nhất về điều này là trong bài kinh Pháp Trang Nghiêm, thuộc Trung A Hàm. Suốt bài kinh nầy, ta có thể thấy cách đánh giá, hay nói đúng hơn là cách loại suy khá đặc biệt của ông về giáo pháp của Đức Phật. Cách loại suy của ông được dựa trên đời sống thực tế mà ông trải nghiệm và cái nhìn của ông về đời sống của Đức Phật và Tăng đoàn.
          Trong một lần Thế Tôn du hoá và cư trú tại ấp của Thích gia. Bấy giờ vua Ba Tư Nặc cũng có một số việc cần làm nên cũng đến thị trấn nọ. Khi vua nghe Đức Thế Tôn trú tại đô ấp của Thích gia, ông bèn tìm đến đảnh lễ Ngài. Thấy nhà vua tìm đến đảnh lễ mình, Thế Tôn hỏi rằng ông đã thấy ở Ngài có những giá trị gì mà cúi đầu đảnh lễ cung kính như vậy. Nhà vua đáp : Từ cách loại suy của ông, ông nhận thấy giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện, chúng đệ tử của Ngài áp dụng nó một cách trọn vẹn, vì thế ông tìm đến cung kính đảnh lễ.
    Trước hết, vua Ba Tư Nặc cho rằng, giáo pháp của Đức Thế Tôn là giáo pháp toàn thiện, giáo pháp đó đưa đến vô tranh, vô tham đem lại hoà hợp và tương kính lẫn nhau. Giáo pháp ấy được chúng đệ tử của Phật áp dụng một cách trọn vẹn.
      Vua Ba Tư Nặc ngồi trên ngai vàng suy nghĩ rằng:  Trong đời, cha mẹ tranh chấp với con cái, con cái tranh chấp với cha mẹ, anh em thân bằng quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau, nói xấu nhau v.v là những người thân trong gia đình mà còn như vậy, thì những người không thân thích với nhau lại còn tệ hại hơn. Ngoài thân quyến ra ở xã hội, nào là thầy với trò, chủ với tớ, quan với quân, bạn với bè v.v luôn luôn có nhiều mối tranh chấp không khoan nhượng. Trong khi ấy, chúng đệ tử của Phật sống phạm hạnh, sống hoà hợp không tranh chấp. Nếu có vị nào không sống được với Tăng đoàn bỏ đạo thôi tu, họ không nói xấu Phật, nói xấu Tăng đoàn, mà tự trách mình thiếu phước không duyên. Chúng đệ tử Phật sống phạm hạnh suốt đời, sống hoà hợp tương kính lẫn nhau. Với những thấy biết như vậy vua Ba Tư Nặc đem lòng kính ngưỡng.
          Giáo pháp của Phật xem như là con đường sống, con đường đem lại an bình lợi lạc, thoát khỏi các tranh chấp, từ bỏ hận thù. Như vậy, những đệ tử của Đức Phật, nếu người nào vẫn còn ưa thích tranh chấp, nói xấu, chỉ trích, giận hờn, thù hận lẫn nhau, thì đã  đi ngược lại lời dạy của Phật. Vị ấy không còn là đệ tử của Phật nữa.
          Thứ đến, nhà vua lại nghĩ rằng : Giáo pháp của Phật toàn thiện vì giáo pháp ấy đưa đến xả ly các dục, xa rời chấp thủ, đem lại đời sống phạm hạnh, không bị nhiểm ô bởi dục vọng, không dính trước dục, không bị dục trói buộc, không kiêu ngạo chấp thủ. Bach đức Thế Tôn, ở đây con thấy các tỳ kheo tự nguyện sống phạm hạnh trọn đời, nguyện xuất ly khỏi tham dục. Ngoài ra con không thấy ở đâu có phạm hạnh thanh tịnh như vậy, như mái nhà của Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, Pháp của Đức Như Lai, bậc vô sở trước, Đẳng chánh giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Phật thật khéo thực hành.
          Xả ly các dục, xa rời chấp thủ là một trong những điều kiện cần thiết để thực hành đời sống phạm hạnh. Vì dục và chấp thủ được xem là một sự chướng ngại trên con đường thực hành để phát triển tâm linh. Vật chất là điều kiện cần thiết để duy trì đời sống, nhưng trong hành trình tu tập, đặc biệt với người xuất gia, việc quá tham đắm vật chất, đam mê các dục lạc là điều làm chướng ngại cho việc thực hiện đời sống phạm hạnh để phát triển tâm linh.
          Tiếp đến vua lại nghỉ rằng : giáo pháp của Đức Thế Tôn toàn thiện, vì giáo pháp ấy đem lại sự bình an hoan hỷ tự tại cho người thực hành nó. Vua thấy các tỳ kheo sống hân hoan, sắc diện vui tươi, đoan trang, vô vi vô cầu, sống đời thanh tịnh, tri túc giản dị, ông cho rằng các tỳ kheo khéo sống đúng theo giáo pháp của Phật và đã có sở đắc trong việc tu tập của mình.
          Vua lại suy nghỉ giáo pháp của Phật thật là toàn thiện, vì nó có công năng hàng phục được những sa môn phạm chí. Đức Phật không bao giờ tham gia vào những cuộc tranh luận về giáo thuyết. Nhưng có rất nhiều giáo thuyết của phạm chí Bà la môn muốn tranh luận với Phật Vì thế những sa môn Phạm chí dù có nhiều thông minh trí tuệ, có danh tiếng đến đâu, khi gặp Đức Phật vẫn không dám tranh luận. Nhưng mỗi khi họ nghe được Đức Phật trả lời thì đã vui mừng cúi đầu kính lễ, và đã có nhiều người quy y theo, cũng có nhiều người đã xuất gia thành tỳ kheo và đắc quả thánh. Chính vì thế mà vua Ba Tư Nặc đã cho rằng giáo pháp của Phật là toàn thiện có công năng hàng phục người khác.
          Nhà vua lại cho rằng giáo pháp của Phật thật là toàn thiện vì nó có sức mạnh cảm hoá mọi người. Ông nghỉ rằng, ở địa vị một bậc đế vương, có quyền quyết định mọi việc. Nhưng mỗi lần ngồi trên ngai vàng để giải quyết mọi quốc sự. Ông vẫn không thể điều hành và dàn xếp ổn thoả hết sự tranh cải của các triều thần được. Vẫn có nhiều người không theo ý ông. Trong khi đó, ông thấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp, đại chúng đệ tử vây quanh, mọi người ai cũng như ai không một tiếng ồn ào khởi lên, Ông nghỉ rằng Đức Thế Tôn là bậc Điều ngự, vì Ngài không cần dùng đến đao trượng, hình phạt, nhưng tất cả đều đúng như pháp nà được an ổn phúc lạc. Giáo pháp như vậy có công năng hy hửu và giáo pháp ấy là toàn thiện.
          Vua lại nghỉ rằng giáo pháp của Như Lai là toàn thiện vì dù không dùng quyền lực vẫn khiến người khác cung kính tuân thủ. Nhà vua thấy rằng quan quân của ông được ban phát bổng lộc, đời sống của họ tuỳ thuộc vào vua, nhưng ông vẫn không khiến họ cung kính phụng hành như đệ tử của Phật cung kính với Phật. Ông cho rằng giáo pháp của Phật là toàn thiện, đáng trân trọng và chúng tỳ kheo của Ngài thật đáng quy hướng.
          Trên đây là những cách suy nghĩ của vua Ba Tư Nặc đã loại suy những điều đề cập trong giáo pháp của Phật, khi ông ở độ tuổi 80, độ tuổi mà người ta có thể cảm nhận sâu sắc về bản chất cuộc đời, sau khi đã trải qua sanh , lão, bệnh và đang đến giai đoạn cuối cùng là tử. Cách loại suy của ông thuần tuý dựa trên kinh nghiệm thực tế. Giáo pháp của Đức Phật là con đường sống mà vua Ba Tư Nặc đã cảm nhận một cách sâu sắc và tường tận ./.

 - Loại suy : 1-Vô tranh, hoà hợp  2-/ Xả ly các dục, xa rời chấp thủ. 3-/ Đem lại sự an bình tự tại cho người thực hành. 4-/ Có công năng hàng phục người khác . 5-/ Có sức mạnh cảm hoá mọi người. 6-/ Không dùng quyền lực mà vẫn khiến mọi người tuân theo.

CÁCH LOẠI SUY GIÁO PHÁP CỦA VUA BA TƯ NẶC. Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét