Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO



         Để hiểu rõ về một tôn giáo rất khó và nắm về tinh hoa của tôn giáo lại càng khó hơn. Tín ngưỡng tôn giáo đã có mặt rất lâu có từ thời nguyên thủy, và có rất nhiều loại tôn giáo và tập tục tín ngưỡng, không thể nào hểu hết được. Tín ngưỡng gồm có tín ngưỡng nhân gian tập tục và tín ngưỡng tôn giáo.
         Nói về tôn giáo thì có Giáo chủ, giáo lý, nghi thức và giáo dân. Còn tín ngưỡng nhân gian thì đối tượng niềm tin có khi là con vật, hòn đá gốc cây v.v...  không có giáo lý và chỉ có nghi lễ mà thôi. Dù là tín ngưỡng nhân gian hay tín ngưỡng tôn giáo, đối với các thành phần trí thức trong xã hội hiện đại, đương nhiên không ít người là tín đồ của tôn giáo, nhưng thực sự cũng có rất nhiều người không ưa thích tôn giáo. Trên thực tế, văn hóa của nhân loại hoàn toàn từ tôn giáo mà ra. Mỗi một sinh hoạt hằng ngày của con người ngày nay, mặc dù không có cảm nhận về tâm lý tôn giáo, nhưng cũng khó mà không mang dấu ấn của các hiện tượng tôn giáo. Những tác phẩm văn học xa xưa nhất, vĩ đại nhất của thế giới, như  Sử Thi Homer của Hy Lạp, văn học Veda của Ấn Độ, Kinh Dịch của Trung Hoa, Cựu Ước của người Do Thái… không tác phẩm nào không phải là sản vật của tôn giáo. Nghệ thuật kiến trúc kỳ vĩ thời xưa được thể hiện ở ngay nơi tại cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Những tác phẩm điêu khắc và tranh tường sớm nhất, nổi tiếng nhất cũng đều là di sản của tôn giáo. Môn hóa học phát triển từ thời cận đại có nguồn gốc từ thuật luyện kim của tôn giáo cổ (ở Trung Quốc là thuật luyện đan). Thiên văn học cận đại cũng thoát thai từ sự sùng bái chiêm tinh trong tín ngưỡng tôn giáo. Và các loại nghi lễ của con người ngày nay, từ tổng thống tuyên thệ nhậm chức cho đến cá nhân tuyên thệ kết hôn, từ thành kính chào cờ đến bắt tay, cúi chào nhau, từ bắn súng chào trong quân đội đến giơ tay chào trong nhân gian, từ lễ thắp đuốc ở các sân vận động đến lễ phục của những cô dâu xuất giá, cùng tất cả lễ nghi, lễ tiết trong xã giao, không một nghi lễ nào là không bắt nguồn từ tôn giáo cổ đại. Tuy đa số đã được cải tiến và đơn giản hóa, nhưng vẫn còn đó mối quan hệ với những nghi lễ của tổ tiên chúng ta, ví dụ giữa cái cúi chào ngày nay và quỳ lạy ngày xưa, cũng chỉ như sự khác biệt giữa 50 bước và 100 bước mà thôi.

I. Phạm vi của Tôn giáo học.

-         Định nghĩa: Từ “ Tôn giáo”  rất khó định nghĩa chính xác, cái nghĩa “lấy đạo thần thánh để giáo hóa nhân dân ” mà thiên Hệ Từ trong Kinh Dịch đã nói có lẽ sát nghĩa nhất với từ này
         Do đó, hai chữ  “Tôn giáo ”đem dùng cho Phật giáo thật không thích hợp, vì Phật giáo từ trước đến nay chưa từng kết hợp hai chữ này lại với nhau để sử dụng. Nếu theo lập trường của Thiền tông, giáo không dùng ngôn từ gọi là “tôn”, mượn từ để làm rõ tôn gọi là “giáo” cách dùng này hoàn toàn khác biệt với hàm nghĩa của từ “Riligion ”. Tôn giáo là sự sùng bái đa thần hoặc nhất thần hay sùng bái tự nhiên của loài người thời nguyên thủy. Nhưng tất cả tín ngưỡng của nhân loại đều có một nguyên tắc chung: Bất luận tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy  hay tín ngưỡng tiến hóa sau này đều có mục đích giống nhau là tìm cầu sự an ủi. Vì thế tuy  các tôn giáo cao cấp, đứng trên lập trường của mình, đều không muốn tự nhận mình là tôn giáo, nhưng tất cả các nhà tôn giáo học, xuất phát từ thái độ nghiên cứu của họ, vẫn đưa tất cả những tín ngưỡng tìm cầu sự an ủi vào trong phạm vi của tôn giáo.
         Nói khái quát, những đạo lý căn bản mà người ta tin tưởng và đem ra truyền dạy cho nhiều người chính là tôn giáo. Nếu vậy, tất cả các trường phái học thuật đều có thể gọi là tôn giáo, cho đến chủ nghĩa duy vật chống tôn giáo cũng nằm trong định nghĩa về tôn giáo. Ý nghĩa thường dùng để chỉ tôn giáo không hẳn là như thế.
         Sự ra đời của tôn giáo bắt nguồn từ sự thật tâm lý hoặc kinh nghiệm. Sự thật này biểu hiện trong quá trình lịch sử của nhân loại, làm hình thành nên ý thức tôn giáo của dân gian hoặc của xã hội Vì vậy, điều đầu tiên mà những nhà nghiên cứu lịch sử tôn giáo từ xưa đến nay phải chú ý tới là ý thức tôn giáo được cấu thành từ những sự thật tâm lý. Sự thay đổi ý thức tôn giáo chính là sự tiến hóa của tư tưởng tôn giáo.
         Ý thức tôn giáo xuất phát từ nhu cầu tâm lý rộng lớn và phức tạp của con người. Khái niệm về ý thức tôn giáo trừu tượng này, khi biểu hiện ra đời sống thực tế của nhân gian sẽ trở thành sự thực tôn giáo, đó là những yếu tố có giá trị của đời sống con người như nghệ thuật, đạo đức và kinh tế.
         Định nghĩa về tôn giáo không dễ dàng gì, nhưng cũng có nhiều học giả từng làm việc này, trong đó được sử dụng nhiều nhất là định nghĩa của Edward B. Tylor và James G. Frazer. Tylor nói rằng, định nghĩa hẹp nhất của tôn giáo là “tín ngưỡng vào sự tồn tại của quỷ thần”. Thuyết này tuy nêu lên được thái độ và đối tượng của tôn giáo, nhưng chưa nói đến hành vi (nghi thức) của tôn giáo. Đồng thời, sùng bái quỷ thần cũng chỉ là một trong những loại tôn giáo nguyên thủy, không thể khái quát toàn bộ tín ngưỡng tôn giáo. Frazer thì nói rằng, tôn giáo là “thủ tục hòa giải đối với quyền lực thống trị tự nhiên và đời sống con người của các đấng siêu nhiên”. Thuyết này đã bổ khuyết cho thuyết trên, nhưng vẫn còn chưa được hoàn hảo. Robert R. Marett cho rằng tốt nhất là dùng từ “thần thánh” để thuyết minh về đối tượng của tôn giáo. Từ này phạm vi rất rộng, có thể bao gồm cả siêu nhiên hoặc tự nhiên, quỷ thần hoặc phi quỷ thần, tôn giáo hoặc ma thuật. Do từ “thần thánh” hàm chứa những ý nghĩa như: cấm kỵ, thần kỳ, bí mật, có khả năng và quyền lực, linh hoạt, cổ xưa … nên có người cho rằng, định nghĩa tôn giáo đơn giản nhất, nên chọn lấy thuyết “thần thánh” của Marett.
- Nguồn gốc của tôn giáo:
         Nhu cầu về tín ngưỡng tôn giáo ra đời cùng với sự xuất hiện của loài người, Vì sao con người lại có nhu cầu tín ngưỡng này? Thông thường các nhà học giả đều cho rằng tôn giáo bắt nguồn từ tâm lý sợ hãi của con người. Thuyết này bắt nguồn từ câu nói của triết gia La Mã Lucretius rằng: “ các vị thần  đầu tiên được tạo ra từ nỗi sự hãi”. Cùng một quan niệm đó, triết gia người Anh Thomas Hobbes (1588- 1679) cho rằng: “ sợ hãi những sự vật vô hình là mầm mống tự nhiên của tôn giáo”. David Hume (1711-1776) cũng đồng ý với cách nói này.
         Tính tàn phá khó lường của các sức mạnh ngoại tại làm sinh ra nỗi sợ hãi nơi con người, do tâm lý sợ hãi này, con người bèn tưởng rằng có một hoặc nhiều nhân vật quyền uy và vô hình đang nắm giữ nhân loại, trừng phạt nhân loại và gây tai họa cho nhân loại. Một số nhà tiên tri nghĩ rằng có thể cầu nguyện sự khoan thứ từ những nhân vật này bằng cách kính lễ và cúng tế. Việc dùng tâm lý con người để xét đoán đã làm cho nhân vật đầy quyền năng này trở nên có hình dạng giống người và thông hiểu được lòng người. Việc thỉnh cầu và đền đáp giữa con người với con người đã chuyển thành việc cầu xin và tạ ơn của con người đối với đấng siêu nhiên bất khả tri. Hai việc này chính là nguồn gốc của niềm tin tôn giáo và nghi thức tôn giáo.
         Giddings cho rằng tôn giáo khởi nguyên từ những “thực thể vô cùng đáng sợ ”, và rằng những quan niệm tôn giáo đầu tiên chỉ là mớ ý niệm mơ hồ, sau đó dần dần được phân hóa rõ nét. Người nguyên thủy lúc đầu chỉ tin vào thực thể vô cùng đáng sợ, sau mới biển đổi thành những tín ngưỡng sùng bái cụ thể, ví dụ như sùng bái quỷ thần.
         Tylor lại cho rằng ngọn nguồn của tôn giáo là “ quan niệm vô hạn”. Khi loài người đối phó với môi trường sống xung quanh mình, do năng lực của loài người không thể so sánh được với sức mạnh của tự nhiên, nên đã nãy sinh ra quan niệm vô hạn và tín ngưỡng sùng bái sức mạnh đó.

1- Sùng bái tự nhiên:

        Tri thức của con người thời nguyên thủy chưa được khai mở, không hiểu biết gì về sự vận hành, biến đổi của thế giới tự nhiên, nên tự cảm thấy mình quá nhỏ bé, trong khi sức mạnh tự nhiên thì quá vĩ đại, khó lường. Sự sùng bái những sức mạnh này làm sản sinh ra hàng loạt các vị thần tự nhiên mô phỏng theo hình dáng con người, chẳng hạn như: những người sống gần núi thấy núi cao lớn sừng sững liền nghĩ ra thần núi, những người sống gần biển thấy biển rộng mênh mông bát ngát liền nghĩ ra thần biển, nơi không có núi và biển thì sinh ra thần đất, nơi nào có nhiều gió thì sinh ra thần gió. Tóm lại, sự xuất hiện của các thần tự nhiên có quan hệ với hoàn cảnh địa lý ở mỗi nơi.
        Những đối tượng trong tự nhiên được người nguyên thủy tín ngưỡng nhất gồm có các loại như sau:

 2- Sùng bái đất:

  Thời nguyên thủy, con người xem đất là một sinh vật, thổ nhưỡng là da thịt của đất, nham thạch là xương cốt của đất, sông suối là mạch máu của đất và không khí là hơi thở của đất. Vì đất có thể sinh dưỡng vạn vật nên được gọi là “mẹ đất”. Đã có mẹ ắt phải có cha. Người ta bèn liên tưởng đến và gọi bầu trời trùm trên mặt đất là “cha trời”. Mẹ đất sinh ra và nuôi lớn vạn vật là nhờ ân huệ của cha trời. Tại Trung Quốc, quan niệm “mẹ đất, cha trời” biểu hiện ở tín ngưỡng càn khôn, âm dương. Có thể nói, đây là quan niệm căn bản của người nguyên thủy. Nó được thể hiện bằng những thần thoại nhân cách hóa, nên các đạo lý lớn lao về trời đất, âm dương đều được ra đời phỏng theo quan niệm của con người về việc giao hợp nam nữ. Các dân tộc Hy lạp, La Mã, Ấn Độ.. có một loại tín ngưỡng tôn giáo rất kỳ lạ, đó là “ sùng bái cơ quan sinh dục”. Họ lấy những khối đá tự nhiên trông giống như cơ quan sinh dục của người nam và người nữ đặt trong điện thờ để lễ bái. Do tín ngưỡng sùng bái cơ quan sinh dục là kết quả tất nhiên của ý tưởng nhân cách hóa trời đất, tức lấy bộ phận sinh dục của người nam tượng trưng cho cha trời và của người nữ tượng trưng cho mẹ đất, nên bản thân tín ngưỡng này không những không có chút ý nghĩa dâm ô nào, mà trái lại còn mang đạo lý vô cùng trang nghiêm.
3-Sùng bái nước:
Nước là thứ không thể thiếu đối với tất cả sinh vật, nhưng nước cũng là thứ có thể chảy tràn khắp nơi, gây nên lũ lụt, nhận chìm mọi vật. Vì vậy, nó được người nguyên thủy xem là “thần thánh ” và “thần bí ”. Suối thánh, giếng thần, nước thánh… đâu đâu cũng có. Việc Bà la Môn giáo xem nước sông hằng là nước thánh hay việc Jesus được làm lễ rửa tội bên bờ sông Jordan… đều có nguồn gốc tín ngưỡng sùng bái nước; người Hy Lạp cổ và người La Mã còn ném sinh vật xuống biển để tế thần biển, người Peru cổ gọi biển là “mẹ biển”, họ sùng bái biển vì xem biển là người cung cấp thức ăn cho mình.

4- Sùng bái đá và núi:

Có những hòn đá mang hình dạng giống với các loài động vật ngẫu nhiên hình thành trong tự nhiên hoặc là di vật do người cổ đại đẽo gọt nên. Người nguyên thủy xem chúng là thần hoặc thánh tích. Tín ngưỡng ấy phổ biến trên toàn thế giới và vẫn còn tồn tại ở cả những tôn giáo cao cấp sau này, ví dụ như người Hồi giáo xem Hòn đá đen ở thành Mecca là thánh vật và đến lễ bái nó. Lịch sử của dân tộc Hy Lạp, La Mã, Do Thái, Mexico và các dân cổ đại khác đều co ghi chép về tín ngưỡng sùng bái đá.
 Còn về sùng bái núi, lễ cúng lớn nhất của Trung Quốc cổ đại là lễ cúng núi Thái Sơn do đích thân hoàng đế chủ trì. Người Ấn Độ  xem dãy núi Himalaya là cái trục của thế giới, các vị thần đều ngự ở trên đó. Người ta quan niệm rằng ở trên núi là nơi ngự trị của các bậc thần tiên, cho nên người ta sùng bái núi.

 5- Sùng bái lửa:

        Người nguyên thủy không biết tạo ra lửa, Lửa trong tự nhiên, như lửa từ sấm sét hay từ núi lửa, đối với họ đều rất đáng sợ, vì lửa có thể nuốt chửng tất cả sinh vật. Tình cờ phát hiện ra xác thú vật được lửa nướng chín thơm phức còn sót lại sau các đợt cháy rừng, người nguyên thủy liền cho rằng lửa là một sinh vật sống có thể ăn thịt các sinh vật khác, thậm chí cho rằng lửa là thần linh, tín ngưỡng thờ lửa bắt đầu từ đó. Thời Phật còn tại thế ba anh em ông Maha Kassapa, đại đệ tử của Phật, vốn là ngoại đạo thờ lửa, người Hy Lạp cổ trong mỗi gia đình phải giữ một ngọn lửa cháy sáng mãi để thờ nữ thần bếp lửa. Những người Ấn Độ thuộc chủng tộc Brahmana (Bà la môn) cũng không dám dùng miệng để thổi tắt lửa.

 6- Sùng bái mặt trời, mặt trăng và các vì sao:

Sự xoay vần tiếp nối của ngày và đêm là điều làm cho người nguyên thủy kinh ngạc nhất. Có thể nói rằng, sợ bóng tối là nỗi sợ hãi bẩm sinh của con người. Đêm tối làm cản trở hoạt động của con người, nhưng lại giúp ích cho nhiều sinh vật khác, vì vậy nó được xem là thần bí. Có ánh sáng, con người mới có thể hoạt động. Ánh sáng là ân huệ, nên con người sùng bái mặt trời chiếu sáng ban ngày, cùng mặt trăng và các vì sao chiếu sáng ban đêm. Nước Anh cổ từng dựng một cột đá lớn để tế mặt trời, còn lập cả tế đàn để cúng thần mặt trăng. Nhưng ở những nơi hạn hán thì mặt trời trở thành vật đáng sợ, cư dân nơi đó chỉ sùng bái thần mặt trăng.
  Tín ngưỡng sùng bái mặt trời rất phổ biến: như dân tộc Yamato ở Nhật Bản tự cho mình là con của thần mặt trời, đến tận ngày vẫn còn lấy mặt trời tượng trưng cho quốc gia của mình.
  Tín ngưỡng sùng bái sao cũng thấy có ở khắp nơi trên thế giới. Những nhà thiên văn học đầu tiên chính là một số chiêm tinh gia mang đậm nét tôn giáo. Họ có thể dự đoán điềm lành dữ của con người, độ thọ yểu của tuổi tác, sự tốt xấu của thời tiết hay điều may xui của số mạng từ sự vận hành của các vì sao. Việc lễ bái sao Bắc Đẩu của Đạo giáo Trung Quốc chính là tín ngưỡng sùng bái sao. Người Chaldea và người Do Thái xưa cũng kết hợp thuật chiêm tinh và tín ngưỡng sùng bái sao làm một, họ xem các vì sao là nơi ở của các thần linh. Khi Jesus ra đời, có truyền thuyết rằng một ngôi sao đã dẫn đường cho ba vị đạo sĩ Ba Tư đến bái kiến con của Chúa. Ở nhiều nơi, sao băng thường bị xem là điềm báo của tai họa. Người da đen ở châu Phi thì cho rằng sao băng là những thầy phù thủy đã chết quay lại để gây tai họa cho họ.

7- Sùng bái động vật:

Động vật nói ở đây đồng nghĩa với từ “animal” trong tiếng Anh, không bao gồm con người trong đó. Người nguyên thủy cảm thấy hoảng sợ trước các loài động vật to khỏe và cảm thấy kỳ lạ trước các loài động vật có khả năng thích ứng với môi trường tự nhiên hơn mình. Vì loài người có rất nhiều điểm không bằng động vật, nên mới nảy sinh ra tín ngưỡng sùng bái động vật.
  Những thần linh mà các dân tộc phụng thờ khác nhau tùy theo từng hoàn cảnh, các loài động vật được sùng bái cũng khác nhau tùy theo từng địa phương. Ví dụ, đối tượng sùng bái của dân tộc phương Bắc là sói và gấu, còn các dân tộc phương Nam là sư tử, voi, hổ, cá sấu v.v.
Các loài động vật mà người Ai Cập cổ sùng bái rất đa dạng, chẳng hạn như bò, rắn, mèo, chim ưng, cá sấu … Người Ấn Độ thì sùng bái cả chim, thú lẫn các loài bò sát, trong đó được tôn sùng nhất là bò, rắn, chim ưng và vượn; đặc biệt, bò đực ở xứ Ấn Độ được xem là loài động vật vô cùng thiêng liêng. Phần đông các nước trên thế giới nơi đâu cũng có sự sùng bái động vật trên khô cũng như dưới nước như chó, rắn, chim, gấu, cá sấu v.v. có xứ kiên kị cá không vảy là động vật mang lại sự xui xẻo, có loại cá cấm không được ăn   .
Trong các loài động vật được con người sùng bái thì rắn là loài thường thấy nhất. Như Kinh Sáng Thế Ký trong bộ kinh Cựu Ước của Do Thái giáo lấy rắn làm kẻ thù số một của loài người. Lại có nơi thờ rắn, nuôi rắn như ở Malaysia có một đền thờ rắn, ở đây có rất nhiều rắn độc, nhưng chúng không hề cắn người. Hiện nay còn tìm thấy phong tục sùng bái rắn ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Trung Quốc rắn cũng thường được xem là loại động vật thần thoại.

8- Sùng bái thực vật:

Sự đâm chồi vào mùa xuân, sự sinh trưởng trong mùa hạ, sự héo tàn trong mùa thu và sự ẩn tàng trong mùa đông, những biểu hiện của sức sống và thích nghi với khí hậu của thực vật đã khiến người nguyên thủy cho rằng chúng cũng có linh hồn chủ tể và cũng có tình cảm, ý chí giống con người. Một số loài thực vật có chứa chất dịch đặc thù có thể làm cho con người bị say hoặc trúng độc, nên cũng được con người rất kính sợ. Ví dụ tên thần rượu Soma của Ấn Độ, vốn tên của một loài cỏ dại, cỏ này có thể nấu rượu, người ta dùng rượu đó để tế thần nên Soma đã trở thành tên của thần.
Những cây cổ thụ to lớn, trang nghiêm thường được con người xem như thần thánh và nhân cách hóa cho giống con người. Thần cây hoặc cây thần đều có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới. Cây thần có thể trị bệnh, có thể nói chuyện với người, thậm chí hóa thành người để yêu đương và kết hôn với người. Trong truyền thuyết còn có cả chuyện người sống biến thành cây nữa.
Người Thái Lan trước khi chặt cây phải cúng bánh và gạo cho cây. Trong Tạng Luật của  Phật giáo quy định một Tỳ kheo muốn chặt cây phải xin phép cây trước, điều luật này bắt nguồn từ phong tục xưa của Ấn Độ.
Theo quan điểm của Phật giáo, phần lớn quỷ thần cư ngụ nơi thân cây cọng cỏ, cỏ cây linh nghiệm không phải là do bản thân cỏ cây mà là nhờ quỷ thần sống nương trên đó. Vì vậy, Phật giáo tuy cũng công nhận sự tồn tại của quỷ thần, nhưng khác với tôn giáo nguyên thủy sùng bái vạn vật, tín đồ Phật giáo chánh tín không sùng bái quỷ thần./.

9- Sùng bái vật tổ:

Sùng bái vật tổ là một trong những hình thái tôn giáo nguyên thủy. Về ý nghĩa của nó, Frazer nói: “Vật tổ là một loại vật tự nhiên nào đó mà những người hoang dã cho rằng mỗi vật như vậy đều có quan hệ mật thiết và đặc thù với họ, vì thế họ sùng kính nó một cách mê tín”.
Reinach thì nói cụ thể hơn: “Vật tổ chỉ cho một loại động, thực vật, hoặc vật vô sinh nào đó mà người trong các thị tộc phụng thờ làm tổ tiên, người bảo hộ hay người làm biểu tượng cho sự đoàn kết của họ ”.
Những vật được tôn làm vật tổ tuy không hạn chế nhưng thực tế thì phần nhiều là động thực vật. Ví dụ như trong 500 vật tổ của thổ dân miền Đông Nam châu Úc, chỉ có 40 thứ không phải là động, thực vật, như: mây, mưa, sương, ráng, mặt trời, mặt trăng, gió, mùa thu, mùa hạ, mùa đông, ngôi sao, tiếng sấm, lửa, khói, nước, núi, biển v.v...
  Vật tổ là chỉ toàn bộ chủng loại, chẳng hạn như lấy chuột túi làm vật tổ, thì chỉ toàn  bộ loài chuột túi, không phải chỉ một con đơn lẻ nào. Khi lấy một loài vật nào đó làm vật tổ, thường thì người ta sẽ không dám giết hại hoặc ăn thịt loài vật ấy. Chỉ trong hoàn cảnh đặc biệt, như cử hành nghi thức tôn giáo, hoặc loài ấy là động vật nguy hiểm, hoặc trừ vật tổ ra không còn vật gì khác để ăn được, mới giết vật tổ ăn thịt. Có một dân tộc ở miền Bắc Nhật Bản đến nay vẫn còn tổ chức giết gấu như là một nghi thức tôn giáo trang nghiêm.
Người nguyên thủy xem việc giết vật tổ ăn thịt là nghi thức tôn giáo thiêng liêng. Cơ Đốc giáo đến tận ngày nay vẫn cử hành  Tiệc Thánh, “ăn thịt và uống máu của Jesus” (Trong bửa ăn cuối cùng trước khi bị đóng đinh lên thập tự giá, Jesus lấy bánh, bẻ ra, phân phát cho các các môn đồ và nói rằng: “Này là thân thể của ta”, rồi lấy rượu đưa cho họ và phán rằng: “Này là máu của ta”. Lại còn căn dặn: “Hãy làm điều này để nhớ đến ta”. Cho nên ngày nay, tín hữu Cơ Đốc giáo cử hành Tiệc Thánh hằng năm để tưởng nhớ Jesus theo những việc mà ông đã làm trong bữa ăn tối cuối cùng đó). Mối quan hệ giữa việc làm này với tín ngưỡng sùng bái vật tổ rất rõ ràng. Nhưng, người nguyên thủy cũng phải làm cho vật tổ của bộ tộc mình sinh sôi nấy nở để làm thức ăn cho bộ tộc khác, hai bộ tộc ăn thịt vật tổ của nhau là điều không bị cấm đoán.
Người châu Mỹ và châu Úc, những nơi khác cũng có dấu tích của tín ngưỡng sùng bái vật tổ. Người Bechuana ở miền Nam châu Phi phân chia thành tộc cá sấu, tộc cá, tộc khỉ, tộc bò, tộc voi, tộc nhím, tộc sư tử, tộc cây leo… Mười hai con giáp của người Trung Quốc đều là động vật, chúng bắt nguồn từ tín ngưỡng của cá dân tộc vùng Trung Á và cũng là dấu tích của tín ngưỡng sùng bái vật tổ. Người Khonds ở Ấn Độ  cũng lấy tên động vật làm tên thị tộc của mình, phân chia bộ lạc gấu, bộ lạc cú, bộ lạc hươu.. Người Dao ở Trung Quốc xem chó là tổ tiên. Người Đột Quyết tự nhận mình là sói. Tất cả đều là một dạng của tín ngưỡng sùng bái vật tổ.
10-Sùng bái linh vật
  Sùng bái linh vật cũng là một dạng sùng bái vạn vật. Đối tượng của nó là những vật vô sinh nhỏ nhặt như: một hòn đá nhỏ, một cành cây nhỏ, một cái nón cũ, một miếng vải rách… Chỉ cần người ta nhìn thấy một vật và trực giác của họ cho rằng nó là linh vật liền đem nó ra cúng tế và cầu nguyện, có linh nghiệm thì tạ ơn nó, không linh nghiệm thì thường là vứt bỏ hoặc hủy hoại. Linh vật tuy được sùng bái nhưng nếu không thể làm người ta toại nguyện thì thường bị người ta ngược đãi, thậm chí đánh đập, tiêu hủy. Việc như vậy rất thường thấy ở những người da đen.

11-Sùng bái tượng:

Sùng bái ngẫu tượng cũng là một trong những hình thái tôn giáo nguyên thủy, có thể là tiến hóa từ sùng bái linh vật. Người ta điêu khắc hoặc đắp nặn tượng của những vật mà họ sùng bái để làm đối tượng thờ phụng. Những vị thần có uy lực cực mạnh thì thường được tạo tượng cực lớn, họ có mình người nhưng có thể mang đầu sư tử, chân hưu, cánh chim… Có người xem tượng là bản thân thần linh, có người xem tượng là chổ thần linh nương nhờ. Người hoang dã phần lớn tin rằng tượng chính là thần linh, tính chất của niềm tin này giống như tín ngưỡng sùng bái linh vật.
Việc sùng bái ngẫu tượng sau này đều bị Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo nghiêm cấm. Phật giáo ngay từ đầu cũng đã không sùng bái ngẫu tượng. Tượng được những người tín ngưỡng sùng bái, nhưng có lúc cũng bị họ trừng phạt. Người da đen khi không được may mắn liền đem tượng mà mình thờ phụng ra đánh; người Trung Quốc gặp lúc hạn hán luôn khiêng tượng thần ra ngoài trời bắt tượng phơi nắng, tăng lữ Bà la môn ở Ấn Độ khi người dân cúng không được nhiều thường dùng xích sắt trói tay chân tượng lại.

12-Sùng bái người sống:

Sùng bái người sống tức là xem một người còn sống nào đó như thần linh để sùng bái. Ở New Zealand từng có một tù trưởng tên là Hougi tự xưng mình là thần. Cựu tổng thống Ghana Kwame Nkrumah, người bị lật đỗ vào năm 1966, tự xưng là Chúa cứu thế. Một vị vua nổi tiếng của đảo Society tên là Tamatoa được nhân dân tôn là thần. Thiên hoàng của Nhật Bản trước đây cũng từng được người dân Nhật bản xem như thần thánh. Người da trắng đến xã hội của người hoang dã lần đầu tiên luôn được họ xem là thần linh. Người da đen Bushmen thì cho rằng người da trắng là con cháu của thần llnh. Người Congo xem thầy phù thủy là thần đất, lãnh tụ của các thầy phù thủy  được xem là thần của toàn cõi.
Tín ngưỡng sùng bái người sống này tiến hóa từ tín ngưỡng sùng bái vạn vật. Vạn vật còn có thể được xem là thần linh, thì những nhân vật đặc biệt đang còn sống trong xã hội loài người đương nhiên cũng có thể được xem là thần linh. Jesus tự xưng mình là con trai và cũng là hóa thân của Chúa. Số lượng các lãnh tụ chính trị hoặc tôn giáo ở Trung Quốc và nhiều nước khác tự khoe mình là con trời hoặc con thần thực sự là rất nhiều.

13-Sùng bái vong hồn:

Người nguyên thủy cho rằng tất cả mọi vật đều có linh hồn hoặc sinh khí, con người cũng như vậy. Do đó, sau khi con người chết đi, sức sống sinh khí của con người vẫn còn và nó sẽ biến thành vong hồn. Trong khi ngủ cơ thể con người ngưng hoạt động, thế mà có những cảnh mộng xuất hiện, suy ra ngoài thể xác con người còn có cả linh hồn. Sau khi con người chết đi, linh hồn này trở thành vong hồn.
Từ “linh hồn” đa phần được dùng với nghĩa “hình bóng” trong rất nhiều thổ ngữ. Linh hồn là cái bóng của con người, vong hồn xuất hiện cũng là cái bóng của con người lúc sinh tiền xuất hiện. Có một số người viết tên của kẻ thù lên tượng gỗ, hoặc dùng giấy cắt thành hình người, viết tên kẻ thù của mình lên đó, rồi thi triển chú thuật, làm cho kẻ thù gặp nạn, thậm chí bị chết.
Người ta ai cũng có tâm lý mong muốn mình được sống mãi. Đức tin rằng thân xác bắt buộc phải chết, nhưng linh hồn vẫn luôn tồn tại là một trong những niềm an ủi vượt bậc mà tôn giáo nguyên thủy dành cho tín đồ của mình.
Con người vì sự hạn chế của nhục thể nên phạm vi hoạt động rất nhỏ hẹp, linh hồn sau khi chết không còn bị thể xác trói buộc nữa, tự do hơn rất nhiều, nên có đôi chút thần thông, đây chính là nhân tố dẫn đến việc sùng bái vong hồn. Người ta thích sùng bái những người và vật có sức mạnh lớn, đồng thời thần thánh hóa những người và vật đó. Những anh hùng hào kiệt của nhân loại, sau khi chết đi luôn luôn trở thành đối tượng của tín ngưỡng sùng bái vong hồn. Công giáo và Hồi giáo tôn thờ những Thánh đồ đã chết của họ. Bên dưới bàn thờ của mỗi giáo đường Công giáo La Mã đều phải chôn di hài hoặc di vật của các Thánh đồ. Miếu Khổng Tử, miếu Quan Đế, miếu Ma Tổ… ở Trung Quốc cũng đều là một dạng của tín ngưỡng sùng bái vong hồn.

14-Sùng bái tổ tiên:

Sùng bái tổ tiên có đồng tính chất với sùng bái vong hồn và là loại sùng bái vong hồn thịnh hành nhất. Người có tín ngưỡng này cho rằng, người ta ai cũng có quan hệ mật thiết với con cháu của mình, tuy đã qua đời, nhưng vẫn âm thầm theo dõi, quan sát hành vi của con cháu,  hoặc là phù hộ, hoặc là trừng phạt. Đây là căn nguyên của tín ngưỡng sùng bái tổ tiên.
Người Trung Quốc đặc biệt tôn kính tổ tiên, Nho gia nói tôn kính tổ tiên là để tỏ lòng hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn, chứ không phải để sùng bái vong hồn, vì Khổng Tử lúc còn ở đời không hề nói về những việc trước khi sinh ra và sau khi chết, có vong hồn hay không, ông chẳng quan tâm đến. Thực ra ngay từ thời nhà Ân, người Trung Quốc đã sùng bái vong hồn và cho rằng: “người trở lại làm vong” đây là bằng chứng cho thấy sùng bái vong hồn có trước và khơi nguồn cho sùng bái tổ tiên. Việc này tuy có quan hệ đến lòng hiếu thảo, nhưng không chỉ đơn thuần là xuấ phát từ lòng hiếu thảo.

15- Sùng bái tính dục:

Ở trên đã đề cập đến tín ngưỡng sùng bái bộ phận sinh dục, xem bộ phận sinh dục là vật tượng trưng cho cha trời và mẹ đất. Tiến thêm một bước nữa, từ sự ngợi ca đối với sức sống của con người, người hoang dã đã xem bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ như là nguồn gốc của sự sống, do đó sinh ra tín ngưỡng sùng bái tính dục. Bởi thế, Antei Hiyane nói rằng: “sùng bái tính dục gần như là quá trình tất yếu của sự tiến hóa tôn giáo”. Một nhân tố khác của sùng bái tính dục là do những cuộc chiến tranh giữa các chủng tộc cổ đại với nhau, có thắng có bại, có ưu có liệt, làm cho dân số khi ít khi nhiều. Cho nên, các chủng tộc đều cầu nguyện cho sự sinh sôi của dân số, đối tượng cúng tế của họ chính là thần tính dục, và bộ phận sinh dục nữ đã trở thành biểu tượng của một vị thần tính dục được nhân cách hóa. Đặc biệc, hình thức tế tự của tín ngưỡng này là thực hiện giao hoan giữa người nam và người nữ.
Vì vậy, vào thời cổ đại, ở các nước như Babylon, Hy Lạp, La Mã … thịnh hành cái gọi là “mại dâm thiêng liêng”, tuy những người bán dâm bị bộ kinh Cựu Ước của Cơ Đốc giáo sau này chỉ trích là “đại dâm phụ”, nhưng vào thời bấy giờ người ta không hề cho rằng việc làm của họ là sự dâm loạn xấu xa. Những người bán dâm ấy đều là những nữ tu sĩ được sùng bái đặc biệt, người đàn ông nào “thọ giáo” với họ cũng sẽ trở thành người ủng hộ cho tôn giáo của họ.
Trong Ấn Độ giáo, có một giáo phái tên là Saxhta, phái này chủ yếu sùng bái nữ thần Durga, vợ của thần Shiva. Mật tông Phật giáo về sau chịu ảnh hưởng của phái này, đề xướng ra Du-già Vô thượng Kim cương thừa tu “ Phật mẫu quán”. Làm việc trai gái. Sự sa đọa của các Lạt ma Hồng giáo Tây Tạng từ đây mà ra, sự đồi trụy của các Lạt  ma đời Nguyên  từ đây mà ra, việc bị các học giả Nhật Bản gọi là Mật giáo tà đạo từ đây mà ra, và việc bị các học giả Anh quốc gọi là tông Tantra cũng từ đây mà ra. Đài Loan ngày nay vẫn còn có người tự xưng là thượng sư của Mật thừa, tuyên bố rằng: “ Chúng sanh từ nơi ấy mà đến, vẫn hướng về nơi ấy mà tu” thật chẳng đáng buồn ư !        
{]{

TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét