Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

ĐẠO NGHIỆP NGƯỜI TU

 

ĐẠO NGHIỆP NGƯỜI TU

          Đạo nghiệp của người tu có hai loại đó là đọc tụng và thiền tư (Ngài Đạo Tuyên ). Nhưng đọc tụng mà đưa âm thanh đạt đến chỗ an tịnh thanh thoát, giải thoát khiến cho tiếng đọc tụng trở thành một loại giác âm. Có rất nhiều người nghe âm thanh trầm bổng tụng kinh, trì chú mà giác ngộ đến với đạo Phật.

          Ngài Nghĩa Tịnh mới đặt chân lên đất Ấn đã phải run lên trong niềm cảm khái thiêng liêng khi nghe Tăng chúng tại tu viện Na lan đà tụng các bài tán kệ.

          Lời hay mà nghĩa cao vời

          Ngọt ngào chân thật tùy thời mở thâu

          Lúc ngắn gọn chỉ nửa câu

          Lúc thì phô diễn biển sâu diệu từ

          Nghe rồi hoan hỷ tâm tư

          Mấy ai không cảm ngôn từ lạ thay

          Dù ai ác ý sâu dày

          Cũng bị tuệ giác chuyển lay trong lòng

          Lời lẽ thiện xảo thong dong

          Lúc cần cũng chuyển đôi dòng khác đi

          Mục đích ắt đạt mọi khi

          Đúng là chân thật diệu vi khôn lường

          Nhuyến nhu cùng với thô cường

          Tùy việc mà độ mười phương hữu tình

          Thánh trí lời lẽ diệu minh

          Chỉ đồng một vị đẳng bình mà thôi.

          Tiếng nói con người là một loại âm thanh sống động và sáng tạo. Nó không chỉ là tiếng kêu của một loài vật mà còn vượt lên trên để đưa loài người ra khỏi cuộc sống mông muội, đưa giống loài trở thành những “ con người”. Trong các phương thức giao tiếp, âm thanh trở thành phương tiện thù thắng nhất, cho nên vị Bồ tát từ bi độ lượng và gần gũi với chúng sanh nhất mới có tên gọi là Quán Thế Âm. Âm thanh ấy càng đặc biệt trở nên thù thắng hơn khi nó được phát ra từ sự kết hợp hài hòa giữa ngôn từ với một tâm trí trong sáng của bậc giác ngộ.

          Cũng là âm thanh tiếng nói, nhưng nghe lời than vản của một người phiền muộn khiến cho ta rả rời, khó chịu. Nghe một câu chuyện vui nhộn, lòng ta thêm phần phấn chấn. Âm thanh trầm hùng của câu kinh tiếng kệ, những câu thần chú vượt lên trên hai phạm trù vui buồn đó, làm lắng diệu phiền não, khơi dậy những năng lực kỳ bí trong tâm khảm của con người.

          Phải ghi nhận rằng, dù không hiểu, cũng không nghe rõ được lời tiếng rõ ràng, nhưng chỉ cần lắng nghe qua giai điệu trầm bổng của câu chú, lời kinh tiếng kệ, chúng ta cũng đã có cảm giác lắng hồn và rung cảm tâm linh sâu sắc, những làn sóng âm thanh làm cho tâm yên tịnh, phiền não tiêu tan theo những cảm xúc dâng trào.

          Cửa ngõ vào đạo khởi đầu bằng việc nghe. Muốn nghe kinh pháp thì phải am tường ngôn ngữ, kể từ khi Phật diệt độ, kinh điển được lưu truyền qua nhiều phương ngữ khác nhau, việc am tường nhiều thể loại phương ngữ chứa đựng lời phật dạy là điều kiện quan yếu để lĩnh hội Thánh giáo.

          Mặc dù có những phương ngôn vốn có mối liên hệ thân thiết với Đức Phật và giáo pháp của ngài, nhưng không vì vậy mà sùng trọng quá mức, xem đó như những biểu tượng cát tường hay là linh tự thiêng liêng.

          Với Đức Phật ngôn từ chỉ là phương tiện giúp người học đạo, việc thần thánh hóa chữ nghĩa hoặc dùng âm thanh, tiết điệu để cầu Ngài, là điều chưa thuận hợp với Phật đạo. Nói cách khác, lạm dụng phương tiện âm thanh, sắc tướng thì rất khó gặp được Như Lai. ( Nhược kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị năng hành tà đạo, bất năng kiến Như lai ). Kinh Kim Cang.

{]{

ĐẠO NGHIỆP NGƯỜI TU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét