Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI VÀ NGUYÊN NHÂN SUY ĐỒI CỦA ĐẠO PHẬT

 

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI VÀ NGUYÊN NHÂN SUY ĐỒI CỦA ĐẠO PHẬT

          Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 đứng trước những thách thức to lớn bởi thời cuộc khủng hoảng về văn hóa, chính trị, xã hội, tôn giáo. Hệ thống giáo dục thi cử thay đổi, chữ Pháp được thay thế cho chữ Hán ở các trường học lúc bấy giờ, hệ thống khoa cử truyền thống bằng chữ Hán đã bị bãi bỏ vào kỳ thi cuối cùng năm 1919 tại Trung kỳ, thay vào đó bằng ngôn ngữ An Nam và sau đó là chữ Pháp. Phải chăng đó là ý đồ của những người Pháp đô hộ Việt Nam muốn thay đổi xã hội thuộc địa bằng cách  “ thế vào đó những cái gì của họ : từ tôn giáo, văn hóa, giáo dục, phong tục, tập quán v.v… ? 

   Nếu đổ lỗi tất cả cho nguyên nhân khách quan đến từ ngoại bang của những người có tham vọng xâm lược và truyền bá ngoại giáo vào đất Việt để đến nỗi đạo Phật suy đồi thì không đúng hẳn. Vì trong vô số những nguyên nhân khiến cho đạo Phật suy đồi thì nguyên nhân chủ quan trong nội tình sinh hoạt và tổ chức của Phật giáo cũng gánh một phần lớn trách nhiệm. “ Cái nguyên lai Phật giáo suy đồi trong xứ Nam kỳ này, chẳng phải tại sự thất học của Tăng đồ mà thôi, lại cũng phần nhiều trong phái Tòng lâm không giữ giới hạnh, kẻ thì thích kiêu căng, người thì tham lợi dưỡng, kẻ thì cử chỉ không hiệp oai nghi, người thì ăn bận trái với kinh luật, nên làm ngăn ngại cho bước đường xu hướng của người đời và cũng tiêu giảm cái tôn phong của nhà Phật nữa ”.

Bấy giờ, do các Tăng nhân thiếu học, phương thức truyền bá đạo Phật theo nghi lễ sự tướng không còn phù hợp với xã hội chuộng lý trí và khoa học, như một Thiền sư đã nhận định : “ Lối truyền bá Phật pháp ngày xưa, đối với trình độ ngày nay, xét ra phần nhiều không còn thích hợp nữa; vậy cần phải thay đổi sửa sang ”.

Phần lớn người xuất gia nếu có học kinh luận thì cũng chỉ lo cho phần tự độ, không quan tâm đến cuộc thịnh suy của đạo pháp. Trong cửa thiền chật ních các loại trùng sư tử, không ai nhường ai, trùng ăn sư tử, bản thể hòa hợp và thanh tịnh của Tăng già không còn trong giới Tăng nhân, khiến cho kẻ Việt người Tần cách xa trời vực, ngoài cửa Không ma đạo hoành hành, thế quyền lung lạc, làm cho pháp luân không chuyển, tiếng “ bổng hát” vắng tanh, lòng tin Tam bảo của đàn na dần dần xao lãng.

Bên cạnh đó, dân chúng phần đa số sống bằng nghề nông lo bữa sáng mất bữa trưa thì lấy đâu ra thời gian để đọc kinh nghe pháp ! Mà dẫu có muốn quyết lòng theo học đi nữa cũng không có kẻ dắt người dìu theo đúng chánh đạo. Thế rồi cái nghèo nối tiếp cái mê, đời sống vật chất không dư đủ kéo theo một hệ quả tất yếu là đời sống tinh thần cũng nghèo nàn tụt hậu. Lúc bấy giờ, Thiền sư Thiện Trí đặt vấn đề  và trả lời khá thực tế :

“ Văn minh tiến bộ, khoa học thạnh hành, Phật giáo cũng đã tràn lan khắp cả thế giới… Tưởng ai cũng biết rằng đạo Phật trong nước ta đương suy sụp lu mờ, cái trình độ của Tăng già đương thấp thỏi hủ bại. Thế mà cái lỗi ấy tại ai ? Không lẽ trút hết cho hàng Tăng đồ thất học mà chẳng nói đến nhân tâm mê tín đặng sao ? Phải biết rằng nước ta cũng là một nước như người, nhưng mà chủng tộc ta hay tin lầm nghe chạ, muốn sự dị đoan, kẻ lập đạo tràng này, người bày giáo nọ, giáng bút giáng cơ, ban phù ban phép, lấy những điều quái gỡ mê hoặc dụ dỗ dân chúng. Như vậy mà bảo làm sao Phật giáo không suy đồi, Tăng đồ không hủ bại cho được ”.

Cư sĩ Khánh Vân còn trăn trở hơn cho tình hình suy đồi của tầng lớp tu sĩ. Ông hạ bút với lời văn đầy chua xót : “ Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai…, lại thủ dị cầu kì, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, khi ông lên, lúc bà xuống, ngáp ngắn ngáp dài,  thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng lợi dụng lòng mê muội của thiện tín mở rộng túi tham quơ vét cho sạch sành sanh,… cái hiện trạng như thế bảo sao Phật giáo chẳng suy đồi ? ”.

Các Thiền sư nhìn nhận một cách thực tế đáng thương tâm cho nền Phật học nước nhà quá èo uột, lượng kinh sách phiên dịch ra tiếng nói dân tộc còn quá mỏng, nên người theo Phật không tránh khỏi những ngộ nhận về giá trị chân thật của Phật giáo. Khi đọc diễn văn thành lập hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, Thiền sư Khánh Hòa cũng phải thừa nhận .

“ Thưa quý ngài cho phép tôi tỏ đôi lời về cớ chi mà cần phải lập ra hội này ? Nguyên Phật giáo ở nước ta đã suy đồi thái quá. Sao gọi là suy đồi thái quá ? Phật giáo nghĩa là lời dạy của Phật, tức là Kinh, Luật, Luận ba tạng. Tại Trung Hoa thuở đời Đường thì ba tạng ấy phiên dịch được 5.048 quyển,  mà truyền qua xứ Bắc kỳ bao nhiêu thì không biết. Đến thời Hậu Lê chúa Nguyễn có đức Thọ Tôn ở Trung hoa hàng hải sang tỉnh Bình Định mà lập chùa Thập Tháp Di Đà, đem kinh luận qua cũng nhiều mà tuyên dương giáo hóa, rồi sau truyền lần vào xứ Nam kỳ.

“ Song tại xứ ta đây, Đại luật chẳng có, Tạng luận cũng không, chỉ có kinh và sám kể không được 200 quyển.   Than ôi !  Nếu sánh với số ấy 5.048 quyển trong ba tạng mà tôi đã nói trước đây thì còn thiếu 4 ngàn 8 trăm ngoài quyển.  Vậy mà ai nói rằng, Phật giáo không suy đồi.

Bởi cớ ấy giáo đồ chịu thất học, lại thiếu người truyền bá giáo lý cho nhơn chúng tỏ thông. Thậm chí phần nhiều làm chức Giáo thọ mà hỏi nghĩa giáo thọ không hiểu, thọ giới Tỳ kheo mà hỏi luật Tỳ kheo chẳng biết- Vậy mà còn ai chưa chịu Phật giáo suy đồi sao ? ”.

Đó là trăn trở chung của những bậc thiện nhân lèo lái con thuyền chánh pháp trong lúc Phật giáo nước nhà đang ngả nghiêng, chao đảo theo tà thuyết dị đoan. Sau khi chiếm giữ Nam kỳ năm 1878, Nam bộ là địa bàn bị người Pháp cấm dùng chữ Hán đầu tiên nên chữ Hán dần dần mất chỗ đứng trong trường sở. Các nhà Hán học Phật giáo lúc bây giờ canh cánh muốn tìm phương thức tốt nhất để đưa giáo lý đạo Phật đến với quần chúng, vì một khi chữ Hán bị thay thế bằng chữ Pháp thì ảnh hưởng của giáo dục Phật giáo và đạo đức Nho gia bị loại trừ khỏi môi trường đào tạo chính quy, văn hóa đạo đức truyền thống có nguy cơ bật gốc. Chữ Hán không được học thì kinh Phật cũng không đọc được, vì kinh sách đạo Phật bấy giờ toàn bộ bằng chữ Hán. Sinh hoạt Phật giáo lúc này chỉ còn lại việc cúng đám, cầu an, cầu siêu. Một số nơi còn tổ chức các gánh hát Phật, diễn các tích về Mục Liên cứu mẹ, Tam tạng thỉnh kinh… để dân chúng có cơ hội tiếp cận đời sống đạo Phật. Hoạt động này cũng chỉ là phương tiện của Phật giáo để quần chúng gần gũi đạo Phật hơn, nhưng đó chỉ là cái ngọn chứ không phải là cái gốc trong công việc truyền bá chánh pháp. Muốn phổ biến cho dân chúng am tường giáo lý Phật đà và khích lệ cho những hành giả xuất gia mở rộng Phật pháp có tổ chức, Thiền sư Từ Phong “ có óc cải tiến” nên ngài dày công dịch kinh, diễn nghĩa và cho in khắc, nhằm hoằng truyền giáo lý đạo Phật bằng tiếng nói của dân tộc Việt.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến Phật giáo suy đồi, đó là Phật giáo không được phổ biến rộng rãi và Tăng tín đồ thất học. Giới Tăng sĩ  chỉ rõ hiện trạng này: “ Có người chưa rõ giới tướng đã khai kỳ làm vị Hòa thượng, có kẻ chưa thuộc luật Sa di mà đã thọ giới cụ túc làm thầy Tỳ kheo. Đến nỗi có thầy đội khăn điều ra làm Đồng bóng, mưu cầu sự cúng kiếng, lại cũng có người cởi y hậu đi theo ngoại đạo, mà lợi dưỡng cái huyễn thân.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan của xã hội, kinh tế, văn hóa, cuộc khủng hoảng về tư tưởng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã ảnh hưởng niềm tin Phật giáo. Tính cách người Nam bộ rất phóng khoáng, chuộng tinh thần nghĩa hiệp, dễ tiếp nhận và hòa nhập với cái mới. Thời kỳ này, gió Á mưa Âu luôn là thách thức cho sự hưng vong của Phật giáo đã ngự trị gần 2000 năm trên đất Việt. Nhiều tín ngưỡng dân gian, các tôn giáo mới ồ ạt xuất hiện, như Bửu Sơn Kỳ Hương thành lập năm 1849, Tứ Ân Hiếu Nghĩa thành lập năm 1867, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam sáng lập đầu thế kỷ 20, đạo Cao Đài thành lập năm 1926, Phật giáo Hòa Hảo sáng lập năm 1939… Với nhiều chi phái, tôn giáo xuất hiện như vậy, Phật giáo Việt Nam đứng trước những thách thức rất lớn trong việc khẳng định vai trò, vị thế và định hướng của chính mình. Để giữ vững, ổn định và phát triển bền lâu, Phật giáo lúc này phải có sự chỉnh đốn, cải cách nhằm thích ứng với thời cuộc và sự thay đổi của đất nước bấy giờ, nếu không sẽ bị những dòng tư tưởng mới của thờ đại làm lu mờ theo thời gian.

Bậc Thích tử luôn noi dấu Như Lai để phục hưng những gì bị bật gốc. Kinh A Hàm dạy  : “ Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích ”.

Trong tình hình sinh hoạt Phật giáo suy yếu, các nhà sư có tâm huyết với đạo pháp tìm mọi phương thức để dựng lại giềng mối đã bị xô ngã, nhằm tổ chức đời sống xuất gia hành theo chánh pháp, phiên dịch, diễn nghĩa các kinh điển sang chữ Việt. Nhiều cơ sở giáo dục được thành lập tại Nam kỳ như Thích học đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn năm 1928 ( Cầu Muối-Sài Gòn ). Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học năm 1931, Hội Lưỡng Xuyên Phật học năm 1934 với sự gia công của các vị cao Tăng như Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Từ Nhẫn, Chơn Huệ, Thiện Chiếu, Từ Phong, cư sĩ Commis Trần Nguyên Chấn, Ngô Văn Chương …Đi cùng với phong trào chấn chỉnh đời sống tu học của các Tăng sĩ là nhiệm vụ sưu tầm kinh điển, xuất bản các tờ báo Phật giáo nhằm tuyên truyền cho tầng lớp xuất gia và cư sĩ sống đúng với tinh thần chánh pháp, như các tạp chí và tờ báo Pháp Âm ( 1929),  Phật hóa tân thanh niên ( do sư Thiện Chiếu tự vận động xuất bản cuối năm 1929), Từ bi âm (1932) Duy tâm Phật học (1935), Tiến hóa (1938)…lần lượt ra đời. Việc sưu tầm, phiên dịch, giảng giải kinh điển thông qua xuất bản quảng bá tạp chí Phật học nhằm mục đích để mọi người thông hiểu giáo lý, Tăng Ni có đủ tư cách gánh vác Phật sự, cư sĩ có học mới biết đường tu.

“ Muốn truyền bá tư tưởng thì các nhà Phật học nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ cắt nhà thư xã, thỉnh ba tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra Quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ khiến cho mỗi người xem đọc đều hiểu được pháp luật nhà đạo, ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo… Còn một bên thì lập trường Phật học, cho học sinh tân nghiệp luôn luôn. Học cho thông ngũ giáo tam thừa, rồi ra trách nhiệm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu xiển dương diệu pháp, thì mới trông mong tăng giới được tinh tấn.”

Nhờ nhận định đúng thực trạng Phật giáo và sự nhiệt thành chấn chỉnh mà phong trào chấn hưng Phật học ở miền Nam đã gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn đến Phật giáo ở miền Trung và miền Bắc sau đó không lâu.

Tại miền Trung, hội An Nam Phật học được thành lập năm 1932 tại chùa Trúc Lâm - Huế, dưới sự chỉ đạo của các Hòa thượng tâm huyết với đạo pháp như ngài Giác Tiên, Phước Huệ, Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Mật Nguyện, Mật Khế, Mật Thể, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám…Các cư sĩ trí thức thông thạo Pháp ngữ và Nho học, giữ các chức vụ quan trọng ở triều đình cũng nhiệt thành đóng góp cho sự chấn hưng Phật giáo lúc này, như Nguyễn Đình Hòe, Phạm Quỳnh, Nguyễn Khoa Tân, Lê Đình Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…Cơ quan nghiên cứu Phật học của Phật giáo Trung kỳ là tạp chí Viên âm ra đời tháng 6 năm 1933.

Tại miền Bắc, hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập năm 1934 do Tổng đốc Hoàng Trọng Thu và Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng, suy tôn Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Thiền gia pháp chủ. Các nhà tân học cũng đóng góp công đức rất nhiều cho phong trào chấn hưng Phật giáo xứ này như ngài Tố Liên, Trí Hải, Trần Trọng Kim, Thiều Chửu, Bùi kỷ…Đặc biệt, báo Đuốc tuệ là cơ quan tuyên truyền của hội ra đời cũng được tầng lớp Tăng Ni và Phật tử trí thức hưởng ứng.

Có thể thấy, do các nhân tố khách quan bên ngoài cùng sự khủng hoảng về đời sống tu tập của Tăng tín đồ Phật giáo trong những thập niên đầu thế kỷ 20, mà các Thiền sư hòa hợp để củng cố Tăng đoàn, mở hội Phật học, xuất bản báo chí, in ấn kinh sách nhằm chỉnh đốn đời sống Tăng già, kêu gọi tinh thần đoàn kết của Phật môn. Các Hòa thượng học rộng hiểu xa chú trọng đến việc đào tạo Tăng tài, vì đây là đội ngũ đóng vai trò hàng đầu và trực tiếp sự tồn vong của đạo pháp. Sự kêu gọi việc nỗ lực đào tạo Tăng tài trong công cuộc chấn hưng Phật giáo của các Hòa thượng đầu thế kỷ 20 đã định hướng cho nên giáo dục Phật giáo Việt Nam trong những thập niên sau đó và đạo pháp xương minh kéo dài đến thế kỷ 21 này.

Phong trào chấn hưng Phật giáo những thập niên đầu thế kỷ 20 thúc đẩy những người tu Phật thấy cần thiết phải nhìn nhận lại thực tế đời sống của Tăng Ni đương thời xa lìa giới luật và tinh thần chánh pháp, đòi hỏi những Hòa thượng có tâm huyết phải chấn hưng, canh tân để đưa đạo Phật vào đời sống xã hội. Phát huy giáo lý đạo Phật nhằm biểu đạt một Phật giáo đương thời sinh động hơn, phù hợp hơn, tân tiến hơn để quần chúng thấy được đâu là chánh pháp cần phải thực hành, đâu là tà giáo cần phải trừ bỏ. Chỉ có vận động phong trào chấn hưng Phật giáo mới có thể truyền bá đạo đức, thay đổi phong tục, bài trừ mê tín, bổ sung vào sự tiến bộ của khoa học nhằm mang lại hạnh phúc cho con người.  Khuyến Phát Bồ đề tâm  văn diễn nghĩa của Thiền sư Thích Từ Phong ra đời trong bối cảnh vận động chấn hưng Phật giáo thập niên 30 của thế kỷ 20 cũng không nằm ngoài mục đích ấy.

2- SƠ LƯỢC CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ THÍCH TỪ PHONG.

Thiền sư Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1864 (Giáp Tý), tại thôn Đức Hòa Thượng, tổng Dương Hòa thượng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là con trai duy nhất trong một gia đình có ba chị em.

Năm 16 tuổi ngài đến quy y học đạo với Thiền sư Minh Đạt tại chùa Thiền Lâm, làng Hiệp Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Sau đó ngài đến xin thọ giáo với Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ấn (1850-1914) tại chùa Giác Viên, được ban cho pháp danh Từ Phong, tự Như Nhãn, hiệu Cô Vân. Lúc bấy giờ, sở học của ngài đã tiến bộ vượt bậc, được bổn sư cử làm thư ký chùa Giác viên.

Năm 1887, sư Từ Phong được Bổn sư cử về trụ trì chùa Giác Hải, tại xóm Chợ Gạo, làng Tân Hòa Đông (Phú Lâm). Năm 1893, sư được suy cử làm Yết Ma-A-xà-lê tại giới đàn chùa Giác Viên.  Năm 1909, sư được thỉnh làm pháp sư khi trường Hương mở tại chùa Long Quang, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1912, tại Tổ đình Giác Lâm mở trường Hương, sư được thỉnh làm pháp sư. Năm 1919, sư được mời làm pháp sư trường Hương ở chùa Vĩnh Tràng do Thiền sư Chánh Hậu lập nên. Năm 1920, làm pháp sư ở trường Hương chùa Bửu Long tại Vũng Liêm, Vĩnh Long.

Từ năm 1920-1925, xây dựng chùa Thiền Lâm ở Gò Kén, Tây Ninh. Năm 1926, đạo Cao Đài ở Tây Ninh mới thành lập, chưa có cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo thì sư mở rộng lòng cho Cao Đài mượn chùa Thiền Lâm để lập đàn, cầu cơ giáng bút trong thời gian ngắn.

Nhờ ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa sau cách mạng Tân Hợi (1911) do Đại sư Thái Hư chủ xướng, ở Việt Nam cũng dấy lên phong trào chấn hưng Phật giáo nhằm xóa bỏ các tệ đoan. Thời gian từ 1911 đến năm 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ phát triển nhờ cuộc vận động tích cực của các vị cao Tăng thạc học, Thiền sư Từ Phong cũng tham gia nhiều tổ chức giáo dục Phật giáo. Công việc lúc bấy giờ là do chỉnh đốn Tăng đồ, xiển dương Phật học.

Trong mục Vài nét sơ lược về cuộc vận động chấn hưng, một sử gia nhận định : “ Vào khoảng 1920, tuy tình trạng Phật giáo ở đất Việt không có gì sáng sủa, nhưng rải rác trong xứ vẫn còn những vị cao tăng duy trì mệnh mạch của Phật pháp. Ở trong Nam có Thiền sư Từ Phong duy trì đạo tràng Giác Hải ở chợ lớn, mở lớp giảng giải Phật pháp cho tăng sĩ trong vùng : tổ chức khắc bản in kinh và khuyến khích việc phiên dịch kinh Phật ra quốc ngữ. Từ năm 1922, Thiền sư đã cho xuất bản bộ Quy Nguyên trực chỉ do ông tự tay phiên dịch ra quốc ngữ. Chùa Tiên Linh ở Bến Tre cũng là một đạo tràng có uy tín, nơi đó có Thiền sư Khánh Hòa chủ trì giảng dạy Phật pháp cho chư tăng quy tụ học đạo với ông.

Năm 1920, sư Từ Phong cùng Hòa thượng Khánh Hòa trụ trì chùa Tiên Linh thành lập “ Hội Lục hòa”, hay còn gọi là “ Lục Hòa liên hiệp” để đoàn kết chư Tăng trong các ngày giỗ kỵ và tìm phương thức xiển dương Phật học.

Năm 1931, hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học thành lập, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (149 đường Douamont, Sài Gòn). Thiền sư Từ Phong chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm Chánh hội trưởng. Năm sau, hội ra mắt Tạp chí Từ bi âm, gây tiếng vang lớn trong giới học giả thời bấy giờ nhờ những cây bút cội cán như Thiền sư Bích Liên, Liên Tôn, Chánh Tâm..

Năm 1933, Liên đoàn học xã được thành lập ở Nam kỳ để đào tạo Tăng tài, Thiền sư Từ Phong được mời giảng dạy Tăng Ni ở các Phật học đường lúc ấy.  Năm 1934, Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập. Hội này mở Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh để đào tạo Tăng Ni, Thiền sư Từ Phong cũng tham gia giảng dạy và giữ chức Đại đạo sư. Các vị Hòa thượng nổi tiếng sau này như Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, Quảng Liên… cũng xuất thân từ Phật học đường này.

Năm 1938, Thiền sư Từ Phong viên tịch tại chùa Thiền Lâm (Tây Ninh), thọ 74 tuổi. Đồ chúng xây tháp thờ tại chùa Thiền Lâm (Tây Ninh) và chùa Giác Hải (Sài Gòn) để ghi nhớ một vị Thiền sư suốt đời phụng sự đạo pháp, chấn hưng Phật học, đào tạo Tăng tài, góp phần duy trì mạng mạch Phật giáo trong thế kỷ 20.

Các tác phẩm để lại cho đời gồm có : Quy Nguyên trực chỉ diễn nghĩa, Tông kính yếu ngữ lục, Phát Bồ đề tâm văn diễn nghĩa lưu hành rộng rãi lúc bấy giờ. Quy Nguyên trực chỉ diễn nghĩa, Tông kính yếu ngữ lục in bằng bảng kẽm. Riêng tác phẩm Phát bồ đề tâm văn diễn nghĩa có hai bản : một bản chép tay và một bản khắc in.

Việc diễn nghĩa kinh Phật sang chữ Nôm giúp ích rất nhiều cho hàng hậu học, nhất là những nhà nghiên cứu kinh điển từ Hán văn sang Việt văn: Ngày nay nếu ai đã đọc phần chữ Nôm của kinh này đều phải nhận công đức của Thiền sư Từ Phong đối với Phật pháp. Tuy chữ Nôm không còn thích hợp với quốc văn ngày nay, nhưng nó cũng giúp rất nhiều trong công việc phiên dịch.

          {]{

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI VÀ NGUYÊN NHÂN SUY ĐỒI CỦA ĐẠO PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét