Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

MỤC ĐÍCH TU TẬP CỦA NGƯỜI HỌC PHẬT


MỤC ĐÍCH TU TẬP CỦA NGƯỜI HỌC PHẬT LÀ ĐỂ THUẦN HÓA TÂM HỒN THĂNG HOA TÂM TRÍ ĐƯA CON NGƯỜI ĐẾN CHỖ CỰC THIỆN

Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng, hành vô hành hành”, nghĩa là tu mà không thấy mình tu, chứng mà không thấy mình chứng, hành mà không thấy mình hành. Tức mọi sự tu tập và kết quả của sự tu tập, người tu không trụ chấp vào việc mình tu mình làm thế mới gọi là thật tu. Kinh Kim Cang nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, tức đừng để tâm dính mắc một điều gì, dù đó là điều ác hay điều thiện. Điều ác tâm dính mắc, tâm trở nên ô nhiễm, điều thiện tâm dính mắc tâm cũng trở nên ô nhiễm. Khi tâm đã bị ô nhiễm thì phiền não khởi lên, như tham, sân, si, mạn, nghi đồng thời xuất hiện. Cho nên để tâm không trụ trước tức không dính mắc mới đạt được trạng thái tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh mới thật trở về sự uyên nguyên của tâm.
Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ nói: “giữ giới và nhẫn nhục, thêm tội chẳng thêm phước”. Giữ giới và nhẫn nhục là hai pháp tu căn bản hàng đầu của người tu, tại sao ở đây Tuệ Trung Thượng sĩ lại nói giữ giới và nhẫn nhục chỉ thêm tội không có phước. Như vậy người tu không cần phải giữ giới và nhẫn nhục sao? Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói câu này không sai, ở đây Thượng Sĩ nói nhắm chỉ thẳng vào mục đích tu, chứ không phải chạy lòng vòng bên ngoài. Nếu sự tu trên hình thức, tu bên ngoài, tu lấy lệ, tu qua loa hay tu theo phong trào, thì sự giữ giới và nhẫn nhục của các cách tu này chỉ thêm tội chứ không sanh phước. Các sự tu tập trên hình thức này chỉ vì sợ người quở trách, sợ thị phi chê cười mà cố gắng làm ra kẻ giữ giới và nhẫn nhục, còn bên trong tâm thức vẫn còn đầy dẫy phiền não tham sân si. Nếu tu hành chỉ dựa trên hình thức  ngồi thiền hay tụng đọc, hoặc lễ lạy cho là tu thì chỉ đem lại sự cực nhọc nhưng không có kết quả là bao. Kết quả đem lại thật sự của việc tu trên hình thức: Nhẹ thì phát sinh xung đột ở trong tâm trong đầu, nặng hơn thì phát sinh xung đột ra lời nói, còn nặng hơn thì xung đột phát sinh bằng hành động. Nếu biết thì biến độc thành thuốc hay, không biết thì biến thuốc bổ thành độc dược, bốn thời tám tiết phải tùy duyên mà ứng dụng khác nhau.  Cho nên mục đích của sự tu học là chuyển hóa tâm chứ không phải đè nén tâm, đè nén tâm là hành vi nhất thời, sau đó tập khí phiền não trở lại như cũ.  Cho nên Tuệ Trung Thượng sĩ nói giữ giới và nhẫn nhục theo cách gượng ép, dùng phương pháp đè nén tâm mà giữ giới thì chỉ thêm tội mà không có phước là vậy. Vì thế mục đích của việc tu tập là thuần hóa tâm để thăng hoa trí tuệ, đưa con người đến chỗ cực thiện. Cho nên việc giữ giới vì sợ thị phi, vì sợ luật pháp trừng trị, vì sợ nhân quả mà giữ giới, giữ giới như vậy còn nằm trong phạm vi phân biệt, chưa đi sâu vào mục đích tối hậu, giữ giới thuộc phạm vi tự lợi chứ chưa lợi tha. Giữ giới vì sự lợi ích của chúng sanh, của mọi người, vì lòng từ bi thương tưởng đến chúng sanh, giữ giới vì để cứu độ chúng sanh ra khỏi bể khổ sanh tử luân hồi. giữ giới như vậy thì tội tiêu mà phước sanh. Giữ giới như thế gọi là chân chính giữ giới của con đường tu học Phật.
Ngài Huệ Năng nói: “khi sống ngồi không nằm, chết nằm không ngồi, chỉ là đống xương hôi thíu, lấy gì làm công phu”. Nếu người tu chấp cho ngồi là tu thì ở đây Tổ quở chấp vào việc ngồi thiền, hay tụng đọc cho là công phu tu tập, chỉ là một việc làm trống rỗng không có lợi ích gì cả. Ngồi như vậy, tụng đọc như vậy không đem lại hiệu quả gì cho việc khai tâm mở trí, chỉ chấp vào việc ngồi và tụng đọc cho là công phu tu tập thì đí sai con đường quá xa. Khi ngồi tâm tạm yên lặng, thân yên lặng, nhưng rời chổ ngồi chổ tụng đọc thì tâm khởi lên vọng tưởng, thị phi phiền não phát sanh. thì Tổ cho là một đống xương hôi thúi chẳng có gì gọi là công phu. Mục đích tu đạt đến tâm đức tức đạo đức, trí tuệ phát sanh và lợi ích mọi người.
Người tu có đạo đức nhờ giữ giới đúng pháp đem lại lòng tin và sự kính trọng của mọi người. Có trí tuệ hiểu biết để nhận biết các pháp thật tướng và phải có năng lực làm lợi ích cho chúng sanh, như vậy mới đúng nghĩa tu tập theo con đường Phật học./.
Thành tựu thọ trì giới pháp vô lậu giải thoát Phật dạy:  Nầy thiện nam tử, nếu có người phát tâm thọ trì giới pháp, mà chỉ muốn tự lợi, hưởng thọ vui đẹp nơi cõi trời, cõi người, chẳng vì độ thoát tất cả chúng sanh, chẳng vì ủng hộ chánh pháp vô thượng mà chỉ vì lợi dưỡng, vì sợ ba ác đạo, vì cầu sống lâu, vì sắc đẹp, vì sức mạnh, vì tiếng khen, vì an ổn, vì vô ngại biện, vi cầu sự bình an,  vì pháp luật của vua, vì sợ tiếng xấu, vì sợ nghiệp thế gian, vì những nghiệp như thế mà thọ trì giới luật, thì chẳng gọi là tu tập giới luật vô lậu giải thoát,/.
{]{
Phật giáo lấy Phật làm chủ thể, lấy Pháp làm quy tắc, nương  Tăng để truyền trì. Thờ Phật, tụng kinh, kính Tăng là sự quy y. Từ sự tướng đó chúng ta quay về với tự tánh Tam Bảo mới chân thật là sự tu tập giải thoát.
{]{
   Lấy lửa thử vàng, lấy gian nan làm sự thử sức
{]{

MỤC ĐÍCH TU TẬP CỦA NGƯỜI HỌC PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét