Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

TỔNG QUAN VỀ GIỚI HỌC


TỔNG QUAN VỀ GIỚI HỌC

Những quy tắc đạo đức có một vị trí rất quan trọng trong hầu hết các tôn giáo. Pháp luật hay các quy ước là điều cần thiết đối với bất cứ thành viên nào trong xã hội. Trong mỗi gia đình nếu không có quy tắc, gia đình ấy sẽ xảy ra bất đồng; một quốc gia nếu không có phép nước, thì quốc gia đó sẽ rối loạn. Trong Phật giáo cũng vậy, giới luật đóng một vai trò vô cùng đặc biệt. Giới được xem là mạng mạch của đời sống Tăng già. Vì vậy, trong đời sống sinh hoạt của Tăng đoàn hầu hết các quy tắc đặt ra là để phòng hộ, ngăn chặn các hành vi, lời nói bất thiện của Tỳ kheo do tham lam, sân hận hay si mê chi phối. Giới là để chế ngự các bất thiện pháp, phụng hành các thiện sự, và thanh tịnh các tâm hành.
Giới là một trong Tam vô lậu học,  giới , định và tuệ. Con đường thanh tịnh hay con đường giải thoát đưa chúng sanh đến bờ an vui giải thoát. Lý do giới được đặt ở đầu tiên và đặc biệt nhấn mạnh vì là giới là nền tảng của tất cả các thành tựu tâm linh. Chính Đức Phật đã xác tín với môn đệ của mình rằng, giới luật là nền tảng của sự tiến bột tâm linh. “Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ”. Sự hoàn hảo trong giới đánh dấu giai đoạn đầu tiên trong sự phát triển đời sống tinh thần của người đệ tử phật. Những lời khích lệ của Đức Phật với chúng đệ tử trong vấn đề tuân thủ giới luật được tìm thấy nhiều trong kinh tạng Nikaya, đôi khi Đức Phật dạy cho từng cá nhân nhưng có khi Ngài giáo giới cho toàn bộ đại chúng. Điều này cho thấy rằng giới luật là nền tảng căn bản của nếp sống thiền môn. Công việc đầu tiên của người tu tập là phải thọ trì giới pháp để thực hành, nhằm điều chỉnh lại các oai nghi chánh hạnh theo tinh thần giới luật, gạt bỏ những thói hư tật xấu để hoàn thiện tư cách tác phong của người xuất gia học đạo.
Ý nghĩa giới học: Nói về giới cả hai ngôn ngữ Pali và Phạn đều dùng thuật ngữ Sila. Về Phạn văn, tác giả Arthur Anthony Macdonell định nghĩa: “Giới là thói quen hay tập quán, phong tục, sự thu thúc, đặc tính, hành vi, sự ứng xử tốt hay thói quen, tính cách cao thượng, ngay thẳng , quy tắc đạo đức…”. Về Pali, ngài Buddhadata Mahathera  định nghĩa: “Giới là sự tự nhiên,, thói quen, đạo đức, thực hành, giới luật”. Giới theo nguyên nghĩa của nó là tự nhiên, là thói quen,. Do vậy, giới vốn là thực tại với quy luật vận hành, nếu hành động trái với quy luật tự nhiên thì gặp trở ngại. Qua đó, ta hiểu rằng giới là chuẩn mực để đánh giá hành động đúng hay sai, điều gì nên làm và điều gì không nên làm, để thoát khỏi mọi trói buộc khổ đau. Giới được định nghĩa là phòng phi chỉ ác. Như Đại Trí độ luận nói: “Dứt ác không làm trở lại gọi là giới”.
 Từ điển của Rhys Davids cắt nghĩa, giới (sila )  có gốc ngữ căn Sil. Ngữ căn Sil có hai nghĩa: Upadharana ( luân lý, đạo đức của Phật giáo, cách cư xử, tư cách đạo đức ) và samadhi ( định, thiền ) . Do vậy, mà có thuật ngữ Định cộng giới, và Đạo cộng giới, vì khi ở trong thiền định tam nghiệp luôn thanh tịnh thì đó là giữ giới.
  Giới cũng được dịch là  “thanh lương ”, nghĩa là mát mẻ, vì giới có công năng dứt ba nghiệp quấy ác thiêu đốt. Thanh tịnh đạo luận giải thích rằng: “Tránh xa cực đoan mê đắm dục được nêu bằng giới. Giới là phương tiện để vượt qua khỏi các đoạ xứ, đề phòng sự vi phạm  những điều ô nhiễm và thanh lọc những ô nhiễm do tà hạnh”.
  Giới được gọi như thế là vì nó có nghĩa của sự kết hợp. kết hợp có hai nghĩa: một là phối hợp, chỉ sự không bất nhất trong ba nghiệp thân, khẩu, ý nhờ đức hạnh, hai là nâng lên, nghĩa là giới là nền tảng cho các thiện pháp. Thuật ngữ giới bao gồm các nội dung tương tự khác như sự kiềm chế và bất hại. các chức năng của giới có hai ý nghĩa: 1/ hành động để ngăn chặn hành vi sai trái và 2/ thực hành hoàn thiện các việc lành. Biểu hiện của nó là một sự kết hợp của hai đức tính tàm và quý. Vì tàm và quý là nhân gần của giới. Khi tàm quý có mặt thì giới phát sinh và tồn tại, ngược lại nếu không có tàm quý thì sẽ hành động như cầm thú.
Giới còn có hai nghĩa: Tác trì và chỉ trì. Giới tác trì dựa trên thực tế phát triển điều lành, và giới chỉ trì là dựa trên tránh làm việc ác. Nói cách khác, tất cả quy tắc đạo đức, là những hình thức tích cực , đều bao gồm trong giới tác trì. Tất cả các giới luật bao gồm tránh những tệ nạn, giết hại , trộm cắp ….là các hình thức tiêu cực có thể bao gồm trong giới chỉ trì.
 Chữ Giới trong Giới bổn Ba la đề mộc xoa có nghĩa là Biệt giải thoát hay Xứ xứ giải thoát, Tuỳ thuận giải thoát,. Biệt giải thoát là giải thoát từng phần: Giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Tuỳ thuận giải thoát là là giải thoát tuỳ thuộc vào quả hữu vi hay vô vi của người hành trì.
  Trong Thanh tịnh đạo luận, ngài Phật Âm định nghĩa: “Giới là gì?  Đó là các pháp khởi từ Tư tâm sở hiện hữu với một người từ bỏ sát sanh… hay nơi một người thực hành viên mãn các học giới”; Luận thư Vô ngại giải phân tích: “Giới là gì? Có giới là Tư tâm sở, có giới là các tâm sở thọ, tưởng, hành, có giới là sự chế ngự, có giới là không vi phạm”.
 Kinh Di giáo, trong phần trì giới, có liệt kê các mục như sau:1. Kiềm chế tâm; Ăn uống điều độ; 3. Tiết chế ngủ nghỉ; Kiểm soát sự nóng giận; 5. Kiềm chế tính tự buông thả; 6. Bỏ đi tính xu nịnh; 7. Giảm thiểu dục vọng; 8. Biết đủ.
Nói chung, giới có nghĩa là “chế ngự”theo năm cách như sau: Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Ba la đề mộc xoa; chế ngự bằng tỉnh giác, chế ngự bằng tri kiến,  chế ngự bằng kham nhẫn, chế ngự bằng tinh tấn. Giới có nghĩa là  “kết hợp”, vì nó kết hợp ba nghiệp thân, khẩu, ý, hướng đến con đường thánh thiện. Giới có nghĩa là “nền tảng”vì nó làm cơ sở cho các thiện pháp phát sinh. Giới còn có nghĩa là thanh lương, vì nó làm cho người giữ giới cảm thấy thân tâm mát mẻ.
   Các định nghĩa trên giúp chúng ta hiểu rõ vai trò và ý nghĩa của giới luật. Người thực hành giới sẽ đạt được ba mục tiêu: Không làm các điều ác (chư ác mạc tác),  làm các việc lành (chúng thiện phụng hành), giữ tâm ý thanh tịnh, loại bỏ hết các lậu hoặc (tự tịnh kỳ ý). Đó cũng là mục tiêu tối thượng của bất cứ ai thực hành theo phật giáo.
Do vậy , trong lời bài kinh cuối cùng trước khi Đức Thế Tôn diệt độ, Ngài ân cần căn dặn chúng đệ tử rằng “Này các Tỳ kheo, sau khi Ta diệt độ, các Thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như người mù mà được mắt sáng, nghèo được của báu, . Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy ”. Người xuất gia luôn lấy giới luật làm cương lĩnh tu tập để chuyển hóa thân tâm, trang nghiêm huệ mạng. Tăng đoàn phát triển đều do nương vào giới luật để thiết lập sự hòa hợp và thanh tịnh. Như vậy, giới luật nhằm ổn định quy củ thiền môn, là áo giáp phòng chống giặc phiền não, là đạo quân tiên phong mở cánh cửa giải thoát. Ta vẫn thấy rằng cả hai truyền thống Phật giáo Nam tạng cũng như Bắc tạng đều xác quyết tầm quan trọng của giới luật.
Ba la đề mộc xoa ( Patimokkha ).   Ba la đề mộc xoa chứa các giới điều của Giới bổn Tỳ kheo và giới bổn Tỳ kheo ni, còn gọi là giới cụ túc. Thuật ngữ này được dịch là “biệt giải thoát”. Do đó, nó liên quan đến nhiệm vụ của Phật giáo để giải thoát cá nhân con người ra khỏi khổ đau mà người đó phát nguyện thọ trì và thực hành theo tông chỉ của giới bổn ấy. Theo nguyên nghĩa thì Ba la đề mộc xoa là hướng tới sự giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.
Theo Đại phẩm thuộc tạng Luật, Ba la đề mộc xoa có nghĩa là sự khởi đầu, người đứng đầu ( hoặc mở lối ), cái quan trọng nhất, phẩm chất khéo léo, hay thiện xảo, ý nói thiện xảo trong sự phòng hộ. Thuật ngữ này không chỉ đơn giản là bao gồm các giới điều để tuân thủ, mà còn của một bài giảng trong đó Đức Phật  liệt kê các nguyên tắc cơ bản chung cho các giáo lý của tất cả chư Phật. Do đó, từ nguyên của thuật ngữ Ba la đề mộc xoa đều biểu thị một tập hợp các nguyên tắc cơ bản để thực hành đạo đức tâm linh. Các học giả như Rhys Davids, Oldenbeng và sau này là Childers đều cùng quan điểm rằng Ba la đề mộc xoa có nghĩa là “gánh nặng được trút bỏ xuống, để đón nhận sự tự do giải thoát”. Trong Thanh tịnh đạo luận, ngài Phật Âm cũng định nghĩa tương tự, nhấn mạnh đến ý thức của hành giả được miễn trừ sự trừng phạt của địa ngục và nổi khổ đau trong luân hồi sanh tử.
 Theo nguồn Pali, Ba la đề mộc xoa có ba nghĩa. – Ba la đề mộc xoa được định nghĩa là cái khởi đầu, là bộ mặt, nó là nguyên tắc của các phẩm chất tốt.
  Bất cứ ai tuân thủ quy tắc của giới Bổn Ba la đề mộc xoa, người đó sẽ được giải thoát khổ đau trong tam đồ ác đạo, vì vậy nó được gọi là Ba la đề mộc xoa.
-  Nó là phẩm chất cao nhất, tuyệt vời nhất, là giới cụ túc, đưa người lên Bậc trên.
 S. Dutt cho rằng Ba la đề mộc xoa nghĩa là “sự thu thúc”. Ông coi đó là mối quan tâm bên ngoài của Tăng đoàn nhằm gắn kết các thành viên đệ tử của Đức Phật vào trong sự thanh tịnh hoà hợp. Trong khi Rhys Davids và Stede  nói rằng nó có nghĩa là “ràng buộc, bắt buộc, nhiệm vụ”. Tức để cho các Tỳ kheo có ý thức hơn trong hành vi cử chỉ của mình. Tiến sĩ E.J. Thomas cho rằng Ba la đề mộc xoa có nghĩa là “ràng buộc”, buộc chặt lại với nhau như chiếc áo giáp; ý nói người chiến sĩ ra trận mà có áo giáp thì không sợ gươm đao, cũng vậy người xuất gia khoát lên mình chiếc áo giáp của giới bổn Ba la đề mộc xoa thì không sợ giặc phiền não tham, sân, si khuấy rối. Do đó, Tỳ kheo có nghĩa là Bố ma (làm cho ma chúng khiếp sợ ) và phá ác ( diệt giặc ác ) là vậy, nên có nghĩa là “sự liên kết, bắt buộc”.
  Giới bổn Ba la đề mộc xoa được đúc kết thành các quy tắc và đã được chư Tỳ kheo đọc tụng hai lần trong một tháng vào dịp lễ Bố tát được tổ chức vào ngày Sóc, Vọng.
Luật ( Vinaya ):  Luật tạng được tạo thành từ các nguyên tắc kỷ luật đặt ra cho việc điều chỉnh các hành vi của các đệ tử của Đức Phật. Nó chứa các quy tắc và quy định về việc quản lý của Giáo hội  Tăng già, và các quy tắc áp dụng cho các hành vi trong cuộc sống hàng ngày của Tăng. Những quy định về việc tiếp nhận đệ tử gia nhập vào Tăng đoàn, những nghi thức sám hối, giải tội; những quy định về pháp an cư, nhà ở, quần áo,  thuốc chữa bệnh,  và các thủ tục pháp lý trong trường hợp ly giáo, cũng được bao gồm trong đó. Tất cả những quy định này đều do Đức Phật ban hành trong những dịp khác nhau và kết thành bộ Luật tạng đầy đủ.
 Luật vốn được dịch từ thuật ngữ “Vinaya”( thuộc cả ngôn ngữ Pali lẫn Sanskrits )  không thể chuyển tải đầy đủ hương vị của từ này, vì nó có nghĩa đen là “cái gì đó được dẫn dắt”. Dẫn ra khỏi những gì? Dẫn ra khỏi khổ đau, đau khổ của tất cả các trải nghiệm trong vòng sanh tử luân hồi. Vì vậy, Luật làm giải thoát những người thực hành theo nó, giải thoát tam nghiệp thân, khẩu, ý trói buộc chúng sanh trôi lăn trong sanh tử. Trong khi đó mục đích của luật là nhằm ngăn chặn các bất thiện pháp từ bên ngoài vào hay bên trong khởi lên, mặc khác nó làm thanh tịnh tâm từ các pháp nhiễm ô, tạo điều kiện cắt dứt phiền não, lậu hoặc.
 Ý nghĩa thực tế của từ  “Vinaya “là thoát ra, bãi bỏ, tiêu huỷ hoặc loại bỏ một cách công khai về những hành vi gây cản trở sự tiến bộ trên con đường thực hành Chánh pháp. Nó có công dụng như những hướng dẫn cần thiết để nghiêm trì giới cấm, đồng thời là những phương thức xử lý hữu hiệu các sự vi phạm giới pháp. Nói một cách tách bạch thì luật bao gồm cả giới, còn “giới “chỉ là một bộ phận của “luật”. Nhưng nói một cách khái quát thì giới và luật tuy gọi khác nhau mà cùng chung một tính chất, vì thế nên có tên ghép là giới luật.
Tóm lại, giới học là chi phần vô cùng quan trọng trong tam vô lậu học. Thành tựu giới là bước đầu tiên mở cánh cửa đi vào giác ngộ, giải thoát. Giới còn được xem như là mạng mạch, huyết quản của Phật pháp. Vì, “Giới  luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật diệt thì Phật pháp diệt ”. Hành giả tu học mà không đứng trên đất của giới thì các bước tiếp theo khó để thành tựu. Thực hành giới là thiết lập một đời sống đạo đức căn bản và thành tựu thiền định và trí tuệ đưa đến an lạc và giải thoát, Niết bàn.  “Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không hối hận, là để được hân hoan, hân hoan để được hỷ,  hỷ để được kinh an,  khinh an để được lạc,  lạc để được định,  định để được chánh kiến, chánh kiến để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để được giải thoát, giải thoát để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ trước Niết bàn”.
  ( VHPG số 331- 15-10-2019- Thích Trung Định )
                             {]{

TỔNG QUAN VỀ GIỚI HỌC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét