Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

THỊ PHI

 

THỊ PHI

          Thị phi là thứ không bao giờ thiếu ơ thế gian này. Thị phi từ thời Đức Phật đã có, Phật mà còn có thị phi oan thai để gán cho Ngài. Đại sư Bạch Ẩn ngày xưa uy đức vô cùng, không phải là kẻ tầm thường, cũng bị thị phi. Có một phụ nữ mang thai, sinh con rồi đem đến chùa giao cho Ngài, nói là con của Ngài. Ngài chỉ nói : “ thế à”, rồi chấp nhận nuôi đứa con, mọi người đều tin rằng là con của Ngài, thế là thị phi đến với Ngài không phải ít. Ngài nuôi đứa bé lớn lên. Người phụ nữ kia đến đòi lại đứa con, Ngài cũng nói “ rứa à” không một lời phân bua, chỉ một câu “ thế à”, mọi người đều hiểu hạnh nhẫn nhục, lòng từ bi và sự dập tắt thị phi của Ngài.  Trên từ Phật, đến các bậc Thánh tăng đều tiếp xúc với thị phi huống nữa là hàng phàm phục tiểu như chúng ta làm sao tránh khỏi là thế.

 Kính Tôn đời Đường, thị phi vang dội. Đường Thái Tôn thắc mắc :

          Trẫm thấy khanh, phẩm cách không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế ?

          Kính Tôn trả lời :

- Tâu bệ hạ, mưa mùa xuân tầm tả như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất nước thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét đường đi trơn trợt, trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.

          Thiền sư Hiện Quang, học trò thiền sư Thường Chiếu, là người thông minh học một biết mười… Nhân một lần thị gỉa sẩy tay làm rơi mâm cơm xuống đất, sợ quá hốt cơm vẫn còn lẫn đất. Sư thấy thế tự than rằng : “ Đã không lợi ích cho ai, lại luống nhọc người cung cấp ”. Từ đó, sư lấy lá cây làm áo, ăn các thứ trái lượm được thế cơm. Trải qua 10 năm như thế, sau vào trong núi Yên Tử an dưỡng tuổi già.

          Chung đụng mà sinh thị phi thì thôi, không chung đụng nữa. Một mình lên núi chuyên tâm tu hành không phí đời tu. Thiền sư Hiện Quang giải quyết thị phi đời mình như thế. Nhưng thử hỏi có mấy ai đủ lực bỏ hết vào núi mà ở như Ngài ? Thôi thì cứ ngay thế gian mà tập cho mình bình thản. Tập được thì an ổn, tập quen thì mọi việc bình thường. Ngài Hoàng Bá nói : “ Dứt suy nghĩ, quên toan tính, Phật tự hiện tiền ”. Nhưng mình thì không chịu quên toan tính, cũng không chịu dứt suy nghĩ, ngày đêm cứ suy nghĩ phải làm thế nào phân minh cho rõ trắng đen, luôn muốn cho yên, nên không thể yên. Cái muốn yên, muốn biện minh đó là một phần của sự toan tính làm sao yên được.

          Mọi thứ đều có thể bình thản nhưng cần thời gian, vì tâm của mình thể vốn bất động, chỉ do huân tập náo động từ vô lượng kiếp mà thành không yên. Giờ tập bất động trở lại, đòi hỏi phải có thời gian cùng với sự nổ lực bản thân quyết tâm bình an, tin tưởng tâm mình nhất định bình thản, mình sẽ bình an. Cũng không khó mấy khi mình đã có quyết định tâm xác định rõ ràng thị phi là thứ không thể tránh được ở thế giới này. Không thể đòi hỏi mọi việc như ý muốn của mình. Mọi việc ở thế gian thường có nhiều uẩn khúc chi tiết, chúng sanh thị phi cang cường, giải quyết sự việc không phải đơn giản, có khi phải dùng hình thức trái nghịch giải quyết mới xong. Nhưng tâm chúng sanh hạn hẹp, vọng tưởng loanh quanh, khó mà tránh khỏi cái nhìn thiên lệch. Đã không tránh khỏi, quan tâm để rồi phiền não là dại, tìm cách lý giải phân bua là thừa.

          Cho nên tập sống bình thản là việc cần thiết ở đời, chưa được thì tập cho đến khi nào bình thản mới thôi. Một lúc nào đó, bạn sẽ thấy rằng thiên hạ nói gì không còn quan trọng, giải thích phân bua thêm mất thời gian, còn thêm mệt mỏi. Thiên hạ nói mình là con khỉ là việc của thiên hạ, mình phải khỉ không mới là quan trọng. Phải khỉ thì phải sửa lấy lại nhân cách con người. Không thì mặc kệ  việc mình mình làm, câu nệ làm chi.

          Nếu được bình thản thật sự, tâm thái an hòa, ghét bỏ không vương, không nên oán hận, hạnh phúc có liền, mình người cả hai hạnh phúc, không có sự phân cách giữa người với người, quanh mình bình an.

          Lời khen là duyên giúp mình biết việc làm đang đưa đến kết quả tốt đẹp, có thể y theo đó mà phát huy, nhưng chấp vào đó thì khó mà bình thản khi việc trái nghịch xảy ra. Cho nên khi nghịch muốn được bình thản, thì khi thuận đừng có đeo mang. Trung đạo dụng được bình yên mới có. Không lệ thuộc vào cảnh, tâm an vạn sự an ./.

{]{

         

THỊ PHI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét