Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

NGHIỆP CẦN ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO ?

 

NGHIỆP CẦN ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO ?

          Mỗi người hiều về nghiệp theo mỗi kiểu khác nhau tùy vào nhận thức và trải nghiệm bản thân, nhưng phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của cách hiểu trong nhân gian về khái niệm của từ này.  Theo đó, hầu hết mọi người đều chấp nhận nghiệp như là một định nghiệp hơn là một năng lượng hành hoạt của tâm thức. Họ thường nói “ tôi khổ là do nghiệp của tôi ” như thế nghiệp quá khứ hoàn toàn thống trị đời sống hiện tại và cả tương lai của mình. Nếu vậy,  Đức Phật chẳng thể đóng góp được gì đối với việc chuyển hóa khổ đau của mỗi người. Sự thật, sự đóng góp của Đức Phật và Đạo Phật cho nhân gian này quá lớn lao, trong đó có sự đóng góp của học thuyết về nghiệp. Do vậy, ta cần nhìn lại để xác định đâu là ý nghĩa đích thực của giáo lý nghiệp theo lời Phật dạy.

          Tăng Chi bộ kinh, chương 5 phẩm VI, kinh số 57 ghi : “  Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy ” .hay “ Này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý ”.

Kinh Pháp cú kệ số 1  Việc gì cũng do tâm dẫn đầu, tâm điều khiển, tâm tạo tác. Nếu một người nào đó nói hay hành động với tâm ô nhiễm, khổ đau sẽ đi theo như bánh xe đi theo chân con vật kéo xe.  “ Này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý ”. Kinh Pháp cú kệ số 1  “ Việc gì cũng do tâm dẫn đầu, tâm điều khiển, tâm tạo tác. Nếu một người nào đó nói hay hành động với tâm thanh tịnh, hạnh phúc sẽ đi theo sau như bóng không rời hình.( Pháp cú số 2 )

  Tác ý là nghiệp được Đức Phật nhắc đi nhắc lại vô số lần trong các bài giảng của Ngài được ghi trong kinh điển, đủ biết đây là ý nghĩa nòng cốt nhất của giáo lý nghiệp trong hệ thống giáo lý của Ngài. Nếu ta hành động về thân, miệng và ý với chủ tâm càng bất thiện, như tham, sân, si, chính bản thân mình càng chịu nhiều độc hại, khổ đau, bất kể những gì đến với mình từ bên ngoài.  Nếu ta hành động với chủ tâm thiện, như từ bi và trí tuệ, tâm ta được manh mẽ, bao dung hơn, kiên nhẫn hơn và nhờ đó, ít bị tổn thương hơn, tâm an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc, bất kể những gì xảy đến với mình  từ con người và môi trường bên ngoài.

Có một số người bắt bẻ rằng Nghiệp trong Phật giáo thực ra cũng chỉ là tên gọi khác của Thượng Đế mà thôi, vì Nghiệp chi phối toàn bộ cuộc sống, song họ quên mất một điều là tuy Nghiệp cũng “toàn  năng” như Thượng Đế, nhưng nó vận động theo luật nhân quả chứ không có ý chí như Thượng Đế của những tôn giáo hữu thần  (Huỳnh Ngọc Chiến : Cảm nhận về Đức Quan Âm )

Nghiệp còn gọi Luật Nghiệp, tiếng Phạn Karma, là một nguyên lý cơ bản của thế giới quan Phật giáo. Nói vắn tắt, nghiệp đề cập đến quan điểm rằng những hành động có tác ý sẽ tạo ra những kết quả có ảnh hưởng đến đời này và  đời sau và những đời sau.  Thực sự, chính nghiệp dẫn đến sự tái sanh. Giới Phật tử nghĩ nghiệp là một sự biểu hiện khác của nguyên lý duyên khởi, nguyên lý nhân quả, theo đó, mọi thứ tồn tại và phát triển nhờ vào những điều kiện cụ thể. Với nghĩa này, luật nghiệp là một loại luật tự nhiên, hành động dẫn đến kết quả một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của một đấng thần linh nào. Đức Phật đã nhấn mạnh rằng hành động chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả tương ứng.

          Không trên trời dưới biển

          Không lánh vào động núi

          Không chỗ nào trên đời

          Trốn được quả ác nghiệp

          Đạo Phật truyền thống đã đưa ra những giáo huấn về đạo đức, trong đó phần lớn nói về tính tất yếu của nghiệp quả. Những hành động tội lỗi như giết hại, trộm cắp, nói dối …là các nghiệp xấu và sẽ dẫn đến tái sanh trong hàng hạ tiện, đọa xứ hay địa ngục. Trái lại, những việc làm tốt như bố thí, cúng dường Tam bảo, sẽ tạo ra phước lành và dẫn đến sự tái sinh vào các cảnh giới tốt lành : loài người ở bậc tôn quý hay các cõi trời.

          Luật nghiệp chung quy là những hành động có tác ý của thân, khẩu, ý, là tác nhân dẫn đến các trạng thái tâm lý. Những hành động thiện lành sẽ mang đến trải nghiệm tích cực trong quá trình tu dưỡng, và những hành động xấu ác sẽ dẫn đến những trải nghiệm tiêu cực. Hành động thiện  giúp cho con người tâm lý vui vẻ, hoan hỷ, an lạc, thảnh thơi, không lo sợ ở bất cứ thời gian hay không gian nào, được mọi người đón nhận ủng hộ và bảo vệ. Trái lại hành động ác, thì tâm lý của người ấy bất an lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ, đi đâu ở đâu cũng đề phòng tránh né, mọi người xa lánh, có gặp khó khăn không ai giúp đỡ. Tâm lý lúc nào cũng bực bội khó chịu. Thức không an lạc ngủ không yên giấc.

          Tâm lý nghiệp cực kỳ quan trọng, đó là lý do vì sao việc tuân thủ đạo đức lại dẫn đến kết quả tốt đẹp và bản thân thấy vui vẻ, hạnh phúc và hòa đồng với mọi người. Đây chính là nền tảng cơ bản cho sự tiến bộ xa hơn trên con đường tu Phật. Mặt khác, một vấn đề nữa đáng lưu ý rằng đạo đức Phật giáo dựa trên chân lý: “ Mọi hành động đều đưa đến kết quả ”. Nhưng một hành động thiện lành sẽ đưa đến kết quả tốt cho tất cả mọi người chứ không riêng gì  bản thân mình.

CÓ KHI NGƯỜI ÁC CÓ THỂ MAY MẮN VÀ GIÀU CÓ

           Đức Phật chú trọng vào vai trò của chủ ý, chỉ đạo và thủ lĩnh của tâm lý hơn là hành động và các tình huống bên ngoài, điều này mở ra cho chúng ta một lối nhìn mới, nhận thức rõ rằng, không hẳn sống thiện gặp thiện lành mà người ác có thể may mắn, giàu có. Đúng vậy, với thủ đoạn lừa lọc, xảo trá, điêu ngoa, với cách sống chụp giựt, những người này có thể làm giàu không chính đáng một cách dễ dàng. Thế nhưng, dù sống với khối tài sản lớn, quyền thế lớn, tâm hồn họ không lúc nào được thanh thản, hạnh phúc an vui mà bao khổ đau, lo sợ, bất an vây bủa. Đó là chưa kể quả báo tương ứng từ những hành nghiệp ấy, chắc chắn sẽ đến và khi nào đến, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

          Điều này cũng có nghĩa khi ta hành động với chủ tâm thiện lành, không có nghĩa là ta tránh được những tai ương, rủi ro, khó khăn trong cuộc sống ngay tức thời, nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù bất cứ điều gì đến với mình, tâm ta thanh thản, nhẹ nhàng và an ổn. Còn quả báo tốt đẹp từ nhân thiện lành, không cầu cũng đến khi đúng thời điểm của nó, khi tâm ý thiện lành làm động cơ cho các tạo tác về thân, miệng và ý ta có nội lực nhiều hơn, vững chãi hơn để duy trì tâm ở trạng thái cân bằng, ít chao đảo, nhờ đó mà tâm bình thản và không hao tổn năng lượng để kiềm chế và làm lặng đi những xung đột bên trong tâm thức. Tâm an ổn là tâm tự tại, hạnh phúc an vui. Vậy mới biết khổ vui là trạng thái chủ quan của tâm chứ không phải do hoàn cảnh đem lại.  Giàu có, tài sản nhiều chưa hẳn là hạnh phúc và nghèo nàn chưa chắc là đã khổ.

          Nghiệp khởi từ tâm, tức là từ nhận thức và hành động nơi mỗi con người, chứ không phải do sự vận hành của các quy luật khách quan diễn ra ở thế giới bên ngoài. Đến đây, ta dễ dàng chấp nhận, bệnh không phải là kết quả của một nghiệp xấu nào đó ta đã gieo trong quá khứ. Là con người, như mọi sinh linh khác, ta già đi, đau đớn trong bệnh tật và kết thúc một giai đoạn sống bằng cái chết. Bệnh là một phần của sự sống, là sự thay đổi, già nua của thân phận ngũ uẩn vật lý này. Chết cũng là một phần của sự sống là bản lề giữa kiếp sống này và kiếp sống khác, có gì xấu ở đây mà quy cho nó là kết quả của một nghiệp xấu ?   Bệnh, chết, dù xảy ra ở thời điểm nào trong cuộc đời mình cũng không phải là nghiệp xấu ác, phản ứng tiêu cực, kháng cự và không chấp nhận những sự thật khách quan này mới là đang tạo nghiệp xấu. Ta không có quyền chọn lựa không già, không bệnh, không chết. Điều ta chọn lựa một cách khôn ngoan là thái độ ta đón nhận những sự thật này như thế nào để thân bệnh mà tâm không bệnh, thân mất mà tâm tiếp nối chuyển giao nhẹ nhàng từ kiếp này sang kiếp khác. Thay vì chúng ta kháng cự, tự thỏa hiệp, thuận theo, thay vì oán trách và muốn nó khác đi, ta nên khách quan nhìn nó là một quy luật đi ngang qua mọi sự vật hiện tượng, trong đó có bản thân mình, cuộc sống mình cũng như cuộc sống bao người thân chung quanh ta ./.

    ( Trích : NSGN số :277-4/2019- Nghiệp cần được hiểu như thế nào :  Hằng Như )

{]{

NGHIỆP CẦN ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO ? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét