Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO CÙNG MỘT KHÁT VỌNG GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI CÙNG KHỔ

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO CÙNG MỘT KHÁT VỌNG GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI CÙNG KHỔ

          Phật giáo truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu sau Tây lịch, và nhanh chóng bắt rễ sâu rộng trong quần chúng. Ngay thời điểm ấy Phật giáo Việt Nam tạo nên truyền thống “ Đồng hành cùng dân tộc”. Truyền thống “ Đồng hành cùng dân tộc” xuất hiện từ cuộc kháng chiến chống nhà Đông Hán với cuộc khởi nghĩa đầu tiên của Hai Bà Trưng (40- 43) sau Tây lịch. Tham gia cuộc khởi nghĩa này, trong số nữ tướng có những vị Ni như Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung, Hương Thảo… Rồi Lý Bí sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Lương, năm 544 lên ngôi lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, dựng chùa lớn đặt tên là Khai Quốc.

          Với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, công án của Lý Nam Đế, đối với Phật giáo giúp chúng ta hiểu rõ sự khát vọng giải phóng “những người cùng khổ ” của Hồ Chí Minh có những nét gặp gỡ tương đồng với tư tưởng Phật giáo.  Tư tưởng Thiền Phật giáo Việt Nam chủ yếu là vị tha cứu khổ.  Với Hồ Chí Minh tư tưởng chủ yếu là cứu dân cứu nước, cứu những người cùng khổ. Ngôn ngữ tuy khác nhau nhưng sự gặp gỡ giữa hai dòng tư tưởng lớn, giống nhau là cứu khổ ban vui cho mọi người.

          Thái tử Tất Đạt Đa ( Siddhata Gautama ) mong khát vọng giải phóng nhân quần ra khỏi cảnh “ Tứ khổ” ( sanh, lão, bệnh, tử ) đã bỏ sau lưng ngôi báu, cảnh vương giả, ra đi xuất gia tìm đường giải thoát cho nhân loại. “ Ta không muốn sống trong cảnh vương giả trị vì thiên hạ, hưởng cuộc đời sung sướng cao sang trên mồ hôi nước mắt của lê dân, Ta không muốn sống trong cảnh xã hội bất công mà Ta đã chứng kiến. Ta quyết định ra đi, dù phải xông pha trên gió bụi lao lung , Ta cố tìm ra mối đạo giải thoát cho nhân loại, muôn loài”.

          Cùng cách nhìn trên đây của Đức Phật Thích Ca, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, đã rời bỏ quê hương, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy, bôn ba năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước cứu dân.

          Cách đây 3000 năm, xã hội Ấn Độ đầy dẫy những áp bức bất công do chế độ đẳng cấp gây ra, Đức Phật Thích Ca nêu lên lý thuyết cao đẹp, lý thuyết bình đẳng giữa con người với con người : “ Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ như nhau, không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn, mỗi người sinh ra không phải có dấu Ti ca trên trán, không đeo sẵn dây chuyền trong cổ”. Với Hồ Chí Minh thì “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sung sướng và quyền tự do ”.

          Với Phật giáo cho rằng con người là cao hơn tất cả “ Vị nhơn tối thắng”. Đức Phật dạy các đệ tử rằng : “ Này các Tỳ kheo, hãy tu hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng,  vì lòng thương tưởng cho đời,  vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”. (Tương Ưng bộ Kinh ).  Này các Tỳ kheo xưa và nay ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ ( Trung Bộ Kinh ).  Đối với Phật giáo, các vị Bồ tát xem nổi đau khổ của chúng sanh là nổi đau khổ của chính mình, bao giờ những đau khổ của chúng sanh chưa dứt thì chưa thành Phật. Bồ tát Địa Tạng phát thệ nguyện: “  Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề. Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”. Với  Hồ Chí Minh,  “sự mong muốn của tôi là làm sao cho nước nhà hoàn toàn độc lập, dân hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành ”.

           Đối với Phật giáo, sự nổ lực diệt khổ và giải thoát của mỗi chúng sanh. Nói cụ thể trong tư tưởng Phật giáo vấn đề nhân bản là cốt yếu. Đức Phật Thích Ca nói : “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành ”. Phật giáo là sự kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sanh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi Ta bà này thành cõi Tịnh độ, và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống cực lạc.

          Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là giải thoát những con người yếu hèn lao khổ của dân tộc bị áp bức, chà đạp ra khỏi xiềng xích nô lệ. Tranh đấu cho một xã hội công bằng, không có áp bức, không có người bóc lột người, một xã hội mà mọi quyền lợi con người được tôn trọng. Thời chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách đàn áp Phật giáo. Ngày 11-6-1963 Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chính sách bất công gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm, cuộc hy sinh phi thường và can đảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, ảnh Hòa thượng ngồi trong ngọn lửa được đăng lên hầu hết các báo năm châu, với những dòng chữ nói lên sự khâm phục. Được tin Hồ Chí Minh rất cảm động sự hy sinh cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức và làm câu đối kính viếng .

“ Vì pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt .  Lưu danh bất tử bách niên chánh khí địa sơn hà ”.  ( Vị pháp thiêu thân muôn thuở hùng huy trời nhật nguyệt Lưu danh bất tử, trăm năm chính khí địa sơn hà ). …..

 (Trích  NSGN – số 318- 9-2022-  Khát vọng giải phóng những con người cùng khổ, nét lớn trong sự gặp gỡ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Phật giáo – của Lê Cung )

Bàn thêm :  Tác giả bài viết trên của Lê Cung  đem sự  khát vọng  “cứu người cùng khổ ”của Hồ Chủ Tịch so sánh tương đồng với sự Phật tìm đường giải thoát cứu khổ chúng sanh,  ta đưa ra mấy tiêu điểm như sau .

-  Phật là bậc Thánh đã  tu đã chứng, vượt qua sanh tử chứng Niết Bàn vô sanh bất diệt.

- Hồ chủ tịch còn là phàm nhân chưa tu chưa chứng, còn nhiều tập khí phiền não..

- Phật nhận thấy chúng sanh khổ qua hình ảnh đi dạo 4 cửa thành, già, bịnh, chết. Bèn khởi tâm xuất gia tìm đạo cứu chúng sanh.

- Hồ Chủ Tịch nhận thấy sự áp bức nô lệ của người dân, sự mất chủ quyền đất nước bởi sự xâm lược của thế lực nước lớn bên ngoài, nên bôn ba tìm đường cứu nước cứu dân.

-  Đức Phật mong muốn mọi người thoát khổ “ sanh, già, bệnh, chết ”.

- Hồ Chủ Tịch mong muốn  đất nước “Độc lập- Tự do ”

- Đức Phật mong muốn mọi chúng sanh thoát khổ “ luân hồi” trong nhiều đời nhiều kiếp.

- Hồ Chủ Tịch muốn mọi người thoát khổ nô lệ áp bức trong một đời người.

- Giáo pháp  của Phật giúp chúng sanh thoát khỏi khổ cả tinh thần lẫn vật chất.

- Đường lối Hồ Chủ Tịch giúp con người thoát khổ về vật chất còn tinh thần chưa giải quyết được.

- Tư tưởng Phật giáo Việt Nam ngay từ buổi ban đầu cho đến về sau là “ hộ quốc an dân” mọi người theo Phật đều hướng tâm bảo vệ tổ quốc.

- Tư tưởng Hồ Chủ Tịch là người kế thừa tư tưởng của PGVN, Hồ Chủ Tịch đã từng làm tu sĩ Phật giáo ở đất nước Thái Lan, lấy tên  “Thầu Sỉn ”.

- Phật xuất gia tu học tìm đạo giải thoát thời gian 6 năm thành chánh quả.

- Hồ Chủ Tịch trải qua nhiều nước, nhiều năm thăng trầm mới tìm ra con đường cứu dân cứu nước.

- Phật ban đầu có học hỏi với vài bậc thầy, nhưng chưa thỏa mãn với lối tu tập mà con đường Phật đang đi tìm. Vì thế Phật tự tu, tự chứng  nên Phật không nương nhờ thế lực bên ngoài để thành nên sự nghiệp của mình.

- Hồ Chủ Tịch phải cầu  mượn các nước lớn về mọi mặt phương pháp, chiến thuật cho đến khí cụ , khí tài mới hình thành nên con đường đã vạch ra.

- Phật vận dụng tâm từ và trí tuệ của mình mà cứu dân độ thế.

- Hồ Chủ Tịch vận dụng sức mạnh  bằng vũ khí đạn dược lẫn con người để chiến đấu,  hoàn thành mục tiêu đề ra.

- Sự thành tựu sự nghiệp của Phật không tốn thời gian, không gian, của cải vật chất, con người, không tổn hại đến sanh mạng chúng sanh, không làm mất mát tài sản.

- Hồ Chủ Tịch đạt được mục đích cứu dân, cứu nước thoát ra khỏi ách nộ lệ của kẻ xâm lược, phải tốn thời gian, không gian, sinh mạng con người cả hai bên phải hy sinh xương máu, khí tài khí cụ phải hao tốn. Dân chúng các vùng chiến phải mất mạng nhà tang. Đạt được mục đích hai bên phải mất đi hàng vạn sinh mạng.

- Sau khi Phật thành đạo, mở ra cho con người dân xứ Ấn Độ nói riêng và các dân tộc toàn thế giới nói chung một con đường vô sanh bất diệt. Con đường bình đẳng tự do xa lìa tội ác bất công  từ xưa đến nay chưa ai khám phá.

- Hồ Chủ Tịch đã hoàn thành sứ mệnh cứu dân cứu nước, nhưng sau đó để lại những nổi hận thù sau cuộc chiến, đau thương không nguôi cả bên bại trận và thắng trận . Trong kinh nói : “ Kẻ thắng sinh hận thù. Kẻ thua ngủ chẳng yên- Không thắng không thua, Yên lòng mà ngủ ”.

          - Đối với thế nhân Hồ Chủ Tịch được xứng danh người vĩ đại của trong xã hội con người, nhưng đem so sánh với Phật Thánh thì chưa được . Không thể đem so sánh sức bay cao bay xa của một con chim sẻ với sức tung cánh của một con đại bàn được.

          Ta đem so sánh ra đây có thể những vị chưa hiểu được lý vô sanh bất diệt mà Phật đã tuyên dạy mọi người sẽ không đồng ý, Nhưng nếu không so sánh vài khía cạnh mọi người sẽ đánh đồng pháp thế gian là chân lý bất sanh bất diệt.

Dù sao Hồ Chủ Tịch cũng đã xứng danh trong lịch sử đất nước Việt Nam, người tiên phong tìm đường cứu dân cứu nước, không những ở Việt Nam mà là một trong những người được ghi vào “ Danh nhân ” thế giới. Nhưng so với Phật thánh thì chưa thể… ./.Hồ  H H

{]{

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO CÙNG MỘT KHÁT VỌNG GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI CÙNG KHỔ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét