Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Ý NGHĨA NGHI CÚNG THÍ THỰC CÔ HỒN


Ý NGHĨA NGHI CÚNG THÍ THỰC CÔ HỒN

        Nghi cúng thí thực Cô Hồn Việt Nam ta gọi là  “cúng cháo ”. Nghi thức cúng thí thực trai đàn gồm có Đại Mông Sơn và Tiểu Mông Sơn. Mông-Sơn là tên của một ngọn núi ở trung Quốc, tại tỉnh Tứ Xuyên. Vào đời Tống có một thiền sư trú ở trên núi đó tên là Bất Động. Chính Ngài đã chế tác ra nghi thức Đại Mông Sơn và Tiểu Mông Sơn. Trên đỉnh núi Mông Sơn có những cây trà  rất ngon, vì leo lên đỉnh núi rất khó, nên người ta phải nuôi khỉ để chúng leo lên hái lá liệng xuống. Trà trên đỉnh núi rất ngon và lại rất hiếm, mỗi năm người ta lấy trà Mông Sơn để gởi về dâng vua, nhưng số lượng rất ít. Tuy ở dưới chân núi cũng có trà nhưng không ngon bằng. Trà Mông Sơn gọi là trà Mông, trong nghi thức cúng linh có câu :
Dương tử giang tâm thuỷ.
Mông Sơn đỉnh thượng trà,
Hương linh tam ẩm liễu,
           Tảo sinh pháp Vương gia.
Nghĩa :Nước lấy ở giữa  dòng sông Dương,
Trà lấy ở đỉnh núi Mông,
Hương linh được uống ba ngụm
Thì có thể sanh vào nhà Đức Pháp Vương.
           (Nhà Pháp Vương là nhà Phật Pháp ).
          Thiền sư Bất Động ở núi Mông đã nghiên cứu những kinh Mật Tông có từ đời Đường và đã sáng chế ra nghi thức cúng thí cô hồn. Nghi thức này đã được áp dụng trong các đàn trai chẩn tế và được áp dụng tụng đọc mỗi ngày trong các chùa. Vì thế nghi thức này có tên là Mông Sơn Thí thực Cô Hồn, là phát xuất từ núi Mông, và  từ thiền sư Bất Động mà có ra.
          Nghi thức cúng này đối tượng của việc cúng trước hết là cô hồn. Cô hồn là những linh hồn không nơi nương tựa, không ai thờ tự, cô hồn có nghĩa là tâm hồn cô đơn, cô độc, hồn là linh hồn. Cô hồn có chổ nói có 36 loại cô hồn, (tam thập lục bộ cô hồn ), lại có chổ nói 12 loại cô hồn (thập nhị loại cô hồn ), nói rộng ra thì là 36 loại, nói gọn lại thì 12 loại. 12 loại này được tính trên từ vua quan, tể tướng, công hầu, khanh tướng dưới cho đến những kẻ sĩ, nông, công, thương, tu sĩ, Phật tử  và những hạng ăn mày, ăn xin v. v...
      Nơi đây chúng ta thấy tính bình đẳng trên nhân quả mà đạo phật chỉ cho chúng ta thấy. Dù vua quan, tể tướng, công hầu v.v...cho đến kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn, kẻ tu hành, phật tử đi nữa, nếu không dứt sạch phiền não, còn gây nghiệp bất thiện, còn tham sân, sẽ đoạ làm ngạ quỷ, súc sanh, làm ma làm quỷ, cũng phải chịu trả cái quả không tốt mà ở dương trần đã tạo, sẽ làm kiếp cô hồn. Trong nghi thí thực chia làm ba đối tượng 1- là phật tử (gồm có tu sĩ và cư sĩ) là những người đã quy y Phật pháp tăng nhưng tu không trọn đường tu nên phải đoạ làm cô hồn. Đối tượng thứ hai là hửu tình, là những chúng sanh có tình thức (tức tấc cả mọi loài chúng sanh). Thứ ba là cô hồn. Như vậy đối tượng thứ ba có thể bao gồm cả hai đối tượng trước.
       Nơi đây, đối tượng cúng là cô hồn, cho ta một ý nghĩ liên tưởng sẽ có một linh hồn cô độc, sau khi chết vất vưỡng đó đây, đầu gành mé biển, ngọn cây ngọn cỏ, chổ ở không có, thức ăn thức uống cũng không,  kẻ an ủi vổ về cũng vắng bóng. Quanh năm suốt tháng không người đoái hoài;  nhưng như vậy thì nếu người có lòng tin nơi tín ngưỡng Phật giáo thì họ sẽ tin, và người không có tín ngưỡng tôn giáo, người ta sẽ không tin và sẽ công kích lại ý tưởng này, họ sẽ cho là lời bịa đặt, rũ rê mê tín dị đoan nhãm nhí không thực.Chúng ta nên biết, lời Phật dạy không riêng gì cho một loại chúng sanh, mà là cho tất cả loại, người sống cũng như người đã chết (loại thấy được bằng mắt loại không thấy được bằng mắt). Và trong kinh đại thừa Phật giáo lời dạy của Phật được diển tả bằng những ngôn ngữ ẩn dụ,  từ ẩn dụ đến vô ngôn, chứ không phải nhất quyết nói thẳng ra. Đọc lại kinh Pháp Hoa ở phẩm Thí dụ Phật nói ta sẽ thấy rõ điều này :
             “.....Lại  có các loại quỷ dữ Dạ xoa, nuốt ăn cả thịt người, các loài trùng độc dữ, những cầm thú hung ác...chúng giành bắt mà ăn đó. ăn đó no nê rồi, lòng hung dữ thêm hăng, tiếng chúng đánh cãi nhau, thật rất  đáng lo sợ... buông lung chơi cùng giởn, nắm hai chân của chó, đánh chó la thất thanh, lấy chân đạp trên cổ,  khủng bố chó để vui... Có loại quỷ thân nó cao lớn, trần truồng thân đen xấu, rền tiếng hung ác lớn,  kêu la tìm món ăn...Lại có các giống quỷ, cổ nhỏ bằng kim, đầu tóc rối bung lên...trên đầu lửa bực cháy, đói khát rất nóng khổ, sản sốt chạy quàng lên....Độc hại cùng tai lửa, các nạn chẳng phải một... ”.
         Qua một số ẩn dụ trong kinh Pháp Hoa cho chúng ta thấy : Những ẩn dụ nầy nói lên tâm trạng xấu xa ác độc, những tâm lý loạn tưởng căng thẳng, sân hận, thù hèn, ganh tỵ, tham lam, lo âu buồn chán, nói chung là thất tình lục dục trong mỗi con người chúng ta chứ không đâu xa. 
         Quỷ và ngạ quỷ ở đây không đâu xa chính là tâm lý trong mỗi người chúng ta. Khi tâm khao khát ái dục lúc đó tâm ác khởi lên chính ta đã là quỷ và ngạ quỷ. Quỷ dụ cho tâm ác, chó dụ cho đối tượng khổ. Khi ta không vừa lòng một ai, tâm ác ta khởi lên muốn người mà ta ghét phải khổ, nhìn thấy sự thất bại của họ ta mới thoả mãn làm vui (quỷ khủng bố chó để vui ). Lại có loại quỷ thân nó cao lớn, dụ cho hạng người tự cao tự đại, ỷ quyền cậy thế. Thân trần truồng, dụ cho sự không biết xấu hổ, hạng người không có đạo đức. Thân đen xấu, dụ cho không có chút thiện tâm, ác tâm đầy dẫy. Khi ác tâm đầy dẫy thì sự hung ác của họ không bao giờ dừng, càng được càng tham, càng hơn càng tự đắc. Sự tranh danh đoạt lợi đưa đến chổ giành giựt tranh cải bất tận. Chung cuộc cũng chỉ vì tìm miếng ăn mà kêu la inh ỏi.
        Đầu tóc rối bung lên, dụ cho vọng tưởng, ác tưởng ắp đầy. Trên đầu lửa cháy, dụ cho sự căng thẳng của sự lo toan tính toán hơn thua...Cổ nhỏ mà bụng to, bụng to dụ cho lòng tham không đáy. Cổ nhỏ dụ cho sự hẹp hòi; Thâu tóm càng nhiều mà cho ra, bố thí thì nhỏ giọt. Lại nữa, khả năng thì ít (cổ nhỏ) tham vọng thì nhiều (bụng to), hoặc làm ra của cải trăm, ngàn,vạn mà chỉ tiêu thụ một vài đồng. Làm ra nhiều mà chi tiêu rất ít. Hoặc cả đời bòn mót cực khổ làm nên sự nghiệp lớn lao, nhưng mà hưởng thụ chẳng bao nhiêu, sống chẳng bao lăm năm, rốt cuộc rồi cũng trắng tay ra đi...
         Qua đoạn kinh Pháp Hoa phẩm thí dụ cho chúng ta thấy, không phải chết đi mới thành cô hồn, khi còn đang sống chúng ta đã là cô hồn rồi, và chung quanh chúng ta cũng thấy rất nhiều cô hồn. Nhất là trong thời đại văn minh khoa học này, người ta chỉ sống bằng vật chất hơn là tình cảm, sống trong chủ nghĩa thực dụng. Vật chất lên cao tinh thần đạo đức xuống thấp, có biết bao thanh niên chạy theo chủ nghĩa vật dục, quên đi truyền thống tốt đẹp ngàn đời ông cha ta để lại, đánh mất cội nguồn tâm linh, huyết thống của gia đình, của tổ tiên.  Khi đã đánh mất truyền thống, thì dù có đang sống chung quanh bà con thân hửu họ trở thành những người xa lạ.
      Những cô hồn như thế, chúng ta có thể tiếp xúc được, và nhận thức của chúng ta bằng tai bằng mắt cũng thấy được. Và ngay trong tăng thân của chúng ta, ta hoặc huynh đệ chúng ta, nếu không tu hành đúng giới luật, đúng lời Phật dạy, trái ra ngoài quy luật của thiền môn. Hiện tại chúng ta sống ngoài vòng giới luật, tức ngoài tăng thân, chúng ta trở thành cô hồn trong kiếp sống hiện tại. Khi đã trở thành cô hồn thì tâm trạng rất đau khổ và trống vắng, vì không có nơi nương tựa. Vì chúng ta đã vô tình đánh mất nơi nương tựa chúng ta sẳn có. Chúng ta đang sống với những người chung quanh mà ta không có mối liên hệ thân thiện với mọi người, và mọi người cũng không có tình cảm đối với ta. Lúc đó ta cảm tưởng bơ vơ lạc lõng, chính sự trống trải đó làm ta đau khổ. Trên cuộc đời có nhiều cái rất mầu nhiệm mà ta lại không cảm nhận được, trí tuệ và tâm lý của ta bị khép lại,không đủ sức nhận lãnh sự mầu nhiệm của cuộc đời, nào là thầy tổ, bạn bè xã hội cho mà ta không hấp thụ được. Ta trở nên người thiệt thòi, ví như cái ve dầu nhị thiên đường, dù có đổ mạnh vào một gày nước nhưng bên trong ve dầu vẫn không tiếp nhận được vì cổ nhỏ quá.
      Cho nên khi thực hành nghi thức cúng thí này, chúng ta không chỉ nghĩ là cúng cho những chúng sanh đã chết, mà là cũng cúng (khai thị) cho những người còn đang sống. Chúng ta nên biết trong cuộc sống hằng ngày chung quanh chúng ta có rất nhiều người đang đau khổ vì thiếu thốn. Chính vì tâm trạng đau khổ và thiếu thốn đó là những nhân tố tạo nên cô hồn (hồn cô đơn). Sự đói khát ở đây không hẳn là sự đói khát về cơm ăn áo mặc, chổ ở, mà nhất là sự đói khát về tình thương, thiếu thốn về sự hiểu biết, đói khát về đạo đức v.v... nên cô hồn có những lúc cũng chính là mình. Chúng ta thường nghe có nhiều người than phiền: chưa ai hiểu tôi cả, đó là hạt giống cô hồn. Chúng ta than, chưa ai thương mình, chưa ai hiểu mình, nhưng mà chắc gì ta đã thương mình và hiểu mình một cách thật sự. Niềm tủi thân đó là nhân tố, là dấu hiệu của hạt giống cô hồn trong mỗi người chúng ta.
      Cô hồn nếu không được cứu độ lâu ngày thì trở thành ma đói, gọi là ngạ quỷ. Ngạ quỷ thường được mô tả là có một cái bụng to lớn còn cái cổ họng thì nhỏ như kim. Bụng lớn chỉ cho tham vọng rất nhiều, sự mơ ước chưa xong, sự khổ sở bức bách chưa giải toả. Cổ họng nhỏ dụ cho không có khả năng tiếp nhận. Ví dụ như người ta chỉ có một đồng nhưng muốn ăn một bát phở ngon 15 đồng thì khó mà thực hiện được. Khả năng ít mà hoài vọng thì nhiều, tham vọng chưa đáp ứng thì khổ sở càng gia tăng, và nó nung nấu con người trong lo âu phiền muộn bất an.
      Với những cô hồn như vậy, nếu không có duyên với phật pháp thì khó mà giải toả nổi oan khiên. Nhưng cô hồn ấy tuy đang đói khát về sự hiểu biết và tình thương yêu, nhưng dầu có người đem hiến tặng hiểu biết và thương yêu họ cũng làm ngơ không tiếp nhận mà còn nghi ngờ. Họ nghi rằng đây là sự hiểu biết giả và sự thương yêu giả, hoặc do kiến chấp, do nghiệp chướng sâu dày quá nặng nên không đủ phước duyên để tiếp nhận.
       Nghi thức thí thực này dựa trên tinh thần giáo lý của kinh Hoa Nghiêm,là tất cả do tâm biểu hiện. Tâm chúng ta như một hoạ sĩ, có thể vẽ ra tất cả mọi vật;  thế giới của chúng ta là do tâm sáng tạo. Tâm cộng đồng và tâm cá nhân. Địa ngục cũng do lòng người, Tịnh độ cũng do lòng người mà phát hiện ra. Nếu muốn có địa ngục thì ta chỉ cần vẽ ra địa ngục, nếu muốn có tịnh độ ta chỉ cần vẽ ra tịnh độ, và ông thợ vẽ ấy là Tâm chúng ta. Ta có thể sáng tạo ra một tịnh độ cho riêng ta và cho những người chung quanh ta,cùng chung sống với ta.Và ngược lại tạo địa ngục cũng như thế,Ta tạo ra cảnh địa ngục để ta chịu khổ và để làm khổ cho những người tới với chúng ta. Đó là giáo lý đầu cơ bản của tư tưởng kinh Hoa Nghiêm, và giáo lý thứ hai là “trùng trùng duyên khởi”, là phải có nhiều lớp duyên khởi trùng trùng với nhau thì mới có thể làm cho một hiện tượng biểu hiện ra được. Cái “Một được làm bằng cái tất cả, và cái tất cả được thấy trong cái ‘‘một ”. (một là tất cả, tất cả là một).
 Câu đầu của Tiểu Mông Sơn bằng câu :
          Nam Mô Diện Nhiên Vương Bồ Tát.
        Diện Nhiên Vương là một vị Bồ Tát có khuôn mặt rất dữ tợn. Diện Nhiên là bộ mặt có lửa cháy bừng. Bồ Tát Quán Thế Âm thì có khuôn mặt rất hiền từ, nhưng Diên Nhiên Bồ Tát lại có khuôn mặt dữ tợn. Lửa cháy từ hai con mắt, lửa bốc ra từ miệng và hai tai. Tại sao Bồ Tát lại có bộ mặt dữ dằn như thế? Tại vì ở đây cần phải có một nhân vật có thể điều phục với những thành phần thuộc hạng ác đạo như địa ngục, ngạ quỷ. Vì vậy phải có một nhân vật rất cứng rất hùng mới có thể nhiếp phục được hạng đầu trâu mặt ngựa, giống như đảng cướp côn đồ, chỉ có kẻ đàn anh đàn chị họ mới trị nổi, nói họ mới nghe, ở  đây trong hạng  này không thể dùng hạnh từ bi mà trị được, cho nên Bồ Tát với lòng từ bi thị hiện, một loại đại quỷ vương, có uy lực, có sự dữ dằn mới nhiếp phục được. Nhưng nhìn vào chiều sâu chúng ta thấy có một tình thương rất rộng lớn, và ở trong đó không ai khác. Diện Nhiên Vương Bồ Tát là sự thị hiện của Đức Quán Thế Âm. Đây là một hạnh gọi là đồng sự nhiếp (trong tứ nhiếp pháp ). Cũng như trong xã hội đối với những bọn côn đồ, thì phải có những hình thức rất kiên cường mới trị được, như nhà tù, ông cai tù và những công an cảnh sát, dùng những biện pháp mạnh mới nhiếp phục được sự cang cường của họ.
         Cho nên trong bài tán trạo của nghi thức chẩn tế có hai câu: “Cứu khổ Quan Âm,thị hiện Tiêu Diện Quỷ ”. Quỷ Tiêu Diện tức là một quỷ sứ lãnh đạo chúng quỷ, làm thủ lãnh quỷ sứ phải có cái bộ mặt dữ dằn và cứng rắn mới điều phục được ngạ quỷ. Tiêu Diện người ta gọi tắt là ông Tiêu. Tiêu Diện đại vương cầm một lá cờ và thống lãnh các đoàn quỷ sứ đi theo sau, dưới quyền điều khiển của ông Tiêu, để tham dự vào các pháp hội cúng dường tại các chùa. Để có trật tự các giới ngạ quỷ và cô hồn có dịp được nghe kinh và tiếp nhận thức ăn do nhà chùa cúng dường, để chuyển hoá và sanh về Tịnh độ.
Bốn câu kế tiếp :
Mãnh hoả diệm diệm chiếu thiết thành,
Thiết thành lý diệm nhiệt cô hồn,
Cô hồn nhựơc yếu sanh Tịnh độ,
Thính tụng Hoa Nghiêm bán kệ kinh.
( Lửa dữ bừng bừng cháy bốn bên,
Cô hồn nóng bức khổ triền miên,
Cô hồn nếu muốn sanh Tịnh độ,
Thì hãy lắng nghe kệ Phật truyền ).
( Hãy lắng nghe bài kệ của Kinh Hoa Nghiêm ).
Lửa dữ bừng bừng cháy là diển tả cái cảnh bức bách ở địa ngục. Địa ngục có lửa, không những lửa cháy ở một bên mà cháy luôn cả bốn bên. ý nói không có chổ trốn tránh, giống như trong một lòng chảo dù có muốn thoát ra cũng không được. Lửa ở đây không hẳn lửa ở địa ngục, mà cũng là lửa nóng giận, lửa tham, lửa si luôn luôn có trong lòng ta. Ai đã từng trãi qua những giai đoạn khổ đau thì biết thế nào là lửa địa ngục. Địa ngục được định nghĩa là nơi chốn bất như ý, hay là trạng thái bất như ý. Cái cảnh hoặc cái tình huống không làm cho ta thoả mái thư giản được. Như vậy ta có thể nói có hai loại địa ngục,  địa ngục bên ngoài ta và địa ngục bên trong tâm ý ta. Nhưng đây chủ yếu là địa ngục bên trong tâm ta. Tuy nói là địa ngục bên ngoài ta nhưng nó cũng có sự liên hệ với tâm ý ta  bên trong nên nó cảm vời cái địa ngục bên ngoài. Địa ngục bên trong là nghiệp nhân, địa ngục bên ngoài là nghiệp quả. Địa ngục còn có một ý nữa. Địa là dày, ngục là giam giữ. Với những tư tưởng, với những thành kiến, với những kiến thức hẹp hòi, cố thủ đó là địa ngục.Tư tưởng và kiến chấp nó  còn cứng chắc hơn bê tông cốt sắt. Cho nên người ta nói : Làm chính trị sai hại một thế hệ, làm văn hoá sai hại muôn đời. Cái tư tưởng xấu ác, kiến thức chấp thủ, cái tập tục mê tín dị đoan thường di truyền từ lớp người này sang lớp người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, chỉ làm khổ cho nhau chứ thực sự không giải thoát an vui. Ví dụ như tập tục trọng nam khinh nữ, thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Cái khổ đó được diển tả là cái khổ triền miên, cái khổ không bao giờ chấm dứt.
Tiếp đến là bài kệ của kinh Hoa Nghiêm :
Nhược nhơn dục liễu tri,
Tam thế nhất thiết Phật,
Ưng quán pháp giới tánh,
Nhứt thiết duy tâm tạo.
Nghĩa :Nếu ai muốn thấy và muốn biết,
Thì người ấy phải quán chiếu pháp giới,
Chư Phật có mặt trong ba đời
Tất cả đều do tâm tạo ra mà thôi.
Tình huống chung, ai đang ở trong hoàn cảnh bức xúc khổ sở cũng ước mơ một nơi an lạc hạnh phúc để yên thân, đó là Tịnh độ. Khi đang ở trong cảnh nóng bức, người ta luôn luôn khao khát đến nơi mát mẻ thanh lương. Và cô hồn nếu muốn sanh lên Tịnh độ thì phải lắng nghe và hiểu một câu nói của Phật đã nói. Đó là bài kệ mở đầu cho nghi thức cúng thí. Lời bài kệ này rất quan trọng. Vì bài kệ này chính lời đức Phật đã nói trong kinh Hoa Nghiêm. Bài kệ là lời khai thị cho chúng cô hồn thực tập phép quán chiếu lại tự tâm. Tự tâm mỗi người vốn thanh tịnh nhưng do vọng tưởng khởi lên nên phiền não quấy động, khiến chúng sanh cảm ứng thành nghiệp cô hồn.Tất cả những tội lỗi, phiền não đều do ta tạo, do tâm ta sáng lập. Đó gọi là duy tâm. Liễu tri là sự hiểu biết tận gốc, biết một cách rốt ráo, không có mơ hồ.Người nào muốn biết một cách tường tận thế nào là các đức Phật trong ba đời, quá khứ hiện tại và vị lai thì cần phải nhìn sâu vào bản chất của pháp giới. Thường chúng ta phân biệt thế giới và pháp giới khác nhau. Thế giới là nói hạn chế trong phạm vi quả địa cầu chúng ta đang ở, còn pháp giới bao gồm cả hằng hà sa thế giới. Đó là cái nhìn của người phàm chưa chứng ngộ. Người đã chứng ngộ rồi thì nhìn thế giới cũng chính là pháp giới. Trong thế giới của người phàm tục chưa chứng ngộ thì thấy cái này nằm ở ngoài cái kia,và vạn vật có có không không, có tới có đi, có sanh có diệt. Còn người giác ngộ thì không thấy thế giới mà chỉ thấy pháp giới, tức là thấy được tính duyên sanh của mọi sự mọi vật. Cái này không nằm ngoài cái kia, mà cái tất cả nằm trong cái một, và cái một nằm trong cái tất cả.Thấy được như vậy là thấy được pháp giới, còn thấy có sự chia rẻ, có sự cô đơn, có sự kỳ thị thì cái đó còn là thế giới. Tâm chưa giác ngộ thì chỉ thấy thế giới, còn tâm đã giác ngộ rồi thì thấy thế giới ta thấy được pháp giới. Chúng ta phải biết rằng địa ngục mà trong đó chúng ta đang sống là một sáng tạo của tâm thức cá nhân và cộng đồng, và chúng ta có thể thoát ra được. Nếu tâm tạo ra địa ngục thì tâm ta cũng có thể làm ngưng địa ngục. Nếu chúng ta làm cho tâm tịnh độ phát hiện, thì tự nhiên tịnh độ sẽ phát hiện. Chán ngán hoả ngục, mong ước tịnh độ thì tự nhiên tâm ta sẽ hướng về tịnh độ. Quay lưng lại địa ngục và xoay mặt về tịnh độ, thì thế nào tịnh độ cũng hiện bày. Đó là giáo lý yếu chỉ của kinh Hoa Nghiêm. Là người cúng thí phải thấu hiểu, và là người hành trì, ta phải nắm vững giáo lý này, vì chính tâm thức của ta mới khai thị được nẽo thoát cho cô hồn. Cô hồn là những người, những tâm thức đói khát, khổ đau, cô đơn. Vì thế ta phải làm thế nào để giúp cho cô hồn mở mắt ra được (tức khai thị ) làm thế nào để cô hồn mở rộng cổ họng ra được (khai thị, làm cho cô hồn nhận thức rõ được sự thật của cuộc đời, tức thấy được sự thật ; làm cho mở rộng cổ họng tức là phát tâm rộng lớn, xả bỏ kiến chấp hẹp hòi, (thay đổi tính xấu ác). Vai trò người cúng thí rất quan trọng,  trong lúc cúng thí ta là vai trò của Bồ Tát Quán Thế Âm. Người cúng thí phải có định lực, phải có sức kiên nhẫn, mới có năng lựợng nội lực để chuyển hoá, để khai thị cô hồn. Vì thế trong nghi thức cúng thí ta phải vận dụng với tất cả tâm chí thành của ta, trong khi tụng đọc kinh chú ta phải hết sức vững chãi, không nên làm vụt chạc lấy lệ, và phải an trú trong định. Nếu trong khi cúng thí tâm ta vướng bận sự buồn giận thì rất tội nghiệp cho cô hồn, và cũng rất tội nghiệp cho ta. Bởi vì chúng ta làm như một cái máy, chỉ làm được phần hình thức mà thôi.
Có câu chuyện kể rằng : ngày xưa có một vị kinh sư, nhận lãnh một diên trai đàn chẩn tế cho một chùa nọ. Trong lúc thực hành pháp sự,vị kinh sư nhớ ra lúc mình rời chùa ra đi, quên không đóng cửa phòng, và bộ chìa khoá không biết nó lạc ở đâu? Do đó suốt buổi cúng thí, vị kinh sư chỉ nhớ đến đùm chìa khoá, do đó lúc cúng không nhất tâm đến việc ban bố thức ăn bằng cơm, bằng cháo, mà chỉ nghỉ đùm chìa khoá,  do đó cô hồn không nhận lãnh được thức ăn nào cả, chỉ thấy toàn là chìa khoá bằng sắt bằng đồng. Cho nên xong viên cúng, vị kinh sư về rồi, khuya đến vị chủ đám mới bị cô hồn đến phiền trách về việc không nhận được thức ăn như ý. Hôm nay ông cho tụi chúng tôi ăn toàn chìa khoá bằng sắt, cho nên không hưởng được gì cả. Vị chủ chùa mới thưa lại câu chuyện cô hồn phiền trách với vị kinh sư như vậy. Vị kinh sư nhớ lại tâm trạng lúc thực hành pháp sự, tâm ý không ổn, chỉ nhớ đến việc mất chìa khoá, cho nên cô hồn không ăn được là phải. Và vị kinh sư phải bán đồ của mình tổ chức lại viên cúng khác. Câu chuyện ở đây cho ta thấy tâm lý lúc cúng thí rất quan trọng, cho nên chúng ta cần phải cẩn thận trong khi cúng thí, để đem lại lợi ích âm dương lưỡng lợi
Phần trên là phần khai thị giáo lý siêu việt của kinh Hoa Nghiêm mà Phật đã dạy. Thứ đến là phần trì chú ; câu chú đầu tiên là câu thần chú phá địa ngục. Chúng ta biết địa ngục tạo ra bởi tâm thì khi phá địa ngục cũng phải dùng tâm mà phá, chứ không phải phá bằng dụng cụ như búa, kèm,bom đạn, chất nổ v.v...
Chân ngôn phá địa ngục.
Án dà ra đế da tá bà ha.
Sau khi tụng chân ngôn phá địa ngục rồi thì ta tụng đến chân ngôn phổ triệu thỉnh.
Phổ triệu thỉnh chân ngôn
Nam Mô bộ bộ đế rị dà rị đa rị đát tha nga đa da.
Phổ triệu thỉnh là mời hết, không chừa ai. Tất cả những người khổ, tất cả những loài đang khổ, dù trong địa ngục nào ta cũng mời hết, vì cúng dường ở đây là cúng dường không phân biệt;  không kỳ thị,  dù là người có tôn giáo hay không tôn giáo, da đen hay da trắng v.v...cũng đều mời thỉnh đến dự. Tinh thần cúng thí này gọi là tinh thần “Vô giá ”. Vô Già là không ngăn ngại,  không tạo ra một trở lực nào cho bất cứ một ai. Mở rộng hết cửa,tất cả ai cũng được vào hết, đều có cơ hội như nhau. Khi tổ chức một cuộc chẩn tế đàn chay như thế gọi là Vô già hội. Tiếp đến tụng chân ngôn mở oan kết.
Mở oan kết chân ngôn :
Án tam đà ra già đà ta bà ha.
Oan kết là những sợi dây oan ức. Giải oan là giải trừ nổi oan ức trong lòng của cô hồn xưa nay chưa giải toả được. Phật dạy rằng, muốn chấm dứt oan khổ thì phải dùng từ bi,  hỷ xả ;  nếu giải quyết bằng oán hận thì oan khổ không bao giờ chấm dứt. “Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng;  lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Nếu ta lấy sự oán hận để đáp thù lại oán hận thì oán hận ấy sẽ kéo dài bất tuyệt, còn nếu lấy đức từ bi và hiểu biết mà đáp ứng với cái oán thù thì oán đó sẽ tiêu tan, đó là giáo lý giải oan của phật. Lấy tình thương đối lại hận thù thì ta có thể chấm dứt được luân hồi của hờn oán và đó là chân ngôn mở oán kết. Chúng ta phải dùng sự hiểu biết và thương yêu để đáp ứng lại hận thù và bạo động, thì đó mới đúng với lời Phật dạy, và chỉ khi nào chúng ta nghĩ được và làm được như vậy, thì câu thần chú này mới thành ra hiện thực mà thôi. Ba câu chân ngôn này khi tụng lên ta tụng với cái tâm hiểu biết và thương yêu mới được. Khi tụng như vậy thì hạt giống từ bi, sự hiểu biết và thương yêu trong chúng ta được lớn mạnh dần, từ đó chúng ta có được sự nội lực của nguồn năng lượng của Phật và chư Bồ Tát. Có như thế cô hồn mới tiếp nhận được. Người cúng thí trước hết phải có năng lực thật mạnh mới có thể phá được địa ngục, mới khai mở yết hầu và giải oan cho chúng cô hồn. Nếu người cúng đang ở trong tình trạng thiếu năng lượng,đang bị giam hảm của nội kết,  thì không có cách gì phá được địa ngục cho người khác. Ví như người đang sầu khổ mà đi an ủi giải thích cho người sầu khổ như ta thì không thể được.
Thứ đến đọc câu tựa đề của kinh Hoa Nghiêm :
Nam Mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.
Đây là niệm pháp, vì kinh Hoa Nghiêm là cơ bản sự thực tập của sự cúng dường này. Thay vì niệm Phật trước thì ta lại niệm pháp trước.
 Phương quảng là rộng lớn, Đại Phương Quảng là rất rộng lớn,  Phương quảng là mở rộng ra, chỉ bày những chân trời giáo pháp rộng lớn hơn. Hoa Nghiêm tức là làm cho đẹp, làm cho trang nghiêm bằng hoa.
Kế đến niệm :
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Phật
Nam Mô Thường trụ Thập Phương Pháp.
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tăng.
Ba câu niệm nầy là để hướng dẫn cho các cô hồn biết hướng về Tam Bảo để quy y. Vì địa ngục đã mở, cô hồn đã được mời đầy đủ, oan kiết đã giải,  bây giờ niệm Phật niệm pháp,  niệm tăng để cho tâm tư cô hồn được thư giản, và cũng là cầu oai lực của ba ngôi Tam bảo gia trì cho chúng cô hồn giải trừ những nội kiết.
Thường trú nghĩa là luôn luôn có mặt, luôn luôn hiện diện. Phật, Pháp,Tăng không phải chỉ có mặt ở quá khứ hay ở địa phương nào, mà là có mặt trong hiện tại và ngay cả địa phương này và luôn luôn có mặt ở trong giây phút hiện tại và bây giờ và ở đây.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam Mô Minh Vương Cứu Khổ Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nam Mô Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả.
Đại Tạng Vương là một vị Bồ Tát có  nguyện rộng lớn, Ngài nguyện nơi nào có địa ngục thì nơi đó Bồ Tát phải có mặt. Cho nên danh hiệu của Ngài là: Minh Dương Cứu khổ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát. Minh tức là cõi u minh,tức là cõi âm phủ, còn minh ở đây không có nghĩa là sáng mà là tối; u minh là cõi tối tăm mờ mịt, không có ánh sáng, chỉ cho cõi âm phủ. Còn Dương tức là cõi trần thế dương gian, cõi người. Như vậy Ngài Địa Tạng Bồ Tát không chỉ giáo hoá người cõi âm mà cũng giáo hoá người cõi dương nữa, cho nên gọi là Minh Dương Cứu Khổ Địa Tạng Vương. Hình ảnh của Bồ Tát Địa Tạng Vương là một hình ảnh tiêu biểu, vì chính ở đây đối tượng cúng dường,đối tượng của tình thương và sự thực tập là những cô hồn. Vì vậy vai trò của Bồ Tát Địa Tạng rất quan trọng trong sự chuyển hoá cô hồn. Sự đau khổ có mặt trong cõi dương và cõi âm. Cõi dương nằm trong cõi âm và cõi âm nằm trong cõi dương, đó là giáo lý tương tức, tương nhập.
Nam Mô Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả.
Khải giáo là mở ra giáo pháp. Phương pháp cúng thí cô hồn là bắt nguồn từ Ngài A Nan khởi xướng cho nên niệm Nam Mô Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả. Vì khi Phật còn tại thế, một đêm khuya thanh vắng nọ, Ngài A Nan ngồi thiền định, thấy một con quỷ hiện ra, mặt mày dữ tợn, lửa bốc cháy cả mặt, con quỷ đó tên là Diệm Nhiên (Mặt cháy). Quỷ nói với Ngài A Nan rằng,  ba ngày nữa thì mày sẽ chết và sẽ thành quỷ đói như tao. A- Nan lo sợ, bèn hỏi có cách gì tránh khỏi được không?  Quỷ trả lời, nếu mày muốn tránh thì ngày mai, mày cúng cho tụi tao mỗi đứa một hộc lương thực, thì mày sẽ khỏi chết còn tao được sanh lên trời.  A- Nan lo sợ câu chuyện xảy ra, bằng bạch với Phật,  Phật dạy cho A Nan phương pháp cứu tế cô hồn, tức là nghi thức cúng thí thực này, được bắt nguồn từ câu chuyện này nên niệm câu Khải Giáo A -Nan Đà Tôn Giả.
Thứ đến đọc :
Quy y Phật, Quy y Pháp , Quy y Tăng,
Quy y Phật lưỡng Túc Tôn,
Quy y Pháp Ly Dục Tôn,
Quy y Tăng Chúng Trung Tôn.
Quy y Phật kính, Quy y Pháp kính, Quy y Tăng kính.
Mấy câu trên là hướng dẫn cô hồn đối trước ba ngôi Tam Bảo phát tâm quy y Phật, Pháp, Tăng, để được làm Phật tử. (mấy câu này đọc ba lần).
Thứ đến hướng dẫn Phật tử, hửu tình và cô hồn sám hối những tội chướng từ xưa đến nay đã gây ra.
Có những Phật tử thành công trong việc tu tập, nhưng cũng có những Phật tử không thành công trong việc tu tập, nên phải gánh chịu nhiều đau khổ. Vì vậy họ cũng cần được khai thị để sám hối.  Phát nguyện chuyển hoá và xa lìa địa ngục. Bởi vì Phật tử cũng vẫn rơi vào địa ngục nếu tu hành không chín chắn. Khi hướng dẫn phật tử, cô hồn sám hối, nhưng chính ta cũng phải sám hối. Bởi vì trong cuộc sống hằng ngày chính chúng ta cũng đã từng vi phạm những lỗi lầm, từ thân miệng ý mà ta không biết hết,  cho nên không những chuyển hoá cô hồn, phật tử, mà chính trong chúng ta cũng phải chuyển hoá. Có sự chuyển hoá trong tâm chúng ta thì mới có được sự chuyển hoá bên ngoài chúng ta.
Phật tử sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thỉ tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chí sở sanh,
Nhất thiết Phật tử giai sám hối
Phật tử đã tạo ra các nghiệp xấu
Cũng vì tâm niệm tham sân si,
Do thân miệng ý phát sanh ra
Tất cả Phật tử đều xin sám hối.
Hửu tình ..... . ......sám hối
Cô hồn ........... .Sám hối.
Phần trên hướng dẫn Phật tử, hửu tình và cô hồn quy y Tam Bảo, Phần dưới hướng dẫn Phật tử, hửu tình, và cô hồn sám hối.
Hai phần này thuộc về tự lợi, thứ đến hướng dẫn Phật tử, cô hồn phát bốn hoằng thệ nguyện để làm sự lợi tha. Chính sự lợi tha mới đem lại an lạc cho ta và cho cuộc đời.  Đây cũng là pháp xa lìa địa ngục, thoát khỏi hầm lửa,mở dây oan kết, và xả bỏ sự nghèo đói. Vì đau khổ, oán hận, nghèo đói bắt nguồn từ sự vị kỷ mà ra. Và phần nầy là phần cơ bản của đại thừa Phật giáo. Muốn tiến đến con đường Phật thừa, phải trãi qua con đường Bồ Tát đạo. Tứ hoằng thệ nguyện là con đường Bồ Tát đạo mà mọi người Phật tử đều phải hướng đến, có hướng đến ta mới có an lạc, chúng sanh mới có giải thoát. Cho nên phải đọc lời phát nguyện.
Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ.
Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn.
Tự tánh pháp môn thệ nguyện học,
Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành,
Một khi tự tánh của chúng ta hoàn thành bốn thệ nguyện bên trong rồi,thì bốn thệ nguyện bên ngoài chúng ta sẽ thực hiện được. Vì tâm có phát thì đạo mới thành, nguyện có thành chúng sanh mới độ. Từ đó dẫn đến bốn hoằng thệ nguyện hướng về lợi tha.
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Phát nguyện tức là thực tập đem một nguồn năng lượng vào trong cơ thể và tâm hồn của ta. Vì khi chúng ta là những cô hồn vất vưỡng, thì chúng ta không có nguồn năng lượng nào hết, không có sức sống, ta thấy thân tâm rã rời, đối với cuộc đời không còn nghĩa lý gì hết,  tình đời đen bạc, có lúc muốn quyên sinh. Trong lúc đó, hành giả có được nguồn năng lượng thì sẽ cứu vớt được sự đau khổ và thất vọng. Mỗi khi ta trông thấy chúng sanh đau khổ như vậy, muốn cứu trợ họ, muốn họ vươn lên. Vì vậy mục đích của bốn hoằng thệ nguyện này, là làm cho họ phát khởi Bồ Đề tâm trong tâm của cô hồn, của chúng sanh. Vì sao vậy?  Bởi vì cô hồn tuy tâm trạng đau khổ và dữ dằn, nhưng họ vẫn có hạt giống tốt đang nằm bên trong, hạt giống đó là Tâm Bồ Đề, và ta đang thay thế Phật và Bồ Tát chỉ cho họ biết rằng, trong tâm họ cũng có hạt giống tốt lành đó. Khi họ nhận biết và tiếp xúc được hạt giống Bồ Đề Tâm, thì tự nhiên nguồn năng lượng ở bên trong con người họ bừng dậy. Và chính nguồn năng lượng đó làm cho họ thoát khổ ra khỏi địa ngục và đi về cõi Tịnh độ.
Bốn lời thệ nguyện lớn này làm cho năng lượng Bồ đề tâm sung mãn và chính năng lượng này đưa chúng ta ra khỏi thế giới của địa ngục.
Người ta hoặc cô hồn có thể nghi ngờ rằng, tại sao họ lại có thể thực hiện được bốn hoằng thệ nguyện đó? Làm sao tôi có thể độ hết chúng sanh?đoạn hết phiền não? Học hết pháp môn? Thành tựu được Phật quả? Mọi người ai cũng có hạt giống nghi ngờ trong tâm. Chúng ta phải khai thị rằng khả năng đó, hạt giống của bốn hoằng thệ nguyện đó có sẳn trong tự tánh của mọi chúng sanh. Chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa. Chính mỗi người,mỗi cô hồn đều có tự tánh của sự thành phật, của sự độ tha.
Sau khi hướng dẫn cho các giới cô hồn quy y và sám hối và phát nguyện rồi, bây giờ đến phần cúng dường. Chú đầu là chú Diệt định nghiệp.
Chân ngôn Diệt Định Nghiệp :
Án bát ra mạt lân đà nảnh ta bà ha.
Diệt định nghiệp, tức là phá bỏ cái nghiệp coi như là tiền định.  Nghiệp riêng và nghiệp chung mà chúng ta đã gây ra, đã đưa chúng ta tới nẻo đường đen tối và khổ đau của hôm nay. Và chúng ta nghĩ rằng đó là định nghiệp,một hoàn cảnh không thể nào thoát ra khỏi được.Nhưng một khi đã có sự can thiệp của chánh pháp, của tăng đoàn, của chư Phật thì nghiệp quả đó lại có thể phá bỏ được, và chúng ta có thể thoát ra khỏi tình trạng hiện tại. Cũng ví như  một người bị giam trong tù, thì không có cách gì ra khỏi nhà giam được, nhưng một khi có sự can thiệp của những người bên ngoài thì nhà chức trách và cai tù có thể mở cửa cho người đó ra được. Nghiệp có hai loại,nghiệp nhân và nghiệp quả. Nghiệp nhân là những gì chúng ta tạo tác ra và nghiệp quả là những gì chúng ta phải gặt hái. Nhưng nếu có sự can thiệp của Phật, Pháp, tăng vào thì có thể có sự thay đổi.  Giống như trồng bắp mọc lên  rồi, mà trời cứ nắng mãi không có mưa thì bắp không thể phát triển được,bắp dần dần khô héo. Nhưng chúng ta can thiệp vào, bằng cách cho nước tưới thì bắp có thể tránh khỏi sự khô cháy. Đó là sự can thiệp của yếu tố tự bên ngoài, mà sự can thiệp đó là sự can thiệp oai lực của Phật, pháp, tăng.
Chân ngôn Diệt nghiệp chướng
Án a lỗ lặc kế ta bà ha.
Chướng tức là những trở ngại, những chông gai và chướng ngại khiến ta không thực hiện được những gì theo ý ta muốn. Đó là những yếu tố làm chướng ngại sự tu học, sự thành công, sự chuyển hoá của chúng ta. Nhưng câu chân ngôn này có cả khả năng tiêu trừ nghiệp chướng, tức là tháo gở được tất cả những chướng ngại trên con đường đi của mình. Chân ngôn là những thần chú khi đọc lên có tác dụng thay đổi được tình trạng. Nguyên tắc trì tụng chân ngôn là khi chúng ta đọc lên một câu chân ngôn thì ba nghiệp ta phải thanh tịnh và hợp nhất. Thân khẩu ý hoàn toàn phối hợp với nhau trong một trạng thái thiền định vững vàng thì câu chân ngôn đó mới có hiệu quả.
Chân ngôn mở rộng yết hầu.
Án bộ bộ đế rị, dà rị đa rị,đát đa nga đa da       . (3 lần )
Trong kinh diển tả hình thể cô hồn đầu mình cổ họng đều không tương xứng. Đầu to cổ thì nhỏ bụng lại lớn. Do nghiệp nhân đã tạo, quá keo kiệt,quá bỏn xẻn, tham lam hẹp hòi, tính toán so đo, tham vọng vô cùng. Nên sau khi chết nhận lãnh quả báo đầu to cổ nhỏ bụng thì lớn, đói khát thèm muốn triền miên, nhưng không bao giờ có sự đáp ứng vừa ý. Vì thế câu chân ngôn này có công năng mở rộng yết hầu của các loại quỷ đói, để nhận lãnh cơm cháo một cách tự do. Trong khi cúng phải cúng với cái tâm từ bi thì cô hồn hưởng được.
Chân ngôn Tam muội da giới.
Án tam muội da tát đoả phạm.   ( 3 lần )
Tam muội Da giới là một phép tiếp nhận năng lượng chánh niệm, tức là phép mở cửa để cho cô hồn và quỷ đói có thể có cơ hội gia nhập vào trong đạo tràng tu học của đoàn thể tu học.
Chân ngôn Biến thực.
Nam mô tát phạ đát tha,Nga đa phạ lồ chỉ đế,
Án tam bạt ra,tam bạt ra hồng
Chân ngôn biến thực là chân ngôn nương vào thần lực của phật và Bồ Tát để làm cho số lượng thức ăn đang dâng cúng trở thành ra đầy đủ cho mọi thành phần tới tham dự. ở Việt Nam ta trong kho tàng truyền kỳ có câu chuyện kể về anh chàng tên là Thạch Sanh. Anh có một nồi cơm rất nhỏ và không biết anh đã học được phương pháp nào đó, mà cái nồi cơm nhỏ của anh có thể xới cơm cho biết bao nhiêu người ăn mà không hết. Đó là khả năng biến thực, nghĩa là khả năng làm cho no đủ tất cả mọi người, với một số lượng thực phẩm rất giới hạn.  Có lẽ câu chuyện này ảnh hưởng đến tinh thần của câu chú biến thực nầy.
Trước khi ban phát thức ăn cho chúng ngạ quỷ, cô hồn, có bài kệ chú nguyện rằng :
Pháp lực bất tư nghị
Từ bi vô chướng ngại,
Thất liệp biến thập phương,
Phổ thí châu sa giới.
Sức pháp không thể nghỉ bàn,
Từ bi không bị chướng ngại
Bảy hạt cơm biến khắp mười phương,
Khắp thí cùng khắp thế giới
Pháp Phật thật phi thường
Bảy hạt cơm đầy cả mười phương
Cúng dường khắp tất cả
Từ bi không biên cương.
Thần lực của Phật rất phi thường, chỉ có bảy hạt cơm thôi, mà thực phẩm biến thành vô số,  Pháp giới rộng vô biên, nhưng bảy hạt cơm đó có thể làm thức ăn cho tất cả chúng sanh trong pháp giới, lý do là lòng từ bi không ngằn mé, không bờ bến, không ranh giới, không hạn cuộc, nên cảm được sự diệu dụng như thế.
Ví như ta đến một nhà nghèo ăn một bửa cơm đạm bạc, nhưng với tấm lòng hiếu kính quý khách, thì ta thấy bửa cơm ấy ăn thật ngon và thú vị. Nhưng ta đến một nhà giàu cũng ăn một bửa cơm thịnh soạn, nhưng với tâm trạng người chủ nhà không vui, không nhã nhặn, thì dù có cơm canh ngon mấy chúng ta ăn không hứng thú. Cũng ví như chúng ta có tình thương với nhau, dù nhà chật ta cũng có thể ngủ được 10 - 20 người, ngủ như cá sắp mà không thấy chật mà lại thấy vui. Nhưng khi không có tình thương thì dù có 2, 3 người cũng đã cho là chật rồi. Cho nên tất cả đều tuỳ thuộc vào lòng từ bi. Vì vậy với tâm từ bi thì không có việc gì chướng ngại, và thực phẩm cũng vậy.
Chân ngôn biến thuỷ.
Nam Mô tô rô bà gia,đát tha nga đa da,đát điệt tha,án tô rô, tô rô, bát ra tô rô,bát ra tô rô, ta bà ha. (3 lần)
Giới quỷ đói rất khát nên cần nước uống. Với nghiệp nhân chúng đã tạo thành kiếp quỷ đói, cơm cháo không có ăn, ngay cả nước uống cũng không có, nếu có gặp được nước, uống cũng không được như ý, nó sẽ biến ra máu lửa. Vì nghiệp lực nên không đủ phước để uống. Trong kinh nói rằng : Con người thấy nước là nước, đôi khi cũng là cõi chết. Cá thấy nước là nhà, là cung điện. Trời thấy nước mưa rơi là lưu ly. Tu la thấy mưa rơi là gươm dáo. Ngạ quỷ thấy nước là khói lửa. Tùy nghiệp lực của mỗi chúng sanh mà cảm vời sự báo ứng. Cho nên cúng đọc câu chú biến thuỷ nầy khiến cho giới ngạ quỷ dùng nước được một cách tự do không bị trở ngại. Giới ngạ quỷ cổ nhỏ bụng to cho nên thường khó tiếp nhận thức ăn cứng, vì thế có quan niệm khi cúng thí có nước trong và cháo lõng là chủ yếu trong phẩm vật cúng cô hồn.
Nước tuy có mấy chén mà thôi, nhưng nhờ thần lực của câu chân ngôn biến thuỷ, mà nước trở thành vô lượng, khiến cho tất cả cô hồn đều dùng đủ.Uống nước này vào cô hồn cảm thấy giải trừ được sự đói khát, sự khổ sở của họ đều tiêu tán.Trong khi tụng chân ngôn biến thực và biến thuỷ, chúng ta phải có định tâm và phát khởi lòng từ bi đối với giới quỷ đói đang bao quanh chờ đợi lòng thương của chúng ta, có như thế cô hồn mới cảm nhận được,bèn không cũng tội cho giới cô hồn đến rồi không được chi hết.
Chân ngôn nhất tự thuỷ luân.
Án,noan noan noan noan noan.  (3 lần)
Trong khi ta đọc câu chân ngôn này, thì nước dâng cúng trở thành ra nước tám công đức. Nước tám công đức là thứ nước có thể làm cho thoả mãn mọi khao khát, mọi nhu cầu đều được như ý. Nước tám công đức có công năng rửa sạch những phiền luỵ khổ đau của con người từ tinh thần đến vật chất.
Chân ngôn nhủ hải     (biển sữa)
Nam mô tam mãn đa một đà nẩm, án noan . (3 lần)
Nước ta cúng dường đã trở thành ra sữa để cho những chúng sanh thiếu dinh dưỡng vì đói khát lâu ngày có thể có nhiều chất đạm. Nhũ hải là biển sữa. Kế đến là ta tụng Hồng danh của bảy vị Phật, có liên hệ đến nghi thức cúng dường này.
Nam Mô Đa Bảo Như Lai     
Nam Mô Bảo Thắng Như Lai,
Nam Mô Diệu Sắc Thân Như Lai
Nam Mô Quảng Bác Thân Như Lai,
Nam Mô Ly Bố Uý Như Lai
Nam Mô Cam Lồ Vương Như Lai,
Nam Mô A Di Đà Như Lai.
Đức Đa Bảo Như Lai ở về phía Đông ; Đức Bảo Thắng Như Lai ở về phía Nam; Đức Diệu Sắc Như Lai cũng ở về phía Đông; Đức Quảng Bác Thân Như Lai cũng là Đại Nhật Như Lai; Đức Ly Bố Uý Như Lai ở về phía Bắc. Cam Lộ Vương Như Lai và A Di Đà Như Lai ở phía Tây. Đọc lên tên các vị Như Lai như vậy là để những chúng sanh, các cô hồn ngạ quỷ có hiện diện được nghe danh hiệu các Ngài, để họ có thể phát sanh ra lòng cảm mến quy thuận và được nhiều công đức.
Thần chú gia trì tịnh pháp thực,
Phổ thí hà sa chúng Phật tử,
Nguyện giai bảo mãn xả xan tham
Tốc thoát u minh sanh Tịnh độ,
Quy y Tam Bảo phát Bồ đề,
Cứu cánh đắc thành vô thượng đạo,
Công đức vô biên tận vị lai,
Nhất thiết Phật tử đồng pháp thực.
Thần chú gia trì thức ăn tịnh,
Cúng khắp mười phương chúng Phật tử,
Nguyện đều no đủ bỏ xan tham,
Mau thoát u minh sanh Tịnh độ,
Quy y Tam Bảo phát Bồ Đề,
Rồi sẽ đạt thành đạo Vô thượng,
Công đức đi về cõi vị lai,
Tất cả Phật tử cùng tiếp nhận.
( hửu tình (mọi loài) và cô hồn cũng đều nguyện như vậy ),
Đây là lời tâm sự, cũng là lời chúc tốt lành nhất của người cúng thí, đối với Phật tử, với mọi loài và cô hồn. Mong rằng họ tiếp nhận được lương thực,thức ăn nước uống và những gì cần đều được thoả mãn, và mong họ khi đã tiếp nhận pháp thực nầy rồi, họ xả bỏ được tâm xan tham và sanh về Tịnh độ. Cuối cùng sẽ đạt được địa vị Phật quả trong tương lai.
Đoạn nầy nói với những Phật tử tu hành không thành công đang ở trong vòng đau khổ. Khi đã có duyên được làm người phật tử, tuy gặp Phật pháp tăng, nhưng họ không gặp được duyên lành, không được hướng dẫn tu hành đàng hoàng, học hiểu phật pháp đúng phương pháp. Không phải mỗi khi chúng ta trở thành Phật tử là ta đã được thừa hưởng giáo lý của đức Thế Tôn đâu. Hay ta sẽ được cái ân huệ từ Phật che chở cho ta mọi điều đâu? Nếu chúng ta quy y rồi,  thành người Phật tử mà không gặp được minh sư, không gặp bạn hay, môi trường tốt, thì cái học Phật của ta không thể thành công được. Chúng ta có thể học được một mớ khái niệm hay lý thuyết, và những cái đó chúng ta không đem áp dụng vào cuộc đời được, nó giống như cái bánh vẽ không làm no lòng người đang đói. Cho nên những khái niệm lý thuyết đó đôi khi hổn tạp, không được thuần chất Phật giáo,  mà nó bị pha trộn với những yếu tố mê tín dị đoan. Và người dạy chúng ta có thể cũng không nắm bắt được tinh yếu của Phật pháp, và không thành công trong việc tu tập. Cho nên dầu đã trở thành Phật tử rồi mà ta vẫn chưa thành công trong sự tu tập. Không phải khi thành Phật tử là tự nhiên có sự chuyển hoá và an lạc. Chúng ta cần phải có dịp may mắn mới gặp được thầy hay bạn tốt, tăng thân vững vàng thì mới có thể thành công. Nếu không thành công trên sự tu học dù là phật tử chúng ta vẫn đói khát như các giới khác như thường.
Thức ăn tôi đang hiến cúng cho quý vị đây là những thức ăn rất thanh tịnh, thức ăn không tạo sự đau khổ trong cơ thể và tâm hồn quý vị.  Thức ăn này được sự gia trì của Phật của Pháp của Tăng, nên thức ăn dù có ít mà biến thành nhiều. Có bao nhiêu Phật tử đến cũng đều được nhận đủ. Khi quý vị đã no đủ rồi, không cần phải tranh nhau. Rồi quý vị sẽ xả bỏ được cái tật xan tham cố hửu lâu nay nó làm cho quý vị khổ. Và  quý vị sau khi tiếp nhận được thức ăn này rồi  quý vị sẽ được thảnh thơi chơi miền Tịnh độ. Quý vị sẽ thoát khỏi cõi u minh tối tăm sanh về Tịnh độ.  Khi đã thoát khỏi cõi khổ đau rồi quý vị nên phát tâm Quy y Tam bảo và phát lòng Bồ Đề, rồi cuối cùng quý vị cũng sẽ đạt được quả vị Vô thượng đạo. Quý vị muốn mau thoát ra khỏi cõi u minh vĩnh viển sanh về Tịnh độ thì phải Quy y Tam Bảo,phải phát lòng Bồ đề, tức phải có cái nguyện rộng lớn, phải ước ao được giải thoát và tự do. Ước mong giúp người, giúp đời và phát tâm cầu sự tu học. Những điều đó làm phát sanh trong ta một nguồn năng lượng rất lớn, cái đó gọi là tư niệm thực. Thức ăn và thức uống của chúng ta dùng gọi là đoàn thực, thực phẩm về ý chí nguyện vọng gọi là tư niệm thực. Khi cúng thí cô hồn, phật tử không những nhận lãnh thức ăn bằng đoàn thực mà cả tư niệm thực nữa,là loại thức ăn rất thanh tịnh,  đó là Bồ Đề tâm. Có ba điều căn bản tạo nên năng lượng đó là quy y, sám hối  và phát Bồ đề tâm.  Khi ba điều này phát nguyện rồi thì phải nguyện xả bỏ những cố chấp xưa nay, chính những cái cố chấp đó, nó giam hảm quý vị trong hoàn cảnh khổ đau và chật hẹp. Phát Bồ đề tâm là phát tâm rộng lớn. Xưa nay chính vì cái tâm hẹp hòi, vị kỷ mà nó giam ta trong cảnh khổ đau và chật hẹp. Nay muốn thoát khỏi cảnh đó thì phải phát tâm Bồ đề. Khi đã phát tâm Bồ Đề rồi thì chắc chắn sớm muộn gì mọi người cũng sẽ chứng được đạo Vô Thượng Chánh Giác.
Tất cả những công đức của sự cúng dường, sự ăn uống trong chánh niệm, của sự quy y, của sự sám hối và của sự phát Bồ đề tâm đều sẽ đi về cõi vị lai,  không bao giờ mất đi như những cái mà chúng ta thường chắt góp để dành cho tương lai. Tất cả Phật tử, tất cả mọi loài (hữu tình). Tất cả cô hồn ngạ quỷ đã có mặt hôm nay trong buổi cúng thí được tiếp nhận thức ăn, tiếp nhận giáo pháp được hướng dẫn quy y, sám hối và phải phát Bồ đề tâm.
Người cúng thí có tâm niệm hướng dẫn chúng cô hồn được như vậy,không những cô hồn được sự lợi ích rất lớn, cũng chính cô hồn được lợi ích thoát khổ được vui, cho nên công đức của người cúng thí không phải nhỏ. Mỗi lần chúng ta có tâm niệm cúng thí trọn vẹn như thế, nhờ đó tấm lòng mình mở rộng, lúc đó hạt giống lành được gieo vào trong tâm ta càng ngày càng lớn mạnh. Vì vậy cúng tụng thí thực đem lại nhiều phước và đức cho hành giả. Cúng thí thực là việc thực tập ban rãi lòng từ bi mà cũng là tiếp nhận hạt giống từ bi trong lòng được nuôi dưỡng lớn thêm. Có từ bi thì có tất cả, không có từ bi thì sẽ không có gì hết.
Có một câu chuyện về việc cúng thí như sau.
Có hai người bán hàng tạp hoá cùng kề bên nhau, một người chuyên cúng thí cô hồn, còn một người không tin có cô hồn và cũng không muốn cúng thí chi cho nó phiền phức và tốn kém, cho nên không bao giờ chị ta quan tâm.  Người mà hay chuyên cúng thí cô hồn thì hàng bán rất chạy, còn chị kia thì ngồi mà ít ai hỏi mua. Vì sao vậy? Vì người hay cúng thí cô hồn,được cô hồn ủng hộ, cô hồn hay dẫn khách hàng đến để mua hàng người mà hay ban bố cho họ, cho nên họ trả ơn bằng cách dẫn khách hàng đến ; còn người kia không ơn nên không trả. Như vậy việc cúng thí không chỉ dành riêng cho những vị xuất gia trong chùa, mà ở nhân gian ai cũng làm được, ai muốn tạo phước cho gia đình mình thì nên thường hay cúng thí cô hồn, nhất là nên cúng vào những ngày rằm mồng một, 30, 14 thì tiện. Mỗi khi cúng thí ta nên nhớ đừng gây tội sát sanh, tức đừng cúng đồ mặn không tốt, vì thịt cá chỉ chiêu cảm kêu gọi các loài quỷ hung dữ đến mà thôi, vả lại họ có ăn được họ cũng không có lợi ích bằng ăn chay. Vì thịt cá không phải món ăn thanh tịnh làm cho họ giải thoát hết khổ, mà ta cũng không mấy phước đức, cho nên cúng cô hồn chủ yếu cháo trắng nước trong, cơm chay, chè xôi,hoa quả bánh trái là đủ.
Nhữ đẳng Phật tử chúng
Ngã kim thí nhữ cúng
Thử thực biến thập phương
Nhứt thiết Phật tử cộng
Nguyện dĩ thử công đức,
Phổ cập ư nhứt thiết
Ngã đẳng  giữ Phật tử,
Giai cộng thành Phật đạo.
                   #       #
Này các vị Phật tử,
Tôi nay xin dâng cúng.
Thức ăn biến khắp mười phương,
Tất cả Phật tử đều tiếp nhận,
Nguyện đem công đức nầy,
Hồi hướng về khắp tất cả,
Phật tử và chúng tôi,
Đều cùng thành Phật đạo.
                    #         #             
Chân ngôn thí vô gìa  thực,
Án mục lực lăng ta bà ha.
Vô Già tức không ngăn cấm  một ai, không bị bít lấp đường đi bất cứ mộ ai. Vô già ở đây là sự bình đẳng, ai đến cũng được, không đòi hỏi điều kiện, có đến thì có phần, không đòi hỏi phải có phiếu ăn mới được vào, phiếu tham dự như người cõi trần.
Chân ngôn cúng dường.
Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng.
Đây là biểu lộ sự bình đẳng trong khi thực hành bố thí. Hiến tặng thì phải có tâm bình đẳng, không phân biệt người nầy kẻ nọ, không nghĩ ta ưa người nầy thì bố thí, mà không thích người kia thì bỏ kệ, dù người đó có khổ cũng mặc thây, cái đó không phải bình đẳng. Nghi thức được kết thúc bằng một bài kệ :
Ngã kim phụng hiến cam lồ vị
Lượng đẳng Tu di vô qúa thượng,
Sắc hương mỹ vị biến thập phương
Duy nguyện (hương linh, cô hồn ) giai bảo mãn.
Nam Mô Mỹ Hương Trai Bồ Tát Ma ha Tát
Tôi nay phụng hiến cam lồ vị
Phân lượng nhiều như núi Tu di,
Mùi vị ngon thơm biến khắp miền,
Xin nguyện (hương linh,cô hồn )  đều no đủ.
Nam Mô Mỹ Hương Trai Bồ Tát Ma Ha Tát .
Cam lồ là một thức ăn rất bổ dưỡng cho cơ thể, lẫn tinh thần. Thực phẩm thế gian chỉ bổ dưỡng cho cơ thể, nhưng không nuôi dưỡng cho tinh thần được về sự giải trừ phiền não. Cam lồ  vị là một thức ăn pháp thực, ai được ăn được uống rồi, người ấy thân không đói, tâm không khổ, hết bịnh tật, xa rời cấu uế, từ bỏ nóng giận tham sân si, từ bi trí tuệ phát triển. Cam lộ vị nầy gần như nước tám công đức của thế giới Cực Lạc. Có khả năng làm cho chúng sanh đạt được ý nguyện, dứt khổ được vui. Thần lực gia trì của Phật lực pháp lực rất lớn, khiến phân lượng gia trì của vị cam lồ nhiều như thái hư, như núi Tu di.
Công năng diệu dụng của pháp thực nầy rất lớn, không thể nghĩ bàn,cho nên trong những buổi trai đàn chẩn tế, người ta hay dành nhau xin cơm,cháo, nhất là đồng tiền cúng thí hoặc chữ vải trên tấm phan cúng chẩn về để đầu nằm, hoặc đeo trong thân cho con nít khó nuôi, thì sẽ được yên ổn, dễ nuôi mau lớn và thông minh. Vì nó được sự gia trì của pháp lực.
Cái nầy gọi là “ Pháp lực bất tư nghì, từ bi vô chướng ngại ”. Sức pháp không thể nghĩ bàn, từ bi không bị chướng ngại, việc nầy chỉ dùng cho những người có đức tin đối với Phật pháp ngoài ra ai không có đức tin thì không có tác dụng.
Trên đây là nghi thức cúng thí tại chùa, nhưng ở tại gia Phật tử cư sĩ ai cũng có thể thực tập được,  với điều kiện phải thực tập trước, phải luyện cho có định và huệ để có đủ năng lượng trong khi thực hành cúng thí. Nghi thức nầy có trong cuốn kinh Nhật tụng, hoặc ở các nghi cúng thí trong nghi khoa cúng./.
                                  #          #             #
        Tài liệu tham khảo, được dựa theo đề tài      Biển khổ thuyền đi cứu độ người ” của HT  Nhất Hạnh.
 Phần nầy để bổ sung cho tài liệu học của Hai Thời Công Phu đã soạn.
                                                **        **
Soạn và Vi tính xong  Ngày 10 tháng 10 năm Quí Mùi.
                                    Ngày 03 tháng 11 năm 2003.
                           (khởi soạn từ ngày 19 tháng 9 năm Quí mùi ).
Sau đây là phần phụ, các bài triệu thỉnh cô hồn trước khi cúng thí, tuỳ theo thời gian và tâm nguyện, hoặc sở ý của mỗi người, chúng ta có thể chọn trong những bài triệu thỉnh sau,trước khi vào nghi cúng thí rồi mới bắt đầu đọc Nam Mô Diện Nhiên Bồ Tát,  Mãnh Hoả Diệm Diệm  chiếu thiết thành........

THÍ  THỰC  CÔ HỒN

Tư hửu Việt Nam  Quốc, Quảng Nam Tỉnh,Tam kỳ thị, An sơn phường, đệ tứ khối phố, Gia đường phụng Phật tu hương hiến cúng phúng kinh kỳ (siêu huý kỵ .....kỳ an gia trạch .. ). tịnh thí thực cô hồn kỳ cầu âm siêu dương thái tập phước sự. Tức nhật Quí Mùi niên, thập ngoạt sơ bát nhật, trai chủ : Nguyễn văn A  hiệp toàn gia đẳng thành tâm cẩn dĩ hương đăng trai bàn thứ phẩm chi nghi,
Ngưỡng vọng  Đại Giác Thế Tôn quan giáng đạo tràng chứng minh công đức  tiếp độ phụng vì : Đông Tây Nam Bắc tứ duy thượng hạ nam nữ chủng tánh cô hồn, nội gia viên trạch, ngoại gia viên cư, lai đáo đình tiền thính pháp văn kinh thọ cam lồ vị siêu sanh tịnh độ, khuôn phò tín chủ toàn gia nam nữ, thân xu khương thái mạng vị bình an, phổ nguyện pháp giới oan thân đồng triêm lợi lạc.
Nam mô chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.                                                            #                        #                      #
Bài 1 :
Hôm nay,phật tử ...  tại ... ..
Sắm sửa hương hoa phẩm vật, cúng thí Âm Hồn các Đảng, vất vưởng thê lương, không nhà không cửa, không nơi nương tựa, đói khát thảm thương, hoặc nơi chiến trường hoang dã, ngã gục tan thây, hoặc nơi thâm sơn cùng cốc, rắn độc gấu be, hoặc nơi sông sâu biển rộng, cá sấu vây quanh, xé nát thân ra, từng manh miếng nhỏ, tất cả oan hồn yểu tử, nay mời về núp bóng từ quang, dự đàn thí thực, nương nhờ Phật lực, câu kinh tiếng kệ, sớm được siêu sinh tịnh độ.  Ngưỡng mong oai đức cao dày từ bi gia hộ.
Án Thỉnh Cô Hồn.
Hởi cô hồn trước sau tề tựu,
Nghe lời khuyên để sửa lỗi mình,
Quan Âm Địa Tạng Oai linh,
Thích Ca Phật Tổ câu kinh giải nàn,
Hởi uổng tử hồn oan phưởng phất,
Noi tâm lành của Phật làm gương,
Ta Bà  cực khổ trăm đường,
Mau tu thì được phật thương cứu liền,
Hởi hương hồn chết chìm đáy biển,
Và bao người ngộ độc bỏ thân ,
Nghe chuông thức tỉnh dần dần,
Đừng ham danh lợi phù trần nhiểu nhương,
Hởi Cô hồn chết thiêu chết chém,
Hổ giảo thân bị yểm bị trù,
Kíp tìm kinh kệ sớm tu,
Khỏi vòng xích sắt tội tù nghiệp oan,
Hởi Hồn thác trong cơn binh lửa,
Chết phong ba,chết giữa núi non,
Khi nghe chuông giục boong boong ,
Hương thơm toả khắp, hồn còn nghe kinh,
Hởi hồn ở đầu gành  mé biển,
Nương gió mây, phảng phất lời xưa,
Hồn ơi hồn hởi tránh chừa,
Những lời gian ác dối lừa Phật tiên,
Các hồn bị gấu, beo,rắn cắn.
Cùng những hồn số vắn vô danh,
Hãy nghe kinh kệ ăn năn,
Rồi đây hồn sẽ vô ngần thảnh thơi,
Hởi những hồn vì lời dèm xiểm,
Đã huỷ mình chết lụn căm gan,
Sớm nghe kinh kệ lời vàng ,
Phật liền dẫn lối chỉ đàng hồn tu,
Xin hồn tỉnh hướng về Phật tổ,
Ngài từ bi cứu độ vong linh
Bao hồn sinh tử tử sinh,
Hôm nay hồn được nghe kinh pháp mầu.
                             #       #
Bài 2 :
Vốn người thập loại biết là đâu,
Hồn phách mơ màng trải mấy thu,
Cồn biển mênh mông bầu thế giới,
Nấm mồ vô chủ thấy mà đau,
      Phổ triệu thỉnh chân ngôn :
Nam Mô Bộ Bộ Đế Rị Già Rị Đa Rị Đát Tha Đa Da  (3 lần ),
Nhất tâm triệu thỉnh :
Là những mênh mông bầu thế giới,
Thỉnh cô hồn mười loại hảy về đây,
Diện Nhiên sở thống một tay,
Hồn kia dịch lệ giống này trần sa,
Cô Hồn ơi !
Hoặc nương cây nương cỏ bóng ma,
Mường tượng lỵ mỵ vọng lượng quỷ danh,
Dầu người chẳng có họ tên,
Hoặc trong thân thích hai bên họ hàng,
Gái trai già trẻ tráng cường,
Cô hồn ơi ! Hảy nên tin Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi,
Đàn thí thực vâng lời Phật dạy,
Của có chi bát cháo nén nhang,
Gọi là manh áo thoi vàng,
Giúp cho làm của đi đàng thăng thiên,
Ai đã đến dưới trên ngồi lại,
Của trai đàn bánh trái chè xôi,
Pháp linh biến thực biến thuỷ,
Của ít thành nhiều,
Trên nhờ Tôn giả chia đều chúng sanh,
Phật hửu tính từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có không không,
Nam Mô Phật,Nam Mô Pháp,Nam Mô Tăng,
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế giới,
Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật,
Tiếp dẫn cô hồn vãng sanh Tịnh độ.
Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát.
ơi  hởi chư linh !
Biển khổ mênh mông ,quày đầu thấy bến,
Trót sanh được kiếp làm người,
Không sớm đạt phần giác ngộ,
Vì một phút nóng giận ,
Nên trôi lạc mãi nẻo tà,
Tử tử sanh sanh chưa ai thoát khỏi,
Vòng luân hồi nhân quả chuyển xoay,
Vẩn biết nhân thân là giả tạm,
Nhưng khi bỏ nó rồi thì khó chổ tựa nương,
Chư linh xưa,thuở còn thân giả tạm,
Thì liệt liệt oanh oanh,
Đấng nam tử mày râu tròn nợ nước,
Dũng cảm hiểm nguy lằn tên mũi đạn,
Chí kẻ sĩ đã dày dạn núi sông,
Lại có kẻ chịu tù ngục cùm gông,
Hoặc có người vì non sông tổ quốc,
Nào quản ngại rừng sâu nước độc,
Lại có người tên đạn vương mang,
Oan hồn ơi ! Ly biệt dặm ngàn !
Chết sông,chết biển,chết suối ức oan,
Hồn phưởng phất lang thang đói rét,
Hoặc điện giật,xe tung, sấm sét,
Phận thai nhi non tháng thiếu ngày,
Và thai mẩu khó sanh đành vong mạng,
Rắn độc hại,cọp tha nào thấy dạng?
Chết thảm khốc hồn oan quạnh quẻ,
Giữa trùng dương thuyền chìm sâu đáy bể,
Chồng vợ cháu con tìm đâu kể lể,
Chết nghiện ngập hồn ai cúng tế?
Hoặc thất tình tìm kế quyên sinh,
Kẻ thất chí,danh lợi không thành,
Chết oan mạng mượn liều thuốc độc,
Hoặc nợ nần,hoặc thảm khốc trái oan,
Bả danh lợi tử án phải vương mang,
Bốn biển anh em sao nở tương tàn tương sát?
Do độc,tham,sân,si,nghi,mạn gây nên,
Tình thương thì bỏ,oán hận thì quên,
Nên nhiều kiếp chịu thọ tên ma quỷ,
Chư linh ơi ! Hảy nhập tâm hai câu chân lý,
Quên câu : “Ân đền, oán trả ”,
Nhớ câu : “ Oán trả bằng ân  ”,
Lời văn tế đã tỏ phân trần tóm gọn,
Gói trọn tình nghĩa sắc son,
Triệu triệu thỉnh chư linh thức tỉnh lai hoàn,
Ngộ tự tánh nhập đàn thính pháp,
Liễu nghĩa kinh,thọ hưởng hương hoa,
Nhận bạc tiền,thực phẩm bánh quà,
Thọ đầy đủ,nương lễ đàn siêu thoát,
Nhập tràng phan theo gió lửa siêu thăng,
Nghe pháp sư giảng pháp giải kinh văn,
Liễu từng nghĩa từng câu lìa ma kiếp,
Linh ơi ! Hởi chư linh !
Khi còn sống thì rất khôn ngoan,
Nay lìa xác phải luôn luôn thức tỉnh,
Nghe lời văn tế gấp gấp nhập đàn tràng,
Trượng thừa Tam bảo lực,
Chư tăng bảo uy nghiêm,
Và đạo tràng sáng rực,
Mười phương chư Phật toả ánh hào quang,
Bồ Tát Quan Âm Thế Chí,
Hiển hiện nơi đạo tràng,
Phóng quang tiếp độ chư linh,
Chư linh cấp cấp ngộ,cấp cấp ngộ,
       #          #
Nhất tâm triệu thỉnh :
Pháp giới lục đạo thập loại cô hồn,
Diện Nhiên Sở Thống Thích Lịch đa chúng trần sa,
Chủng loại y thảo phụ mộc,lỵ mỵ vọng lượng,
Trệ phách cô hồn,tự tha tiên vong,
Gia thân quyến thuộc,nhứt thiết đẳng chúng,
Duy nguyện thừa Tam bảo lực,
Trượng bí mật ngôn,thử nhật kim thời ,
Lai thọ vô giá cam lồ pháp thực.
       Từng nghe Phật tổ dạy  A Nan,
Cứu khổ độ mê cõi giang san,
Thuỷ lục ê chề,nổi hồn phách tử vong ngao ngán,
Trên đến bậc vương hầu tể tướng,
Dưới đến người sĩ,nông,công,thương ở đời,
Cô hồn ơi !
Nào là kẻ tôn,nào kẻ ty nào là Nam,nào là Nữ,
Hoặc có kẻ buộc mình trong lịnh ngữ,
Hoặc có người sẩy bước trong chốn sa trường,
Hoặc là sa hầm sụp hố,trúng than trúng thuốc,
Bom rơi đạn nổ, cổ treo dây buộc,
Sản nạn huyết bồn, xà thương hổ giảo,
Hoặc mắc binh ôn, hoặc xuông búa sấm,
Phép vua giảo trảm,hoặc chém bắn tử hình,
Bực mình trù ẻo vong thân,
Những loài ấy nhiều nhiều đã quá chừng,
Lời muốn kể, kể sao cho xiết,
Cô hồn ơi ! Kìa nương dựa mã mồ đã mất  biệt,
Nào từ đường chổ chổ có chi chi,
Bơ vơ bãi cát dưới gốc cây,lạc loài đầu gành mé biển,
Khổ nổi nắng mưa xao xuyến,
Biết mấy thu lạnh nóng đổi thay,
Trong bốn mùa chẳng có người quảy lạc tế chay,
Mản tám tiết vắng người đơm quảy,
Rầu rầu rỉ rỉ cõi u minh,
Biết mấy xuân thu mịt mịt mờ mờ,
Đường xuất luỵ mản trong ngày tháng
Hôm nay là ngày ......... . ...,
Trai chủ  :  ..... .. .....  ,
Sắm sửa hương hoa trà quả, bánh cháo chè xôi,
Thỉnh mời chư vị, tiên linh,hương linh,âm linh,
Cô hồn đẳng chúng, Về đây trước là thính pháp văn kinh,
Sau là thọ hưởng cam lồ pháp vị siêu sanh Tịnh độ,
Rồi trở lại ủng hộ cho đồng bào cho quê hương xứ sở,
Cho đạo pháp trường tồn,cho chúng sanh an lạc,
Chư linh ơi ! Ngôi liên đài quanh quẩn,
Miền Tịnh độ rỏ bày trước mắt,
Búng ngón tay chẳng phiền nhọc sức,
Đã chứng vào trong cõi vô sanh,
Cô hồn ơi ! xin mời cùng khắp chốn u minh,
Nhờ Đức Quan Thế Âm chống thuyền tế độ,
Ngưỡng lao đại chúng đồng âm trì tụng :
Nam Mô Diện Nhiên Vương Bồ Tát,
Nhược nhơn dục liễu tri,
Tam thế nhất thiết Phật,
Ưng quán pháp giới tánh,
Nhứt thiết duy tâm tạo  ..... .
          #      #
Vốn người thập loại biết là đâu,
Hồn phách mơ màng trải mấy thu,
Cồn biển mênh mông bầu thế giới,
Nấm mồ vô chủ thấy mà đau,
      Phổ triệu thỉnh chân ngôn :
Nam Mô Bộ Bộ Đế Rị Già Rị Đa Rị Đát Tha Đa Da  (3 lần ),
  Nam mô Phật Nam mô Pháp Nam mô Tăng.......
Hôm nay là ngày ......... . ...,
Trai chủ  :  ..... .. .....  ,
Sắm sửa hương hoa trà quả, bánh cháo chè xôi,
Thỉnh mời chư vị, tiên linh,hương linh,âm linh,
Cô hồn đẳng chúng, Về đây trước là thính pháp văn kinh,
Sau là thọ hưởng cam lồ pháp vị siêu sanh Tịnh độ,
Rồi trở lại ủng hộ cho đồng bào cho quê hương xứ sở,
Cho đạo pháp trường tồn,cho chúng sanh an lạc,
Chư linh ơi ! Ngôi liên đài quanh quẩn,
Miền Tịnh độ rỏ bày trước mắt,
Búng ngón tay chẳng phiền nhọc sức,
Đã chứng vào trong cõi vô sanh,
Cô hồn ơi ! xin mời cùng khắp chốn u minh,
Nhờ Đức Quan Thế Âm chống thuyền tế độ,
Ngưỡng lao đại chúng đồng âm trì tụng :
Nhất tâm triệu thỉnh :
Pháp giới lục đạo thập loại cô hồn,
Diện Nhiên Sở Thống Thích Lịch đa chúng trần sa,
Chủng loại y thảo phụ mộc,lỵ mỵ vọng lượng,
Trệ phách cô hồn,tự tha tiên vong,
Gia thân quyến thuộc,nhứt thiết đẳng chúng,
Duy nguyện thừa Tam bảo lực,
Trượng bí mật ngôn,thử nhật kim thời ,
Lai thọ vô giá cam lồ pháp thực.
       Từng nghe Phật tổ dạy  A Nan
Nam Mô Diện Nhiên Vương Bồ Tát,
Nhược nhơn dục liễu tri,  Tam thế nhất thiết Phật,
Ưng quán pháp giới tánh,Nhứt thiết duy tâm tạo  ..... .
          #    

            THỈNH CÔ HỒN

Nhất tâm phụng thỉnh :
Thập phương pháp giới lục đạo chúng sanh,
Tam thập lục loại cô hồn đồng lai toạ vị (1 lạy ).
Nhất tâm phụng thỉnh :
Tiêu Diện Đại Sĩ, Diệm Khẩu Quỷ Vương,Sở thống lảnh giả chuẩn giáo Cô Hồn, Thập loại cô hồn,lục loại cô hồn,thiên bách thần linh thần tướng,chúa tướng âm hồn nghe lời triệu thỉnh,cẩn đáo đàn tràng lai lâm chứng giám,tín chủ kiền thành tác lễ.

Bài 3: TẾ CÔ HỒN

Thấy thiên hạ kêu van khốn khổ,
Tấm lòng thương hết chổ thở than,
Thương những người vô tội chết oan,
Thương những kẻ vô can mà chịu hoạ,
Thương những người chết mất mồ mất mả.,
Vì giang sơn mà tan rã hình hài,
Thương những người đầu gối quá tai,
Bỏ sự nghiệp mà lạc loại nơi khách lữ,
Thương những kẻ quần thao phụ nữ,
Nát hình hài cho trọn chữ trung trinh,
Thương những người ấu trỉ sơ sinh,
Mà phải bị quăng mình vào lửa đỏ,
Thương những người bần cùng khốn khổ
Biết lấy chi cho có vệ sinh,
Thương những người hiểu nghĩa đệ huynh,
Mà phải bị luỵ mình nơi chiến địa,
Thương những người một đời nhân nghĩa,
Bị dèm pha mà sa sỉa hầm sâu,
Thương vì ai mà huỷ phá đường cầu,
Mà phải chịu bêu đầu bên đại lộ,
Thấy oan trái cuộc đời quá khổ,
Tấm lòng thương siêu độ một bài,
Mong nhờ trên Phật tổ Như Lai,
Xin tiếp dẫn liên đài tịnh vức,
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thương những kẻ anh hùng nghĩa sĩ,
Oan uổng này trời đất có hay,
Theo ngọn cờ ngậm huyết đền ơn,
Trả nợ nước,giang sơn bỏ  cửa nhà cũng bỏ,
Thấm thoát sương đeo ngọn cỏ,phách hoá dòng sông,
Anh em không,cha mẹ cũng không,
Bạn với cành sung cùng là bóng quế,
Khi khô khát nắng che mưa đậy,
Nóng hoả lò trời đất khó than van,
Trời làm màng đất làm chiếu,
Quản bao sùng đục lổ kiến xoi hang,
Chim kêu vượn hú vẻ vang,
Sao chẳng thấy ông thiền tăng làm bài kệ,
Nam Mô A Di Đà Phật,
Sống lúc nhúc trong vòng tạo hoá,
Kẻ tham phú quý người trọng công danh,
Thát hoả lò ở chốn chiến tranh,
Phách phiêu diêu chiêu hồn lạc mộ,  Nam Mô A Di Đà Phật
Kẻ sa sông sa suối người gấp cội gấp cành,
Kẻ hùm tha rắn cắn,người lại mắc nan thương yểu tử,
Kẻ treo cành thắt cổ,người xoi lổ đục hang,
Kẻ nằm đàng chết đói,kẻ thát non thát núi,
Kẻ thát suối thát sông,kẻ thát tây thát đông,
Kẻ thác nam người thát bắc,
Bóng trăng vằn vặt,ngọn gió hiu hiu,
Phách tán hồn xiêu những mồ vô chủ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Kẻ mang thuốc độc người thát khi không,
Kẻ bị đao người bị đáo,kẻ bị tên người bị đạn,
Kẻ mang thuỷ nạn người mắc hoả tai,
Một ngọn hương không biết cậy nhờ ai?
Nhờ pháp Phật nữa câu kinh bạt độ.
Nam Mô A Di Đà Phật.  
    *       *    *

Bài 4: THỈNH CÔ HỒN

Nhất tâm phụng thỉnh :
Thập phương pháp giới lục đạo chúng sanh,
Tam thập lục loại cô hồn đồng lai toạ vị (1 lạy ).
Nhất tâm phụng thỉnh :
Tiêu Diện Đại Sĩ, Diệm Khẩu Quỷ Vương,Sở thống lảnh giả chuẩn giáo Cô Hồn, Thập loại cô hồn,lục loại cô hồn,thiên bách thần linh thần tướng,chúa tướng âm hồn nghe lời triệu thỉnh,cẩn đáo đàn tràng lai lâm chứng giám,tín chủ kiền thành tác lễ.
Hởi các chiến sĩ đao binh tử trận,
Cũng có người thất lạc chết oan,
Lại có kẻ sa cơ thất thế,
Bị quân thù sát hại phân thây,
Hồn hảy còn phảng phất đâu đây,
Không mồ không nấm không ai phụng thờ,
Kẻ thì thác dưới dòng sông cửa biển,
Người chết nơi biển ven rừng,
Cũng có người liệt nữ trung trinh,
Gặp cường bạo phải liều mình tự tử,
Lại có người tự tử đốt lấy thân,
Cô hồn ơi  ! hởi cô hồn  !
Nay hồn ẩn bóng cây,hay hồn đang theo mây theo gió?
Hồn dật dờ đàng cái ngã ba ,
Hồn ơi ! trai gái trẻ già,
Đương ở bên đường trần ai,
Có nghe tiếng thỉnh mời,
Thiên vạn vạn các đảng cô hồn,
Mau về thọ hưởng,
Cô hồn ơi ! cô hồn,
Cũng có người không nơi nương tựa,
Lại thêm phần đói khổ triền miên,
Cũng có kẻ thảm vong kêu khóc,
Chốn dương trần không chổ gởi thân,
Xét cho người tuyệt tự vô thân,
Bờ sông góc chợ như gần như xa,
Xét cho người không mẹ không cha,
Cỏ xanh cây chiếu lá đa chăn cùng,
Quảy đơm hương khói lạnh lùng ,
Mộ phần ngọn cỏ như cùng bỏ hoang,
Có người nghĩa khí trung oan,
Cội cây bụi cỏ trường gian liều mình,
Hồn phiêu phách lạc linh đinh,
Mây thu lạnh lẻo một mình ngẩn ngơ,
Hồn ơi thất thiểu bơ ơ,
Mây che ngày nắng có nhờ đêm sương,
Hồn ơi ! hồn có vấn vương,
Nghe lời triệu thỉnh băng đường đến ngay,
Cô hồn ơi ! hởi cô hồn !
Xót thương những kẻ cơ hàn,
Một manh chiếu rách nằm ngang bên đường,
Lòng thì đi khắp tứ phương,
Đến khi thác xuống biết nương nơi nào?
Hồn ơi ! hồn ở nơi nào?
Hay hồn phản phất hàng rào bụi tre,
Hay hồn theo gió theo mây,
May về thọ hưởng nơi đây mong chờ,
Hương hồn các đảng bơ vơ,
Nương theo cành lá phất phơ là đà,
Khát khao không biết quê nhà,
Sớm buâng khuân nhớ,chiều tà trông,
Lại mời các đảng ấu đồng,
Bên đường thất thiểu phập phồng khóc than,
Vì tình mà phải thác oan,
Không ai đơm quảy hương vàng,
Không mồ không nấm lang thang một mình,
Hồn tuy còn nhỏ anh linh,
Nghe lời kể lể phân minh rỏ ràng,
Khá may nhập đáo đàn tràng,
Về đây thọ hưởng hương vàng lể nghi,
Cô hồn ơi ! Hởi cô hồn  !
Cũng có người sút sảo tảo thương,
Hồn xao phách lạc biết nương nơi nào,
Hương hồn còn ở cây cao,
Nương theo bóng mát dựa vào bụi cây,
Cũng có người chết chẳng toàn thây,
Hồn đi phản phất đêm ngày bơ vơ,
Chẳng có nơi nương tựa mà chờ,
Hồn còn đói khát như chờ ngọn hương,
Hay hồn thất lạc hà phương,
Cây cao bóng mát hồn vương nơi nào,
Cũng có người chết tận núi cao ,
Kẻ chết sông,người chết suối biết bao lạnh lùng,
Cô hồn ơi ! hởi cô hồn,
Lại có người hùm bấu cọp tha,
Thân thể ấy còn đâu chôn cất?
Chốn dương gian hồn đi phưởng phất ,
Nơi núi rừng ẩn núp bóng cây,
Không mồ không mả không thây,
Không nơi nương tựa đêm ngày khóc than,
Hồn ơi phản phất bên đàng,
Sớm nương bóng quế chiều sang cội tùng
Lại có người tai nạn lưu thông,
Vô tình xe cộ va tông chết liền,
Bể đầu đổ ruột ngả nghiêng,
Máu ra lai láng hồn thiêng dật dờ,
Cũng có người giận vợ ngẩn ngơ ,
Liều mình tự tử trên bờ dưới sông,
Cũng có người oan ức vì chồng,
Tình duyên trắc trở đành lòng thác oan,
Bỏ con thơ cha mẹ ngở ngàng,
Hồn xiu phách lạc bên đường bụi cây,
Hồn ơi hồn ở  đâu đây?
Nghe lời triệu thỉnh chốn này liền đi,
Cô hồn ơi ! hởi cô hồn,
Cũng có kẻ chết dầm mình dưới biển thi thể cá xơi,
Cũng có kẻ chết trên nguồn thân thây khó kiếm
Hồn ơi ! hồn có chơi vơi !
Hồn đi ngang ngữa khắp nơi dật dờ,
Xiêu mồ lạc nấm bơ vơ,
Hồn còn phản phất biết nhờ nơi đâu ,
Nghe lời triệu thỉnh mấy câu,
Khá mau đến xứ ngỏ hầu lảnh lương,
Cô hồn ơi ! hởi cô hồn !
Cũng có người chết bắn chết đâm,
Trong cơn biến loạn chiến tranh tan tành,
Cũng có kẻ non gan chết ngất,
Bởi đạn bom dồn dập bên tai,
Cũng có người chết một thành hai,
Bụng mang dạ chữa có thai trong mình,
Cũng có người chết cả gia đình,
Dưới hầm trú ẩn bị mìn bị bom,
Chết rồi thi thể ngổn ngang,
Hồn theo khói lửa thênh thang giữa trời
Bảo to lụt lớn nước thời dẫn đi,
Hồn đang kêu khóc ai bi,
Theo dòng nước bạc mấy khi lạnh lùng,
Hay hồn lai vãng tây đông,
Phất phơ ngọn cỏ đau lòng khóc than,
Đã đành hồn bị thác oan
Thẩn thơ trên núi dưới ngàn chơi vơi
Đầu đình xó chợ khắp nơi,
Hồn đi phản phất biết hồn về đâu,
Bóng trăng man  mác trên đầu
Gió hiu hiu thổi hồn đâu trở về,
Dương gian âm phủ dựa kề,
Khói hương nghi ngút hồn về chứng minh ,
Oan khiên chưa trả thiên đình,
Nợ trần còn nặng mối tình còn đeo,
Biết đâu chìm nổi như bèo,
Lênh đênh mặt nước hồn theo mây mờ,
Sống còn nghiệp chướng trơ trơ,
Chết đi oan uổng biết nhờ cậy ai,
Mưa phùn gió bất mây bay,
Chim kêu vượn hú trông ngày trông đêm,
Trông cho hồn thoát siêu lên,
Âm dương lưỡng bộ hai bên hiệp hoà,
Nước xanh sóng lượn ngà ngà,
Phất phơ ngọn khói hương trà nơi đây,
Hồn ơi lắng nghe tiếng thỉnh mời,
Mấy lời triệu thỉnh về đây nhập đàn,
Xin mời các đảng thác oan,
Ma hời ma mọi,trăm ngàn ma vương,
Ma chăm ma chợ lạc đường,
Chủ ngung ma rợ vấn vương ma hời,
Có người chết cô quả mồ côi,
Không ai hương khói,không người quảy đơm,
Có người chết yểu chết oan,
Té cây té giếng hồn còn ẩn quanh,
Có người tự vận quyên sinh,
Chết sông chết suối hiện hình ra ma,
Bóng cây là cửa là nhà,
Lá xanh  che đậy sương sa  phủ đầy,
Hồn ơi hồn dựa vào đâu?
Đêm khuya gió tạt trên đầu trăng thanh
Có người có vị vô danh,
Lại có kẻ vô danh vô vị,
Cô hồn ơi ! hởi cô hồn,
Đến thọ hưởng lòng thành gia chủ,
Đã sắm sanh tài y đầy đủ,
Hưởng  lộc cùng lể vật chi nghi,
Nghe lời phân cạn một khi,
Xin phò hộ gia chủ hưng thạnh,
Lảnh lương khô gạo muối ngọc trời,
Nhờ làm phép một hột biến thành ngàn hột,
Khá đem về giữ lấy mà dùng,
Bảo hộ toàn gia chủ an ninh,
Mong quý vị vui lòng hoan hỷ,
Hởi các đảng cô hồn đồng thọ hưởng,
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật,
Nam Mô Đai Bi Quan Thế Âm Bồ Tát,
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Nam Mô Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả,
Quan gián đạo tràng chứng minh tiếp độ’
           Triệu thỉnh cô hồn
Nhứt tâm triệu thỉnh pháp giới lục đạo,tam thập lục độ cửu u thập nhị loại cô hồn,hà sa ngạ quỷ đẳng chúng. Duy nguyện thừa Tam Bảo lực trượng bí mật ngôn,thử nhật kim thời lai thọ vô giá cam lồ pháp thực.
Hương hoa thỉnh hương hoa thỉnh ..... . .

Bài 5: VĂN TẾ CHIẾN SĨ TRẬN VONG, LƯƠNG DÂN TỬ NẠN.

 Gẫm (Duy ) :  Hôm nay  ngày...tháng ... năm .. .ngày tốt giờ lành,nước Việt Nam,tỉnh...quận...xã...Ban (Hội )...Tế chủ....tập họp toàn Ban (Hội ) tân cựu,viên quan thân sĩ,binh dinh nhơn điền cùng cả thảy nhơn dân nam nữ lớn nhỏ,đồng tâm thành kính hoà hợp nơi đây. Trộm nghĩ rằng : Sống được yên vui, ở được bình ổn,cơm no áo ấm,thạnh vượng mạnh lành, nhờ sự hy sinh của các đấng anh linh đã xã thân che chở. Hôm nay, tạm dùng trà nến, quả thực, hương trai, gọi là đền đáp ơn cao nghĩa cả, để tỏ chút lòng mến tiếc kính yêu.
Kính dâng lên :
- Liệt vị tướng sĩ  tôn linh vị tiền .
- Liệt vị nghĩa sĩ tôn linh vị tiền.
- Liệt vị lương dân chiến nạn tôn linh vị tiền.
Ngửa mong liệt vị tôn linh cảm thông chứng giám.
Cúi gẩm kính thưa,
Than ôi ! Nghĩ rằng :
Hoạ binh tiễn tràn lan cùng đất Việt,
Nạn chiến tranh khốc liệt khắp trời Nam.
Nguyện hy sinh để giữ nước,đánh đuổi giặc ngoại xâm,
Thề quyết tử để cứu dân,dẹp trừ quân thiết huyết.
Nhớ các đấng tôn linh xưa :
Hoài chí cả,người trai đất Việt,noi mẩu gương tổ phụ truyền thống anh hùng. Trương nghĩa cao, con cháu Tiên Rồng, nêu khí tiết Lạc Hồng giống nòi hào kiệt.Bầu máu nóng, khối gan liền,nhắm nơi tiền tuyến, một ra đi chẳng hẹn ngày về. Niềm thân yêu xứ sở quê hương, cha mẹ vợ con đành gác lại. Tổ quốc là trên hết, đem xương máu đắp xây nền độc lập, nước hùng cường dân tộc tự do. Cho toàn dân áo ấm cơm no, cho Tổ quốc vững bền văn hiến.
Chết là chết,chết không đáng tiếc, chí anh hùng khinh sống chết nhẹ bổng như lông hồng.
Lửa cứu dân đã trui luyện khối xương sắt mình đồng,người chiến sĩ vượt hẳn ngoài vòng sống chết.
Rồi trối kê đạn bay gào thét,mặc đối phương hò hét cả đất trời.
Cũng không màng máu đổ đầu rơi,mặc xác ngã thây phơi đầy núi biển.
Vẫn quyết tiến,một thề tử chiến,càng hăng say xông lướt giữa sa tràng.
Nơi chiến trường dầu phải sa cơ,đành ngã gục không hề khuất tiết.
Ngoài trận địa lâm vào núng thế,cam luỵ mình chẳng khứng quy hàng.
Ôi ! còn vinh quang mất cũng vinh quang,sống oanh liệt chết càng oanh liệt.
Trung kiên khí tiết,dân tộc anh hùng,
Tổ quốc ghi công,nhơn dân kính mến.
Chết vì nước,đời anh hùng đã viết,lưu niệm ngàn năm chói lọi nét sử vàng.
Chết vì dân, người chiến sĩ hiên ngang,sống mãi mãi muôn đời,nêu cao gương trung liệt.
Nơi đây,vòng hoa đèn nến,tố phẩm hương trai,trước đàn tràng thiết tỏ chút lòng nhớ nghĩa ghi ơn.
Bát nước tâm hương,dĩa rau tô lạc,dưới án kính dâng,gọi truy niệm ba tuần tế điện.
Ngưỡng mong liệt vị tôn linh cảm thông chứng kiến,
Hởi ôi ! Kính thay !
Cầu xin giám nạp.
Xướng :  Tế chủ khởi thân lễ tứ bái – Bình thân quỳ.
Dẫn     :   Than ôi ! Biển đạn rừng gươm,vùng khói lửa mịt mờ trời đất,ác tà thỏ lặn,cảnh đau thương tan tóc,giọng đổ quyên thê thảm đẫm lệ hồng  .      Xướng  : Điểm trà,khởi thân lễ tứ bái – Bình thân quỳ.
Tụng   : Giảo hữu biến thực biến thuỷ chơn ngôn,cẩn đương trì tụng : Nam mô tát phạ...Nam mô tô rô...án,nga nga nẵng....
(hoặc tụng Mông Sơn ) ..........

CÚNG CÔ HỒN

Chuyên Thân triệu thỉnh,cung vọng lai lâm,ư kim ….niên…nguyệt…..nhật…..Tấu vị việt nam quốc …tỉnh…huyện(thị) …..xã (phường)….xứ, cư đường ( kiến đàn ) phụng phật,tu hương phúng kinh kỳ an (kỳ siêu …..)
dĩ hoàn long tịnh thí thực âm linh cô hồn nhất diên, nguyện cầu âm siêu dương thái, bảo an gia trạch sự. Kim vị tín chủ …..  thiết dĩ hương hoa trai bàn thứ phẩm chi nghi, trượng tăng cẩn đương triệu thỉnh.
Hương hoa thỉnh ……
Nhất tâm phụng thỉnh, Nam mô Tây Phương Giáo Chủ Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. NamMô Đại Thế Chí Bồ Tát, Nam Mô U Minh Lộ Thượng Tiếp Dẫn Cô Hồn Đại Thánh Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, NamMô Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả, Nam Mô ốc Tiêu Sơn Hạ Diện Diên Đại Sĩ Diệm Khẩu Quỷ Vương, Tả Ngưu Đầu, Hữu Mã Diện, nhị vị đại tướng quân thống lãnh cô hồn, lân mẫn hữu tình, quang giáng đạo tràng chứng minh công đức.
Hương hoa thỉnh………..
Nhất tâm triệu thỉnh, phổ vị pháp giới tứ sanh lục đạo tam thập lục bộ, thập nhị loại cô hồn. Diện Diên sở thống bệ lệ đa chúng trần sa phẩm loại, y thảo phu mộc ly mỵ vọng lượng, trệ phách cô hồn. Tự tha tiên vong gia thân quyến thuộc, viễn cập tha phương, cận ư đương cảnh, oan hồn uổn tử, nam nữ thương vong. Tướng soái du hồn, trận sĩ chiến vong, khất thương cái giả,, hình lục tù nhơn, thị tỉnh giang hồ, lộ đồ táng mạng.Quân dân sĩ tốt, phủ huyện đồn dinh, hoặ bị đao thương hoặc tao cơ tế, hoặc xà thương nhi thất  mạng hoặc hổ giảo dĩ tán thân thương vong hoạnh tử chi lưu cơ khát trầm nịch cô hồn chi chúng.
Phục vị,thượng tự vương hầu khanh tướng, hạ chí sĩ nông công thương, tôn ty nam nữ, hoặ u tù lĩnh ngộ hoặc bộ hãm sa trường, hoặc nịch hà đoạn trảm, trúng than trúng dược, tự vẫn tự ải, sản nạn chung thân, ôn hoàn yểu thệ hoặc thiên lôi chấn kích, vương pháp gia hình chú trớ vong thân, như tư đẳng loại, hà sa vô tự âm linh cô hồn đẳng chúng
Phục vị, tam tế tiền khiên, oan gia trái chủ, cừu thù chấp đối ; huyết sảo tảo vong,sa lạc bất tường, hữu danh vô vị hữu vị vô danh, ly hương biệt quán mộ phần thất tích đẳng đẳng thần chánh liệt vị chư âm linh
Phục vị Việt Nam, kỷ thứ chiến tranh, chiến sĩ trận vong, nhân dân nạn vong, thiên tai biến cố đồng bào tử nạn, nhất thiết thọ nghiệp, đẳng đẳng oan hồn chi chúng
Phục vị, miền u cảnh lạnh lùng thẳm tối, chốn huỳnh tuyền nhiều nỗi nhọc nhằn, ẩn dạ đài đợi, nhất kiếp căn cõi tịnh độ siêu thăng chưa được.
Thống Niệm, tội lỗi gây kiếp trước, cho nên phải mang phiền não dập dồn, chịu thống khổ phách hồn phiêu lạc. cầu chư Phật oai thần tế bạt, về cực lạc siêu thoát trần ai. Nay trai chủ đạm bạc kính bày, xin mời chư vị tề lai thọ hưởng.
Giúp lê thứ quốc gia thịnh vượng, hộ đạo tràng tăng trưởng cơ duyên, độ mười phương chúng sanh bình yên, cùng gia  chủ khương ninh hạnh phúc.
Kính Phục, Phụng Vị tứ sanh lục đạo thập nhị loại cô hồn lai đáo đàn tràng thính pháp văn kinh, thọ cam lồ pháp vị
Lai thọ vô giá cam lồ pháp vị.   Lai thọ vô giá cam lồ pháp vị.
*        *        *
Vi tính xong   ngày 15 tháng 10 năm Quý mùi
                                    (8 tháng 11 năm 2003  )

Ý NGHĨA NGHI CÚNG THÍ THỰC CÔ HỒN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét