Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

VĂN HÓA PHẬT GIÁO VÀ XÃ HỘI HÀI HÒA THÔNG QUA TÍN NGƯỠNG

 

VĂN HÓA PHẬT GIÁO VÀ XÃ HỘI HÀI HÒA THÔNG QUA TÍN NGƯỠNG

                   Nguyễn Phước Tâm

          Tín ngưỡng là “ linh hồn” trong đời sống tinh thần con người cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của một xã hội hài hòa. Bởi sự hài hòa của xã hội không chỉ là sự giàu có về mặt vật chất, mà quan trọng hơn cả là sự giàu có trên mặt tinh thần chỉ khi văn hóa vất chất và văn hóa tinh thần đạt được sự phát triển đồng bộ, mới có thể xây dựng được xã hội hài hòa thực sự. Văn hóa tinh thần của con người chủ yếu là chỉ cho sự lành mạnh trong tâm lý và sự nâng cao phẩm đức tư tưởng. Trong khi đó, “tín ngưỡng” chính là giáo dục tăng cường phẩm đức tư tưởng và hướng dẫn sự lành mạnh tâm lý của con người có hiệu quả trực tiếp nhất, cho nên “ tín ngưỡng” không chỉ là tín ngưỡng trong ý nghĩa tôn giáo, mà còn là một hình thức giáo dục phẩm đức tư tưởng xã hội hiệu quả nhất. Nếu chúng ta khéo biết vận dụng “ tín ngưỡng” một cách hiệu quả để nâng cao và làm tăng thêm phẩm đức tư tưởng của con người, thì sẽ có tác dụng tích cực to lớn cho việc xây dựng xã hội hài hòa.

          Xây dựng một xã hội hài hòa thông qua bốn điểm tinh thần của Phật giáo là :

          1/ Thực hành 5 giới :  Bỏ ác làm lành

          2/ Tu tập Tứ nhiếp pháp : Phục vụ xã hội

          3/ Thực tập Từ, Bi, Hỷ, Xả :  Lợi ích chúng sanh

          4/ Áp dụng tinh thần lục hòa : Tiêu chí của sự hài hòa.

          Tinh thần Tứ nhiếp pháp dạy dỗ con người cần phải vô tư phụng hiến, lấy điều này biểu đạt nói lên tín đồ Phật giáo không tự tư, tự lợi mà là tinh thần phục vụ cộng đồng, và tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo là cứu khổ độ sanh thể hiện tinh thần vô úy, làm lợi ích chúng sanh. Tín đồ Phật giáo sinh hoạt trong xã hội, thì bất luận ở đâu, lúc nào cũng lấy Tứ Nhiếp pháp làm công tác lợi tha, vận dụng Tứ nhiếp pháp để phổ độ chúng sanh, phục vụ xã hội, nội dung “ Tứ nhiếp pháp” là Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp.

          Thực hành 5 giới nói lên ba phương diện :

          1/ Tính trách nhiệm xã hội

          2/ Quan niệm đạo đức luân lý

          3/ Ý thức ngay thật

- TU TẬP TỨ NHIẾP PHÁP :   Phục vụ xã hội.

          Tứ nhiếp pháp là tinh thần cơ bản mà tín đồ Phật giáo dùng để tu Bồ tát  đạo, cũng là chuẩn tắc hành vi của một tín đồ Phật giáo làm các hoạt động xã hội. Vận dụng “ Tứ nhiếp pháp” để phổ độ chúng sanh, phục vụ xã hội. Nội dung “ Tứ nhiếp pháp ” là :

          Bố thí thuộc sự nghiệp phúc lợi xã hội; Ái ngữ thuộc sự nghiệp giáo dục xã hội; Đồng sự thuộc quản lý xí nghiệp xã hội. Cho nên, “ Tứ nhiếp pháp” của Phật giáo được xem như là một phương pháp “ phục vụ xã hội” chính là tinh thần hành Bồ tát đạo.  Vì thế,  “ Tứ nhiếp pháp ” của Phật giáo đối với xã hội có ba tác dụng tích cực trên ba phương diện.

          1/ Sự nghiệp phúc lợi xã hội

          2/ Giáo dục văn minh xã hội

          3/ Sự nghiệp công ích xã hội.

          Tinh thần Bố thí không những đem lại phúc lợi xã hội, đem lại sự hài hòa trong cuộc sống xã hội mà còn là cầu nối của sự đoàn kết, hướng dẫn mọi người đến những điều tốt đẹp vươn lên những khó khăn bất hạnh trong cuộc sống, các chương trình từ thiện của Phật giáo là thể hiện tinh thần Bố thí trong Tứ nhiếp pháp, có ảnh hưởng tích cực đối với công việc xây dựng xã hội hài hòa đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người.

          Tinh thần lợi hành của Phật giáo là thể hiện chủ yếu sự nghiệp công ích của xã hội.  Công ích xã hội chủ yếu là dùng sự nghiệp có thể giúp đỡ tha nhân, xã hội loài người đòi hỏi giữa những con người phải biết giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau. Chính xã hội của chúng ta còn tồn tại rất nhiều người thế yếu lực cô cần có sự giúp đỡ của xã hội, vì vậy thực hành sự nghiệp công ích xã hội mà Phật giáo đã có những cống hiến nổi bật, qua các chương trình từ thiện, từ tế v.v…Những điều này cho thấy sự nghiệp công ích Phật giáo đóng vai trò to lớn đối với sự hài hòa xã hội.

- Ái ngữ : Phật giáo chủ yếu chính là dùng ngôn ngữ hiền thiện, thân mật, dịu dàng, để dẫn dắt người khác, không nói những lời thô ác, chửi rủa gièm pha tha nhân, nên tán thán công đức người khác.

- Đồng sự : của Phật giáo chủ yếu thể hiện sự nghiệp phát triển xã hội trên ba phương diện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, đóng vai trò đoàn kết trong một tập thể, trong một công ty xí nghiệp. Đồng sự nhiếp Phật giáo thể hiện sự đoàn kết thuận hòa giữa các cá nhân với tập thể, giữa tập thể với cá nhân, tạo nên sức mạnh tinh thần để phát triển về mặt vật chất bền vững lâu dài trong môi trường sinh hoạt tập thể,cũng như tu tập cũng vậy với tinh thần đồng sự khiến cho mọi Phật sự mau thành tựu và sự gắng bó của mỗi thành viên trong tăng đoàn được lâu bền hơn.

          Áp dụng tinh thần Tứ nhiếp pháp để xây dựng xã hội hài hòa giữa vật chất và tinh thần thì xã hội ấy mau phát triển và bền vững lâu dài.

           Từ bi hỷ xả: vì lợi ích chúng sanh.  “ Từ, bi, hỷ, xả”là biện pháp và phương sách hành Bồ tát đạo của tín đồ Phật giáo, cũng là con đường chủ yếu Phật giáo phát huy vai trò đối với xã hội. “ Từ” đem đến cho chúng sanh niềm an vui hỷ lạc. “ Bi” diệt trừ khổ não cho chúng sanh về tâm lý vật lý. Từ ban vui  Bi cứu khổ, hai nét đặc trưng của Phật giáo để làm lợi lạc quần sanh trên hai mặt vật chất và tâm lý. Về mặt tâm lý giải trừ khổ não về mặt tinh thần, về mặt vật lý giúp cho chúng sanh hết khổ về thân, trên vấn đề ăn, mặc, ở, bệnh tật. “ Hỷ” làm cho chúng sanh vui vẻ, “ Xả” làm cho chúng sanh buông bỏ phiền não, xả bỏ cố chấp, xa rời tà kiến. “ Từ, Bi, Hỷ, Xả” gọi là Tứ vô lượng tâm, Bồ tát dùng bốn phương pháp này để cứu độ khổ nạn cho chúng sanh, khiến chúng sanh có thể thoát ly phiền não đạt được giải thoát thật sự.  Nhiệm vụ chủ yếu của Bồ tát ở đời chính là cứu độ chúng sanh ra khỏi bể khổ. Phật giáo cho rằng thế gian, nơi chúng sanh đang sinh tồn- là bể khổ sinh tử luân hồi, thì cần phải được giải thoát ra khỏi khổ ải sanh tử, bước tới Niết bàn bờ bên kia, cho nên “Từ, bi, hỷ, xả” là hành động cao thượng làm cho chúng sanh được lợi ích.

          Đại từ làm vui cho tất cả chúng sanh, Đại bi là cứu khổ cứu nạn hết thảy chúng sanh, Từ bi làm cho chúng sanh lìa khổ được vui, Từ bi là tinh thần cứu khổ độ nguy cho chúng sanh của Phật giáo, là lấy tinh thần xuất thế gian của Phật giáo làm sự nghiệp nhập thế hài hòa xã hội. Với xu thế phát triển nền kinh tế thị trường, áp lực tâm lý con người càng ngày càng lớn, rất nhiều người xuất hiện nhiều căn bệnh khác nhau tâm lý ở mức độ khác nhau, đối với ngoài xã hội vẫn không thể giải quyết căn bản áp lực tâm lý con người một cách toàn diện được. Thông qua Phật giáo có thể giải quyết những nổi sầu muộn và bất an trong tâm mọi người, giảm bớt áp lực hình thành do căng thẳng công việc của con người, khiến tâm lý nhẹ nhõm đạ được sự hài hòa trong cuộc sống. Phật giáo có nhiều phương pháp làm cho tâm lý con người giảm bớt căng thẳng, như thiền định, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, lễ sám v.v… Những phương pháp này giúp xoa diệu tâm trạng căng thẳng của con người, vì thế có thể nói “ tín ngưỡng” chính là lương dược tốt nhất để điều trị căn bệnh tâm lý con người. Đây là sự cống hiến của tín ngưỡng đối với sự hài hòa xã hội.

- Tinh thần lục hòa  : tiêu chí hài hòa :

          Tinh thần “ Lục hòa” của Phật giáo là phương pháp và phương tiện chủ yếu quản lý Tăng đoàn Phật giáo cũng là tiêu chí chủ yếu thể hiện xã hội hài hòa. “ Lục hòa” của Phật giáo cũng gọi “ lục hòa hợp” hoặc “ Lục hòa kính ”, tức người tu học Phật pháp thì cần phải thể hiện tình đoàn kết thân mật, kính trọng lẫn nhau.

          1 /Thân hòa đồng trụ, tức mọi người cùng sống chung nhau một trú xứ không gây gổ xích mích nhau, phải sống chung hòa.

2/ Khẩu hòa vô tranh, tức mọi người cùng sống chung nhau một chỗ không tranh tụng, cải vã lời to tiếng nặng, không dùng những ngôn ngữ không lành mạnh để đối xử nhau.

3/  Ý hòa đồng duyệt : tức mọi người cùng làm việc với nhau, cùng sống chung với nhau phải thống nhất tư tưởng, tâm lý phải vui vẻ hài hòa.

4/ Giới hòa đồng tu : Tức mọi người cùng làm việc với nhau, cùng sống chung với nhau phải thống nhất nội quy, chế độ đã đề ra.

5/ Kiến hòa đồng giải : tức mọi người cùng sống chung với nhau, cần cùng một quan điểm, cùng một chí hướng, cùng một phương thức, cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết cùng nhau.

6/ Lợi hòa đồng quân : tức mọi người cùng sống chung với nhau trong một tập thể, một trú xứ, cùng làm việc với nhau, lợi ích chia đều với nhau, quyền lợi đều nhau. Tuy lợi hòa đồng quân, nhưng cũng nằm trong luật nhân quả. Người có công, người có trí, người sức nhiều hơn thì phần lợi tức phải theo năng suất mà có phần lợi tức nhiều hơn hay ít hơn. Bình đẳng trong đồng đẳng. Người lớn to cao thì nhận lãnh mặc chiếc áo vừa với kích cỡ to cao của người ấy, không thể nhận lãnh chiếc áo kích thước của người thấp bé. Ngược lại người thấp nhỏ cũng không thể nhận lãnh chiếc áo kích cỡ của người to cao là vậy “ bình đẳng trong đồng đẳng” mới tạo nên không khí và môi trường hài hòa thân thiện.

          Người có năng khiếu học hỏi thì ưu tiên cho việc học hỏi hơn là bắt họ phải lao động chân tay sản xuất. Người tâm trí không nhạy bén, việc lao động chân tay thích hợp với họ thì người đó đảm nhận việc lao động, vì thế bình đẳng phải thích hợp với khả năng của cá nhân trong tập thể. Mỗi người một việc cùng nhau sinh hoạt hài hòa, cùng hướng đến mọt mục tiêu thì sẽ tạo nên một thành quả tốt đẹp viên mãn.

          Lục hòa không những áp dụng trong môi trường tu học Phật pháp, mà cũng có thể áp dụng cho bất cứ tập thể nào ngoài xã hội, từ gia đình, trường học, xí nghiệp, công ty, quân đội v.v…đều có lợi ích như nhau. Làm cho xã hội hài hòa, khiến cho xã hội đoàn kết, áp dụng cho quốc gia thì khiến cho quốc gia ấy  giàu mạnh, an bình thịnh vượng.

          Thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay đang xảy ra nhiều điều bất ổn, nhiều nơi xảy ra chiến tranh, tai nạn, dịch bệnh, thiên tai, sự tranh chấp lẫn nhau giữa người với người, nước này với nước kia, giữa đồng nghiệp với bạn bè… và sự cạnh tranh và chiến tranh như vậy, làm cho cuộc sống con người trở nên rối ren bất an. Con người luôn kỳ vọng thế giới hòa bình, xã hội ổn định, nhân dân an cư lạc nghiệp. Phật giáo hướng dẫn con người thành tâm hướng thiện, chủ trương với tôn chỉ “ tịnh hóa thân tâm, lợi lạc hữu tình” hy vọng thông qua giáo dục tư tưởng Phật giáo để thúc đẩy sự hài hòa trong xã hội. Tinh thần lục hòa là phương pháp tốt nhất đem lại hòa bình cho nhân loại.

Thân hòa đồng trụ, tức phải sống chung hòa bình, không tranh đấu chiến tranh, tàn hại lẫn nhau; Khẩu hòa vô tranh, là lời ăn tiếng nói phải ôn hòa nhã nhặn, không gây tranh cải, nói xấu châm biếm lẫn nhau. Ngôn ngữ dùng để truyền đạt những lời hay lẽ phải, là phương tiện nhằm giao lưu trao đổi giữa mọi người, không phải dùng lời lẽ trở thành vũ khí để tranh luận, hủy báng lẫn nhau.

Ý hòa đồng duyệt, trên ý thức tư tưởng, cần có ý thức chung giữa các mối quan hệ qua lại cần có một thức ký kết chung. Giới hòa đồng tu, là hệ thống pháp luật, điều lệ, pháp quy, cần phải cùng nhau tuân thủ, như vậy mọi người mới bình đẳng trên pháp luật, mọi người đều tuân thủ quy chế chung.  Kiến hòa đồng giải, là chỉ cho ý kiến và kiến giải phải đạt được nhất trí, mới có thể khiến cho đoàn thể được ổn định có trật tự. Nếu trong một sự kiện nào đó kiến giải không thông thì không thể đạt được sự thống nhất, vì vậy không thể đồng tâm hiệp lực hoàn thành sự nghiệp. Lợi hòa đồng quân, là chỉ trong lợi ích cá nhân trong tập thể phải thực hiện chế độ hưởng theo thành quả lao động bình đẳng.

Tinh thần lục hòa của Phật giáo được áp dụng trong xã hội, có ba tác dụng tích cực  1/ là tự giác tuân thủ chế độ pháp quy quốc gia- 2/ Xây dựng nguyên tắc phân phối hợp lý công bằng, 3/  Xây dựng ý thức tư tưởng và nguyên tắc hành vi thống nhất. Tiêu chí xã hội hài hòa là đa phương diện, đòi hỏi sự hài hòa các mặt như giáo dục văn hóa xã hội, tư tưởng đạo đức, tôn trọng pháp luật và kỷ luật, văn minh tinh thần, đoàn kết dân tộc. Mà tinh thần lục hòa Phật giáo có thể hướng dẫn con người tự giác tuân thủ pháp luật kỷ cương, là thể hiện cụ thể của giới hào đồng tu, hình thành nguyên tắc phân bố hợp lý công bằng xã hội, là thể hiện cụ thể lợi hòa đồng quân, ý thức tư tưởng và chuẩn tắc hành vi thống nhất, là thể hiện cụ thể của thân hòa cộng trụ; Kiến hòa đồng giải, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt. Cho nên có thể nói, tinh thần lục hòa của Phật giáo có vai trò tích cực rất to lớn trong việc xây dựng nên xã hội hài hòa.

Tóm lại : Qua các điều nêu trên cho thấy văn hóa Phật giáo có đầy đủ các mặt tích cực đối với việc kiến thiết một xã hội hài hòa, đồng thời cho biết Phật giáo đối với sự ổn định và hài hòa của chúng ta là vô cùng quan trọng. Ngày nay, con người mặc dù đã đạt được sự sung túc vô cùng lớn lao về vật chất, nhưng trong tinh thần lại trở nên cực kỳ nghèo thiếu, trong tâm lý phát sinh những bất thường nhất định. Những hiện tượng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường nhật của chúng ta, cũng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường trong xã hội hài hòa. Chúng ta cần yêu cầu sức mạnh trên mặt xã hội và văn hóa, giáo dục khác nhau của các tầng lớp để dẫn dắt, hướng dẫn, trước hết cần phải cải thiện áp lực tâm lý của con người, khiến con người có tố chất tâm lý lành mạnh, sau đó chỉ dẫn con người cần phải đạt được sự hài lòng về tinh thần, phát huy tư tưởng yêu thương vốn có của con người, chỉ con người có đầy đủ phẩm đức tư tưởng cao thượng mới có thể đẩy mạnh tiến trình hài hòa xã hội ./.

Trích : Văn hóa Phật giáo và xã hội hài hòa thông qua tư tưởng tín ngưỡng : Nguyễn Phước Tâm – VHPG  15-2-2022.

{]{

Có người chỉ muốn sống riêng cho bản thân mình, lại có người sẵn sàng hy sinh bản thân mình để đóng góp cho cuộc đời. Nhưng suy cho cùng, đời người chỉ có ý nghĩa khi người đó biết sống có trách nhiệm với bản thân, đồng thời mang đến niềm vui và giá trị cho mọi người.

{]{

VĂN HÓA PHẬT GIÁO VÀ XÃ HỘI HÀI HÒA THÔNG QUA TÍN NGƯỠNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét