Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

NGHI THỨC CỦA TÔN GIÁO NGUYÊN THỦY


NGHI THỨC CỦA TÔN GIÁO NGUYÊN THỦY

 Nghi thức tôn giáo và thầy tư tế:

 Con người ai ai cũng nhân cách hóa những vị thần mà họ tin tưởng, vì vậy nghi thức tế thần của họ cũng đều chủ yếu là vận dụng theo các lễ nghi giữa con người với nhau. Nguyên nhân tế thần không ngoài việc thỉnh cầu, tạ ơn và tìm sự an ủi. Phương thức tế thần ban đầu lấy hiến tế các con vật là chính, dần có thêm những bài hát ca ngợi thần, những điệu múa làm vui lòng thần và những quy định về trình tự và động tác cúng tế. Vì vậy, nghi thức tôn giáo thời kỳ đầu, người bình thường có thể làm được, về sau do các nghi thức này ngày một phức tạp, đành phải  để cho những tư tế chuyên thực hiện các nghi lễ tôn giáo chủ trì.
Tư tế  vốn dĩ bình đẳng với người thường, nhưng sau vì được hưởng những đồ người ta cúng tế cho thần linh, và trở thành môi giới giữa con người với thần linh, nên người ta tưởng rằng họ gần gũi thần linh hơn và nhận được nhiều sự quan tâm của thần linh hơn, từ đó họ trở nên khác với người thường và bắt đầu được thần thánh hóa lên. Việc trở thành chủng tánh đặc quyền của giai cấp tư tế Bà la môn ở Ấn Độ, hay việc được hưởng nhiều đặc quyền của các tư tế Cơ Đốc giáo mà trong Cựu Ước đã nói đến điều có thể thuyết minh cho điều này.

Sự ra đời của chú thuật:

Chú thuật có cùng một nguồn gốc với tôn giáo, cả hai đều ra đời từ sự ngưỡng cầu đối với các sức mạnh siêu nhiên. Chú thuật có lịch sử rất xa xưa, và nó rất phổ biến, hiện diện cả trong các tôn giáo nguyên thủy cho đến các tôn giáo cao cấp.
Trong nghi thức cúng tế cầu nguyện của các tôn giáo đều có lời văn tế và chú thuật. Nghĩa của chú là cầu xin hoặc khấn nguyện, cho nên phàm những từ chuyên dùng để cầu xin, khấn nguyện đều có hàm nghĩa của chú ngữ.
Những lời trong các thần chú không giãi nghĩa nên không ai hiểu được nghĩa của chú thuật. Sự bí mật của chú ngữ có hai nguyên nhân: một là việc dịch âm không dịch nghĩa từ ngoại lai, hai là bản thân chú ngữ là sự đơn giản hóa một loại ngữ nghĩa nào đó nên không dễ để có thể hiểu được. Việc tụng chú mà không cần hiểu hàm nghĩa của nó có hai nguyên nhân: một là thần chú đa phần do thần linh khải thị, dùng làm tín hiệu thì không nhất thiết phải có bất cứ ý nghĩa nào; hai là người tụng chú sở dĩ có linh nghiệm là vì xuất phát từ sự tập trung tâm lực của cá nhân, muốn được cảm ứng, tất phải thành tâm, nếu bận bịu với việc suy nghĩ nghĩa lý của chú ngữ, tâm lực liền khó tập trung hơn.
Sử dụng chú ngữ vào thực tế thì gọi là chú thuật. Chú thuật là một loại kết tinh của tác dụng phản xạ của tâm lý con người. Do có một điều thỉnh cầu nào đó mà con người thốt ra một lời cầu nguyện với thần linh, cái tâm thỉnh cầu này nếu đặc biệt mạnh hoặc giữ được lâu dài, thì có thể ở trong mơ, hoặc trong lúc tâm thần bất định, sẽ được một hoặc một số vị thần nào đó hiện thân khải thị cho một câu thần chú mới. Việc được thần linh hiện thân khải thị thỉnh thoảng cũng có thể xảy ra ở người bình thường, còn đối với các bậc thầy chú thuật chuyên tu, thì cơ hội xảy ra so với người thường càng nhiều hơn, phân tích bằng tâm lý học, ta có thể thấy rõ được điều này.
Việc sử dụng chú thuật cũng có thể tùy từng người mà có sự khác nhau, những người mới hoặc những người sử dụng trong tâm ý tán loạn, chắc chắn sẽ không hiệu nghiệm. Vì thế, những hành giả Du già của Mật tông đặc biệt chú trong ba nghiệp thân khẩu ý tương ưng với nhau. Sự hiệu nghiệm của chú thuật, ngày nay người ta đã có thể chỉ rõ được bằng phương pháp khoa học, không còn là vấn đề hoàn toàn thần bí nữa.

Những nghi thức từ lúc sinh đến lúc chết

Loài người nguyên thủy xem sự ra đời của một con người là do bàn tay tạo tác của sức mạnh siêu nhiên nên họ cử hành các nghi thức tôn giáo như: rảy nước lên mình đứa trẻ để biểu thị sự thanh khiết, hoặc đưa đến những nơi linh thiêng mà gia tộc họ thờ tự để cầu thần ban tên cho đứa trẻ, hoặc trồng cây kỷ niệm để dự đoán vận mạng của đứa trẻ sau này.
Khi đứa trẻ trở thành thanh niên, phải cử hành “nghi thức gia nhập đoàn thể” của chủng tộc hoặc của đoàn thể tôn giáo. Rồi đến tuổi kết hôn họ tổ chức nghi thức lễ kết hôn.  Kết hôn là việc quan yếu để loài người duy trì nòi giống, vì vậy nó cũng có những nghi thức tôn giáo cần phải tiến hành. Trong nghi thức kết hôn của người nguyên thủy, có một loại phong tục cổ quái gọi là: “quyền hưởng đêm đầu”. Họ cho rằng những nhân vật trong tôn giáo hoặc những nhân vật có địa vị cao trong xã hội mới có quyền ngủ đêm đầu tiên với các trinh nữ. Việc Cơ Đốc giáo lấy Tân Ước và Cựu Ước làm thánh chứng cho hôn lễ, kỳ thực, cũng xuất phát từ nghi thức hôn lễ nguyên thủy này.
Chết là điểm chung cuộc của đời người. Đối với các chủng tộc nguyên thủy thì chết lại là sự bắt đầu của một đời sống mới, họ cho rằng người chết vẫn được sống mãi ở một thế giới khác. Vì vậy, khi có người chết, họ tụng chú trừ tai cầu phước cho vong linh người đó, chôn các loại vật dụng vào trong mộ người đó để người đó sử dụng, làm cho người đó được sống vui ở bên kia thế giới.
Những nghi thức tôn giáo của người nguyên thủy bao quát tất cả các sự kiện trọng đại trong đời sống của một con người. Cho đến nay Cơ Đốc giáo vẫn còn đầy đủ các loại nghi thức ấy. Còn Phật giáo suy cho cùng là một tôn giáo siêu tôn giáo, trong kinh điển nhà Phật chưa từng quy định cách cử hành các nghi thức khi chào đời, trưởng thành, hôn lễ, tang ma; thậm chí có thể nói Phật giáo là một tôn giáo lý tính phản đối các nghi thức tôn giáo. Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam đã ảnh hưởng các nghi thức cầu nguyện của Đạo giáo và các tập tục nhân gian đã tạo nên các nghi thức cúng tế cầu nguyện, thịnh hành nhất là việc siêu độ vong linh, việc này ban đầu học từ nghi thức lập trai đàn của Đạo giáo, sau triều Nguyên là do ảnh hưởng của Lạt ma Mật tông Tây Tạng.

Vật hiến tế của tôn giáo

Vật hiến tế là vật môi giới được con người sử dụng để tỏ lòng cung kính thần, tạ ơn thần, hoặc xoa dịu sự phẫn nộ của thần. Những thứ được dùng làm vật hiến tế thường là tùy theo khả năng của mỗi người mà chọn những trái cây ngon nhất, những bó hoa đẹp nhất, hay những gia súc béo nhất. Có khi người ta mời cả thần linh cùng ăn với con người; thần linh hấp thụ phần hương của vật cúng, còn con người ăn lấy phần chất của vật cúng. Nhưng vào thời kỳ đầu, người ta cho rằng thần linh thực sự ăn vật cúng nên đem nó vứt bỏ hết, ví dụ như cúng thần sông thì quăng hết vật cúng xuống sông; sau đó họ mới thay đổi quan niệm, cúng xong không vứt bỏ nữa mà lấy vật cúng để ăn.
Sau khi việc ăn vật hiến tế cúng thần trở thành phong tục, một số nơi đã lấy chính việc này làm nghi thức sùng bái tôn giáo cần phải thực hành. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, mỗi khi cúng xong, thầy chủ lễ sẽ đem vật hiến tế ra phân chia cho người dân, phần phân chia này cũng được quý trọng như thần thánh và phải ăn hết ngay lập tức.
 Lại có một loại phong tục lạ lùng khác là: trước tiên tôn vật hiến tế làm thần linh, sau đó lại đem nó giết đi để ăn thịt, và tin rằng tính chất thần linh của con vật hiến tế có thể ảnh hưởng đến người ăn nó. Vì phong tục này, những động vật được người nguyên thủy sùng bái, bất luận là nó tự chết hoặc bị giết, thường hay bị người sùng bái nó ăn thịt. Niềm tin này cũng được vận dụng cho cả loài người, những tù trưởng của thổ dân New Zealand, sau khi chết trận, thường bị quân địch chia nhau ăn thịt với hy vọng sẽ có được dũng khí và trí tuệ như của họ.
  Lại có nơi người ta tin rằng hiến tế người thân yêu nhất của mình có thể đạt được sự phù hộ và làm cho thần linh nguôi giận nhiều hơn. Ví dụ, Abraham trong Cựu Ước muốn giết chính con trai của mình để hiến tế cho Yahweh; Jephthah thì thực sự đã giết con gái ruột của mình để thiêu cúng Thiên Chúa.
Nói đến hiến tế người tức là nói đến phong tục giết người để tế thần. Phong tục này đã từng tồn tại ở rất nhiều nơi, vào rất nhiều thời đại. Có nơi giết người để tế đường, có nơi giết người để tế cầu, có nơi giết người để tế chân móng của một công trình kiến trúc lớn nào đó. Phong tục này cũng đã từng lưu hành ở Trung Quốc. Những chuyện như vậy cũng đã có ghi trong lịch sử.
Trong lịch sử La Mã, việc giết người để tế thần không còn gì là xa lạ. Caesar từng giết hai binh sĩ để tế thần. Augustus từng lấy một cô gái làm vật hiến tế, vào các thời hoàng đế Trajan  và Constantine sau đó cũng từng có sự việc như vậy; mãi đến năm 915 Tây lịch tục hiến tế người mới bị cấm chỉ. Hiến tế người đặc biệt thịnh hành ở Mexico xưa kia, theo thống kê của Max Muler, mỗi năm trong các đền thờ ở Mexico, khoảng 2500 người bị giết để tế thần, trong đó có năm lên đến 10 vạn người. Ở Ấn Độ cũng có phong tục này, thịnh hành nhất là từ năm 1865 đến 1866; hiện nay đã bị cấm, nhưng người ta vẫn lấy bột mì, hồ nhão, đất sét nặn thành hình người rồi chặt đầu nó tế thần.
Thổ dân Mexico thời cổ còn có tục ăn thịt người. Mỗi năm cử hành một lễ tế lớn trước vị thần mà họ phụng thờ, từ một năm trước phải chọn ra một chàng trai tuấn tú để làm vật hiến tế cho năm tới. Trong vòng một năm đó, chàng trái này được tôn sùng là thần và được cung phụng đầy đủ mọi thứ; người dân thấy anh ta phải phủ phục lễ bái và phải thuận theo tất cả yêu cầu của anh ta. Đến tháng cuối cùng, tuyển ra 4 mỹ nữ làm vợ của anh ta. Vào ngày cuối cùng, cho anh ta dẫn đầu một đoàn người trang nghiêm tiến vào đền thờ, sau rất nhiều nghi thức và lễ lạy, anh ta sẽ bị giết để tế thần, thịt của anh ta được thầy tư tế và các bậc tôn trưởng chia nhau ăn hết.
Từ tục lệ hiến tế người của tôn giáo nguyên thủy, xem người hiến tế là thần và chia nhau ăn thịt người đó, có thể chứng minh lý luận về Jesus có xuất xứ từ tôn giáo nguyên thủy. Jesus tự xưng là hiện thân của Chúa, Jesus hy sinh trên thập tự giá là để tế thần chuộc tội cho nhân loại. Những người tín ngưỡng Jesus, vì để có được thánh linh của Jesus, nên phải ăn Tiệc Thánh- ăn thịt và uống máu Jesus.
  (Sách tham chính của tiết này là Văn Hóa Nhân Loại Học của Lâm Huệ Tường)
   Trích từ: Tôn Giáo Học So Sánh:  HT Thánh Nghiêm – TT Chân Tính dịch) 
                                  {]{

NGHI THỨC CỦA TÔN GIÁO NGUYÊN THỦY Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét