Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

ĐÔI DÒNG VỀ TÍN NGƯỠNG

 

ĐÔI DÒNG VỀ TÍN NGƯỠNG

          Tín ngưỡng, Tín là tin tưởng, Ngưỡng là ngưỡng mộ. Tin tưởng và ngưỡng mộ một điều gì đó, một nhân vật nào đó thì gọi là Tín ngưỡng. Tín ngưỡng không chỉ dành riêng cho lãnh vực tâm linh siêu hình, ở các thế giới mà mắt thường con người không nhìn thấy; mà nó còn là ở những sự vật, con người nơi thế giới hữu hình nầy nữa.

          Hai chữ Tín ngưỡng dùng trong tôn giáo và nhân gian nó nghiêng nặng về thế giới siêu hình nhiều hơn. Sự ngưỡng mộ một nhân vật nào đó nổi tiếng tài ba đức độ hay dũng cảm, mọi người cũng tôn lên như một vị thánh sống. Vị đó đi đến đâu thì số lượng mọi người đón mừng đông đảo đến đó. Ví như những vị lãnh tụ các nước có uy quyền thế lực, như tổng thống nước Mỹ, hay Bác Hồ khi còn sinh tiền, đi đến đâu được mọi người đón chào nồng nhiệt. Về tôn giáo như các vị cố đạo Công giáo, hay vị Lạt ma Tây Tạng, Việt Nam như Hòa thượng Nhất Hạnh, là những vị tài ba và đức hạnh về tôn giáo. Tuy còn sống mà mọi người đã xem như một vị thánh sống, vì thế sự ngưỡng mộ càng cao càng lớn trong cộng đồng dân cư là vậy.

          Tín ngưỡng về tâm linh có hai lãnh vực, lãnh vực nhân gian và lãnh vực tôn giáo. Tín ngưỡng nhân gian được hình thành sớm nhất trong các bộ tộc con người, về sau con người mới hình thành lên tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng nhân gian con người dựa vào các hiện tượng, mưa, gió, sấm sét, núi rừng, sông suối, biển cả, cây cối,  các vật thể, con vật mà hình thành nên một tín ngưỡng để rồi thờ cúng lễ lạy v.v.. Từ cục đất, cục đá, con vật, gốc cây họ ghép vào đó một vị thần rồi hình thành nên một tín ngưỡng, một tập tục. Như ở Ấn Độ người ta tôn thờ con bò, con khỉ, con rắn lên thành vị thần linh v.v...như ở Việt Nam người ta tôn thờ con cọp là chúa tể sơn lâm là vị thần, họ không dám xưng con cọp mà kêu “ ông ba, hay ông cọp”. Vì thế các đền, miếu ở Việt Nam đều có hình bóng con cọp trước bình phong, thậm chí có nơi làm cả cái miếu thờ con cọp. Nói về tín ngưỡng nhân gian của loài người rất đa dạng và phong phú, họ thờ bò, heo, gà, chó, trăn, cá, cọp v.v…

          Về tín ngưỡng nhân gian ở đâu có con người thì ở đó có tín ngưỡng nhân gian ở vùng miền đó. Nó không thật như họ suy nghĩ và tin tưởng nhưng nó lại là niềm tin là chỗ dựa tinh thần cho dân chúng vùng đó. Và từ tín ngưỡng nhân gian phát sinh ra những tập tục, nghi lễ, mới nhìn vào chúng ta không thể tin và không thể chấp nhận được, nhưng vì quá tin nên họ chấp nhận như một chân lý.  Là một hình thức “mê tín dị đoan” mặc dù trong thời đại văn minh khoa học, nhưng không sao chấm dứt được loại hình tín ngưỡng này. Và từ những tín ngưỡng này đưa đến những hệ lụy bất an trong cuộc sống con người. Ví dụ như cha mẹ sau khi chết, người con trai trưởng phải cạo bỏ râu tóc trong ba năm để báo hiếu, hoặc không cắt tóc, cắt móng tay, hoặc ăn chay nằm đất, hoặc giết gà, trâu, bò để tế cúng v.v… mới gọi là hiếu. Đám ma hay đám cưới phải giết trâu bò, gà, lợn đãi cho cả dân làng trong bảy ngày, hoặc ba ngày v.v.. mới gọi là hiếu. Sau cái đám tang, đám cưới gia tài không còn gì để sống thế mà mọi người vẫn vui vẫn chấp nhận từ đời này sang đời khác.

          Tín ngưỡng nhân gian không có điều lệ, quy luật nào rõ ràng, họ chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác, thế mà không bao giờ mất sự truyền thừa. Cũng từ tín ngưỡng nhân gian con người hình thành nên tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng tôn giáo thì có giáo chủ, giáo điều, giáo luật và giáo dân rõ ràng minh bạch hơn tín ngưỡng nhân gian. Nhưng tín ngưỡng tôn giáo nó cũng mơ hồ không chứng minh được. Họ tôn thờ các vị trời, các thần linh làm giáo chủ của tôn giáo họ. Các vị thần linh, các vị trời thuộc thế giới siêu hình, con người không thể thấy, không thể hiểu được ngôn ngữ và ý nghĩ của họ. Chỉ đặt hết niềm tin vào đó, cho nên cũng không thực chuẩn xác cho lắm.  Từ các vị trời và thần linh do con người tự tôn xưng lên, rồi cho là những vị trời thần linh đó phán ra những lời dạy, lấy những lời dạy đó tạo nên  giáo và luật của tôn giáo hữu thần đó, những lời đó cũng thuộc về ngôn ngữ con người chứ chưa thật đúng 100 % của chúa hay của thần nên cũng chưa chuẩn xác lắm. Những gì không thực có thì hay nhiễu loạn cuộc sống con người về vật chất cả tinh thần, đạo Phật gọi là không chánh kiến là vậy.

          Nhưng các tập tục tín ngưỡng nhân gian và tôn giáo lại ảnh hưởng cuộc sống con người không phải ít. Từ tín ngưỡng nhân gian đến tín ngưỡng tôn giáo ảnh hưởng trực tiếp từ ngày xưa đến nay trên mọi lãnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị v.v... không lãnh vực nào mà không có mặt tín ngưỡng tôn giáo. Ví dụ như lễ nhậm chức, lễ chào cờ, lễ ra quân, lễ thành hôn, lễ tang v.v…đều phát nguồn từ tín ngưỡng nhân gian và tôn giáo.

          Riêng về Phật giáo,  lúc ban đầu nó không phải là loại hình tôn giáo, nhưng càng về sau nó bị pha trộn các tập tục tín ngưỡng nhân gian nên nó trở thành một loại hình thức tôn giáo như các tôn giáo khác.  Thật ra Phật giáo không phải là tôn giáo, nhưng sau khi Phật nhập diệt giáo lý của Phật truyền qua các nước khác hòa nhập với văn hóa bản địa các nước đó, tạo nên một loại hình Phật giáo riêng biệt mang tính cách tôn giáo. Sở dĩ Phật giáo dù muốn tồn tại và phát triển ở xứ khác phải hòa nhập với văn hóa đó, thì mới được con người xứ đó chấp thuận, vì thế Phật giáo mang sắc thái tôn giáo và nó không giống như Phật giáo gốc ở bản địa là thế. Tuy vậy, Phật giáo hòa nhập văn hóa của xứ đó nhưng không bị hòa tan trong dòng chảy của cuộc sống  đầy dục nhiễm của con người . Phật giáo gọi là “Tùy duyên bất biến”.

          Đức Phật là một con người, được sinh ra và lớn lên có cha có mẹ, có quốc thành thê tử, như mọi con người bình thường, chứ không phải thánh, không phải thần. Vì  thế sau khi Phật nhập diệt hình thành nên một tôn giáo lấy Đức Phật làm vị giáo chủ, gọi tôn giáo Phật giáo là tôn giáo “ vô thần ” là vậy. Tức không lấy “ Thần linh” làm giáo chủ cho tôn giáo mình, mà lấy con người làm giáo chủ, vì thế lời nói của Phật nói ra con người có thể tin tưởng, và có thể hiểu được .

          Với  Trí tuệ và lòng Từ bi của Phật hơn hẳn mọi người, vì thế mọi người tin tưởng ngưỡng mộ Ngài lúc còn sinh tiền cũng như sau khi tịch diệt. Lúc Phật còn tại thế, từ trên các vua quan, các lãnh tụ các phái tôn giáo, cho đến các hàng học giả trí thức đến các người dân thường đều ngưỡng mộ và quy phục Phật, xin làm đệ tử.  Hai điểm đặc biệt của Phật là Trí tuệ và Từ bi siêu việt đã từng làm rung động tâm tư và thay đổi sự suy nghĩ của những hạng trí thức đương thời và về sau, nên Đức Phật được nhiều thế hệ con người quan tâm học hỏi và thực tập. Những lời Phật nói ra con người có thể hiểu được, thực tập có kết quả, có hạnh phúc ngay trong cuộc sống chứ không hứa hẹn ở kiếp sau xa. Nên được mọi người trên các nước Đông và Tây áp dụng thực tập đem lại lợi ích cho tự thân, cho gia đình, xã hội và rộng ra toàn thế giới. Vì thế người ta tôn sùng Đức Phật như một vị thánh, một vị thần là vậy. Từ đó đạo Phật vô tình trở thành một tôn giáo như các tôn giáo khác.     

                                                 Tam Bảo,  ngày 20 tháng 10 năm 2022

ĐÔI DÒNG VỀ TÍN NGƯỠNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét