Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

CON NGƯỜI VÀ HÀNH ĐỘNG NHIỆT TÂM THAM GIA NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC.

 

CON NGƯỜI VÀ HÀNH ĐỘNG NHIỆT TÂM THAM GIA NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC.

          Vào những thập niên 20 của thế kỷ 20, tình hình Phật giáo ở Việt Nam không mấy sáng sủa vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan đem lại. Nguyên nhân chủ quan là do nội tình Phật giáo chưa được chỉnh đốn và nguyên nhân khách quan do cuộc viễn chinh của người Pháp đã mang đến  nước ta một thứ văn hóa, tôn giáo, chính sách mới gây xáo trộn trong đời sống người Việt. Đứng trước những tệ đoan phát sinh trong hàng Tăng lữ, một Thiền sư trăn trở đến mức chua chát: “Chế độ của sơn môn xưa còn tệ hơn cả chính sách hà khắc. Ngoài nuôi heo chăn bò, việc dạy dỗ không nghe nói tới. Cười khóc khi đón tới đưa về đều là tội cả. Sinh hoạt thiền gia thì tối bốn khuya ba. Biển học thấm vào thì như sừng lân lông phụng. Men tường trông ngóng, chỉ tăng thêm nổi buồn của kẻ cùng tử. Lần lữa mấy năm, luống nuôi giấc mộng Trang Sinh.

          Vấn đề thao thức của những người ưu thời mẫn thế lúc này là phải tìm lại hướng đi cho dân tộc trước sự xâm thực của văn hóa ngoại bang. Phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục nhận thấy phong trào đấu tranh bất bạo động mang tính thực tiễn và hữu hiệu với sự đồng lòng của người dân nước Việt mới có thể đuổi được Tây về nước. Giáo dục và thức tỉnh quần chúng là phương thức để đi đến sự đồng tâm. Vì vậy, thi ca sách báo của các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng … xuất hiện nhằm vận động nhân dân không đóng thuế, không đi lính cho Pháp được phổ biến. Còn việc cải cách văn hóa, duy trì quốc học và phục hưng Phật giáo là nhiệm vụ cao cả của các Thiền sư Phật giáo lúc bấy giờ nhằm tiếp bước phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của các bậc chí sĩ trước đây.  Ở Nam bộ có Thiền sư Từ Phong duy trì đạo tràng Giác Hải ở Chợ Lớn, mở lớp giảng giải Phật pháp cho Tăng Ni trong vùng; tổ chức khắc bản in kinh và khuyến khích việc phiên dịch kinh Phật ra quốc ngữ.

          Tiếng nói dân tộc là phương tiện hữu hiệu để duy trì mạng mạch Phật pháp nên kinh Phật vốn bằng chữ Hán lần lượt được diễn Nôm, nhiều hội đoàn và tạp chí khắp ba miền được thành lập nhằm cổ súy phong trào chấn hưng, như hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học (1931) tạp chí Từ bi âm xuất bản (1932). Hội An Nam Phật học (1932) và tạp chí Viên âm (1933), hội Phật giáo Bắc kỳ và tạp chí Đuốc tuệ (1935), hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934) và tạp chí Duy tân xuất bản ở Trà Vinh (1935) tạp chí Tam bảo của hội Đà thành Phật học (1937) …

          Các vị cao Tăng thạc đức nói rằng :  Tinh thần Phật giáo rất thích ứng với tinh thần khoa học phương Tây và giữ được tính tự cường dân tộc, Thiền sư Trí Hiền cũng cùng tâm nguyện không khác Thiền sư Từ Phong : “ Chúng ta là người học Phật, không lẽ cứ ngồi mà điềm nhiên tọa thị, người hay rộng đạo, chớ đạo chẳng rộng người, phải làm thế nào cho xứng đáng cái trách nhiệm Phật pháp đống lương, phải tính làm sao cho trên thì đền đủ bốn ân, dưới thì giúp xong ba cõi, lại phải liệu làm sao cho đúng cái tôn chỉ “Tự giác, giác tha đặng khỏi mang câu :  ‘Ăn  gởi mặc nhờ mà sống thừa trong xã hội ’. Hỡi bạn đồng chí học Phật ơi !  Mình cũng là người đầu tròn áo vuông, mình cũng là người tâm linh óc trí,  cớ chi đành nhắm mắt bịt tai, mà để cho nhân quần xã hội khinh bỉ, cớ chi chịu co tay ngậm miệng mà để cho hoàn cảnh kéo lôi .

          Theo Thiền sư Từ Phong, muốn chấn chỉnh đội ngũ xuất gia tu theo đúng pháp, muốn xây dựng niềm tin cho dân chúng thì cần phải có sự đoàn kết trong Tăng đoàn, nhất là các vị cao Tăng thạc đức, không thể ngồi nhìn ngôi nhà Phật pháp nghiêng đổ mà khoanh tay thúc thủ. Nhưng muốn dựng lại ngôi nhà Phật pháp kiến cố thì điều cần kíp nhất là xây dựng trường học đào tạo Tăng tài, phổ biến kiến thức Phật học cho mọi tầng lớp sĩ nông công thương trong xã hội. “ Ngày nay cao Tăng chúng đức đoàn thể liên lạc nên rồi, hiện xuất tinh thần hiệp lực kiến lập học đường, từ học đường này thì kết quả đặng ….

Có bốn nguyên nhân đưa đến phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ 1920  làm tiền đề cho những hội nghiên cứu Phật học và các tạp chí , diễn dịch chữ Hán sang  quốc ngữ kinh Phật để cho mọi tầng lớp đều hiểu biết về Phật pháp.

           1/  Sự thất học của lớp Tăng sĩ đưa đến tệ đoan trong Phật giáo.

          2/  Sự xâm nhập văn hóa phương Tây và sự kỳ thị tôn giáo của thực dân Pháp

          3/ Sự ra đời các tôn giáo mới :  Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ cư sĩ, Cao Đài, Hòa Hảo …

          4/ Ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa do Đại sư Thái Hư khởi xướng.

     Đó là bốn nguyên nhân thúc đẩy cuộc chấn hưng Phật giáo, đem lại sự hồi sinh tinh thần Phật học cho cả hai chúng đệ tử xuất gia và tại gia, hiểu sâu hơn về lời Phật dạy và tu hành chân thực hơn. Đồng thời làm cơ sở vững chắc để Phật giáo phát triển về sau càng lớn mạnh hơn.  Giáo dục đóng vai trò quan trọng cho việc tồn vong hay phát triển về đạo pháp hay kinh tế chính trị của một quốc gia, hay tôn giáo.

{]{

CON NGƯỜI VÀ HÀNH ĐỘNG NHIỆT TÂM THAM GIA NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC. Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét