Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

CƯU MA LA THẬP- MỘT CUỘC ĐỜI –MỘT VÌ SAO

 

CƯU MA LA THẬP- MỘT CUỘC ĐỜI –MỘT VÌ SAO

Trung Thiện

           Cưu Ma La Thập ( Kumarajiva ) là một nhân vật xuất kiệt, nổi tiếng trong Phật giáo Trung Quốc và các nước Phật giáo Đại thừa. Tiểu sử chi tiết của ngài La Thập chúng ta có thể tìm thấy trong Cao tăng truyện, một tác phẩm ghi lại tiểu sử của những vị danh tăng trong Phật giáo Trung Quốc, do nhà sư Huệ Kiểu ( 497- 554) đời Lương biên soạn. Một điều không hề tránh khỏi, sự ghi chép về nhân vật lịch sử kiệt xuất luôn đan xen một yếu tố huyền thoại và lý tưởng hóa của các nhà biên tập. Những sự kiện chung quanh cuộc đời của ngài La Thập cũng có không ít những yếu tố đó.

          Cha của La Thập, là Kumarayana, xuất thân từ một gia đình quý tộc trong một vương quốc Ấn Độ. Khi lớn lên, ông trở thành một tu sĩ Phật giáo và bắt đầu chuyến đông du vượt dãy núi Pamir đến vương quốc Kuchaở Trung Á. Thấy được tài năng và phẩm hạnh nổi bậc của Kumarayana, đức vua thuyết phục ngài ở lại Kucha làm quốc sư, rất mực xem trọng đến mức ép buộc ngài hoàn tục lấy người em gái, tên Jiva, của mình. Jiva lúc đó tuổi vừa đôi mươi, tài trí thông minh cũng có tình ý với Kumarayana. Kết quả cuộc hôn nhân miễn cưỡng này là sinh ra La Thập. Tên của Kumarajiva là sự kết hợp giữa hai tiết tố Kumara và Jiva- từ tên của cha, mẹ ngài. Điều kỳ lạ là, khi mang thai La Thập, bà Jiva bổng nhiên thông minh thêm rất nhiều, thông thạo tiếng Phạn. Có một vị La hán tên là Dharmaghosa bảo lệnh bà sẽ sinh một người con rất thông minh và ví bà như mẹ của ngài Xá Lợi Phất khi đang mang thai.

          Thời niên thiếu, La Thập được mô tả như một thần đồng. Năm bảy tuổi, ngài từ bỏ đời sống hoàng cung, xuất gia thọ Sa di giới. Cùng năm đó bà Jiva cũng xuất gia làm Tỳ kheo ni. Mỗi ngày, La Thập có thể thuộc lòng cả ngàn câu kinh tương đương ba mươi hai ngàn từ. Đến khi đã thuộc lòng bộ Abhidharma, ngài có thể hiểu rõ những lời dạy của vị thầy hướng dẫn và thông đạt những ý nghĩa tiềm ẩn trong đó. Hai năm sau, La Thập cùng mẹ lên đường đến Kashmir, nơi cha ngài từng đến. Ở đó, ngài tham học dưới sự hướng dẫn của Bandhudatta, một bậc thầy lỗi lạc nhất vùng và là em họ của đức vua nước này. Không bao lâu, La Thập tinh thông các kinh điển Nguyên thủy, đủ sức tranh luận và chiến thắng các luận sư ngoại đạo trước sự chứng kiến của đức vua vương quốc Kashmir. Ấn tượng và xem trọng tài năng vượt trội của La Thập, đức vua chỉ định năm vị tu sĩ cùng mười người khác làm đệ tử của ngài. Chính vào khoảng thời gian này, danh tiếng của ngài bắt đầu lan rộng khắp Ấn Độ và các quốc gia Trung Á lận cận.

          Năm 20 tuổi, La Thập cùng mẹ trở về Kucha. Trên đường trở về quê hương đi ngang qua các nước trong khu vực Trung Á, các vị vua hay tin đều muốn thỉnh ngài ở lại nước mình và hứa ban cho những tước vị quan trọng nhưng ngài đều không đoái hoài đến. Cũng trong chuyến hồi hương này, khi đi ngang qua lãnh thổ nước Nguyệt Chi, họ gặp một vị A La Hán và vị này đưa ra lời tiên đoán với bà Jiva rằng: “Bà phải nên luôn trông chừng vị Sa đi này. Cho đến năm 30 tuổi vẫn không phá giới, vị này sẽ đại hưng thịnh Phật pháp, độ vô số người không khác gì Upagupta. Nếu giữ giới không toàn, vị này sẽ không làm gì lớn được, chỉ có thể là bậc pháp sư tài minh tuấn nghệ mà thôi ”.

          Rời khỏi Nguyệt Chi, La Thập cùng mẹ đến Kashgar. Trong thời gian lưu trú ở đây, ngài tiếp tục nghiên cứu Phát trí luận và các bộ luận của Hữu bộ, tất cả đều đạt trọn tinh diệu. Đồng thời ngài cũng dành thời gian tìm hiểu văn điển của các trường phái Ấn Độ cùng các lĩnh vực trí thức khác. Kiến thức nội điển và ngoại điển sâu rộng này hỗ trợ ngài rất nhiều trong hoạt động dịch thuật về sau. La Thập hẳn nhiên cũng thông thạo tiếng Sanskrit, Pali, các ngôn ngữ của Trung Á trong giai đoạn này. Cảm phục trước tài năng của vị sư trẻ La Thập, nhà vua mở pháp hội thỉnh ngài thăng tòa giảng kinh Chuyển pháp luân. Điều này cho thấy, kiến thức Phật học và khả năng ngôn ngữ của ngài uyên thâm như thế nào. Việc đứng trước nhân dân và hội chúng tu sĩ ở đây để giảng kinh quả thật là quá phi thường đối với một vị sư ở độ tuổi rất trẻ.

          Một sự kiện trọng đại khác trong cuộc đời của La Thập diễn ra vào thời điểm này là cuộc gặp gỡ với Suryasoma. Suryasoma cùng người anh , Suryabhadra, cả hai hoàng tử vương quốc Yarkand xuất gia tham học giáo lý Đại thừa ở Kashgar. Thông qua kinh Anavatapta, Surysoma nói về “ tánh không” cho La Thập nghe. Tư tưởng huyên áo mới lạ này khơi mở tâm thức La Thập và ngài chuyển hướng nghiên tầm sang Đại thừa với nhận định rằng : “ Trước đây, khi học tập giáo nghĩa Phật giáo Nguyên thủy, ta giống như người không biết vàng là gì và cho đồng thau là quý báu ”. La Thập dày công vào nghiên cứu, học thuộc các bộ luận quan trọng của Đại thừa như Trung luận,  Thập nhị môn luận và Bách luận.

          Cuộc hội ngộ với Suryasoma đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời La Thập. Sau những năm ở Kashgar, La Thập cùng mẹ trở về Kucha. Trên đường trở về quê hương, tại vương quốc Turfan phía Bắc ranh giới Kucha, ngài có một cuộc tranh luận với Đạo Thế và chiến thắng ông trước sự chứng kiến của các nhà sư bấy giờ. Hay tin đó, vua Pu-shuen nước Kucha đích thân đến Turfan và đưa La Thập về vương quốc của mình. La Thập thọ Đại giới ở hoàng cung của vua khi ngài 20 tuổi. Trong thời gian gần 20 năm ở Kucha, ngài tiếp tục nghiên cứu các kinh điển Đại thừa và nhận được cuốn Thập tụng luật của phái Hữu bộ của một cư dân đến từ Kashmir. Hơn nữa, ngài thuyết phục được vị thầy cũ của mình Bandhudatta, chuyển hướng sang giáo nghĩa này. Cũng từ lúc đó, bà Jiva từ biệt ngài trở về Thiên Trúc.

          Vào thời điểm này, La Thập được xem là vị thầy bậc nhất ở Ấn Độ, các vương quốc Trung Á và có rất nhiều tu sĩ từ nhiều quốc gia khác nhau tìm đến ngài tham học. Danh tiếng của La Thập nhanh chóng lan truyền đến tận Trung Hoa thông qua lời tường thuật của Tăng Thuần sau chuyến du hành từ Kucha trở về năm 379. Trước đó, hai hoàng tử vương quốc Kucha và Yarkhoto đã đến Trung Hoa vào năm377 và mong muốn Phù Kiên gửi một đoàn thám hiểm đến Tây Vực để thỉnh La Thập về Trường An.

          Lúc này chính sự Trung Hoa nằm trong tình trạng bất ổn, sử gọi là thời đại Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Phía Bắc là triều đại Tiền Tần dưới sự thống trị của Phù Kiên (338- 385) người Tây Tạng. Là một tín đồ Phật giáo nhiệt thành, Phù Kiên ủng hộ nhiều cho công tác hoằng hóa, dịch thuật của Đại sư Đạo An ( 312-385 ). Về sau, khi đến Trường An, nhìn những thành quả sừng sững mà Đạo An đã cống hiến cho Phật giáo Trung Quốc, La Thập tôn xưng Đạo An là “ Đông Phương Thánh Giả”. Công trình dịch thuật và đội ngũ tăng tài của Đạo An đã đào tạo nền tảng cho sự nghiệp hoằng bá về sau của La Thập rất nhiều. Chính Đạo An nhiều lần đề nghị Phù Kiên đến Kucha thỉnh La Thập về Trường An. Đầu tiên, Phù Kiên gởi thư thỉnh La Thập về Trường An nhưng vua Po-shuen không cho phép La Thập chấp nhận. Sau đó, Phù Kiên gởi đến Po-shuen một danh sách triều cống trong đó có đích danh La Thập, nhưng Po-shuen không tuân theo yêu cầu này. Tháng 9 năm 382, Phù Kiên sai Lã Quang tiến đánh Kucha để đưa La Thập về kinh đô Trường An. Khi bắt được La Thập, Lã Quang nghe Phù Kiên bị Diêu Trường giết chết nên quyết định xưng vương lập quốc tại vùng Lưỡng Châu mới chiếm được.

          Là một võ tướng, lại không phải Phật tử, Lã Quang không mấy xem trọng La Thập, thậm chí buộc ngài phải sống chung với con gái của vua Po-chuen. Về sau, Lã Quang mới bắt đầu trọng dụng La Thập và xem La Thập như người thư ký của mình. Điều đáng buồn là cả Lã Quang và người kế vị ông không mấy quan tâm đến việc truyền bá Phật giáo. Gần hai thập kỷ giam hãm ở đây là một giai đoạn đầy thử thách và gian khổ đối với La Thập. Có lẽ vì thế, khi biên tập cuộc đời của La Thập, các đệ tử của ngài ít nói về thời kỳ này.

          Trong khoảng thời gian này, La Thập hẳn đã tranh thủ thời gian học hỏi và thông thạo tiếng Trung Quốc ở đây. Tăng Triệu theo ngài học tập, cùng ngài đi đến Lưỡng Châu và giới thiệu tình hình Phật học trong nước cho ngài biết. Điều đó giúp La Thập hiểu được một số vấn đề đang tồn tại và tiến hành nghiên cứu các thánh điển đã phiên dịch trong quá khứ, đặc biệt chú trọng những dịch phẩm của Trúc Pháp Hộ. Những tư liệu này làm nền tảng khá tốt cho việc phiên dịch và giảng dạy của ngài về sau.

          Diêu Hưng ( 336-410 ), vị vua thứ hai của triều đại Hậu Tần, sau nhiều nỗ lực đưa La Thập về Tràng An, đã điều quân đến chinh phạt Lưỡng Châu rước La Thập về vào cuối năm 401. Sau khi đón được La Thập về kinh đô, Diêu Hưng tôn ngài làm Quốc sư năm 402, ban tặng ngài ngôi vườn Tiêu Dao và thành lập đại dịch trường với hàng ngàn tu sĩ, nhà tri thức tham gia. Chỉ trong vòng 12 năm ( 402- 413 ) dưới sự chủ trì của La Thập, dịch trường đã cống hiến to lớn cho việc hoằng bá Phật giáo ở Trung Quốc cùng các lãnh vực quan trong khác. Tài năng, đức độ của La Thập làm vua Diêu Hưng vô cùng kính ngưỡng và nảy sinh ý tưởng rằng tài đức phi thường của ngài nên được lưu truyền, chuyển tiếp chi thế hệ con cháu. Thế là, Diêu Hưng tuyển chọn mười thiếu nữ xinh đẹp, thông minh vào ở chung với ngài. Lệnh vua không thể cãi, buộc La Thập miễn cưỡng tuân theo. Tự thấy khuyết điểm về phạm hạnh của mình, mỗi khi thuyết giảng cho đồ chúng, ngài thường trầm mặc nhắc nhỡ mọi người chỉ nên giữ lấy hoa sen lớn trong bùn và để bùn ở lại. Đáng buồn hơn, các hậu duệ của ngài không có ai đáp ứng được kỳ vọng của Diêu Hưng cả.

          Theo bản phác thảo cuộc đời La Thập, Nirmala Sharma ghi rằng, từ khi phạm hạnh bị tổn hại, La Thập không đặt chân đến tu viện nữa và có một số tu sĩ khác muốn sống đời như ngài. Để gạt đi những lỗi lầm đó, trước sự chứng kiến của mọi người, La Thập nuốt một nắm kim và bảo: “ những ai sống sót sau khi nuốt nắm kim này mới có thể bắt chước ta ”. Nhưng không một ai dám thử cả.

          Mặc dù đối diện với nhiều trắc ẩn thử thách, với nghị lực kiên cường và hoài bão hoằng hóa Phật giáo, La Thập đã vượt lên tất cả và đóng góp to lớn cho sự hoằng bá Phật giáo ở Trung Quốc. Đóng góp nhiều nhất của La Thập là dịch thuật. Cho đến thế kỷ thứ năm, phần lớn kinh điển đem từ Ấn Độ qua đều được các nhà sư ghi nhớ bằng ký ức, không phải bản dịch nào cũng được hoàn thiện ngay lần đầu tiên, nhiều lúc được dịch từng phần trong nhiều lần từ nhiều người đem qua. Trong bài tựa kinh Duy Ma Cật, Tăng Duệ có kể lại quá trình biên dịch kỹ lưỡng của các phân ban trong dịch trường. Đầu tiên, La Thập cầm bản tiếng Phạn trên tay và nói lên nội dung của nó bằng tiếng Trung Quốc, mỗi câu đọc lại hai ba lần. Tiếp theo, ngài giải thích chi tiết ý nghĩa của bản tiếng Phạn hai lần, vất vả chọn ra những từ ngữ thích hợp nhất để chuyển tải nội dung trong nguyên bản. Đồng thời, các đồng sự trong dịch trường sẽ thảo luận về nội dung, nghiên cứu làm rõ nghĩa lý, nghiền ngẫm văn kinh rồi mới chép thành sách. Nếu phát hiện bất kỳ điểm nghi ngờ nào trong cách đọc, ngài sẽ đối chiếu, kiểm tra lại với nguyên bản cho đến khi hoàn chỉnh. Cuối cùng,  sau khi ngài hiệu đính bản dịch sẽ có thêm một bộ phận kiểm tra, trau chuốc lại văn phong. Có thể thấy trong dịch trường của La Thập đã có sự phân ban làm việc rất cụ thể và hiệu quả. Trong các triều đại Tùy, Đường, người ta tìm thấy các bộ phận phiên dịch tương tự như thời đại của La Thập.

          Dưới sự chỉ đạo của La Thập, dịch trường làm việc rất tích cực. Nhiều bộ kinh được dịch ra, trong đó A Di Đà được xem là bài kinh đầu tiên được ngài dịch vào năm 402. Năm tiếp theo, ngài bắt đầu dịch Trung phẩm Bát-nhã gồm 25 ngàn bài tụng và hoàn thành vào năm 404. Trong năm này, bản dịch Bách luận cũng được hoàn thành. Tiếp theo là các bản dịch đồ sộ khác như Đại trí độ luận 100 quyển, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma Cật, Trung quán luận,  Thập nhị môn luận, kinh Thập trụ, Thành thật luận…

          Nếu trước đó Đạo An đưa ra chủ trương Ngũ thất bản, tam bất dị, đến La Thập chủ trương phong cách ý dịch. La Thập cho rằng các bản dịch không bao giờ có thể truyền tải hết hương vị của bản gốc, nó giống như việc ăn thức ăn đã được nhai bởi một người khác. Do đó, ngài không ủng hộ cách dịch trung thành với nguyên bản như các dịch giả trước; thay vào đó, ngài chỉ quan tâm đến ý nghĩa của nguyên bản. Chủ trương dịch ý của ngài không câu nệ vào văn cú của tiếng Phạn mà chuyển hoàn toàn sang văn chương của Trung Quốc. Ngài cắt bỏ những đoạn lặp lại, gom ý những đoạn văn rườm rà miễn sao đủ ý và hợp với văn chương Trung Hoa. Như các bài kệ ở kinh Kim Cang, bản tiếng Phạn có đến tám câu nhưng bản dịch của La Thập chỉ còn bốn câu. Kinh Kim Cang có ba bản dịch, Chân Đế, Huyền Trang và La Thập, nhưng bản của La Thập tinh gọn, phổ biến hơn.

          La Thập chẳng những tóm tắt lại bản dịch mà còn mạnh dạn nhập nhiều chương có cùng nội dung hay tách các chương có nội dung khác biệt ra.  Như kinh Pháp Hoa, trong Phạn bản có 23 phẩm, nhưng bản dịch của La Thập có đến 24 phẩm, ngài đã tách phẩm thứ 23 của Phạn bản thành hai phẩm Đề Bà Đạt Đa và Hiện Bảo Tháp. Các bản dịch của La Thập mang phong cách văn chương nổi bật, văn chương nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Học giả người Nhật, Enichi Ocho, chỉ ra bốn yếu tố quan trọng giúp La Thập có thể tạo ra những dịch phẩm tuyệt vời. Một là La Thập có tài năng ngôn ngữ xuất chúng, thông thạo tiếng Phạn, các ngôn ngữ Trung Á và tiếng Trung Hoa Hai là, ngài không những thông đạt các giáo lý Phật giáo ở mỗi thời kỳ từ Nguyên thủy đến Đại thừa mà còn nắm rõ giới luật ; ba là, sự hộ pháp đắc lực của vua Diêu Hưng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phiên dịch của ngài; bốn là, La Thập có nhiều đệ tử và động sự trẻ tài năng để hỗ trợ ngài trong công tác phiên dịch.

          Theo Xuất Tam bảo ký tập,  công trình phiên dịch của La Thập gồm có 32 bộ, tổng cộng hơn 300 quyển. Lịch đại Tam bảo ký lại cho rằng 425 quyển bao gồm 97 bộ. Khi Nguyên thích giáo lục, số lượng văn điển mà ngài phiên dịch là 74 bộ, bao gồm 384  quyển. Hoàng đế Diêu Hưng phong cho ngài danh hiệu Tam tạng. Trong Xuất Tam tạng ký tập, ngài Tăng Hựu đánh giá rất cao sự nghiệp phiên dịch của ngài. Tăng Hựu viết : “ Pháp sư La Thập thần trí sáng suốt, lại có đệ tử nước Tần là Đạo Dung, Tăng Triệu trí tuệ sáng ngời. Cho nên ngài có thể phát huy những điểm cốt yếu, làm rõ nghĩa uyên áo của kinh, khiến cho ngôn ngữ sâu xa của Đại thừa trở nên sáng sủa”

          Thông qua công tác phiên dịch, La Thập được xem là người đặt nền tảng hình thành một số tông phái ở Trung Quốc như Tịnh Độ tông,  Tam Luận tông…  Bản dịch kinh A Di Đà của La Thập đặt nền tảng giáo lý cho Tịnh Độ tông ở Trung Quốc về sau. Kinh A Di Đà là một trong những bản dịch sớm nhất của ngài, được hoàn thành vào năm 402. Ở Lô Sơn, Huệ Viễn, một trong những cao đồ của Đạo An và được xem là người khai sáng Tịnh Độ tông, khi nghe danh tiếng của La Thập đã chủ động trao đổi thư từ với ngài. Trong một bức thư, La Thập gọi Huệ Viễn là Đông Phương Hộ pháp Bồ tát. Vua Diêu Hưng đã thỉnh Huệ Viễn viết bài tựa cho dịch phẩm Đại Trí độ luận của La Thập.

          La Thập cũng đóng góp cơ bản cho nền tảng hình thành Tam luận tông ở Trung Quốc thông qua ba bản dịch Trung luận, Bách luận và Thập nhị môn luận. Người khai sáng Trung quán tông,  tiền thân của Tam Luận tông, là Đại sư Long Thọ (Nãgarjuna ), tác giả của Trung quán luận; và đệ tử của ngài là Thánh Thiên ( Aryadeva ), tác giả của Bách luận và Thập nhị môn luân. Ngoài ra, bài kinh Duy Ma Cật sở thuyết do La Thập dịch vào năm 406 trở thành nền tảng cho giới cư sĩ Phật giáo Trung Quốc trong việc truyền bá Phật pháp.

          Bên cạnh công tác phiên dịch kinh điển, La Thập còn chú trọng tổ chức các pháp hội diễn giảng kinh luận. Do đó, môn đồ đến theo học với ngài rất đông hơn. Trong đó, có bốn đệ tử nổi bật, được xưng tụng là “ Tứ Thần Tăng ”, đó lá Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo Sinh và Đạo Dung.

          Tăng Triệu (384-414 ) thời niên thiếu đã thông thạo kinh sử,, ưa thích tư tưởng Lão Trang. Sau khi xuất gia, ngài tìm đường đến Lưỡng Châu theo học với La Thập cho đến lúc La Thập viên tịch, trong thời gian ấy ngài chưa từng rời xa thầy. Tăng Triệu trở thành một trong những đệ tử xuất sắc nhất, hỗ trợ đắc lực cho công tác phiên dịch của La Thập. Văn học Bát nhã đến thời La Thập được truyền bá rất nhiều, đặc biệt là Trung luận. Tăng Triệu học giáo lý Bát nhã từ La Thập viết ra bốn bộ luận nổi tiếng bao gồm Bát nhã vô tri luận, Bất chân luận, Vật bất thiên luận và Niết bàn vô danh luận. Gộp lại gọi là Triệu luận. Các bộ luận này giải thích về giáo lý Bát nhã, một số thuật ngữ còn nghiên cứu về Lão giáo. Về sau, Tăng Triệu bị vua chém đầu. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đó cho đến nay vẫn còn một bí ẩn.

          Đạo Sinh xuất thân là môn hạ của Trúc Pháp Thái, sau đến Lư Sơn tham học với Huệ Viễn bảy năm rồi tìm đến Trường An đầu sư cầu học với La Thập. Năm 409 Đạo Sinh về lại Giang Nam viết nghĩa sớ, trước thuật. Bấy giờ, kinh Đại Bát Niết bàn mới dịch được phần đầu với tư tưởng “ nhất xiển đề không có Phật tánh”. Nhưng trong thiền quán, ngài thấy  nhất xiển đề có Phật tánh, có khả năng thành Phật. Giáo nghĩa này dấy lên làn sóng tranh cãi trong giới học giả Phật giáo đến nổi Đạo Sinh chất đá lên để hỏi với tích ngoan thạch điểm đầu nổi tiếng. Đạo Sinh bị trục xuất khỏi Giang Nam, đày về Lư Sơn, Mãi cho đến khi phần sau của kinh Đại Bát Niết bàn truyền sang được ngài Dharmaraksa dịch sang Hoa ngữ, giới học giả Phật giáo mới nhận ra chủ trương ngài Đạo Sinh là chính xác. Về Đạo Dung và Tăng Duệ không có nhiều điểm nổi bật.

          Ngoại việc dịch kinh luận, La Thập còn dịch truyện ký của Thánh Thiên, Long Thọ và mã Minh ( Asvaghosa ). Những bản dịch truyện ký đó đã đặt nền móng cho công tác biên tập Cao tăng truyện về sau.

          Cuộc đời của La Thập còn nhiều trắc ẩn. Ngài từng tâm sự rằng :  Vì nghiệp chướng cũ quá nặng nên tôi chưa bao giờ nhận sự tôn kính làm bực thầy của đồ chúng.  Về sau, ý dịch của La Thập có lẽ làm giới học giả nghi ngờ. Chính vì thế, trước khi thị tịch, La Thập phát nguyện rằng: Những gì tôi phiên dịch mà không sai lầm, sau khi hỏa tán thân này, lưỡi tôi vẫn còn nguyên vẹn.La Thập qua đời, đồ chúng làm chòi cư tang bên mộ ba năm. Điều kỳ lạ là, sau khi cải táng, lưỡi của ngài vẫn còn nguyên.

          Cuộc đời của La Thập đầy dẫy những thăng trầm trắc ẩn, nhưng đó cũng là chất liệu tôi luyện lên một La Thập với nghị lực phi thường, vượt qua những gian nan, thử thách của số phận, để rồi cống hiến hết mình cho sự nghiệp hoằng bá Phật giáo. Sự thành công đó thể hiện trên bốn phương diện quan trọng. Một là, dưới sự lãnh đạo của La Thập, dịch trường đã cho ra đời một số lượng bản dịch văn điển đồ sộ. Hai là, một trong những dịch phẩm đó trở thành nền tảng tư tưởng, giáo lý hình thành nên các tông phái Phật giáo Trung Quốc; Ba là, các dịch bản của La Thập không đơn thuần truyền tải giáo lý mà còn mang nhiều giá trị nổi bật khác như phong cách dịch thuật, nghệ thuật văn chương… Bốn là, La Thập đã đạo tạo nên những đệ tử tài năng, điển hình nhất là Tứ Thần Tăng. Sự xuất hiện của La Thập như một ngôi sáng ngời không chỉ lấp đầy những thiếu sót trong quá khứ mà còn soi rọi cho con đường định hình và phát triển Phật giáo ở Trung Quốc của giới Phật giáo về sau.

  Trích  NSGN số 296-11-2020- của  Trung Thiện

 

CƯU MA LA THẬP- MỘT CUỘC ĐỜI –MỘT VÌ SAO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét