Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

LỤC HÒA


LỤC HÒA

         Lục hòa là sáu nguyên tắc trong đạo Phật mà mỗi thành viên cùng sống chung trong một tập thể cần phải biết để ứng dụng trong việc tu tập của mình để đạt mục tiêu giải thoát và giác ngộ. Sáu nguyên tắc này nó không phải là loại giới bắt buộc mọi thành viên phải giữ, nhưng một khi không thực hiện được trọn vẹn hoặc vi phạm một trong sáu nguyên tắc này, thì thành viên đó không xứng đáng và không đúng nghĩa danh từ của tập thể này gọi là Tăng. Tăng là từ dịch từ tiếng phạn gọi là Sangha gọi là Tăng già  là đoàn thể đệ tử xuất gia của Phật sống chung từ bốn người trở lên. Để được gọi là Tăng mỗi thành viên phải hội đủ sáu nguyên tắc gọi là lục hòa kỉnh. Như vậy bản thể để hình thành Tăng là lục hòa. Ý nghĩa của lục hòa bao gồm cả vật lý tâm lý trong hai nghĩa là thanh tịnh và hòa hợp. Có hòa mà không thanh tịnh, thì gọi là hòa phi pháp, phi luật. Thanh tịnh ở đây chỉ cho sự tuân thủ giới luật và tư tưởng vô tham vô sân vô cầu, vô chấp v.v... Như vậy để thực hiện đủ sáu nguyên tắc gọi là lục hòa này mỗi thành viên phải hội đủ. Nếu không hội đủ sáu nguyên tắc này thì không còn là lục hòa mà tạo nên không khí sinh hoạt trong tập thể gọi là “lục đục” gây ra nhiễu loạn sự sinh hoạt chung của tập thể và cá nhân không đem lại sự phát triển cho giáo hội đồng thời không khởi lòng chánh tín đối với ba ngôi Tam Bảo.
         Hòa trong Phật giáo không như hòa của thế gian, thế gian hòa là để cùng nhau hợp lực tranh đấu đạt cho được mục đích của họ muốn thành công. Hoặc hòa vì họ bất lực chịu thua không đủ sức chống cự nhau. Hòa này chưa đúng nghĩa của hòa, vì một bên thắng một bên thua. Bên thắng thì vui mừng, bên thua thì đau khổ uất hận. Thế thì trong tâm của bên thua luôn nuôi mối hận sẽ trả thù. Hòa như vậy chưa đúng nghĩa gọi là hòa. Hoặc là hòa để nghỉ ngơi đủ sức và đủ điều kiện thì người ta tiếp tục tranh đấu lại, gọi là hòa chiến. Hai bên tạm hòa rồi sau đó chiến đấu lại với nhau. Hòa trong đạo Phật bao gồm cả tâm lý vật lý cùng với lý tưởng để cùng nhau hướng đến mục đích là giác ngộ và giải thoát, cho nên khác với các hòa của thế gian. Thế gian có thể hòa nhưng không đồng.
         Phật giáo được tồn tại và phát triển là nhờ áp dụng sáu nguyên tắc trong tập thể này là Lục hòa. Sáu nguyên tắc này không ép buộc mỗi người phải tuân thủ như giới luật quy định, nhưng nó khiến mọi người phải tự thân thực hiện. Tính chất lục hòa như tính của nước gặp lạnh thì đông, gặp nóng thì bốc hơi, gặp khô thì thấm, gặp trủng thì chảy …nên nó có hai tính Hòa và  Đồng.
         Sáu yếu tố lục hòa bao gồm ba nghiệp: Thân, khẩu, ý, kiến giải, giới luật và vật chất. Tức thân không đấu tranh giành chổ ở, địa vị… Khẩu không nói những lời thô lỗ cộc cằn…ý không bất mãn, không hiềm khích…. Sự hiểu biết cùng nhau chia sẻ trao đổi…giới luật tuân thủ không vi phạm, không khinh thường….vật chất chia đều không dành phần hơn về mình… Sáu yếu tố này bao gồm vật chất và tinh thần trong một tập thể. Nhưng sáu yếu tố này ở thế gian có thể thực hiện đủ cũng chưa gọi họ là Tăng được vì họ không có lý tưởng giải thoát và giác ngộ như người tu theo Phật. Một tập thể nếu có đủ hai tính Hòa và Đồng sẽ tạo nên trật tự, hài hòa, nhịp nhàng, không chống chọi nhau. Tập thể ở thế gian “Đồng”  thì dễ nhưng “Hòa” thì rất khó. Tập thể của thế gian nếu cố gắng chỉ khiến mọi thành viên đi vào khuôn khổ của “Đồng” còn muốn có “Hòa” một cách nhịp nhàng, nhu thuận, tự nhiên thì tất phải có sự tu tập và thực nghiệm thường xuyên về tính cách vô ngã duyên sanh của mọi sự mọi vật. Mỗi cá thể phải quên đi cái ngã của mình thì mới hòa được với đời sống tập thể. Điều cốt lõi của lục hòa là phá ngã, vô chấp, dù đức Phật không công khai nói ra, nhưng mỗi người tu tập tại gia hay xuất gia đều phải cảm nhận được qua sinh hoạt tập thể của mình. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Học Phật là học về cái vô ngã, Học về cái vô ngã là để quên ngã. Quên cái ngã là được đánh thức trong mọi sự mọi vật, hay quên mình là mở ra chính mình”.
          Vì vậy, để sống đúng với tinh thần lục hòa, trước hết mọi thành viên phải thường xuyên thực nghiệm tính duyên sanh vô ngã đối với bản thân mình và mọi sự mọi vật, thì lục hòa mới hoàn hảo. Vì thế, đệ tử xuất gia cũng như tại gia được gọi là Tăng già. Tức Tăng đoàn được hội đủ bởi sáu nguyên tắc hòa kính. Nói đến Tăng là nói đến Hòa, Tăng mà không Hòa thì không phải Tăng, là đệ tử chân chánh của Phật. Vậy mỗi cá thể tu tập theo Phật pháp xem lại bên trong và bên ngoài đời sống tu tập của mình đã tương xứng và hội đủ lục hòa chưa, mới mong đạt đến giải thoát và giác ngộ cho mình và cho tất cả chúng sanh./.
˜]

LỤC HÒA Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét