Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

ĐẠO PHẬT VÀ TÍN NGƯỠNG NHÂN GIAN


ĐẠO PHẬT VÀ TÍN NGƯỠNG NHÂN GIAN

Giáo lý Đạo Phật không đề cập đến vấn đề “ mê tín dị đoan”, mà chỉ giải thích một cách biện chứng, có cơ sở trên đời sống con người. Sự quan trọng là mỗi con người đều có một bản thể riêng: Đó là tâm của mỗi chúng sanh. Trước kia Tâm của mỗi chúng sanh đều cùng “viên dung” (hòa hợp nhau như là một thể, một khối) ở trong cõi Chơn Tâm (sau này tu hành đắc đạo
Trở về thì cõi đó được gọi là cõi Phật hay Niết bàn hoặc bằng những danh từ khác nhau), nhưng vì “không biết” (vô minh) tâm chúng sinh mới nảy ra “vọng tưởng” (mơ màng, mơ mộng huyễn ảo) và có ý “ phân biệt” ta với người, chúng sanh khác, nên cõi Chân Tâm ấy bị phá vỡ và Tâm mỗi chúng sanh mới mượn đến các Đại (đất, nước, gió, lửa) để làm thân và các giác quan mượn Kiến đại để Thấy, nghe, hay, biết và mượn Không đại để được tăng trưởng và lớn lên. Từ khi có thân xác, những nhu cầu nuôi thân, hưởng thụ khiến cho chúng sanh đi vào “ sát, đạo, dâm, vọng” gây những nghiệp ác, cùng với Thiện và “ vô ký ” (không thiện, không ác), nhu cầu càng cao thì sự ham muốn càng tăng (ái dục, tham), không được thỏa mãn  thì “ sân”, sân quá thì trở nên mê muội (si) để gây nên nghiệp ác từ Thân, Khẩu, Ý. Gây nghiệp tức tạo “  nhân” để rồi ngay trong kiếp hiện tại nhận quả hoặc là trong kiếp sau hay trong những kiếp lâu dài về sau.
Đã từ lâu và cho đến tận ngày nay, người ta vẫn cho rằng Đạo Phật mang nhiều tính chất  “mê tín dị đoan” trong cách hành đạo của mình. Những vấn đề ấy như thế nào? Quả thật đó là vấn đề không đơn giản. Đạo Phật đến nước ta đã trãi qua những chặng đường từ Ấn Độ sang Trung Hoa và đến Việt Nam với hai hệ phái Đại thừa và Tiểu thừa chịu ảnh hưởng đối với dòng phát triển từ Ấn Độ đến Tích lan, Miến Điện, Thái Lan. Lào, Campuchia. Ở đâu cũng vậy, Đạo Phật có một đặc điểm là dễ hòa hợp, thích ứng với những tập tục của địa phương hay bất cứ nơi nào mà đạo Phật đi đến không phản đối không triệt tiêu tập tục của họ. Điều ấy khiến cho Đạo Phật có điểm khác biệt với các tôn giáo khác, nên nhiều người lại hiểu lầm và nhìn đạo Phật qua khía cạnh “ mê tín dị đoan”.
Trong hệ phái Tiểu Thừa có thể vì còn giữ căn bản phương thức tu hành theo chân Đức Phật ngày xưa, nên sự biến đổi không nhiều và tập tục của những xứ mà Phật giáo đã đi qua cũng không lưu lại những điều sâu đậm trong cách hành trì hay thể hiện, tu tập của người thực hành cũng như người tín ngưỡng nơi Đạo Phật.
Nhưng với phái Đại Thừa  có nhiều vấn đề sâu đậm hơn, nhất là chịu ảnh hưởng nền văn hóa Trung Hoa cộng với tập tục dân gian của chúng ta xen lẫn vào.
Giáo lý Đạo Phật không đề cập đến vấn đề “mê tín dị đoan”. Mà chỉ giải thích một cách biện chứng trên cơ sở đời sống con người. Đạo Phật căn cứ trên nghiệp nhân hay nghiệp quả mà giải thích đời sống khổ vui của con người. Gây nghiệp tức là tạo nhân để rồi trong kiếp hiện tiền nhận quả hoặc trong kiếp sau hay trong những kiếp lâu về sau. Tùy theo những nhân tố tốt hay xấu nào trong kiếp sẽ đồng loại trổ  “quả” cộng với nguyện lực (ý nguyện dũng mãnh trước và sau lúc lâm chung) thì sẽ định con đường đi của sự tái sinh trong sáu nẻo luân hồi. (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A Tu la, Người, Trời). Khi chết rồi, thời gian chưa  chuyển sang một đời sống kiếp khác được gọi là Trung Ấm thân. Nếu tâm người chết không lưu luyến hay do sự thù hằn nào “níu kéo” thì họ sẽ đi đầu thai ở một thân xác khác, bằng không họ sẽ cứ lãng vãng, chập chờn  trong cõi vô hình đợi giải quyết xong rồi mới đi. Trong quá trình dài về số kiếp nếu ai có nhiều phước báu thì được sinh vào cõi Trời hay là cõi người, như cõi Ta bà chúng ta đang ở đây để tu hành, mong cầu được giải thoát thành A La hán, hay Bồ Tát hay thành Phật, vì chỉ có cõi Ta bà này mới có Phật pháp và chỉ có chúng sanh ở cõi Ta Bà mới tu hành thành Phật mà thôi. Nếu xét kỷ như vậy thì Đạo Phật không có gì gọi là “mê tín dị đoan”. Vã lại trong đời sống con người, đạo Phật phân tích tâm lý con người một cách rất khoa học và đầy “tính lý luận” (logic) qua Duy Thức Học hay còn gọi là “Tâm lý học Phật giáo” khiến những nhà Phân Tâm Học  nỗi tiếng trên thế giới cũng phải “ sững sờ” thì sao gọi là mê tín dị đoạn.
Con người thực hiện theo đường lối tu của Đức Phật, một giáo pháp “Thiện” từ đầu đến cuối và ngay cả  “đoạn giữa”, một phương pháp giải thoát rất có hệ thống và khoa học không mang tính cách “lừa đảo” từ nơi người giáo chủ lẫn giáo hội như nhiều tôn giáo khác đã làm, thì thế nào có thể gọi là “mê tín dị đoan”? Một tôn giáo chân thật, hoàn toàn thiện, một giáo pháp hoàn chỉnh, một đường lối tu để “hoàn thiện lấy chính mình” và xã hội, một chủ trương mọi chúng sanh đều như nhau, bình đẳng từ bản chất cho đến tính Phật, thì không thể nói là “mê tín dị đoan” được.
Người ta  bảo rằng: “đạo Phật là đạo cho người chết”, vì người ta thường thấy những nhà tu hành thường hay tụng niệm cho người chết. Nhưng người ta không nghĩ rằng, mọi tôn giáo đều có phần dành riêng cho người chết, vì tôn giáo nào cũng có phương hướng đưa linh hồn người chết về nơi cõi thiên đàng, dù là cảnh đó có thực hay do sự tưởng tượng của vị giáo chủ. Những thiên đàng, những hình ảnh tốt đẹp nhất nhằm đáp ứng cho sự mong muốn của người trần gian, trong cuộc sống đầy đau khổ, mà họ mơ ước. Điều này cũng khiến cho những giáo hội qua những người học cao, học rộng lại càng thêu dệt thêm để lừa đảo tín đồ của họ, lừa đảo những người thiếu nhận thức, suy nghĩ. Người ta đâu hiểu rằng: Theo đạo Phật, thần thức người chết trong trạng thái chơi vơi ấy cần đến sự câu thông, giúp đỡ của chư Tăng,Ni và nhiều người hỗ trợ tinh thần, đem Phật pháp đến với họ để họ được nhẹ nhàng và cũng nhờ đó như là một thứ ánh sáng để soi rọi con đường tốt hơn cho họ đi tới của một kiếp sau. Việc tụng niệm để cho “tâm thức” của người chết như vậy không phải là mê tín dị đoan, mà là một phương thức cứu độ những vong hồn đã chết. “Cầu siêu” cho những linh hồn để họ hiểu được Phật pháp mà đi tái sinh ở cõi an lành, không còn lẫn quẫn trong cõi vô hình hay “làm ma” để đôi lúc phá phách  người khác; và chính đó cũng là “cầu an” cho người sống vậy. Trọn cả hai đều có ích lợi, thì không thể gọi là mê tín dị đoan được.
Trong các chùa cũng như tư gia Phật tử thường hay cúng kiến có tục đốt vàng mã. Đây là tập tục của thế gian trong đạo Phật không có. Với tinh thần hiếu thảo của người Đông phương theo Nho giáo, lần lần xen vào trong hình thức tế lễ của Đạo Phật nên trở thành “tập tục” trong nghi lễ đạo Phật, chứ thật ra trong đạo Phật không có kinh nào đề cập đến. Cho đến các việc “ xin keo, bói toán, lắc thăm, coi ngày tốt xấu, cúng sao, giải hạn cũng không có trong kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên chúng ta hiểu rằng: Ngày xưa có nhiều người Nho học,Đạo sĩ, các Thầy đồ, Thầy thuốc những việc làm nói trên đều do những vị này thực hiện. Ngày nay người am hiểu Nho học không còn, Đạo sĩ, Thầy đồ không có, nên họ đến các chùa để nhờ các sư giúp và từ đó nó trở thành cái “ nghề ” trong đạo Phật. Đã là tập tục thành thói quen, dù muốn dù không khi có việc tang ma, cưới hỏi, xây dựng, khai trương v.v. không ai là không chọn ngày giờ tốt xấu. Mặc dù không phải tập tục trong đạo Phật, nhưng các nhà sư phải thay thế cho các Thầy Nho, Đạo sĩ, Thầy đồ, tùy thuận chúng sanh, lấy mê độ mê lần hồi gieo duyên với họ đi lần vào Phật pháp.
Đạo Phật không chủ trương mê tín, đạo Phật là đạo  “Trí tín”  tức lấy trí tuệ để tin, chứ không phải bịt mắt tin càng. Những tập tục dân gian nói trên đều do nhu cầu của quần chúng mà các sư phải kiêm nhiệm thêm các vấn đề ấy. Chúng ta nên hiểu đó không phải là của Đạo Phật đó là vấn đề cá nhân theo thị hiếu, theo sự yêu cầu của dân gian mà thôi.
Đạo Phật là Đạo hướng dẫn chúng sanh khai hóa Trí tuệ dẫn dắt chúng sanh tiến đến giác ngộ giải thoát, tất nhiên Đạo Phật không thể đem điều mê tín dị đoan đến cho chúng sanh được. Nhưng trong quá trình phát triển, Đạo Phật đã đi qua các quốc gia lãnh thổ hòa nhập với “tín ngưỡng nhân gian” của từng địa phương mà có ít nhiều biến thái đổi thay, để rồi qua thời gian dài người ta cử nghĩ là Đạo Phật là đạo mê tín dị đoan.  Đạo Phật là Đạo của Chân lý, đã là Chân lý thì dù cho ai xuyên tạc, hay hiểu lầm, bao giờ nó vẫn là Chân lý.
   (Trích một phần và dựa theo: Nguồn: daophatngaynay,com
     (trích: Luật tín ngưỡng tôn giáo- Tìm hiểu về lễ hội-tín ngưỡng)
    Áp dụng: từ 01-01-2018)
{]{

ĐẠO PHẬT VÀ TÍN NGƯỠNG NHÂN GIAN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét