Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

NHIỆM VỤ HOẰNG PHÁP CỦA SỨ GIẢ NHƯ LAI


NHIỆM VỤ HOẰNG PHÁP CỦA SỨ GIẢ NHƯ LAI

I- Hoằng pháp: Thế nào là hoằng pháp? Hoằng có nghĩa mở rộng, hoằng pháp là mở rộng Phật pháp, là quảng bá Phật pháp, truyền bá Phật pháp rộng rãi ở khắp mọi nơi. Công việc hoằng pháp gồm nhiều lãnh vực, nhiều phương tiện để Phật giáo lan truyền trong đông đảo con người trong các xã hội, các quốc gia. Ý nghĩa này đồng với các chủ đề, như đạo Phật đi vào cuộc đời, đạo Phật và xã hội, đạo Phật dấn thân, đạo Phật nhập thế. Những lãnh vực và phương tiện hoằng pháp là thuyết giảng giáo lý, thành lập các hội Phật học, mở các khoá tu, khoá giảng, truyền bá tranh tượng, kinh sách, báo chí, các trang Web, nêu gương đạo đức….
Tất nhiên trí tuệ, đạo đức, kỹ năng kiến thức Phật học, phương tiện thiện xảo của Tỳ kheo là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất, vì thuyết giảng là căn bản quan trọng nhất trong sự nghiệp hoằng pháp. Hoằng pháp là việc đưa Phật pháp càng ngày càng mở rộng từ một khu vực đến nhiều khu vực, từ tỉnh thành đến nhiều tỉnh thành, từ một quốc gia đến nhiều quốc gia, đến cả thế giới. Phật giáo Việt Nam đã đóng góp vào việc hoằng pháp ở các nước trên thế giới trong thời đại hiện nay rất có hiệu quả..
Vai trò nhiệm vụ hoằng pháp của vị Tỳ kheo, và không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của người cư sĩ vốn chiếm gồm cả trăm ngàn lần so với chư Tăng Ni, nên rất quan trọng trên công cuộc hoằng pháp. Nhiệm vụ hay vai trò của người cư sĩ rất quan trọng trong việc hoằng pháp, vì không có người cư sĩ  hỗ trợ các phương tiện hoằng pháp, giúp cho Tỳ kheo, thì công việc hoằng pháp không thể thực hiện được. Tất cả tứ sự cúng dường  đều do người cư sĩ cung cấp, nên nói hoằng pháp mà không nói đến người cư sĩ thì hoằng pháp không thể thành công, không thể bền vững, không thể hoàn mãn….
Hoằng pháp thời Đức Phật  rất khó khăn vất vả, đa số phải đi bộ, không có xe cộ máy móc, cầu đường, phải băng rừng vượt suối, qua sa mạc, đối diện với sự nguy hiểm, con người, thú dữ và thiên nhiên… Việc xây dựng tự viện không phải là hoằng pháp, nhưng là phương tiện rất hữu hiệu để phục vụ cho hoằng pháp. Tự viện cũng là nơi để chư Tăng Ni trú ngụ tu tập, học hỏi, rèn luyện để có khả năng hoằng pháp.
II- Sự nghiệp hoằng pháp:   Thời Phật còn tại thế trong kinh ghi 1.250 vị Tỳ kheo tham dự các pháp hội do Phật thuyết, nếu tính ở xa không tham dự thì con số lên đến  cả chục ngàn hay nhiều hơn nữa. Cứ xem các Tinh xá lớn thời Đức Phật thì đủ biết lực lượng hoằng pháp thời Phật rất lớn mạnh ở mức độ nào. Từ các am cốc ở các vùng xa xôi rừng núi, đến khi có giáo đoàn Tỳ kheo đông đảo thì đã có các tinh xá lớn nổi tiếng là đồ sộ, như Trúc Lâm, vương xá, Tỳ Xá Ly,  Cosambi, Xá vệ, Ca Tỳ La Vệ, Ba la nại, .v.v…tính ra khoản 20 tinh xá lớn, lớn nhất là ba Tịnh xá Kỳ Hoàn, Bạt Kỳ và Cù sư La.  Về các Đại đệ tử lớn của Phật trên 10 vị như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Nậu Lâu Đà, Ca Chiên Diên,  Ưu Ba Ly, A Nan v.v.. Các tôn giả nữ như Ma Ha Ba xà Ba Đề, Khema, Liên Hoa Lâm v.v.. Trong kinh Trưởng lão Tăng kệ có nêu danh 264 tôn giả A La Hán. Trong Trưởng lão Ni kệ có nêu 73 vị nữ tôn giả A La Hán, điều này chứng tỏ số Tăng Ni Tỳ kheo thời đức Phật rất lớn.
Truyền thống  vì đạo vào đời mà hoằng pháp vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, chư Tăng là sứ giả của Đức Như Lai, mang thông điệp giải thoát khổ đau, hoà bình an lạc cho chúng sanh. Đến đầu thế kỷ 20 có rất nhiều vị sư nổi tiếng ở châu Á như Silanka, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng đã hoằng pháp và lập chùa, học viện Phật giáo tại châu Mỹ, châu Âu, và châu Đại Dương. Và các Tăng Ni Việt Nam đã hoằng pháp ở các nước cũng khá nhiều, số lượng tự viện Phật giáo Việt Nam đã lên đến 300 cơ sở chùa viện.
III- Hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam .
Từ thế kỷ thứ II Phật giáo đã du nhập vào nước ta do các nhà sư Ấn Độ đi bằng đường biển vào và các nhà sư Trung Quốc đến châu thổ sông Hồng. Từ đó Tăng sĩ Việt Nam bắt đầu hình thành và nhận lãnh nhiệm vụ hoằng pháp tại nước nhà vào thế kỷ thứ XI và XII, đời Lý-Trần, gồm nhiều nhà sư xuất sắc uyên bác, trình độ tu chứng cao, đã hoằng pháp bằng cách thuyết giảng, nêu gương đạo hạnh và đặc biệt để lại các tác phẩm Phật học xuất sắc tăng cường cho việc hoằng pháp, cùng với số lượng Tăng Ni và tự viện đông đảo.
Phong trào chấn hưng Phật giáo từ năm 1930 cũng nhằm tăng cường hiệu quả của công cuộc hoằng pháp cho kịp với các nước ở châu Á và của hoàn cảnh của thế giới lúc bấy giờ. Năm mươi năm tiếp theo, Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển đều đặn, và từ khi có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập thì công cuộc hoằng pháp bước sang một giai đoạn mới với những thành quả to lớn. Hiện nay với khoản 50 triệu tín đồ Phật giáo, 50 ngàn Tăng Ni, 20 ngàn tự viện. Tất cả các ban ngành Phật giáo đều nhắm vào phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp như các ban: Ban Tăng Sự, Ban Giáo dục, Ban Văn hoá, Ban Truyền thông, Ban Phật giáo quốc tế v.v   đặc biệt ban hoằng pháp làm nhiệm vụ thực hiện hoằng pháp và đào tạo các “Sứ giả của Như Lai”. Thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo giảng sư, có kế hoạch kết hợp với các ban khác, nhất là ban Phật giáo quốc tế trong việc gởi chư Tăng ra nước ngoài giảng pháp, cư trú ngắn hạn hay dài hạn tại các nước bạn, hoặc tổ chức các đoàn hành hương, chiêm bái các Phật tích, thánh tích Phật giáo kết hợp với việc giảng pháp. Hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh hơn trước, những thành  quả đạt được  trong nước rất khả quan, nhưng việc hoằng pháp của chúng ta ở nước ngoài muốn đạt kết quả tốt cần phải thêm thời gian.
IV – Phẩm chất của một sứ giả Như Lai:  Một sứ giả Như Lai hay một Tỳ kheo hoằng pháp cần có phẩm chất như sau:
Phẩm chất đạo đức, đạo hạnh cao,  gây được sự tín nhiệm, kính trọng quần chúng để mọi người tin theo nội dung thuyết giảng. Thuyết giảng vì lòng từ bi, muốn cho mọi người được an vui, xã hội được an bình, sống và sinh hoạt phù hợp với giáo lý Phật giáo, không phân biệt mọi tầng lớp sang hèn, giàu nghèo, già trẻ, tôn giáo, tín ngưỡng. Hoằng pháp không nhằm để người không tôn giáo hay có các tôn giáo khác trở thành tín đồ Phật giáo.. Không cực đoan trong thuyết giảng mà cho rằng Phật giáo là duy nhất, đúng nhất, không so sánh các tôn giáo với nhau hay với Phật giáo. Thuyết giảng phải phù hợp với thời đại, không tự kiêu, tự cho mình thuyết giảng tốt, hay đã có nhiều tác phẩm Phật học có giá trị. Trái lại luôn trau dồi phẩm hạnh, kiến thức, học hỏi những vị đã thành công trong việc hoằng pháp.
 Trường hợp hoằng pháp ở nước ngoài cần phải có ngoại ngữ căn bản để giao tiếp, thu hút người nước ngoài đến với đạo phật, thông thạo ngoại ngữ và thuật ngữ Phật học, không chỉ mở rộng đối tượng hoằng pháp cho người Việt ở hải ngoại, mà cón cho quần chúng ở bản địa đó.
V- Kết luận: Sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo đã diễn tiến phát triển không ngừng kể từ thời Đức Phật cho đến nay, từ Ấn Độ lan truyền khắp thế giới, và số lượng tín đồ  Phật giáo hiện nay lên đến hơn ½ tỷ người so với dân số thế giới hiện nay ( 2019 ) là  7,6 tỷ người, tỷ lệ 1/15 con số này chưa chính thức vì còn một số tín đồ  các nước chưa thống kê. Tại Việt Nam dân số 90 triệu người, có khoảng 50 triệu tín đồ Phật giáo tỷ lệ hơn ½. Do đó, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ tín đồ Phật giáo cao nhất so với dân số. Từ đó, có thể kết luận rằng hoằng pháp tại VN đã có thành quả tốt đẹp. Tuy vậy, còn cuộc hoằng pháp ở các nước ngoài, với số người Việt 3,5 triệu người khoảng 300 tự viện của Phật giáo VN, chưa nói đến việc thu hút người ngoại quốc đến với Phật giáo thì hoằng pháp của chúng ta ở hải ngoại cần phát triển nhiều hơn ./.
 ( Trích: Nhiệm vụ hoằng pháp của Sứ giả Như Lai: Thích Giác Toàn-  VHPG số 326- 1-8-2019 )
--T--

NHIỆM VỤ HOẰNG PHÁP CỦA SỨ GIẢ NHƯ LAI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét