Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

AN TÂM BÌNH ĐẲNG


       Bình đẳng là mơ ước của con người. Trải qua lịch sử, con người đã tạo ra hiến pháp, luật pháp, những loại xã hội có tổ chức, những quy định về kinh tế, chính trị xã hội…để đem lại sự bình đẳng cho tất cả mọi người. Nhưng sự bình đẳng do con người tổ chức ấy vẫn là tương đối. Khi đã sinh ra mọi người đã có những khác biệt nhau rồi. Có người thông minh, có người ngu đần, người giàu, người nghèo, người khỏe mạnh, người bịnh tật, người sống lâu người lại chết yểu v.v...Những sự không bình đẳng này đã gắng liền với số phận con người, dù khoa học có tân tiến đến đâu cũng không thể làm cho con người trong xã hội bình đẳng như nhau được, có chẳng cũng chỉ một phần nào đó trên vấn đề vật chất mà thôi. Và chính cái không bình đẳng này đã tạo ra sự không yên tâm, không hài hòa, oán thân trách phận suốt cả đời con người.
         Như vậy đạo Phật có phương pháp nào giúp cho con người cảm nhận được sự bình đẳng và yên tâm với cuộc sống không? 
Có hai loại bình đẳng về phương diện vật chất và bình đẳng về phương diện tâm linh. Nếu con người có lòng tin và hiểu sẽ cảm nhận được sự bình đẳng và an tâm trong cuộc sống hiện tại.
a/ Bình đẳng về phương diện vật chất:  Từ xưa cho đến ngày nay, thỉnh thoảng chúng ta thấy có những đứa trẻ sinh ra 3 tuổi hoặc 5 tuổi chúng đã giỏi về âm nhạc, về toán học, về hội họa v.v... người ta gọi là thần đồng, là năng khiếu. Năng khiếu ấy không bình đẳng giữa người này với người kia, người này giỏi bộ môn này, người kia giỏi bộ môn khác. Sở dĩ có sự khác biệt là do ở đời trước người ta đã học toán giỏi, đời nay sanh ra họ còn lưu lại sự học toán đời trước nên họ giỏi về toán. Người kia giỏi âm nhạc cũng thế, đời trước họ đã rành âm nhạc rồi, nên đời nay sanh ra họ có năng khiếu về âm nhạc v.v.. Tất cả đều do công phu học tập rèn luyện từ những đời trước, không phải do gene của cha mẹ, không phải do hoàn cảnh, những cái này chỉ là yếu tố phụ, mà yếu tố chính là do công sức người ấy từ những kiếp trước. Thế thì sự bất bình đẳng thấy được ở đời này thật ra là sự bình đẳng của nhân quả, trồng dưa được dưa trồng đậu  được đậu.v.v...
         Khi hiểu được sự vận hành của luật nhân quả sự công bằng của nó, người ta sẽ yên tâm, vì chẳng có quả nào mà không có nhân, vì muốn có quả gì thì phải gieo nhân ấy. Hiểu được sự công bằng của luật nhân quả làm cho người ta yên tâm, cuộc đời của chúng ta hiện tại và mai sau là do chúng ta tạo nên  theo định luật nhân quả. Định luật nhân quả là cơ sở cho sự vận hành của đời sống trước mắt như chúng ta đang thấy. Chúng ta hành động như thế nào thì chúng ta sẽ có kết quả của hành động như thế ấy. Tốt hay xấu, giàu hay nghèo, thông minh hay ngu dốt, may mắn hay xui rủi, sống lâu hay chết yểu, đều do kết quả của những nhân đã tạo và tương lai như thế nào là những nhân chúng ta đang tạo. Với định luật nhân quả, chúng ta tự tạo ra đời mình không phải trách trời oán đất đã sanh ra tôi như thế này, không oán trách gia đình, người khác làm cho tôi như thế này, không oán trách hoàn cảnh khiến cho tôi thành thế kia, không oán giận, không trả thù, không đố kỵ, không kiêu căng… là những thứ phiền não làm khổ đời người. Người tin và hiểu nhân quả sẽ sống theo định luật nhân quả thì yên tâm và tích cực làm việc tốt cho mình và cho người khác. Nhờ tin hiểu luật nhân quả mà người ta tìm thấy ý nghĩa đời sống, vươn lên trên cuộc sống tiến bộ và thăng hoa.
         Định luật nhân quả là sự bình đẳng tuyệt đối và chính nó cũng là cái điều hòa quản lý cuộc đời của mỗi cá nhân và đời sống xã hội. Định luật nhân quả là sự bình đẳng công bình trong đời sống vật chất hay thế giới của chân lý tương đối này.
         b/ Bình đẳng về phương diện tâm linh. Trong kinh Phật nói: “Tất  cả chúng sanh đều có Phật tánh” đây là sự bình đẳng tuyệt đối về mặt tâm linh. Phật tánh hay tánh giác là sự bình đẳng tuyệt đối trong tất cả chúng sanh, trong mọi không gian, mọi thời gian. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng trong cái Phật tánh không tùy thuộc không gian và thời gian, nghĩa là cái Phật tánh tại đây và bây giờ.
         Vậy tại sao có sự bất bình đẳng giữa thánh và phàm, người ngộ người mê? chúng ta không bình đẳng mặc dầu vẫn ở trong Phật tánh bình đẳng. Bởi vì chúng ta bị che đậy bởi phiền não chướng và sở tri chướng. Hai che chướng này chẳng phải các bậc giác ngộ làm ra, chẳng phải ma quỷ nào có thể làm ra, chúng là do chúng ta tự che chướng trong nhiều kiếp. Chúng ta cùng một nền tảng Phật tánh với chư Phật và với  mọi loài. Nhưng cũng chính trong cái cùng một nền tảng Phật tánh ấy chúng ta đã tạo ra nghiệp xấu che lấy chính mình, cho nên để thấy và sống Phật tánh chung ấy, chúng ta phải lột bỏ những che chướng do chính mình tạo ra. Thực hành Phật giáo không phải tạo thêm, làm ra cái gì cao siêu, siêu việt mà là bớt đi những che chướng tự tạo
         Chúng ta không phải sửa sang hay tạo thêm để có sự bình đẳng, sự bình đẳng xưa nay đã sẳn có. Đây là sự bình đẳng tuyệt đối về mặt tâm linh về mặt bản tánh. Thế nên đạo Phật không phải là một lời hứa hẹn ở trương lai xa xôi, một thưởng phạt của ông Trời sẽ xuất hiện. Đạo Phật là sự có mặt ở tại đây và bây giờ, nền tảng Phật tánh có mặt ở tại đây và bây giờ, mà sự cảm nhận, tiếp xúc, thấy biết, kinh nghiệm trọn vẹn tùy thuộc vào mỗi chúng ta.
         Sự bình đẳng về mặt nhân quả và bình đẳng về mặt bản tánh khiến người ta có niềm tin, có tự tín để sống, sự tự tín ấy là điểm khởi đầu của đời sống hạnh phúc, hạnh phúc tương đối cũng như hạnh phúc tuyệt đối./.
     Trích: An Tâm bình đẳng:  Nguyễn Thế Đăng – VHPG  số: 284-   1-11-2017
                                                      {]{

AN TÂM BÌNH ĐẲNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét