Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

PHÁP CHÂN NHÂN VÀ PHÁP KHÔNG PHẢI CHÂN NHÂN

 

PHÁP CHÂN NHÂN VÀ PHÁP KHÔNG PHẢI CHÂN NHÂN

          Một thời Đức Phật trú tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn  Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Phật gọi các Tỳ kheo lại và dạy về Pháp Chân Nhân và pháp không phải chân nhân.

    Nếu một người xuất gia tự kiêu về dòng dõi hào quý, tức là con nhà giàu hay con nhà quan…đi tu, rồi dựa vào dòng dõi hào quý ấy mà khinh khi người khác thì đó chẳng phải là người xuất gia chân chính. Hoặc giả, nếu một người xuất gia có thân tướng xinh đẹp, học giỏi, có tài biện luận, có mối quan hệ rộng lớn, thân quen với tầng lớp giàu có, trí thức hay quen thân với chính quyền, với người nổi tiếng… rồi người đó quý mình khinh người thì đó không phải là một người xuất gia chân chính.

          Vậy thì, mẫu người xuất gia lý tướng ắt hẳn không phải là người giàu có, có chức, có quyền, tướng hảo, học giỏi, có tài biện luận, thuyết pháp hay, có mối quan hệ rộng lớn, thân quen với tầng lớp giàu có, trí thức, hay quen thân với chính quyền, hay với người nổi tiếng… Cho dù tụng kinh, trì luật, thuộc làu kinh điển, học nhiều sách kinh, sống khắc khổ, thường đi khất thực, chỉ ăn ngày một bửa, quá ngọ không ăn,, hoặc ở chỗ rừng vắng sơn lâm, dưới gốc cây, hoặc ở núi cao hay nơi đất trống, hoặc nơi gò mả; hoặc chứng quả từ Sơ thiền đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ… mà quý mình khinh người thì cũng chẳng phải là chân nhân, chẳng phải là người xuất gia chân chính.

          Người xuất gia chân chính được gọi là chân nhân, khả dĩ trở thành mẫu người lý tưởng, trở thành thần tượng trong lòng người cư sĩ cũng như người xuất gia học đạo khác phải là người không quý mình khinh người, nổ lực đoạn trừ tham sân si, hướng đến sự chứng đắc chân đế.

          Kinh Chân nhân quá ngắn, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, cho thấy giá trị giải thoát hay giá trị phạm hạnh không đặt vào hình thức tu tập, địa vị xuất thân, vai vế xã hội…mà đặt vào hiệu quả của công phu đoạn trừ tham sân si, tham ái và chấp thủ, đoạn trừ các kiết sử lậu hoặc, phát triển tâm và tuệ giải thoát. Bản kinh định hướng rõ mục đích của giáo dục Phật giáo, đó là giáo dục con người nổ lực để tự chiến thắng mình chứ không phải nổ lực để vượt trội hơn người khác. Đây là hướng giáo dục rất nhân bản, hòa bình, dập tắt tinh thần giáo dục cạnh tranh, nuôi lớn bản ngã, dẫn đến xung đột, chiến tranh và sầu khổ.

          Bản kinh cũng khẳng định rõ giá trị của người tu sĩ Phật giáo là hướng nội, tự tri, quyết tâm đoạn trừ các nhân tố gây ra khổ đau chứ không phải đi vào thị phi, vì danh vọng, lợi dưỡng, hơn thua được mất, tranh đua quyền lực, chức tước, phẩm vị…

          Người xuất gia chân chính tự cảm thấy mình không có gì quý hơn người khác để rồi tự thị mà khinh khi người khác. Đức Phật nói : “ Người xuất gia chấp nhận khất thực, một sự nuôi sống thấp hèn nhất, cùng biên nhất, người đời thường húy kỵ, trong thế gian thật sự có lời húy kỵ này. Người xuất gia chấp nhận cách sống bằng nghề xin ăn, bị người đời nguyền rủa, chê trách ấy  ” là vì mục đích, vì lý tưởng đoạn tận biên tế của khổ đau, vì nhàm chán ghê sợ sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, ưu não, khổ đau.

          Đức Phật nói tiếp,  Này các Tỳ kheo, các ngươi không vì vua, giặc sai sử, không vì mắc nợ người, không vì khủng bố, không vì mất mạng, mà xuất gia, mà chính vì muốn giải thoát khỏi sanh, già, bệnh chết, ưu bi, khổ não, các người không vì mục đích ấy mà xuất gia chăng ?

          Nếu đã vì mục đích cao thượng như vậy mà xuất gia, vậy tại sao ở đây lại còn có kẻ phàm phu ngu si khởi lòng tham dục, sanh ra nhiễm ô đắm trước quá mức, sân nhuế, hung bạo, biếng nhác yếu hèn, mất niệm, không thiền, các căn mê loạn.

          Nếu người xuất gia lại bị lòng tham dục chi phối, sanh ra đắm nhiễm quá mức vào vật chất, đến nổi sân nhuế hung bạo, trở thành người biếng nhác tư duy, thiền định, đánh mất chánh niệm, tỉnh giác… thì cũng giống như người từ tăm tối đi vào tăm tối, từ mờ mịt đi vào mờ mịt, từ bùn lầy đi vào bùn lầy, từ hầm phẩn rơi vào hầm phẩn, dùng máu để rửa máu, lìa bỏ các việc ác, trở lại nắm lấy các việc ác. Tỳ kheo phàm phu cũng như vậy. Không phải là Tỳ kheo chân chính và chân nhân .

(Trích:  Đẹp sao Thánh chúng này : Thích Nguyên Hùng-   NSGN số 257-08—2017)

{]{

PHÁP CHÂN NHÂN VÀ PHÁP KHÔNG PHẢI CHÂN NHÂN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét