Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

TÓM TẮT Ý CỦA CÁC ĐỀ TÀI VỀ TÍN NGƯỠNG CỔ ĐẠI


TÓM TẮT  Ý CỦA CÁC ĐỀ TÀI VỀ TÍN NGƯỠNG CỔ ĐẠI


ĐẠO CÔNG GIÁO VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT

Các nhà nghiên cứu tôn giáo đều đều xác nhận: Tôn giáo phát sinh ra văn hóa, cho nên nói đến văn hóa đã bao hàm thành tố tôn giáo và tín ngưỡng. Thành ra nói văn hóa là nói tới tôn giáo, tín ngưỡng. Không có nền văn hóa nào của dân tộc mà không liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Vì vậy, tôn giáo, tín ngưỡng chính là văn hóa. Nói “ tôn giáo và văn hóa” là sự tách bạch, khu biệt trong tư duy để xem xét, nghiên cứu chứ trong thực tiễn chúng đan xen vào nhau. Minh chứng một trường hợp đạo Công giáo ở Việt Nam. Đạo Công giáo là một tôn giáo trẻ, mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 16, nhưng chúng đã để lại nhiều dấu ấn với văn hóa nước ta và cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa bản địa

1/ Quan điểm về văn hóa của đạo Công giáo:

Ở phương Đông như Trung Quốc cổ đại đã coi văn hóa là phương thức để giáo hóa con người “ văn trị, giáo hóa”, các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Nga dùng từ văn hóa có nghĩa là: “ trồng trọt tinh thần”. Các nhà nghiên cứu về tôn giáo cho rằng:  “Ở trung tâm mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hóa lớn nhất của loài người, cái Từ bi của đạo Phật, cái Bác ái của chúa Kitô, cái Nhân nghĩa của Khổng Nho là những hạt  ngọc văn hóa…là sản phẩm của văn hóa”.
Tuy  nhiên trong quá trình truyền bá đạo Công giáo sang các nước, với những tinh thần thái quá và cứng nhắc của các nhà truyền giáo Kitô giáo đã vấp phải một số sai lầm khi đến các nước không hòa nhập với tín ngưỡng bản địa, nên đối lập với sự tự vệ của văn hóa các dân tộc và đã xung đột xảy ra làm đỗ máu nhiều nơi nhiều người. Chính Giáo Hoàng Gioan Phaolô  2 đã thừa nhận rằng: “ Họ đã đi cắm thánh giá, phân phát niềm hy vọng Ki tô giáo, phổ biến tiến bộ trí tuệ và kỷ thuật của họ. Nhưng họ cũng là những người xâm lăng, họ đi cắm nền văn hóa của họ vào, họ chiếm tài sản của các bộ tộc khác mà thường là họ coi khinh những truyền thống riêng và thường xuyên bắt phục tùng quyền lợi của họ một cách hung bạo”.
Sau nhiều bài học đẩm máu  và nước mắt, đạo Công giáo đã đưa ra khái niệm “ hội nhập văn hóa dân tộc” vào nhưng năm 1970 để thích hợp với các nền văn hóa. Song buổi đầu, chủ trương này vẫn mang tính áp đặt, một chiều như tuyên bố của Liên hội đồng Giám mục Á châu (FABC) năm 1974 “tin mừng được tháp nhập vào nền văn hóa để sàng lọc và thanh tẩy nó” phải gần 20 năm sau FABC mới đưa ra quan niệm hai chiều, hỗ trương giữa đạo Công giáo và văn hóa bản địa.
Dĩ nhiên, mục tiêu của “ Hội nhập văn hóa ” là nhằm truyền giáo hiệu quả hơn. “ Qua việc hội nhập văn hóa, giáo hội làm cho Tin mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau và đồng thời đưa dân chúng cùng văn hóa của họ, bước vào cộng đoàn của mình”.
Sẽ là sai lầm nếu chủ trương loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống của con người vì tôn giáo chính là văn hóa mà con người không thể phát triển nếu tách khỏi môi trường văn hóa.

2/ Đạo Công giáo với văn hóa Việt Nam:

So với các tôn giáo khác du nhập vào nước ta thì đạo Công giáo là tôn giáo trẻ mới truyền đến Việt Nam từ thế kỷ thứ 16. Thế nhưng tôn giáo này đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa nước ta, để lại dấu ấn sâu đậm trên văn hóa nước nhà. Điều trước tiên là Đạo Công giáo trở thành cầu nối giao lưu giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, thông qua các nhà truyền giáo, văn minh, văn hóa phương Tây được giới thiệu ở Việt Nam và văn hóa Việt Nam cũng được giới thiệu ở phương Tây. Từ chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót, cách in chữ bằng con chữ đúc rời, đến phương pháp chữa bệnh theo lối Tây y, từ các tranh tượng đạo thời Phục Hưng, các nhạc phẩm nổi tiếng thế giới, đến chữ quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ đã làm cho dân trí Việt Nam vươn lên tầm cao mới, chúng ta tự cường hơn và mau chóng hội nhập với thế giới ngày nay. Cũng thông qua các nhà truyền giáo lần đầu tiên trên thế giới phương Tây biết đến chữ viết, phong tục tập quán của Việt Nam khi bộ sách của Alexandre de Rhodes gồm “ pháp giảng tám ngày” “Tự điển Việt Bồ La” “Ngữ pháp tiếng Việt” được xuất bản ở phương Tây từ giữ thế kỷ thứ 18. Điều đặt biệt, khi đến từ phương Tây nhưng nhiều giáo sĩ lại tôn trọng và đề cao văn hóa, phong tục của người Việt. Buizomi người Ý đã nhận xét:  “ Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính và phong tục rất đáng khâm phục…họ không nghiêng về văn chương, tính tình không nham hiễm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị, tánh tình không độc ác như người Nhật. Về tầm thước họ không cao như nười Tàu, cũng không thấp như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín, nhưng người Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu”. Một số giáo sĩ cũng kịch liệt chống lại quan niệm cho rằng ngoài châu Âu là man di mọi rợ, hay Trung quốc là tất cả những gì đẹp nhất trái đất. Đắc Lộ viết: “ Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới, vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tên gọi và không ghi bản đồ nào cả, tuy họ chép đầy đủ các tên nước trên thế giới.
Đạo Công giáo không chỉ đem đến Việt Nam một tôn giáo mới với nhiều lễ hội, với các văn học nghệ thuật, báo chí v.v Đạo Công giáo làm phong phú thêm văn hóa nước nhà. Những ghi chép của các giáo sĩ thửa xưa đã làm căn cứ tư liệu lịch sử bằng chứng về chủ quyền biển đảo nước ta về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì các nhà truyền giáo, họ vốn là những nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lãnh vực nên đi đến đâu họ đêu ghi chép và vẽ bản đồ đến đấy.  Giáo sĩ Christoforo –Buizomi là người đặt chân đến cửa Hội An năm 1615, đã viết: “Hải cảng đẹp nhất, nơi mà tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ”. Danh thắng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam, Chúa Đàng Trong cho người Nhật, người Hoa tự chọn một địa điểm thuận tiện để lập thành một thành phố chuyên cho việc buôn bán, thành phố này gọi là Faipo tức là “Hội An”.
Các giáo sĩ cũng ghi chép việc chúa Nguyễn đã thực thi chủ quyền hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa, thông qua việc cử người khai thác hải sản và khoáng sản và nhất là cắm cờ chủ quyền ở khu vực này. Ba Hải cảng Hội An, Đà Nẵng và Huế thời bấy giờ là nơi giao lưu buôn bán hàng hóa của các nước, các giáo sĩ ghi chép và có sự liên quan đến các quần đảo Trường sa và Hoàng sa. Những hoang đảo này đã được người Việt chiếm cứ ở Đàng Trong, Hoàng đế Gia Long đã ngự tàu ra biển để thị sát chủ quyền, ngài thân chinh vượt biển để tiếp thêm quân đến Hoàng sa vào năm 1816, vua đã cắm cờ của xứ Đàng Trong để khẳn định chủ quyền quốc gia.  Các giáo sĩ đã vẽ lại những tư liệu quan trọng về bản đồ biển đảo. Bản đồ có giá trị nhất là “An Nam đại quốc gia đồ” do giám mục Louis Taberd xuất bản ở Ấn Độ năm 1838 được in trong cuốn Tự điển “Việt Nam Tự vị”.
Đối với Công giáo có nhiều dấu ấn với văn hóa Việt, ngược lại văn hóa Việt cũng góp phần biến  đổi một tôn giáo xa lạ trở thành gần gũi với dân tộc Việt Nam. Văn hóa dân tộc Việt với đạo Công giáo, từ chỗ thay đổi thái độ của đạo Công giáo với các tôn giáo tín ngưỡng truyền thống cũng như tôn giáo bạn, thúc đẩy tiến trình Việt hóa đội ngũ chức sắc đến việc đẩy mạnh con đường đồng hành cùng dân tộc của Công giáo.
Lĩnh vực đầu tiên được chú ý là Sách đạo được các giáo sĩ in bằng tiếng La tinh. Trong khi người Việt dùng chữ Nôm, các giáo sĩ soạn sách đạo bằng chữ Nôm (1591-1631) các giáo sĩ đã thêm vào kho tàng chữ Nôm với 45 cuốn khoảng hơn 1,2 triệu chữ. Ngoài ra các giáo sĩ còn làm sách giáo lý cho người Xrieng sang tiếng Banar, người Banar, tiếng Jarai và tiếng quốc ngữ. Để phổ biến sách đạo chữ quốc ngữ dịch ra tiếng Việt in lần đầu ở Hồng Kong năm 1913 -1914.
Quá trình “Việt hóa đạo ” làm cho các ông cố đạo Tây trước đây bắt người Việt gia nhập vào đạo phải bỏ tên cha mẹ để đặt một tên Thánh bằng chữ La tinh như Anro, Gioan, Anna, Maria v.v...nay các cố Tây phải đặt sang tiếng Việt Ví dụ Giám mục Liêu Retord, giám mục Đông Gendreau v.v.. các tên Thánh Vincent gọi là Thánh Vinh Sơn, Thánh Dominco gọi là Thánh Đa Minh v.v...
Về Thánh lễ trước đây đọc tiếng La tinh sau chuyển sang tiếng Việt. Người ta chấp thuận thêm một số nghi thức văn hóa dân tộc như việc thắp hương trước bàn thờ, hay dùng tiếng cồng chiêng thay cho tiếng chuông trong Thánh lễ. Trong Thánh lễ Thánh nhạc được dùng thuần Việt không chỉ về lời mà còn thêm âm diệu dân ca. Nghệ thuật dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh đã mở ra giai đoạn mới cho Thánh nhạc Việt. Từ dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hò Huế, dân ca Nam Bộ đến những giai điệu của Jarai đều tìm thấy trong Thánh nhạc đạo Công giáo.
Về hội họa Công giáo, trước đây các bức tượng tranh từ phương Tây, bây giờ các tượng tranh được người Việt sáng tác với hình mẫu phong cách người Việt. Tượng Đức Mẹ trong tà áo tứ thân đầu chít khăn mỏ quạ. Tượng Đức Mẹ La Vang là phụ nữ với trang phục quí phái đầu đội khăn xếp, áo mở bảy mở ba như hoàng hậu. Về kiến trúc trước đây theo kiến trúc phương Tây, nay nhà thờ Phát Diệm kiến trúc theo kiểu đình, chùa Việt, Kiến trúc nhà thờ theo kiểu nhà Rông v.v Trong nhà thờ phân bố chổ ngồi “nam tả, nữ hữu” như nhân gian thường nói.
Chính văn hóa Việt đã thấm sâu vào văn hóa một tôn giáo xa lạ từ phương Tây đã trở thành một tôn giáo gần gũi với người dân Việt có tên gọi là đạo Công giáo Việt Nam. Đạo Công giáo vào Việt Nam đã ảnh hưởng qua lại lẫn nhau và càng làm cho nhau phong phú đổi mới và phát tiển./.
           Trích  Nguồn: btgop.gov.vn
   (trích: Luật tín ngưỡng tôn giáo- Tìm hiểu về lễ hội-tín ngưỡng)
    Áp dụng: từ 01-01-2018)
{]{

TÓM TẮT Ý CỦA CÁC ĐỀ TÀI VỀ TÍN NGƯỠNG CỔ ĐẠI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét