BA LỄ HỘI LỚN TRONG MỘT NĂM
Trong Phật giáo có ba lễ lớn trong một
năm, đó là lễ cầu an rằm tháng Giêng, lễ Phật đản rằm tháng Tư và lễ Vu lan rằm
tháng Bảy.
Lễ
thường đi đôi với hội nên gọi là lễ hội; lễ là phần nghi thức, hội là phần vui
chơi, giải trí nên gọi là hội, thường gọi là lễ hội. Trong các lễ lớn, người ta
có tổ chức các việc vui chơi giải trí như : Văn nghệ, triển lãm, xe hoa, cơm
chay búp phê v.v…
Trong
ba lễ có hai lễ số lượng người tham dự đông nhất là lễ cầu an đầu năm và lễ Vu
lan rằm tháng bảy. Những người tham dự gồm các thành phần đã quy y và chưa quy
y họ đều tham dự vào hai lễ hội này. Vì lễ hội đầu năm, là lễ cầu an, nhương
sao giải hạn, với tâm lý cầu an, mong cầu tai qua nạn khỏi, làm ăn thịnh vượng
phát đạt trong một năm, với tâm lý đó nhắm đúng vào sự ước mong của mọi người,
nên những người có đạo hay không có đạo họ đều tham dự ghi tên cầu an nhương sao giải hạn đầu năm. Với tâm lý có
cung nên có cầu, nên các chùa đều tổ chức lễ cầu an đầu năm. Còn lễ hội Vu lan rằm tháng bảy, nội dung lễ
Vu lan nói lên hiếu đạo, lòng tri ân và báo ân của những người con có cha mẹ
ông bà đã quá vãng. Với tâm lý muốn được báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của
cha mẹ ông bà, nên mọi người ai cũng có tâm trạng muốn cầu cho cha mẹ ông bà được
siêu thoát. E sợ ông bà ở nơi cõi âm bị thiếu thốn cô đơn lạnh lẽo, nên ngoài
việc cầu nguyện còn có sắm sửa thức ăn hoa quả bánh trái cúng lên cha mẹ ông bà
đã mất. Vì thế số lượng tham gia vào lễ hội Vu lan rất đồng nhiều.
Lễ
hội Vu lan nhấn mạnh đạo hiếu là nền tảng đạo đức của dân tộc, nên cần phải
phát huy giá trị đạo đức là đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Sự ảnh hưởng của
lễ hội này không chỉ trong phạm vi các chùa mà còn lan ra trong cộng đồng tín đồ
Phật giáo nói riêng và cả xã hội người Việt nói chung.
Trong
ba lễ hội chúng ta thấy hai lễ hội cầu an rằm tháng Giêng và lễ Vu lan rằm tháng Bảy có sức ảnh hưởng rộng rãi trong
cộng đồng tín đồ Phật tử hơn là lễ Phật đản. Lễ hội rằm tháng Giêng kết hợp với
ngày Tết đã tạo ra một nét văn hóa Phật giáo. Văn hóa đi chùa đầu năm của tín đồ
Phật tử và du khách. Phật giáo duy trì và phát huy nét văn hóa đẹp ấy là đã
đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Ngược lại lễ Phật đản quan trọng nhất đối với
người đệ tử Phật lại ít có sự ảnh hưởng trong cộng đồng tín đồ Phật tử và xã hội.
Số lượng tín đồ về tham dự lễ kỷ niệm Phật đản còn khiêm tốn. Cộng đồng tín đồ
Phật tử tham gia treo cờ Phật giáo tại tư gia, dâng lễ cúng Phật, làm vườn lâm
tỳ ni, tham gia các hoạt động mùa Phật đản chưa tương xứng.
Nguyên
nhân tại sao lễ Phật đản ít người tham dự hơn hai lễ rằm tháng giêng và rằm
tháng bảy. Nguyên nhân tạm gọi là “
cung và cầu”. Dịp rằm tháng Giêng là thời điểm tín đồ cầu an, cầu mua may bán đắt,
cầu tai qua nạn khỏi, cầu bình an, cầu thịnh
vượng cho gia đình trong một năm. Phật giáo đáp ứng nhu cầu đó nên tín đồ về
chùa đông để cầu nguyện.
Vào
dịp rằm tháng Bảy, thì tín đồ có nhu cầu, cầu siêu cho “ cửu huyền thất tổ” nên
nhiều người về chùa để cúng lễ Vu lan, đáp ứng nhu cầu ấy nên các chùa thu hút
được số đông tín đồ Phật tử tham gia. Hơn thế nữa, lễ Vu lan nêu cao tinh thần hiếu đạo, tri ân
và báo ân ông bà tổ tiên nên đã chạm đến trái tim của đa số quần chúng nên họ về
chùa để thấm nhuần tinh thần hiếu đạo ấy. Còn đối với lễ Phật đản, nội dung
chính là để tưởng niệm tri ân Đức Phật bậc thầy của nhân loại. Tinh thần tri ân
và cách giáo hóa để tín đồ tại gia ý thức bổn phận tri ân Bậc Đại đạo sư chưa được phát huy. Do đó, đạo
lý này dù hay vẫn chưa trở thành nhu cầu của tín đồ, nên họ ít đến chùa và tham
dự lễ hội.
Giá
trị của rằm tháng Giêng là đáp ứng nhu cầu cầu bình an và mong ước may mắn thịnh
vượng của tín đồ Phật giáo cần hướng tín đồ thực hành đúng giáo pháp nhân quả Đức
Phật đã dạy. Đó là sự tu tập tạo phước báu chứ không phải là giải trừ sao hạn
theo cách tế lễ.
Giá
trị của lễ Vu lan là đáp ứng nhu cầu của tín đồ về cầu siêu, thực hành đạo hiếu
đối với ông bà tổ tiên và thể hiện tình thương với người thân còn sống cũng như
đã qua đời. Phật giáo hướng dẫn tín đồ tu tập công đức, tạo phước báu qua các
hành động thiết thực để hồi hướng cho tổ tiên, người thân qua đời, sống hiếu thảo
với người còn sống thay vì quá nặng về hình thức cúng kiếng. Khi giá trị của lễ
hội được khẳng định và phì hợp với tinh thần nhân quả thì lễ hội Phật giáo sẽ
không bao giờ lạc hậu và sẽ duy trì được sự ảnh hưởng bền vững của nó đối với
tín đồ , xã hội, bởi nó trở thành văn hóa đạo đức dân tộc.
Vậy
thì giá trị của Đại lễ Phật đản là gì ?
Đó là tinh thần tri ân, uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên, số lượng tín đồ
Phật giáo hiểu đúng giáo pháp khá khiêm tốn thì làm sao họ có thể ý thức bổn phận
tri ân báo ân đối với Đức Phật Thích Ca.
Nếu họ tri ân báo ân có lẽ họ nghĩ đến Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Địa Tạng,
Bồ tát Quan Thế Âm nhiều hơn, vì họ được dạy và tin rằng chính Đức Phật A Di
Đà, Bồ tát Địa Tạng, tiếp độ các hương linh người thân của họ siêu thoát, còn Bồ
tát Quan Thế Âm thì kiêm cả hai và nhất là gia hộ cho họ được bình an trong cuộc
sống khi họ cầu nguyện. Nói cách khác, tín đồ tri ân báo ân những vị đáp ứng
nhu cầu của họ khi họ cần. Do đó, Đại lễ Phật đản sẽ được phát huy giá trị
trong cộng đồng tín đồ khi nào đáp ứng được nhu cầu của họ và sự thích nghi để
đáp ứng nhu cầu của tín đồ. Làm sao để tín đồ thấy được nhu cầu đó.
Ai
cũng dễ dàng nhận thấy Đại lễ Phật đản ít phổ biến, ít người hưởng ứng tham gia
so với lễ Giáng sinh. Một tín đồ Phật giáo muốn có những hình ảnh, biểu tượng
liên quan đến Đức Phật tại các nơi công cộng để lễ Phật đản được nhiều người biết
đến. Tuy nhiên, khi so sánh và mong muốn lễ hội Phật giáo phổ biến thì chúng ta
phải biết bản chất của mỗi lễ hội tôn giáo để từ đó phát huy thế mạnh của nó mà
thu hút tín đồ tham gia. Với lễ Giáng sinh, sự lan tỏa của nó không chỉ dừng lại
nơi phạm vi tôn giáo mà còn vươn sang những lãnh vực như vui chơi giải trí, mua
sắm và hưởng thụ. Cái yếu tố phi tôn giáo và sự đáp ứng nhu cầu hưởng thụ là động
lực đưa đẩy dòng người đến với lễ hội ấy bất kể họ thuộc tín đồ tôn giáo nào.
Còn đối với lễ hội Đại lễ Phật đản, bản chất của lễ hội là sự tu tập chuyển hóa
chứ không phải đáp ứng nhu cầu giải trí hưởng thụ. Do đó, giới trẻ ít tham gia
là điều có thể sau luận ra.
Hơn
nữa, hình thức tổ chức Đại lễ Phật đản đôi khi tạo sự nhàm chán. Việc nghe giới
thiệu dài dòng thành phần tham dự, giới thiệu tặng hoa, nghe đọc thông điệp, diễn
văn, phát biểu và cuối cùng là nghi thức đơn điệu khó đi vào tâm can tín đồ Phật
tử. Vậy giá trị nào của lễ hội có thể
làm động lực đưa tín đồ đến với lễ hội ?
Nếu lễ Phật đản có thể cung cấp một khóa tu để cho tín đồ hiểu giá trị đạo
Phật, một chương trình văn nghệ đặc sắc nói về sự hy sinh của Đức Phật, một hoạt
động thiết thực như tặng quà Phật đản, một buổi tưởng niệm tri ân làm nổi bật sự
vĩ đại của Đức Phật về đức tính từ bi, trí tuệ, dấn thân phụng sự…và nhiều chương
trình thiết thực phù hợp với thời đại khác thì tín đồ và quần chúng mới tìm đến để học hỏi và trải
nghiệm. Các chương trình do Đại Tăng thực hiện có năng lực mầu nhiệm khác với
buổi thuyết giảng chỉ nêu lý thuyết. Đó
là điều cốt lõi của Phật giáo và điều đó đang thiếu. Khi giá trị của đại lễ được
củng cố cộng thêm hình thức mang tính hội, giải trí nữa thì tự nhiên tín đồ sẽ
đến với lễ hội như họ đến với lễ Noel vậy. /.
(Trích NSGN số 289 tháng 4/2020. Ảnh hưởng của lê hội Phật giáo đối với tín đồ và xã hội. Thích Hạnh Chơn )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét