Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRÊN BÌNH DIỆN NHÂN SINH



ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRÊN BÌNH DIỆN NHÂN SINH
          
     Đạo Phật xuất hiện cách đây 25 thế kỷ, trải qua bao nhiêu cuộc thăng trầm của lịch sử, từng chịu đựng biết bao sự thử thách nghiệt ngã của thời gian, nhưng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Như thế tất nhiên Phật giáo phải  tiềm tàng những chân lý vượt cả thời gian và không gian. Và những chân lý ấy phải phù hợp với mọi căn cơ của chúng sanh, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của mọi thời đại. Người ta có thể gọi đạo Phật là một tôn giáo từ bi, một hệ thống triết học hoàn chỉnh, một nền đạo đức nhân bản v.v... Tất cả những yếu tố đó được bao gồm trong ba tạng giáo điển là Kinh, Luật, Luận. Trong ba tạng ấy, Luật tạng được xem như môn đạo đức Phật giáo nhằm hướng dẫn cuộc sống thực nghiệm, chuyển hóa con người, cải tạo xã hội trở thành chân thiện mỹ. Tinh thần giáo lý của Đức Phật có thể được cô đọng trong bốn câu kệ:
                   Không làm các điều ác
                   Vâng làm các hạnh lành
                   Giữ tâm ý trong sạch
                   Chư Phật dạy như thế.
Dựa trên những nguyên tắc tổng quát đó đức Phật đã chế ra giới luật theo các từng lớp khác nhau. Tuy chia nhiều thứ lớp, nhưng căn bản vẫn là năm giới và thập thiện giới, các giới khác chỉ là cụ thể hóa chi tiết những giới này mà thôi. Năm giới không những là nguyên tắc đạo đức vô cùng thiết thực cho người Phật tử mà còn rất cần thiết cho hết thảy mọi người ở mọi thời đại, nếu nhân loại muốn thiết lập một đời sống gia đình hạnh phúc, xây dựng một xã hội ổn định và kiến tạo một đất nước thanh bình. Giới thứ nhất không sát sanh, là tôn trọng sự sống của muôn loài, là nêu cao đạo đức hiếu sinh của đạo phật. Giới thứ hai không trộm cắp là tôn trọng tài sản của kẻ khác, là sống theo lương tâm và lẽ phải. Giới thứ ba không ngọai tình, là bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình và tôn trọng hạnh phúc của kẻ khác. Giới thứ tư không vọng ngữ là tôn trọng sự thật, giữ lòng thành tín với mọi người. Giới thứ năm không uống rượu là bảo vệ sức khỏe, giữ gìn tâm trí sáng suốt.
Đó là những nguyên tắc đạo đức cơ bản mà đức Phật đã đề ra cho các Phật tử thực hành hầu đem lại hạnh phúc cho bản thân mình, an vui cho kẻ khác ngay trong đời này và những cuộc sống mãi về sau.
Chúng ta thấy trong kinh điển, đâu đâu cũng có lời dạy về sự công bằng, lòng nhân ái, đức chính trực về sự khiêm tốn phục thiện v.v...Người phật tử chân chính không được hiếp đáp kẻ cô thế, không được vu oan gián họa bất cứ một ai, không được vô cớ hủy báng những người hiền lương đức hạnh. Lại càng không được ham mê danh lợi, dựa thế kẻ cầm quyền để dọa nạt, giành giật và chiếm đoạt tài sản của cá nhân, của tập thể của xã hội một cách bất lương. Đức Phật rất am hiểu tâm lý của chúng sanh là dễ xu hướng theo những tật xấu mà khó phát huy những đức tính tốt, bởi vì tật xấu như loài cỏ dại không gieo hạt mà nó vẫn sinh sôi nẩy nở tràn lan, còn đức tính tốt như loài hoa quý phải tưới nước bốn phân, nắng che gió chống, nó mới dâng hiến cho đời những hương sắc xinh tươi. Do vậy, đức Phật đã hệ thống hóa những lời dạy của Ngài thành những giới điều, những nguyên tắc sống, khiến các đệ tử phải tuân thủ một cách nghiêm nhặt, hầu nâng cao phẩm giá của mình, đem lại an vui cho kẻ khác.
Nói thế sẽ có người hỏi: Những điều nêu trên thì luật pháp của nhà nước cũng từng đề cập đến, thế thì pháp luật và giới luật có gì khác nhau? Pháp luật mang tính chất răn đe trừng phạt. Giới luật có tính chất tự giác, khuyến khích, pháp luật chỉ chữa trị ở phần ngọn, giới luật chữa trị ở phần gốc, Pháp luật chỉ trừng trị những tội phạm khi đã phát sinh bằng hành vi của thân và miệng. Giới luật ngăn chận những lỗi lầm khi chưa phát sanh, còn manh nha từ trong ý tưởng, pháp luật căn cứ trên hậu quả của hành vi mà quy định. Giới luật dựa trên định lý nhân quả mà thiết lập.
Một người phạm pháp có thể che giấu mọi người chung quanh, che giấu pháp luật nhà nước, có thể dùng những mánh khóe khôn ngoan để chạy tội, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, nhưng họ không thể nào trốn tránh được sự trừng phạt của lương tâm, của tòa án nhân quả. Không thể nào phạm tội giết người mà an vui tự tại, không thể nào lường gạt, thụt két mà hưởng được giàu sang sung sướng. Không thể nào ngoại tình lang chạ mà có được hạnh phúc ngọt ngào của tình yêu chung thủy. không thể nào lừa bịp, gian dối mà muốn mọi người tôn trọng. Không thể nào rượu chè bê tha mất hết trí khôn mà còn giữ được lương tâm, sống trái lẽ phải, làm điều bất thiện mà tạm được yên ổn, chẳng qua là ác quả chưa đến đó thôi.  Khi ác quả đã chín, thì nhân nào sẽ trỗ quả nấy, như tục ngữ có câu “ trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu ”.
Pháp luật chỉ là những quy ước của xã hội, nhằm kiềm chế những kẻ xấu, không cho gây rối loạn trật tự xã  hội, không cho xâm phạm đến quyền lợi của kẻ khác. Nó chỉ đối trị những hậu quả mà không thể ngăn chận mầm móng tội ác còn đang manh nha.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta muốn cổ xúy xã hội rối loạn pháp luật. Bao lâu chưa có một giải pháp nào tốt đẹp hơn thì pháp luật vẫn là những quy định cần thiết nhằm xây dựng một xã hội có kỷ cương. Điều đó thiết tưởng không ai dám phủ nhận. Nhưng điều quan trọng hơn hết chính là những người có trách nhiệm duy trì pháp luật phải nêu cao gương tốt, có như thế mới khích lệ mọi người tuân hành pháp luật một cách nghiêm túc.
Tóm lại, để ngăn ngừa các hành vi tội ác, xây dựng mẫu người mẫu người đạo đức lý tưởng, kiến tạo một xã hội an lành thật sự, thiết tưởng chúng ta nên tìm trong di sản quý báu của cha ông chúng ta để lại rút ra những bài học sinh động, thực tiển, từng được thể nghiệm có kết quả tốt nhất mà dùng làm phương thuốc cứu chữa căn bệnh suy thoái đạo đức trầm trọng như hiện nay. Phải chăng đó là hoài bảo mà các nhà trí thức tâm huyết từng trăn trở và lo âu cho tiền đồ của dân tộc và tương lai xứ sở, thiết tha mong muốn, và có lẽ đó cũng là niềm thao thức kỳ vọng của mọi người con dân nước Việt yêu nước thương nòi./.
{]{
Mục đích tối hậu của Thiền là chứng ngộ, là Tuệ giác, đạt tới nhờ định lực. Tuệ giác là sự chứng nhập chân lý của thực hữu và của sự sống. Tình tự thắp sáng hiện hữu tạo nên định lực đạt tưới Tuệ giác là Tam vô lậu học. Chữ giới trong đạo Phật phải được hiểu theo nghĩa chánh niệm nó mới phù hợp vời trình tự Tam học. Giới không thể chỉ là những điều luật lệ ngăn ngừa, chấp vào những luật lệ ngăn gừa mà không thấy được công dụng của chúng để rồi kẹt vào phương tiện mà cho là cứu cánh, điều này được gọi là giới cấm thủ.               
{]{
Người xuất gia được gọi là bậc “Chúng Trung Tôn” có nghĩa là người chơn tu thạc đức, thật học uyên thâm hơn hẳn thế gian gấp bảy lần về sự hiểu biết. Thất tri thất thiện pháp: Biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết đủ, biết mình, biết người và biết luật.
{]{
Kinh Tâm Địa Quán: Phật dạy: Người giữ gìn giới luật dù xuất gia chỉ trong một ngày đêm cũng được 200 vạn kiếp không sa đọa ác thú, người đó được sanh Tịnh độ, hưởng phước thù thắng, gặp thiện tri thức vĩnh viễn không thối chuyển, thường gặp Phật lãnh Bồ đề thọ ký, ngồi tòa Kim cang thành bậc chánh giác.
{]{
Kinh Đại Thừa Lý Thú ba La Mật: “Trước hết tự xét mình, xa lìa buông lung, giữ gìn tịnh giới, rồi sau mới vì người mà nói chánh pháp thì chúng sanh nghe theo liền tín thọ phụng hành ”
{]{
Kinh Địa Quán Đảnh: “Bố thí cho bốn phương thiên hạ suốt 100 năm, được công đức không bằng một ngày một đêm gìn giữ giới luật  
{]{
         Giác Hoàng Điều Ngự: “Phù thế gian tối quá gia, bất như xả tục xuất gia, nhược đắc vi tăng tiên thọ nhơn thiên cúng dường, tác Như Lai đệ tử, giữ Hiền Thánh  chi tôn thân”
“Lành thay bậc Đại Trượng phu, biết rõ cõi thế vô thường, bỏ trần tục hướng Niết bàn, thật hiếm có, công đức khó nghĩ bàn ”
{]{
Kinh Hoa Nghiêm:“Giới luật là vị thuốc hay trừ được bịnh phiền não, như đấng cha mẹ giúp con qua cơn đau khổ, là chiếc cầu bắt ngang sông sanh tử, là đèn soi đêm tối si mê”
{]{
Kinh Trì Địa “ Nguyên nhân để được 32 tướng tốt không gì khác hơn là do nghiêm trì giới luật. Nếu trước không trì giới luật thì nay mong làm thân người hạ tiện còn không được thay, huống gì lại được quả báo thân tướng đại nhân ”
{]{
   Kinh Niết Bàn: “Nếu không có hộ trì giới luật, làm sao thấy được Phật tánh, tất cả chúng sanh dù sẳn có Phật tánh, nhưng phải nhờ trì giới, sau đó Phật tánh mới hiển lộ, nhân thấy được Phật tánh mới chứng được giác trí ”
{]{
Kinh Phật Tam Muội “Người tu hành phạm trọng giới luống  thọ của tín thí, tôi nặng hơn giết 8 vạn 4 ngàn cha mẹ”
{]{
Luận Trí Độ: “Nếu người nào muốn cầu sự lợi ích lớn trước hết phải kiên trì giới luật như quý ngọc châu báu, như giữ thân mạng, vì giới luật là chỗ an trú của tất cả thiện pháp ”
{]{
Ngũ Bách Vân Sư “Nếu sống theo giới luật là thấy được pháp thân, nên hộ trì giới pháp tức là hộ trì chư Phật. Như nữa tháng thuyết giới tức là thấy Như lai vậy
{]{
Sáu điều kiện tạo cho người tu trở nên chân chính, tự độ mình và độ người khác đó là: không tham, không tranh, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối”
Lục đại tông chỉ của Thiền sư Tuyên Hóa, tại  Vạn Phật Thánh Thành. Los Angeles California, Hoa Kỳ. Bài kệ nói lên sự quyết tâm tu hành của mình cũng như khuyên dạy tứ chúng: “ Dù rét chết không phan duyên, dù đói chết không van nài, dù nghèo chết không cầu cạnh. Tùy duyên không đổi, không đổi tùy duyên, ba tông chỉ ấy, ta phải giữ gìn, xả thân vì Phật sự
{]{
Thiên vũ tuy khoan, nan nhuận vô căn chi thảo
Phật môn tuy quảng, nan độ bất tín chi nhân.
  (Trời mưa tuy rưới khắp, khó tưới thấm cây cỏ không gốc
 Cửa Phật tuy rộng lớn, khó độ đặng kẻ không lòng tin)
{]{
   Trong các thứ khổ, thì không có khổ nào bằng sự giết chết tánh mạng của chúng sanh. Trong các thứ vui thì không có cái vui gì bằng cứu mạng cho họ. Do đó Bồ Tát không sát hại chúng sanh mà còn tìm cách cứu chúng sanh bằng lối phóng sanh.
{]{

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRÊN BÌNH DIỆN NHÂN SINH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét