Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

NGƯỜI TIN LÀNH ĐỐI VỚI VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM

NGƯỜI TIN LÀNH ĐỐI VỚI VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là truyền thống lâu đời lưu truyền qua nhiều thế hệ tại Việt Nam, nay cần phải xét lại theo cái nhìn của Kinh thánh.
Thờ cúng tổ tiên là một trong những nét độc đáo của người Việt Nam xưa nay, hình thức này đã ăn sâu bén rễ vào trong xương, máu nó đã trở thành một phần của đời sống của người Việt. Nhiều người cho rằng, người ta có thể quên đi một tôn giáo nhưng không thể bỏ đi việc thờ cúng tổ tiên, ông bà. Cho nên đã từ lâu, tai tiếng về đạo Công giáo là đạo bỏ ông bà không thờ cúng đã ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển niềm tin Cô Đốc tại Việt Nam. Điều này cần phải xét lại và hành động cho đúng với nhãn quan Kinh thánh và vừa giữ được nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, đem lại lợi ích cho cả hai và cũng làm cho việc vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.

I. NGUỒN GỐC THỜ CÚNG TỔ TIÊN.

1- Mối quan hệ với người còn sống:

Thờ cúng tổ tiên không phải là tôn giáo. Nó phát xuất từ lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Thành ngữ: Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Ý nói, Làm người phải biết nhớ tưởng đến nguồn gốc của mình, tức nhớ đến cha mẹ, ông bà tổ tiên. Lòng thành thương tưởng đến ông bà cha mẹ. Nước có nguồn cây có cội, các câu thơ nói về công ơn cha mẹ luôn nhắc nhở mọi người như:  “ Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra – Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con ”. Khi người còn sống có mối quan hệ trong cộng đồng với nhau. Quan hệ gia đình thứ tự có anh em, cha mẹ, ông bà và tổ tông… “anh em như thể tay chân”  “Gà cùng một mẹ”. Quan hệ cộng đồng, có bà con xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Trong lúc bệnh hoạn, tai nạn, lúc khó khăn túng thiếu giúp nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Phần đông các làng mạc thôn quê người ta xem tổ tiên của gia đình dòng tộc có tổ tiên chung của cả làng, cũng là tổ tiên của dòng họ, được gọi là Tiền hiền, Hậu hiền. Quan hệ với xã hội người Việt Nam biết tôn kính thờ phụng những anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, nên những mối quan hệ này trở thành mật thiết, có giai cấp và có giá trị trong đời sống hiện đại.

2- Mối quan hệ với người đã khuất

Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua lễ nghi thờ cúng nhằm xác lập “ mối liên hệ” giữa người sống với người chết, giữa người thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: “ Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song rất coi trọng hiện tại và tương lai. Tín ngưỡng tổ tiên còn là sợi dây liên kết giữa con người trong cuộc sống hiện tại. Tình nhân ái trong cộng đồng được xây dựng, củng cố cả ở quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa người quá cố và người đang còn sống. Người Việt nghĩ rằng người chết vẫn còn quanh quẩn đâu đó trên trần thế này mặc dù mắt thường không nhìn thấy. Người quá cố có thể nhận biết được tư tưởng của người đang sống cần gì. Ngược lại, người còn sống cũng muốn làm cho người đã khuất có được nhu cầu như còn sống. Dân gian có câu: “ Dương gian-Âm phủ đồng nhất lý” nói lên sự nhận thức của người đang sống cho rằng cõi âm cũng giống như cõi dương trần, dù ta không thấy được bằng mắt nhưng người đã khuất cũng có những nhu cầu giống như người còn sống, lại có quyền lực vô song. Một số địa phương còn coi tổ tiên của gia đình mình chính là các thần linh thiêng luôn ở bên cạnh có thể ban phước, phù hộ, độ trì cho người thân, con cháu, nói theo cách khác. Tín ngưỡng của phong tục thờ cúng tổ tiên là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối quan hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống) bằng con đường hồn về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ.

3- Hình thức thờ cúng

Vì do nhận thức như trên, người Việt đã có truyền thống quan tâm đến chuyện lo liệu cho người thân qua đời và sau khi qua đời. Người ta lập bàn thờ để  cúng, vái. Ngày cúng kỵ là ngày người quá cố qua đời. Gia đình con cháu từ các nơi tự về dự phần tài chính hoặc vật cúng trong ngày giỗ. Người trong gia đình đi qua bàn thờ phải cúi đầu bước nhẹ kính cẩn giống như ông bà, cha mẹ đang hiện diện nơi đó. Hành lễ gồm các phần: Nghi vật, nghi trượng và nghi thức. Nghi vật là những thứ vật dành cúng người quá cố về “ hưởng”. Nghi trượng là những thứ bày trí trên bàn thờ, như lư hương, chân đèn, bài bị, ảnh … Nghi thức là cách bày tỏ của con cháu còn sống, tùy thuộc vào mỗi địa phương. Thông thường là sự bày biện hương, đăng, trà, quả, các món ăn uống.. rồi người đứng đầu gia đình thắp hương van vái với người quá cố ban phước cho con cháu trong gia đình may mắn, bình an.. sau đó là từng người theo thứ tự từ trên xuống dưới.. Nói chung, tất cả lòng thành đều được thể hiện ngay thì giờ cúng kiến thiêng liêng đó.
Hằng năm khi đến ngày người chết qua đời, con cháu dù có bận rộn cũng phải nhớ đến ngày giỗ, cùng tụ hội về cúng giỗ. Còn những người theo tôn giáo không thờ cúng ông bà thì chỉ làm kỷ niệm ngày người thân đã chết, chỉ làm giỗ mà không cúng.

HỘI NHẬP VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG

1- Tiếp cận tập tục văn hóa địa phương.

Việc thờ cúng tổ tiên ông bà có thể nói đây là phong tục mang ý nghĩa “tỏ lòng biết ơn ” của người Á đông nói chung và riêng của người Việt nam. Họ quan tâm trong cuộc sống hiện tại lẫn bày tỏ lòng tưởng nhớ ngay sau khi người thân qua đời. Bất cứ hình thức nào ngoài tín ngưỡng thờ cúng này dường như khó có thể thay thế hoàn toàn. Cadiere, nhà văn hóa, linh mục người Pháp đã dày công nghiên cứu Tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt, ông phát hiện ra một vấn nạn về phạm trù đạo mà người Việt sử dụng, như đạo làm người, đạo làm con, đạo làm cha mẹ, đạo làm vợ chống, đạo hiếu, đạo vua tôi, đạo trung thần v.v. cái gì cũng dùng chữ đạo để nhấn mạnh, nó biến hóa vô cùng và rất phức tạp, chằn chịt các mối tương quan, khó lòng phân loại rạch ròi các phạm trù, hình thái kết hợp.. Đạo kết hợp với cái TÂM chứ không phải qua con đường LÝ TRÍ. Chính cái khó nhận ra nên cũng khó áp dụng trong việc truyền giáo nếu như chưa tiếp cận với tín ngưỡng này. Xét kỷ vấn đề này, có thể nhận thấy việc tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên rất phù hợp với giáo lý Cơ đốc qua nhiều điểm tích cực.

2-  Phân tích tập tục văn hóa địa phương

Người Việt biểu hiện lòng hiếu thảo đối với người thân của mình trong lúc còn sống và khi đã qua đời. Họ nghĩ linh hồn vẫn còn tồn tại và luôn  nhận biết người đang sống. Biết linh hồn còn tồn tại sau khi chết nhưng không biết đang ở đâu. Thờ ông bà tổ tiên mà không biết thờ ai? Nhưng vẫn có lòng thành cung kinh. Tưởng nhớ ông bà, tổ tiên cũng chính là khía cạnh tâm linh mà chỉ có con người thật mới có được điểm này. Khi người ta dùng từ ngữ “đạo hiếu” cũng có nghĩa là nói lên bổn phận của mình đối với đối tượng tôn thờ. Ngày giỗ còn gọi là ngày kỷ niệm ngày qua đời, ngày mà con cháu gặp nhau để kính nhớ tổ tiên và bày tỏ lòng thành của mình. Điểm chung, là người Việt thích thờ phượng, thích đi sâu vào yếu tố tâm linh và khao khác được ban phước.

III-TRUYỀN GIÁO

1-Thay đổi nhận thức: Cơ đốc giáo cần phải có cái nhìn tích cực với tín ngưỡng thờ cúng ông bà, không nên quá khắt khe, tìm cách loại bỏ tất cả những gì đã tồn tại trong suốt mấy nghìn năm văn hiến. Nhiều người tin Chúa tiên phong trong vài chục năm về trước đã tìm cách loại bỏ truền thống cúng bái tổ tiên ông bà, để áp dụng triệt để theo cách thức của phương Tây, lấy điều răn 1,2 làm tiêu chuẩn thờ phượng cho tất cả. Trong ngôn ngữ Do thái, chữ thờ cha kính mẹ có nghĩa là tôn vinh cha mẹ, vì hình ảnh cha mẹ là Thiên Chúa. Mỗi dân tộc đều có hình thức bày tỏ lòng tôn kính này, người phương Tây ôm hôn, người châu Á chấp tay vái lạy làm cho nhiều người bị dị ứng xem thái độ này như sự tôn thờ nên tìm cách bài xích. Những người theo Tin lành còn giữ truyền thống thờ cúng ông bà bị lên án là làm sai lời Kinh thánh. Bị coi là thờ ma lạy quỷ. Những người tin Chúa đơn độc, khi đối diện với ngày lễ giỗ của gia đình, cũng không dám dự phần tài chính vì sợ tham gia cúng tế hình tượng. Có người theo đạo Tin lành không cúng giỗ nhưng tổ chức lễ kỷ niệm ngày qua đời của cha mẹ, rồi cầu nguyện Chúa ban ơn cho cha mẹ về hầu việc Chúa,  rồi mời bạn hữu đến dự và nghe chia sẽ Phúc Âm rồi tin Chúa. Rối có một ngày nọ có vị mục sư được mời dự trong ngày kỷ niệm. Sau đó cả nhà lắng nghe lời phê bình của vị Mục sư này một cách gay gắt, như: người chết đã về nước  Chúa không cần phải kỷ niệm … thế là một số người thân đến dự lấy làm bất mãn, lấy làm lạ quá vì Tin lành cẩm thờ kính người qua cố
Chúng ta cần phải phân biệt giữa sự tôn kính và tôn thờ, Sự tôn kính luôn là nền tảng đạo đức giúp cho người ta biết kính người trên, nhường nhịn người dưới không có nghĩa là thờ phượng. Thờ phượng Thiên Chúa là nhận biết xuất xứ loài người, sự yếu đuối bản thân do tội lỗi và ân sủng của sự cứu chuộc và biết chắc là hưởng được sự sống đời đời. Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận sự bất hiếu của con người và Ngài luôn bày tỏ chính Ngài như hình ảnh người Cha và bày tỏ Ngài như Mẹ. Sớm hơn nữa là điều răn ràng buộc con người vào mối quan hệ cha mẹ là phải HIẾU KÍNH.  Đức Khổng Tử có lời dạy rằng: Nếu chỉ có hiếu mà không kính thì chẳng khác nào thương yêu loài vật. Đối với cha mẹ, ông bà ngoài việc Hiếu, ta còn phải Kính nữa.
2- Áp dụng các phương thức truyền giáo: Trước hết, chúng ta thấy Kinh thánh rất chú trọng đến việc hiếu kính. Trong Phúc âm Ma-thi-ơ  Chúa Giê su đã nghiêm túc phê bình mấy người Pha-ri-si. Vì thế người tham gia truyền giáo không nên tìm cách phá đổ mà nên thay thế hình thức truyền thống theo mô hình Cơ đốc giáo. Phao-lô là một trong những con người có kinh nghiệm truyền giáo trong nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau. Trong thư tín cho người Cô-rinh-tô ông chia sẽ: “ Đối với người Do thái, tôi trở nên giống như người Do thái để chinh phục người Do thái. Đối với người sống theo Kinh Luật, tôi sống như nười theo Kinh Luật, dù tôi không bị Kinh Luật ràng buộc, để chinh phục những người theo Kinh Luật.  Đối với những người không có Kinh Luật, tôi sống như những người không Kinh Luật, không phải tôi không có Kinh luật của đức Chúa Trời, vì tôi có Kinh Luật của của Chúa Cứu Thế, để chinh phục người không Kinh Luật. Đối với người yếu kém tôi trở nên như người yếu kém để chinh phục họ. Tôi trở nên mọi sự cho mọi người  để bằng mọi cách cứu rỗi một vài người”. Đạo Tin lành cần phải xóa bỏ những thành kiến tôn giáo hoặc hình thức tín ngưỡng, như cúi đầu, chấp tay hoặc tổ chức kỷ niệm ngày qua đời của người thân, nhắc nhở công lao của họ khi còn sống để con cháu noi theo rồi thông công với nhau vui vẻ.
Trích: Nguồn: tinlanhperth.org. từ  Luật tín ngưỡng tôn giáo và lễ hội
                                             {]{
    Gợi ý thêm:
      Những người theo đạo tin lành chớ khắt khe, cho rằng từ nay có Chúa rồi, đừng thờ ma lạy quỷ nữa, mà phải tôn trọng truyền thống dân tộc ông bà, tổ tiên, hãy dung hòa giữa đạo và đời, đạo mới phát triển truyền thống văn hóa nước nhà mới tồn tại. Một nước mà mất đi truyền thống văn hóa dân tộc thì coi như mất nước. Nước mà bị  đồng hóa thì chỉ còn hình tướng bên ngoài thể phách bên trong không còn nữa. Lại có người cho rằng cúng là để tưởng niệm thôi chứ ông bà đâu có ăn uống gì, nói như vậy cũng không được. Con người có 4 cách ăn: đoàn thực, thức thực, tư thực và xúc thực. Khi còn sống con người cảm nhận ăn qua 4 cách. Ăn bằng nhai nuốt gọi là đoàn thực, ăn bằng cảm nhận tinh thần gọi tư thực, thức thực và cảm nhận bằng sự tiếp xúc gọi là xúc thực. Vậy người sau khi chết họ ăn bằng tư thực và thức thực gọi là hưởng thọ mùi hương của thức ăn, nhưng họ vẫn cảm nhận như người còn sống đang ăn thức ăn vậy. Ví như ta ngủ chiêm bao thấy đi ăn tiệc cưới, đám giỗ kỵ. Trong giấc ngủ chiêm bao ta vẫn cảm nhận vui buồn ngon dỡ như khi thức, trạng thái tâm lý người sau khi chết cũng vậy.
{]{

NGƯỜI TIN LÀNH ĐỐI VỚI VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét