Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

LÒNG TỪ BI

LÒNG TỪ BI

         Có một vương tử tên là Bồ Đề, ông ta xây một lâu đài nguy nga tráng lệ, vì thế ông muốn đức Phật một người đầy đủ phước báu và được mọi người tôn kính chính là người đầu tiên bước chân vào tòa lâu đài của ông.
         Sau khi vương tử Bồ Đề thỉnh đức Phật đến nhà và được nhận lời, ông đã tất bật chuẩn bị mọi thứ để nghinh đón đức Thế Tôn. Đáng chú ý là ông trãi một tấm vải trắng từ trong nhà mình, xuống tới tam cấp và ra thẳng đến cổng. Khi đức Phật cùng các đệ tử đến ông thỉnh Phật hãy đặt chân lên tấm vải trắng này và bước vào lâu đài. Đức Phật im lặng và đứng tại chỗ, lần thứ hai Bồ Đề tiếp tục thỉnh nữa, đức Phật vẫn đứng im lặng, và lần thứ ba tiếp tục thỉnh nữa, đức Phật vẫn đứng im lặng.
         Lúc đó Tôn giả A Nan hiểu được ý của đức Phật, nên nói như sau: “Đức Thế Tôn không thể để chân mình bước trên tấm vải trắng vì Đức Thế Tôn đang nghĩ đến những người nghèo khó không có manh vải che thân”. Thế là vương tử Bồ Đề nghe lời cuốn tấm vải trắng đó lên và lúc đó đức Thế Tôn đi vào tòa lâu đài trên đường không còn trải vải trắng.. Sở dĩ Đức Phật không bước lên tấm vải trắng mà vương tử Bồ Đề đã trãi để đón tiếp Ngài là vì đức Phật đã nghĩ đến những người nghèo khổ còn khó khăn về ăn mặc. Đây là một trong vô số trường hợp nói về lòng từ bi sâu sắc mà đức Phật đã thể hiện trong cuộc đời Ngài. Chỉ có đạo Phật mới có thể phản ánh trọn vẹn ý nghĩa của chữ “Từ bi” và chỉ có đức Phật là người làm trọn vẹn điều này.
Từ bi không có nghĩa đơn giản là “xót thương” người khác một cách thụ động và tiêu cực, mà ngược lại từ bi là một sức mạnh tích cực đưa ta thẳng  vào hành động từ nhỏ nhặt đến lớn lao, trong mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của khổ đau.
        Một vị hòa thượng đi chặt củi trên núi trở về chùa, trên đường gặp một cậu thanh niên đang bắt một con bướm, hai tay cố giữ con bướm không cho bay mất. Khi nhìn thấy Hòa thượng cậu thanh niên cất lời: “Thưa Hòa thượng cháu và Hòa thượng đánh cược một ván được không, Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? nếu ngài nói sai, bó cũi sẽ thuộc về cháu. Vị Hòa thượng đồng ý đoán: “con bướm trong tay cháu chết rồi ”. Cậu thanh niên cười lớn đáp “ Ngài đoán sai rồi ”. Nói xong cậu thanh niên mở tay ra con bướm từ lòng bàn tay bay lên.
         Hòa thượng nói: “được, gánh cũi này thuộc về cháu”. Nói xong ông đặt gánh cũi xuống, vui vẻ bước đi về chùa. Cậu thanh niên về nhà, cha cậu nghe hết câu chuyện, và nói với cậu con trai với giọng trách móc: “Con ơi, con hồ đồ quá rồi, con nghĩ là con đã thắng sao? con không hề biết mình đã thua đó sao?  Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu con trai gánh bó cũi lên vai và hai cha con mang cũi đến trả cho chùa.  Khi gặp Hòa thượng, người cha liền cất tiếng: “ Thưa Thầy, con trai con đắc tội với Thầy, xin Thầy lượng thứ ” vị Hòa thượng gật đầu mỉm cười và không nói gì.
         Trên đường về nhà, người cha mới giải thích cho cậu con trai hiểu rằng, vị Hòa thượng đã cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả con bướm ra, và thắng được gánh củi. Nếu ông nói con bướm còn sống, con sẽ bốp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Vị Hòa thượng thua một bó cũi nhưng đã thắng được một thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi, còn con, con đã thua đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.
         Từ bi với chính mình: Lòng từ bi không phải chỉ để ứng dụng đối với người khác mà còn bao gồm luôn cả chính bản thân mình nữa.Vì mình cũng là một chúng sanh, vì sao ta không thực hành hạnh từ bi với chính bản thân mình, là không để cho những thứ thị phi, ganh tỵ, giận hờn, đàm tiếu khiến cho mình bị phiền não đau khổ. Làm cho mình giảm bớt tâm tham lam, giận hờn ích kỷ, đó là từ bi với chính mình.
         Đức Phật đã dạy: “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi ”. Đức Phật dạy có nghĩa là để từ bi cho người khác trước hết hãy từ bi với chính mình. Rõ ràng là khi nói đến từ bi là chúng ta thường liên tưởng đến từ bi đối với người khác, thậm chí cho đến tất cả chúng sanh. Nhưng hãy “tự thắp đuốc ” để tự độ mình rồi mới độ tha. Chính nhờ từ bi với chính mình mà ta mới thấu hiểu cách nào để rộng mở lòng từ bi đến mọi người./.
                                Trích VHPG số: 284- 1-11-2017- Nguyễn Hữu Đức

LÒNG TỪ BI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét