Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

KHÔNG THAM ĐẮM GIỮA MÊ ĐẮM


KHÔNG THAM ĐẮM GIỮA MÊ  ĐẮM

Hiếu Diệu Lai
Kinh Pháp Cú, kệ số 199, gợi ý về một lối sống sáng suốt và an lạc, nhờ hiểu rõ sự nguy hại của lòng tham và nổ lực nhiếp phục tâm tham dục.
                   Vui thay chúng ta sống,
                   Không rộn (tham) giữa rộn ràng (tham dục)
                   Giữa những người bận rộn
                   Ta sống không rộn ràng.
Rộn ràng hay bận rộn là đồng nghĩa với lòng tham, vì tham hay dục vọng là động cơ khiến cho tâm thức thường xuyên rơi vào dao động và mê loạn, cuộc sống trở nên bận rộn, đời sống thành ra quay cuồng. Tham là rộn ràng, là bận rộn, là quay cuồng, lo lắng và phiền não; Vì vậy, sống không tham tức là sống thanh thản, nhàn hạ, thư thái, an lạc, không phiền muộn. Đó là ý tứ lời Phật khuyên: “ Vui thay sống không tham ” một nếp sống sáng suốt an lạc, được mệnh danh là có trí tuệ, có trí tuệ rộng lớn, bước vào giới vức minh kiến, đầy đủ trí tuệ.
Tham hay tham dục là một hiện tượng tâm lý phát sinh do duyên năm dục trưởng dưỡng, tịnh tướng hay dục giới, tức các đối tượng khả ý, hấp dẫn như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu hay tiền tài vật chất, danh vọng, quyền lực, sắc đẹp khác phái, ăn uống no say, ngủ nghỉ êm ái, tác động vào tâm thức khiến tập quán ham muốn khởi lên và đi đến tăng trưởng. Đó là tâm lý thích thú, mê say, muốn ôm ấp, nắm giữ những gì mình có và khao khát, muốn có được, đạt được, lấy cho được những gì thuộc sở hữu của người khác. Đạo Phật gọi là các tâm lý thích thú và khao khát như vậy là tham, diễn ra theo hai cấp độ, tham dục và tà tham, tức sự diễn tiến lớn mạnh của lòng tham, từ việc thích thú mê đắm những gì mình có (tham dục)  đến việc khao khát muốn chiếm hữu những gì thuộc về người khác (tà tham). Kinh Phật nói rằng thế gian là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho dục vọng, ví dầu trời có mưa xuống bằng tiền vàng thì lòng tham muốn của con người cũng không bao giờ thỏa mãn.
Do tính chất nguy hại khó lường và khó kiểm soát của dục vọng, kinh Phật lưu  nhiều lời dạy của các bậc Giác ngộ cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của lòng tham: “ Cái gì là tham, này các Tỳ kheo, cái ấy là bất thiện. Ai với lòng tham có làm điều gì về thân, về lời, về ý, cái ấy là bất thiện. Với ai có lòng tham, bị lòng tham chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “ Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh; cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh ra từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, khởi lên nơi người ấy”.
“Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Khi tham được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Khi tham dục được đoạn tận, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật trõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi tham dục được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình, như thật rõ biết lợi người, như thật rõ biết lợi cả hai.
Tham, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết bàn.”
Cụ thể hơn, chính lòng tham hay dục vọng là nguyên nhân của lối sống vất vả, lao nhọc, toan tính, lo âu, hy vọng, thất vọng, sầu não, vị kỷ, tranh chấp, chiến tranh, xâm lăng, tàn hại lẫn nhau gữa con người và con người, giữa các dòng tộc, giữa các giai cấp, giữa các quốc gia hay các khối chủ nghĩa, khiến cho thế giới thường xuyên rơi vào khủng hoảng bất an, đời sống nhân loại không ngừng bị đe dọa tướt đoạt; hơn thế, lòng tham còn là động lực đưa đẩy con người rơi vào các số phận hiểm họa sau khi rời khỏi thế giới này.
Nhận thức rõ các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn, các dục là vô thường, trống rỗng, giả dối, thuộc ngu si tánh, là bước đi quan trọng trong tiến trình tu tập, nỗ lực nhiếp phục lòng tham, thực hiện nếp sống giải thoát an lạc. “ Không tham giữa dục vọng ”. Đạo Phật bảo cho mọi người các dục có vị ngọt, có công năng kích động và nuôi lớn lòng tham nhưng cũng lưu nhắc mọi người về sự nguy hiểm của các dục, tức sự lớn mạnh của dục vọng khiến cho con người trở nên mê say mù lòa, không còn tỉnh táo sáng suốt, không phân biệt được đâu là đúng sai, thiện ác, an lạc hay đau khổ, lợi hay hại, rơi vào các việc làm sai trái bất chính, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, tạo phiền não khổ đau cho mình và gây phiền lụy khổ đau cho người khác. Hẳn nhiên, có nhận thức cho thật đúng và rốt ráo về hậu quả nguy hại của các dục thì mới sinh tâm nhàm chán sợ hãi mà kiên quyết rời bỏ và nhiếp phục dục tham. Đây là hướng đi tuyệt đối an lạc mà đạo phật nhất mực đề cao, đồng thời cung cấp các giải pháp thiết thực để cho mọi người dễ dàng thực hiện.
Trước hết, đạo Phật khuyên mọi người mở tâm bố thí như là giải pháp hạn chế và hóa giải lòng tham. Bố thí nghĩa đen là đem cho người khác những gì mình có, một việc làm giúp cho người khác khắc phục được các tình huống khó khăn, tạo lập nhiều công đức thiện cảm giữa con người và con người, nhưng căn bản đó là hành động giúp giải tỏa và đối trị lòng tham trong chính mình. Nếu tham làm cho con người điên đảo khổ não thì bố thí chính là nếp sống giúp cho con người tìm thấy thanh thản an lạc. Bố thí có khả năng đối trị và hóa giải lòng tham bởi bản chất của lòng tham là ích kỷ, hẹp hòi, muốn ôm vào, mong có thêm; trong khi bố thí mang tính chất vị tha, rộng lượng, buông xả, thích chia sẻ. Trong kinh Phật khuyên rằng “ ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẳn sàng để được yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ bố thí ”.
Người con Phật được khuyên sống với tâm hồn luôn luôn rộng mở, cảm nhận nỗi vất vả khó nhọc của người khác mà khởi tâm bố thí rộng rãi, bố thí với bàn tay rộng mở, với tâm ưa thích từ bỏ, sẳn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí. Đó là lẽ sống sáng suốt mang lại nhiều hân hoan thiện cảm cho người khác, đồng thời đem đến cho mình niềm hoan hỷ lợi lạc, cơ bản do đối trị được lòng tham, thoát khỏi các phiền toái sai lầm của tâm lý vị kỷ hẹp hòi.  
Bên cạnh bố thí, đạo Phật cũng khuyên mọi người phát tâm giữ giới, tuân thủ nếp sống thiểu dục tri túc, như là giải pháp nhắm khắc phục và hóa giải lòng tham. Giữ giới hay tuân thủ lối sống thiểu dục tri túc nghĩa là tuân giữ một lẽ sống chân chánh hiền thiện, không bị dục vọng chi phối, tôn trọng sự sống và hạnh phúc của người khác, thẻ hiện qua việc từ bỏ các hành vi hay việc làm sai trái xấu ác như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, uống rượu.
Tham là động cơ của các hành vi sai trái, xấu ác, vị kỷ như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, uống rượu, đưa đến bất hạnh cho mình và gây khổ đau cho người khác; vì vậy, việc giữ giới hay tuân thủ nếp sống thiểu dục tri túc, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu, chính là lẽ sống ly tham, không bị dục tham chi phối, là lẽ sống hạnh phúc an lạc, thoát ly mọi phiền muộn khổ đau.
Trên nền tảng của lối sống phát tâm bố thí và giữ giới, người Phật tử có được nội tâm thanh thản và trong sáng, dễ dàng đi sâu vào đời sống hành Thiền hay phát triển tâm thức, thành tựu các Thiền chứng, thực nghiệm các Thiền lạc, nhờ đó đối trị và hóa giải được lòng tham hay sự mê đắm các lạc thú thế gian. Đây gọi là phương pháp chuyển hóa và nhiếp phục dục tham  nhờ hành Thiền, tức dùng Thiền lạc đối trị dục lạc khiến lòng tham được chặn đứng, được hóa giải.
Đức Phật nói cho chúng ta, sở dĩ Thiền đối trị được tâm tham dục hay lòng ham muốn các khoái lạc vật chất là bởi hành Thiền hay nỗ lực thanh lọc và chuyển hóa nội tâm làm phát sinh các cấp độ an lạc sâu lắng thuộc tăng thượng tâm gọi là “hỷ lạc do ly dục sanh”, “hỷ lạc do định sanh”,  “xả niệm lạc trú”, “xả niệm thanh tịnh”. Chính Thiền lạc hay các cấp độ an lạc thuộc tăng thượng tâm này đưa đến định tâm, mặt khác có khả năng đối trị lòng đam mê dục lạc, tức sự đam mê các thú vui vật chất. Nói cách khác, khi tâm được an trú và trở nên tỉnh thức trên một đối tượng (tùy niệm), không dao động và tán loạn, thì bấy giờ tâm được trong sáng và định tĩnh, các dục vọng hay tham sân si không có cơ hội dấy khởi ám ảnh tâm thức, gọi là tâm đạt được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm (dục vọng, tham, sân, si hay năm triền cái) được đoạn tận.
Như vậy, bố thí, trì giới và hành Thiền là các pháp môn tu tập có công năng đối trị lòng tham, khiến cho dục vọng không có cơ hội dấy khởi và tăng trưởng. Lẽ tất nhiên, ở các cấp độ tu này, lòng tham chỉ mới được ngăn chặn và giảm thiểu phần nào, chứ chưa được hoàn toàn trừ diệt. Sự kiện dứt trừ lòng tham hay dục vọng chỉ xảy ra khi con người nhận ra bản chất  khổ đau của ngũ uẩn và quyết tâm dứt bỏ mọi ý tưởng muốn kéo dài hay cải  thiện hiện hữu. Kinh Trung Bộ nhấn mạnh lòng tham hay dục hỷ là gốc của mọi hiện hữu khổ đau, cội nguồn của sanh tử luân hồi, cần phải liễu tri và đoạn tận. nói cách khác phải có trí tuệ thấu rõ bản chất khổ đau của sự kiện tái sanh trong các cảnh giới sanh tử luân hồi, hiểu rõ tính chất huyễn hoặc của dục vọng thì lòng tham mới hoàn toàn tiêu trừ. Đây chính là biện pháp đoạn tận lòng tham, đưa đến chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi, nhờ hành sâu Thiền định và phát triển trí tuệ.
Tham hay dục hỷ là gốc của luân hồi khổ đau, vì tham làm cho chúng sanh mê mờ mù lòa. “Tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại đi tìm cầu cái bị ô nhiễm”. Do vậy, muốn thoát khỏi khổ đau luân hồi, con người cần phải nuôi dưỡng trí tuệ, nghĩa là: “tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, tự mình bị già… tự mình bị bệnh…tự mình bị chết… tự mình bị sầu…tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Đây chính là tiếng nói của trí tuệ hướng đến dứt trừ lòng tham, là hướng đi của tuệ giác giải thoát Niết bàn.
Nhìn chung, lòng tham hay dục vọng là căn nguyên của mọi bất hạnh khổ đau không ngừng xảy ra cho con người, đời nay và nhiều đời sau, khiến cho con người mãi mãi bị giam cầm trong ngục tù sanh tử luân hồi, không giải thoát, không thanh thản, không an lạc. Tham một chút thì mời gọi phiền não khổ đau một chút, tham càng nhiều thì phiền não khổ đau càng nhiều, càng chồng chất. Vì thế mà bậc Giác ngộ mới khuyên dạy mọi gười học cách sống ly tham, nố lực nhiếp phục tham, để thực nghiệm hạnh phúc an lạc, thoát ly phiền não khổ đau, gọi là “ Vui thay sống không tham”
Người con Phật được khuyên thực hành bố thí, trì giới, tu tập Thiền định và phát triển trí tuệ nhằm từng bước hạn chế, nhiếp phục và đi đến dứt trừ lòng tham. Với lẽ sống có nhận thức sáng suốt và tinh cần tu tập như vậy, người Phật tử, một mặt, tìm thấy tịnh tín hân hoan trong đời sống hằng ngày, mặt khác, làm vơi dần lòng tham, căn nguyên của phiền muộn khổ đau, cho đến lúc hoàn toàn tiêu trừ./.
{]{

KHÔNG THAM ĐẮM GIỮA MÊ ĐẮM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét