Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

CÔNG TRÌNH DỊCH THUẬT CỦA CƯU MA LA THẬP

 

CÔNG TRÌNH DỊCH THUẬT CỦA CƯU MA LA THẬP

          Nói đến Phật giáo Đại thừa không thể không nói đến các nhà Phật học cao Tăng: Thế Thân, Long Thọ, Vô Trước, La Thập v.v… chính những tư tưởng Đại thừa không những mở ra vòm trời rộng lớn của Đạo học mà cả thế học có tầm ảnh hưởng trong mọi lãnh vực đời sống con người trải qua bao thế hệ vẫn còn giá trị. Mặc dù khoa học càng ngày càng phát triển, nhưng Phật học không vì thế mà bị lu mờ trước ánh hào quang của những phát minh to lớn của khoa học. Ngược lại, khoa học càng phát triển lại càng chứng minh những lời Phật dạy trong kinh điển Đại thừa càng sáng tỏ, càng thực tế. Vì thế nhà Bác học vật lý  Einsten mới nói : “ Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với mọi nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại những quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học ”   Khoa học phát minh ra kính viễn vọng mới thấy những hành tinh ngoài trái đất, nhưng trong kinh điển Đại thừa đã nói ngoài trái đất chúng ta đang ở, có vô số thế giới khác nữa, đạo Phật gọi là mười phương thế giới, Tam thiên đại thiên thế giới. Mười phương thế giới khoa học gọi là vũ trụ. Trong vũ trụ có nhiều thế giới, mỗi thế giới có nhiều thái dương hệ, chúng ta đang sống một trong vô số thái dương hệ như vậy. Khoa học chỉ khám phá một thái dương hệ mà chưa xong, huống nữa là các thái dương hệ khác. Điều đó cho ta thấy sự nhận biết của Phật, so với khám phá của khoa học là một trời một vực, đó là nói trên lãnh vực vật lý, nhưng nói đến lãnh vực tâm linh, thì khoa học không hề biết được một khía cạnh nào. Như linh hồn con người sau khi chết đi về đâu, linh hồn con người từ đâu đến ? hoặc các cảnh giới chư Phật, Thánh thần, Trời, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh .v.v…khoa học dường như bế tắc không biết được.

          Trên lãnh vực vật lý cơ thể con người bị bịnh tật đau ốm, khoa học, y học có thể chửa trị được. Nhưng về bệnh lý về tâm, như buồn khổ, sầu não, sân hận, tham lam, thù hận, ganh ghét, đố kỵ, tật đố, xan tham, ích kỷ v.v.. khoa học và y học đành chịu thua, không có một phương pháp nào chữa trị.

          Phật học không những giải thích về tâm lý vật lý con người, mà còn giải thích cả về nhân sinh quan và vũ trụ quan một cách rõ ràng và tường tận. Như thế giới quan và nhân sinh quan, các đạo khác cho rằng Phạm thiên, Thượng đế sáng tạo ra thế giới và con người. Khoa học hiện nay không chứng minh được điều đó.  Khoa học cho rằng thế giới hình thành do những lượng tử, nguyên tử tạo thành, còn con người do loài khỉ vượn tiến hóa ra.

          Lý thuyết về lượng tử, nguyên tử tạo thành thế giới, thì tương đồng với Phật giáo. Nhưng với nhân sinh quan thì khoa học cho rằng con người tiến hóa từ loài khỉ vượn thì Phật giáo không chấp nhận.  Phật giáo có hai tư tưởng, tư tưởng Phật giáo ban đầu gọi là Phật giáo Nguyên thủy, cho rằng thế giới quan và nhân sinh quan, tức con người và thế giới đều do “ Nhơn duyên tạo thành”. Tức mọi sự mọi vật tạo thành đều do kết hợp bởi nhiều yếu tố mà thành, gọi là Duyên sanh.

          Tư tưởng Phật giáo Đại thừa cho rằng con người và thế giới do “Nghiệp” mà thành. Nói đến Duyên sanh là nói đến 12 chi phần kết hợp với nhau tạo ra sự vật. Đại thừa nói Nghiệp, Tiểu thừa nói Duyên sanh, tuy hai mà một. Nói 12 chi phần duyên sanh là nói chi tiết nói rộng, còn nói Nghiệp là nói tổng. Như vậy, nói Duyên sanh hay nói Nghiệp quy chung chỉ là tâm thức mà ra. Kinh Phật nói “ Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức ” là vậy.

          Tư tưởng Đại thừa hình thành và phát triển từ những đại sư Ấn Độ, như Long Thọ, Thế Thân, kế thừa các tư tưởng đó là ngài La Thập qua Trung Hoa (402) Ngài là người từ phái Tiểu thừa chuyển sang Đại thừa nhờ sự hướng dẫn chuyển hướng của Surysoma và Suryabhadra nói về Tánh Không cho La Thập nghe. Tư tưởng huyên áo mới lạ này đã khơi dậy tâm thức La Thập và ngài chuyển hướng nghiên tầm sang Đại thừa với nhận định rằng “ Trước đây khi học tập giáo nghĩa Phật giáo Nguyên thủy, ta giống như người không biết vàng là gì, và cho đồng thau là quý báu nhất ”. Từ đó về sau La Thập dụng công nghiên cứu, học các bộ luận quan trọng của Đại thừa, như Trung luận, Thập nhị môn luận, và Bách luận.

          Cuộc hội ngộ của La Thập với Surysoma đã đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời ngài, mà cũng là bước ngoặc quan trọng của tư tưởng Phật giáo Đại thừa truyền qua Trung Hoa sau này.

          Vô Trước, Thế Thân lấy giáo lý Tiểu thừa làm nền tảng xây dựng giáo lý Đại thừa đó là cái đặc sắc của Phật giáo Đại thừa, từ đó về sau các nhà Phật học kế thừa phát triển lớn rộng thêm ra. La Thập là một trong những nhân vật kiệt xuất đã uyên thâm giáo lý Tiểu thừa, lại chuyển sang giáo lý Đại thừa không khác gì hổ mà lại thêm sừng. Giáo lý Tiểu thừa cũng đã uyên thâm phong phú hơn các tư tưởng của các phái ngoại đạo. Nay đứng trên nền tảng đó mà phát huy, không những làm cho giáo lý Đại thừa càng thâm sâu siêu việt hơn trên mọi tư tưởng, mà còn làm cho các tư tưởng của các nước Phật giáo Đại thừa đi qua ảnh hưởng theo và tạo sự phong phú cho văn hóa nước đó, về văn học và con người thông thái uyên thâm. Như Trung Quốc đã tạo cho giới Nho gia và Lão Trang một nét mới, hay Nhật Bản ảnh hưởng giáo lý Phật giáo Đại thừa đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng của xứ sở Nhật Bản, ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống con người Nhật Bản thông minh, trầm tĩnh.

          Ngài La Thập đến Trung Quốc mang một làng gió mới với cách dịch kinh khác với các nhà dịch thuật trước. Các nhà dịch thuật trước căn cứ trên chữ nghĩa và câu văn, nên lối hành văn dài dòng, nhiều lúc trùng lặp, người đọc khó nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của kinh. Chủ trương cách dịch của ngài La Thập cho rằng các bản dịch không bao giờ có thể truyền tải hết hương vị của bản gốc, nó giống như việc ăn thức ăn đã được nhai bởi một người khác. Do đó ngài không tán thành cách dịch trung thành với nguyên bản như các dịch giả trước, thay vào đó ngài chỉ quan tâm đến ý nghĩa của nguyên bản. Chủ trương dịch ý của ngài không câu nệ vào văn cú của tiếng Phạn mà chuyển hoàn toàn sang văn chương của Trung Quốc. Ngài cắt bỏ những đoạn lặp lại, gom ý những đoạn văn rườm rà, miễn sao đủ ý và hợp với văn chương Trung Quốc. Như bài kệ của kinh Kim Cang, bản tiếng Phạn có 8 câu, nhưng bản dịch của La Thập chỉ còn 4 câu. Có ba bản dịch kinh Kim Cang- Chân Đế, Huyền Trang và La Thập, nhưng bản của La Thập tinh gọn hơn, phổ biến hơn.

          La Thập chẳng những tóm tắt lại bản dịch mà còn mạnh dạng nhập nhiều chương cùng một nội dung hay tách các chương có nội dung khác biệt ra.  Như kinh Pháp Hoa, trong Phạn bản có 23 phẩm, nhưng bản dịch của La Thập có đến 24 phẩm, ngài đã tách phẩm thứ 23 của Phạn bản thành 2 tập, Đề Bà Đạt Đa và Hiện Bảo Tháp. Các bản dịch của La Thập mang phong cách văn chương nổi bậc, văn chương nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người.

          Sở dĩ La Thập dịch kinh tạo ra những dịch phẩm tuyệt vời, nhờ có 4 yếu tố quan trọng giúp ngài làm nên công trình dịch thuật kiệt tác một không hai so ra với các nhà dịch thuật khác, các dịch phẩm của ngài tuyệt vời nổi bậc bởi bốn yếu tố như : 1/ Ngài có tài năng ngôn ngữ xuất chúng,  thông thạo tiếng Phạn, các ngôn ngữ Trung Á và tiếng Trung Hoa.  La Thập bị Lữ Quang bắt khi tiến đánh Kucha đưa về Lưỡng Châu, Lữ Quang không xem trọng La Thập, đem La Thập cho sống chung với các cung nữ trong 20 năm, Lữ Quang không trọng dụng La Thập, không xem La Thập là người truyền giáo, mà xem La Thập như một người thư ký thông dịch cho mình. Gần hai thập kỷ giam hãm ở đây là một giai đoạn đầy thử thách và gian khổ đối với La Thập. Nhưng trong khoản thời gian này là cơ hội La Thập tiếp xúc học hỏi về ngôn ngữ và những nét văn hóa, nên La Thập thông thạo tiếng Trung Quốc và hiểu rõ văn hóa Trung Quốc. Đó là một sự thuận lợi cho việc dịch thuật sau này. 2/ La Thập không những thông thạo hai nền giáo lý Nguyên thủy và Đại thừa qua các thời kỳ và còn nắm rõ giới luật nữa. 3/ Sự hộ pháp đắc lực của vua Diêu Hưng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phiên dịch của ngài. 4/ La Thập có nhiều đệ tử và đồng sự trẻ tài năng để hỗ trợ ngài trong công tác phiên dịch (đội ngũ phiên dịch có trên 1000 Tăng và cư sĩ hợp tác ).

          Thông qua công tác phiên dịch La Thập được xem là người đặt nền tảng hình thành một số tông phái ở Trung Quốc, như Tịnh Độ tông, Thiền tông, Tam luận tông,  v.v… Bản dịch kinh A Di Đà của La Thập đặt nền tảng giáo lý cho Tịnh độ tông ở Trung Quốc về sau. Kinh A Di Đà là một trong những bản dịch sớm nhất của ngài được hoàn thành vào năm 402. Huệ Viễn là một trong những cao đồ của Đạo An và được xem là người khai sáng Tịnh Độ tông. Khi nghe tiếng La Thập Huệ Viễn chủ động viết thư trao đổi với ngài, La Thập gọi Huệ Viễn là Đông Phương Hộ Pháp Bồ Tát.

          Bên cạnh công tác phiên dịch kinh điển, La Thập còn chú trọng tổ chức pháp hội diễn giảng kinh luận. Do đó, môn đồ đến theo học với ngài rất đông, trong đó có bốn đệ tử nổi bậc được xem là “ Tứ thần Tăng” như Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo Sinh, Đạo Dung.

          Cuộc đời của La Thập còn nhiều trắc ẩn, Ngài từng tâm sự rằng: “ Vì nghiệp chướng cũ quá nặng, nên tôi chưa bao giờ nhận sự tôn kính làm bực thầy của đồ chúng ”, về sau, ý của La Thập có lẽ làm giới học giả nghi ngờ. Chính vì thế, trước khi thị tịch, La Thập phát nguyện rằng : “ Những gì tôi phiên dịch mà không sai lầm, sau khi hỏa táng thân này, lưỡi tôi vẫn còn nguyên vẹn ”. Điều lạ kỳ, sau khi hỏa táng, lưỡi của ngài vẫn còn nguyên. Cuộc đời của La Thập đầy những thăng trầm trắc ẩn, nhưng đó cũng là chất liệu tôi luyện nên một La Thập với nghị lực phi thường, vượt qua những gian nan thử thách của số phận, để cống hiến hết mình cho sự nghiệp hoằng bá Phật giáo thành công trên 4 phương diện: 1/ Sự phiên dịch của La Thập đã cho ra đời một số lượng bản dịch văn điển đồ sộ. 2/ Một trong những dịch phẩm đó trở thành nền tảng tư tưởng giáo lý hình thành nên các tông phái Phật giáo Trung Quốc. 3/  Các bản dịch của La Thập không đơn thuần truyền tải giáo lý mà còn mang nhiều giá trị nổi bậc khác như phong cách dịch thuật, nghệ thuật văn chương. 4/ La Thập đã đào tạo nên những đệ tử tài năng xuất chúng, điển hình nhất là Tứ Thần Tăng. Sự xuất hiện của La Thập như một ngôi sao sáng ngời, không chỉ lấp đầy những thiếu sót trong quá khứ mà còn soi rọi cho con đường định hình phát triển Phật giáo ở Trung Quốc của giới Phật giáo về sau.

 ( Trích : NSGN số 296 -11-2020- của Trung Thiên ).

{]{

CÔNG TRÌNH DỊCH THUẬT CỦA CƯU MA LA THẬP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét