Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

QUAN HỆ NHÂN QUẢ


QUAN HỆ NHÂN QUẢ
     Thế gian hay xuất thế gian, tất cả đều không lìa nhân quả. Phật pháp cũng được xây dựng từ nền cơ sở đạo lý nhân quả. Chúng ta không gieo nhân, làm sao chúng ta có thể gặt hái được quả. Giả như việc học hành, quá khứ chúng ta chăm chỉ học hành là nhân, học vị trong tương lai là quả. Chúng ta cần cù lao động là nhân, được đền bù là quả, vì thế gian hay xuất thế gian không nằm ngoài nhân quả. Nhân quả luôn vĩnh viễn, liên tục và tuần hoàn, đây là một đạo lý chúng ta cần phải biết. Biết được nhân quả là liên tục và tiếp nối tuần hoàn thì trong mọi hoàn cảnh, chúng ta tự nhiên sẽ hướng đến đoạn trừ các việc ác và tu tập các việc thiện. Vì chính mình tạo nhân thì tự mình gặt lấy quả, và tất nhiên, kết quả ai cũng muốn tốt đẹp như ước muốn. Do đó, chúng ta gieo nhân thiện nhất định sẽ được quả thiện, gieo nhân ác tất nhiên sẽ bị quả ác. Không thể nói gieo nhân thiện mà lại gặt quả ác hay gieo nhân ác mà được quả thiện, đây là đạo lý không thể có. Nhân quả là định luật tất yếu. Đời nay gieo nhân thiện, đời nay không hưởng thì đời sau hưởng, việc ác cũng vậy. Nếu người đời nay làm thiện mà gặp quả báo xấu, hay ngược lại đời nay tạo việc xấu lại được may mắn hạnh phúc. Khi xét đến thời gian nhân quả, chúng ta cần phải đề cập đến ba khoảng thời gian.
Thứ nhất là hiện báo: Nghĩa là người tạo nhân thiện hay ác trong đời nay, do nhân duyên thuần thục đưa đến lãnh thọ quả báo trong đời hiện tại. Ví như trồng các loại cà ớt hay giống lúa, chỉ trong vòng một mùa hay một năm đã thu hoạch được kết quả. Cho nên cổ đức nói: “ Đời xưa trả báo thì chầy. Đời nay trả báo một giây nhãn tiền ” là vậy.
Thứ hai là sinh báo: Nghĩa là chúng ta gây nhân đời nay, đời sau mới chịu quả báo. Quả báo này có tánh cách hơi lâu. Như chúng ta trồng cây chuối con, trồng năm này qua sang năm sau chúng ta mới thu hoạch được quả. Vì thế trong kinh có câu: “ Muốn biết nhân đời trước, hãy xem quả đời nay ”. Hai câu này có thể chỉ cho sinh báo.
Thứ ba là hậu báo: Nghĩa là chúng ta tạo nhân trong đời này, đến bốn năm, trăm năm, ngàn năm hay vô lượng kiếp sau chúng ta mới thọ quả báo. Ví như chúng ta trồng những loại cây lâu năm, đến năm năm, mười năm hay vài ba mươi năm sau mới có kết quả. Cho nên trong kinh có kệ rằng: “ Giả sử trăm ngàn kiếp trôi qua, những nghiệp chúng ta đã tạo sẽ không mất. Khi nhân duyên hội đủ, tự mình phải nhận chịu quả báo ”. Vì thế, đường đi của nhân quả rất phức tạp vi tế. Ví như đời ông cha làm thiện, đời sau con cháu sẽ được quả thiện, hoặc đời ông cha làm ác, đời sau con cháu chịu quả ác. Quả báo tự ai làm thì người ấy chịu, con cháu chỉ ảnh hưởng một cách gián tiếp, không phải trực tiếp. Như vậy có thể biết, mặc dù đời nay hay đời trước làm việc xấu, chúng ta cần phải nỗ lực chuyển đổi những hành động đó. Chúng ta không sửa đổi là do chúng ta không có trí tuệ, chưa tin và chưa hiểu sâu sắc về đạo lý nhân quả. Nếu chúng ta có thể giữ gìn nguyên lý, nguyên tắc bình thường, có thể trì giới, giữ tâm thanh tịnh thì trí huệ sẽ phát sanh, khi đó chúng ta sẽ có đủ năng lực chuyển đổi tất cả. Dù ác nghiệp có nặng đến đâu, chúng ta cũng có thể chuyển đổi được, tất cả đều tùy thuộc ở năng lực quyết tâm và trí tuệ của mỗi người./.
               (Trích: Phật giáo là gì: Pháp sư Tịnh Không- Tâm An dịch)
{]{

QUAN HỆ NHÂN QUẢ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét